Buổi sáng cuối cùng ở Sài Gòn, tôi ngồi trong công viên 30/4 với anh bạn thân đã gắn bó rất lâu với mình. Tôi mua cafe Passio – ly cafe ấy 35 ngàn đồng. Chúng tôi ngồi kể cho nhau nghe về tất cả những gì còn cấn lại trong đầu, vợ anh sắp sanh, chị khoẻ không, anh và tôi ước mơ gì.

Bỗng nhiên anh im lặng.
Trước mặt chúng tôi là một phụ nữ trung niên, gương mặt gồ ghề, quặt quẹo, mặc quần màu đen và chiếc áo bẩn vết hằn rõ.
Bà đi lại cái thùng rác màu xanh to khổng lồ nằm ở quãng đường giữa chúng tôi và bà. Bà móc trong đó ra một hộp thức ăn thừa gì đó, thêm một túi nữa. Bà lại ghế đá. Giở ra. Bà rón rén gỡ cái bọc nylon đã vấy bẩn rác, cơi từ trong hộp đó ra thứ gì còn ăn được, móc từ túi ra một chiếc thìa. Bà co chân lên ghế đá, nhấm nháp món ăn không còn nhìn rõ là món gì nữa. Sau đó bà bắt đầu lại quy trình với cái túi kia, với đoạn bánh mì ai đó cắn dở.
Bà ăn chậm rãi, gọn gàng. Trong công viên Hàn Thuyên sáng đó nắng lên muộn, trời mát rượi và xanh biếc mùi cỏ. Hai chúng tôi hút cafe và cùng nhìn bà ăn sáng đơn giản, chuyên nghiệp và nhẹ nhàng vậy. Sau đó thu sạch bao nylon, hộp, túi, gom tất cả vào một bọc và vứt lại cái thùng rác ban nãy.
Sau đó, bà tiếp tục đến chiếc thùng rác thứ hai, nằm gần mặt đường hơn. Lại cúi đầu lục lọi. Nửa ly cafe bị ai đó vứt bỏ, còn nguyên túi, nguyên ống hút. Bà cầm nó quay lại ghế. Mở ra, và nhấm nháp từng ngụm cafe.
Khi ấy, anh bạn tôi cầm ly cafe của anh lên và nói. Bữa sáng, huh? – Nói rồi anh và tôi hút cafe rột rột.
Sự trân quý và trọng thị bất thường của người đàn bà áo bẩn đó làm tôi nghĩ về thức ăn. Rõ ràng có rất nhiều thứ chúng ta không thể ăn hết/kết thúc vì quá no, đau bụng, khó chịu… nhưng có thể có ích cho một ai đó.Tôi từng ngồi trong tiệm Circle K và Family Mart rất nhiều buổi chiều. Khi anh văn phòng bỏ dở tô mì đứng dậy, lập tức có một người nghèo khó nào đó ập đến, và ăn hết phần đó. Ta có thể nhân danh sự văn minh, sạch sẽ, trong lành của nơi ấy để đổ nước ngọt vào mì, hay vứt bọc nylon vào tô cháo ăn dở. Thay vì dùng nước Coca-Cola đổ vào gà rán trong tiệm KFC, hay hút thuốc rồi dụi tàn lên đĩa cơm bỏ nửa, hay là ta có thể cứ để yên như thế. Không sao cả, ta đã bỏ tiền mua rồi. Tôi không dám nói gì phán xét.
Hồi còn lang thang đi chơi đêm, tôi quen một cô ve chai hay “được quả” lấy rác của tiệm Lotteria. Có đêm tôi ngồi phân loại hộp giấy với túi nylon dùm cô. Cô dặn tôi nếu thấy những hộp thức ăn nào gói kín, thì giở ra cẩn thận xem còn sạch không. Nhiều lần tôi đã nhặt được khoai tây lắc trong bọc còn một ít, cũng có khi là nửa cái đùi gà ăn dở còn sạch. Tôi và cô phân chia ra. Những món nào lỡ dính nước ngọt (mà còn sạch) thì để qua một bên, đó là phần của con chó. Còn đùi gà, ức gà, khoai tây còn sạch nguyên – cô kính cẩn tháo bao tay cao su nhặt rác bẩn, đeo vào một cái bao tay sạch trong túi áo, gói chúng lại – đó là bữa sáng của cô và đứa con. Lần ấy, tôi bần thần nhìn cả cái ức gà to bị nhúng lụi trong khăn giấy và coca. Tiếc đến độ chép miệng.
Có một lần, tôi ăn trong một sự kiện của khách sạn 5 sao. Vì đi cùng bạn làm event, tôi ở đến cuối cùng. Khi ấy, bạn tôi – nhân danh nơi bỏ tiền tổ chức sự kiện – hỏi muốn mang về thức ăn còn dư thừa ê hề trên bàn buffet, không ai đụng đến. Họ chỉ cho bạn mang về một hộp. Sau đó, khi màn rèm kéo xuống, một thùng nhựa khổng lồ được kéo lên, họ đeo găng tay, và đẩy tất cả thực phẩm sang trọng đã lấp lánh dưới ánh đèn xuống cái thùng ấy.Tôi kinh ngạc đã đem câu hỏi đó đi hỏi vài bạn, họ kể rằng đó là nguyên tắc chuẩn mực của nhà hàng có sao cỡ lớn, họ phải cam kết bỏ hết thực phẩm đã qua sử dụng – chứ không thể để lại – dễ bị nói là sử dụng lại cho một bữa tiệc khác.
Tôi đã nhìn đống thức ăn ấy trôi xuống thùng màu đen. Giờ nó là chất thải.
Nhưng thức ăn – trong tận cùng sự tối giản nội dung của nó – khi mình tước bỏ đi vỏ bọc, tên nhà hàng, đẳng cấp, sự trong lành của môi trường kinh doanh… thì nó chỉ là THỨC ĂN – nó dành cho những cái bao tử đang nhả ra axit và cần năng lượng để sinh tồn. Giá mà nó được thực hiện chức năng của mình – là phục vụ cho sự sinh tồn của một ai đó đang cần nó lắm.
Cái đùi gà trong hàng Lotteria bị quẳng xuống đường, tô mì húp dở, phần thịt nướng ngán quá nuốt không trọng… tất cả chúng đều ao ước tìm được ai đó ăn – và hoàn thành sứ mệnh của thực phẩm trên cõi đời này.
Bữa sáng cuối cùng ở Sài Gòn đó, khi cùng anh giơ ly cafe lên – tôi đã vui mừng thầm nghĩ – ly cafe của cô ấy không khác gì mình – chúng ta chỉ ăn sáng thôi mà.
Giá mà khi vứt đi nửa ổ bánh mì, tụi mình gói nó kỹ một xíu ha 🙂
Khải Đơn
Đọc bài của chị, làm em nhớ má, nhớ nhà quá… Nhớ lúc gạo trong nhà cũng phải mua từng kg. Nên giờ thấy ai phí thức là em điên lắm luôn ==.
ThíchThích
Cái tâm của KĐ thể hiện rất rõ qua bài viết này và lúc nào cũng y như vậy.Rất mến phục cháu.Thân ái.
ThíchThích
Reblogged this on †Tam Diệp Thảo†.
ThíchThích
Reblogged this on hargane187.
ThíchThích
Em chưa từng comment gì cho chị, chỉ lẳng lặng đọc bài rồi tự npote vào trong đầu mình một phần để tâm. Cám ơn chị rất nhiều.
ThíchThích