Kiểm soát nỗi buồn

Tôi tin rằng rất nhiều phần cuộc sống của mình đã bị bẻ lái theo những vòng cung lộn xộn vì cảm xúc. Một trong số ấy là nỗi buồn. Giống như bạn đang lái xe trên đường thẳng, thình lình nỗi buồn bẻ quặt tay lái, đẩy bạn vào hẻm cụt, đâm đầu vào tường, hoặc lao luôn xuống sông. Tôi không có ý lý trí hoá mọi cảm xúc của tôi hay bạn, nhưng kiểm soát nỗi buồn là điều tôi phải làm hàng ngày, để không thấy mình tự tổn thương hoặc kiệt sức.

IMG_0478

1. Bạn buồn vì cảm thấy mình không là gì cả trong tim người thân.

Tôi từng buồn khi nhóm bạn mình đi ăn cùng nhau, và không một ai gọi mình. Cảm giác bị từ bỏ vậy. Bạn buồn vì em trai cưới vợ, và mẹ nói bạn ra ngoài ngủ đi, nhường cái phòng riêng cho vợ chồng em trai. Cô giáo khen cả nhóm trong đội tuyển học sinh giỏi đã làm tốt, cô không đả động gì đến bạn, vì bạn không có giải cao. Chúng ta buồn vì cái tôi của bản thân bị người khác lờ đi, hạ giá, coi nhẹ. Tại sao ta buồn? – vì ta mong đợi người khác đối đãi với mình quá nhiều. Quá cầu đợi sự o bế, lời khen, tâng bốc của người khác nghĩa là mình trao cả cảm giác hạnh phúc của mình cho người đó. Có đáng không? – tuỳ bạn lượng giá chuyện đó.

Nếu bạn phân tách được ý nghĩ để dẹp bỏ nhu cầu được vuốt ve này, bạn sẽ hết buồn. Nếu bạn không làm được, vì bạn luỵ tình cảm, vậy hãy khoan dung hơn với họ và chính mình. Nhóm bạn không mời mình đi ăn chung – chắc các bạn ấy có việc gì cần nói riêng. Cô giáo không khen mình – vì mình chưa giỏi ấy mà. Mẹ nói vậy – lý tính mà nói không lẽ để thằng em trai với vợ nó xxx ngoài phòng khách? – Tìm một lý do tích cực cho hành vi người khác cư xử với mình sẽ làm bạn bớt buồn. Nỗi buồn đến vì mình nghĩ buồn đấy.

2. Hay khi mình buồn vì bị bạn yêu đá/ hoặc tỏ tình với nó xong nó… nhấn nút mình luôn.

Chuyện này không giải quyết từ bên ngoài được, mà phải từ sâu trong tim bạn. Bạn có thực sự sẵn sàng kết thúc mối quan hệ đang làm tim mình đau đó không? Bạn có muốn rời bỏ cảm giác mong chờ, đau đáu, yêu thương mà không bao giờ được đáp lại không? Bạn đã sẵn sàng để suy nghĩ: Từ nay, sẽ không ai đưa mình đi học nữa, sẽ không ai hôn mình nữa, sẽ không ai đi xem phim với mình nữa? – bạn hãy tự hỏi tất cả đi. Nếu chưa sẵn sàng, tôi nghĩ bạn sẽ buồn tiếp cho đến khi trễ nải, nhận ra cuộc sống mình suốt bao năm tháng u sầu đó, sao mình không chăm sóc để nó chất lượng và hạnh phúc hơn. Mà vậy thì trễ rồi.

Còn nếu bạn đã sẵn sàng để khép lại một giai đoạn không hạnh phúc của chính mình, thì đã đến lúc lên kế hoạch để làm những điều tiếp theo của đời mình. Bạn sẽ chơi một môn thể thao/giải trí mà mình chưa bao giờ chơi, bạn sẽ rủ các bạn bè đi ăn, đi xem phim, đi học, thay vì ngồi cầu khẩn bạn yêu sẽ quay lại với mình. Bạn cần một cách để rời bỏ quá khứ đó. Thường khi chuyện này xảy ra, tôi đi xa, lái xe cho mệt nhoài, hoặc đi bộ cho rã rời, mệt quá về sẽ lăn ra ngủ, không nghĩ ngợi gì. Rời bỏ thói quen yêu thương và âu yếm một ai đó là chuyện khó khăn, vì tình yêu như một cơn nghiện. Nhưng nếu bạn phải sống tiếp, thì tái cấu trúc lại nó bằng cách đẩy cơ thể mình đến một vùng thói quen mới, khoẻ mạnh, tích cực hơn. Tình yêu không quên được đâu, đừng cố quên. Làm việc đó là làm tổn thương chính mình.

3. Mình buồn khi thất bại

Lần đầu tiên tôi cảm thấy thất bại là thi rớt trường chuyên năm lớp 9. Những người bạn cùng luyện thi với tôi đã đậu nhiều. Họ hỏi tôi, và tôi xấu hổ đến mức bỏ trốn không nói chuyện với họ. Có một người đề nghị mẹ tôi chi tiền, sẽ giúp tôi có được 0,5 điểm còn thiếu, và đậu. Mẹ tôi nói không. Mẹ nói nếu tôi không đạt được thì đó là do tôi. Mẹ sẽ không mua gì hết.

Tôi mất nhiều năm để suy nghĩ về thất bại của mình. Và nhiều năm để dẹp bỏ ghen ghét đố kỵ mà quay lại với đám bạn trường chuyên của mình. Sau đó nhận ra nhiều điều:

– Các bạn của tôi giỏi hơn tôi rất nhiều. Nếu bằng một cách mờ ám, tôi vào được đó học, thì mất mát lớn nhất của tôi là mãi mãi cảm thấy tự ti khốn khổ vì không theo kịp họ.

– Hoá ra thất bại đó không phải là tất cả. Rồi tôi và bạn tôi đã đi theo những con đường hoàn toàn riêng biệt. Nếu tôi cứ mãi đố kỵ với họ, đời tôi sẽ vô cùng mệt mỏi và căm hờn họ. Vì tôi biết mình thất bại, nên tôi dành thời gian cho thứ tôi yêu: đó là viết. Sau đó tôi và họ vẫn là bạn. Họ đã chỉ dạy và cho tôi tài liệu rất nhiều.

– Cuộc đời có cả ngàn cuộc thi. Thi nhiều tới nỗi phát mệt luôn. Tôi còn nhớ hồi tốy nghiệp đại học, tôi đã rú lên sung sướng vì không còn phải đi thi nữa. Nhưng không, sau này vẫn phải thi đủ thứ. Thế nên mình có toi một kỳ thi thì cũng chẳng chết được đâu.

Suy nghĩ tốt đẹp nhất về thất bại không phải là bỏ cơm bỏ cháo cho đã đời cái đớn đau, mà là bình tĩnh di chuyển chậm chạp tiếp về những mục tiêu trước mặt. Trong khi ấy, bạn bận rộn với mục tiêu nên sẽ bớt buồn nhiều lắm. Ngoài ra, ta không mất thời gian chôn sống mình trong nước mắt, mà đã chầm chậm bước đi cùng thế giới.

Nằm im đó khóc hết một tháng đi, ra đường lúc đó bạn sẽ kinh ngạc thấy mình co rúm như một con ốc sên yếu ớt thiếu nắng.bạn kinh hoàng nhận ra mình đã mất quá nhiều thời gian bò và nhả nước bọt lên nỗi buồn. Lúc đó thì chuyện thất bại buồn hơn hay chuyện phải đối mặt với bãi nước bọt buồn hơn?

_DSC0172

4. Bạn bị phản bội

Tôi không định được nỗi buồn này. Vì bản thân phản bội là cảm giác rất một chiều. Bạn suy nghĩ người ta phản bội bạn, nhưng biết đâu người ấy chỉ nghĩ là họ không phù hợp với điều bạn muốn, hoặc đơn giản là lúc đó họ có một lí do to tát nào đó với bản thân họ, nên họ đánh đổi bạn lấy điều khác ấy.

Cố gắng đặt mình vào vai trò của người ấy để thấy dễ chịu hơn cũng được, đó cũng là cách để bạn bao dung và tha thứ cho chính mình sau vố đòn ngu ngốc mình vừa ăn. Nhưng đừng nhầm lẫn với việc quên luôn sự phản bội và sau đó bạn… bị phản bội tiếp nhé. Tôi không đồng tình với cách làm này, vì không muốn bản thân chịu tổn thương và đắm chìm trong nỗi buồn mình không kiểm soát được.

Phải chăng đây là lúc chúng ta từ bỏ nhau? Nên cứ vậy mà từ bỏ thôi. Không có cách giải quyết thì buồn lâu có cứu sống bạn không?

Khải Đơn

5 bình luận về “Kiểm soát nỗi buồn

Add yours

Comment

Blog tại WordPress.com.

Up ↑