Rạp chiếu phim giấc mơ

Năm 15 tuổi, tôi đến gần mẹ, lí nhí xin mấy chục ngàn. Tôi và em trai sẽ đạp xe 5km vào trung tâm thành phố, ngồi trước cửa rạp hát Thanh Bình, và đợi nó mở cửa. Có những buổi trưa 11h30 rày lưng đạp trên con đường dốc lên xuống, tim tôi đập nhanh lầm rầm: “Cầu mong rạp mở cửa”. Sau này em trai tôi lớn, cậu chở tôi cũng trên chiếc xe đạp đó. Nhà tụi tôi ở thành phố vậy đó, mà rạp chiếu phim chỉ có 1 cái thôi.

12178002_10206048003572972_1901506228_n

Rạp Thanh Bình chiếu những bộ phim kỳ lạ. Thời đó tôi đã coi Trân Châu Cảng, giải cứu binh nhì Ryan. Thật không thể tin nổi, khi nhìn cảnh những xác người được kéo lên tàu từ một tấm lưới cá khổng lồ, cảnh nàng Evelyn chạy như điên dại khi nhận ra người yêu của mình còn sống, còn cô thì đã bắt đầu yêu Danny, bạn thân của anh. Dù sau này đã coi hàng trăm bộ phim mỗi năm, tôi vẫn bị xúc động khủng khiếp khi nhớ lại cảnh xác người và gương mặt Evelyn, cũng như tay tướng phát xít Nhật nói, đại ý : “Nếu tôi là một người tướng giỏi, tôi đã không để trận chiến này xảy ra.”

Sự hấp dẫn trần trụi nhất của điện ảnh đã đến với tôi trong khoảnh khắc của cái lưới cá hằng hà sa số xác người trong “Trân Châu Cảng”. Đây là hình ảnh, một thứ hình ảnh khủng khiếp vượt qua tận cùng mọi giới hạn của các bộ môn nghệ thuật khác. Đây là âm thanh, không phải âm nhạc thanh khiết trong nhạc viện, cũng không phải giọng hát nổi loạn ồn ào giữa quán bar. Ở rạp chiếu phim, âm thanh làm một hiện thực chiếm hữu quây lấy mình, bổ túc cho hình ảnh của thế giới khác đang thuyết phục mắt mình tin vào thế giới sau cái màn chiếu phẳng lì đó.

Đã có vô số chiều mưa, tôi đạp xe 5km đến rạp Thanh Bình, mua một tấm vé và ngồi chờ 40 phút trên thềm tam cấp, xong gần như khóc, lủi thủi ra về vì cô bán vé nói: “Hôm nay bán không đủ vé, không chiếu.” – Cảm giác tủi buồn này hình như ám ảnh tôi, đến mức sau này tôi luôn mua suất chiếu muộn nhất trong ngày, để được ngồi im một mình trong bóng tối rạp lác đác vài chục người. Tôi muốn cảm thấy mình là một công dân điện ảnh – có quyền coi phim ngay cả khi không ai thèm coi. Cũng vì thế một lần, tôi đã nổi điên lên giữa rạp Megastar Biên Hòa – khi quản lí rạp nói không chiếu suất đó dù tôi đã mua vé – vì không có ai xem. Cảm xúc xấu xí đó đeo đẳng tôi như đứa trẻ bất lực, vừa buồn vừa đạp xe tắm mưa về nhà mà không xem được phim.

12182108_10206048073174712_576949492_n

Tôi tin vào rạp chiếu phim như một con chiên đến thánh đường cầu nguyện mỗi ngày Chúa Nhật. Có nhiều cảm xúc đã bùng lên trên hàng ghế, trong những pha hành động biến ảo của phim siêu anh hùng, của Tony Stark, Captain America, Người Sói. Có những lần xúc động không động đậy được khi nhìn gương mặt của Leonardo Di Caprio trong Gatsby hay Jango. Nhiều bản nhạc quẫy lên không kìm hãm được, như khi coi Mad Max Les Miserable. Tôi không thể giấu sự ngớ ngẩn là mình đã vô rạp ngồi coi Watchmen 3 lần hay Mad Max 2 lần, dù biết hết xừ nội dung rồi.

Nhiều lần bất hạnh, tôi đi vào rạp chiếu phim, và quay trở ra, thấy tim mình lấp đầy yên bình. Nhưng thiệt tình, những cái rạp chiếu phim như Lotte, Megastar (giờ là CGV) không bao giờ còn đem lại cho tôi cái cảm giác thần tiên của điện ảnh như Rạp Thanh Bình ngày xưa nữa. Có quá nhiều mùi bắp rang. Có quá nhiều tiếng ồn. Người ta vội vàng bật điện khi bản nhạc cuối cùng của credit chưa kết thúc.

Rồi khi tới Bangkok này, tôi đi tìm rạp chiếu phim Scala. Nó được xây từ năm 1967, bán một cái vé giá 120 baht (khoảng 75k VND). Bên ngoài, rạp chưng biển chiếu phim mới giống hệt một bức ảnh rạp chiếu phim ngày xưa ở trong phim Mỹ mô tả. Scala là rạp chiếu phim khổng lồ thực sự, đẹp như một thánh đường mênh mông, giống hệt như Rạp Thanh Bình ngày xưa tôi từng ngồi im ngắm nhìn màn ảnh của nó.

12181961_10206048004052984_1086570196_n

Trong một bộ phim do Tom Hanks diễn, gương mặt ông nhăn nhó bối rối và cảnh bức tường Berlin xám ngoét mùa đông, tôi lại thấy mình được ngồi trong một rạp chiếu phim thuở ban đầu: với hàng trăm ghế, màn hình khổng lồ vô biên, chỉ vài chục khách ngồi xa nhau trong im lặng và bóng tối.

Tôi cảm thấy tim mình xôn xao, ngồi im chân thành đợi đến giờ chiếu trên hành lang tam cấp. Và lần này thì được coi, chứ không phải đạp xe về nhà ấm ức nữa.

Khải Đơn

Advertisement

Comment

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

%d người thích bài này: