Khó để diễn tả mọi điều tôi đang nghĩ về nhà văn Nguyễn Bình Phương. Tôi bắt đầu với quyển “Những đứa trẻ chết già”.
Huyền ảo tàn bạo
Một quyển nhiều chi tiết huyền ảo, bắt đầu từ người trai tên Trường hấp có vợ. Họ trú ở làng Phan, gần dòng sông Linh Nham. Chẳng hiểu vì sao tự dưng nhà ấy có của. Câu chuyện là một thiên những truyện ma quái quanh khu làng, một bà giáo đẻ ra trẻ con, đứa nào cũng hình hài già sọp rồi chết sớm. Ai ở làng đi chiến trận, đi tận đẩu tận đâu mà chết mất xác, cuối cùng xác cũng mò về cây si ấy, tươi nguyên, còn vẹn, để rồi được chôn cất. Cả cái làng cạnh dòng Linh Nham như một khối ẩn ức bị nguyền rủa mãi mãi không thôi, chẳng kết thúc được.
Câu chuyện rất nặng sắc khí u ám và hành văn tuyệt mượt, tự nhiên như dòng sông ức đau, đổ máu, say sưa, ngật ngưỡng, đớn hèn. Cái ma quái kinh tởm trong từng con người, sự ám muội của các ý đồ, cả địa thế hay sinh khí của ngôi làng cũng được xây dựng như nhang khói muôn đời, đen tối, mờ hư, hung tợn và bất an.
Quyển “những đứa trẻ chết già” – khó gọi tên ra một ý nghĩa lớn lao nào cho nó – nhưng nó khiến người đọc rùng mình về cái man dại, tàn bạo trú ẩn trong từng con người, truyền từ đời này sang kiếp khác, ấn lên đầu lên cổ người trẻ những ức muộn, căm thù, cả tham vọng không đáy. Không có một giá trị nào khiến người ta rung rinh – ngoài việc hàng thế hệ giày xéo nhau vì một kho báu cửa miệng huyền hoặc và sẵn để ăn ngay.
Kết cấu của quyển truyện hơi giống “Trăm năm cô đơn” – với ông già Trường hấp mãi mãi không chết, lụ khụ góc nhà và chứng kiến con cháu mình vật lộn trong sự vô phúc truyền đời mà mình đã cùng góp tay tạo ra.
Giọng văn của quyển này hung hăng, ma quái, khướt lạnh và thảm đạm.
Sự huyền ảo này được lặp lại một lần nữa trong quyển “Thoạt kỳ thuỷ”. Cốt truyện của quyển này thời gian ngắn hơn “những đứa trẻ chết già” – gói gọn trong một đời của Tính – thằng bé sinh ra và được mô tả “Lông tay đỏ hồng, ngón không phân đốt. Lông mày nhạt, hình vòng cung ôm nửa mắt. Tai nhỏ, mồm rộng, răng cải mả. Tiếng nói đục. Đi như vượn, ngồi như gấu. Không biết chữ.” – Nói trắng trợn ra là Tính đẻ ra đã bị điên. Nó giống một miếng bọt biển. Nó hút vào toàn bộ cái ác mà nó thấy ở làng, trong từng con người, từng hành vi của họ diễn ra trước mặt nó. Tính xem ông Điện giết lợn (vì ông là thợ mổ lợn), xong sành sỏi trong việc dùng dao đi cắt cổ người. Tính nói chuyện nhiều với anh Hưng thương binh (người luôn khoe thành tích giết người của mình) và thích thú ám ảnh với niềm vui giết người.
Ngôi làng loay hoay trong những sự kiện nhỏ nhặt. Cái ác hiện hữu từng chút một, trong trí não rồ dại điên khùng của Tính (với những thoại điên trong đầu), và trong từng hành động hàng ngày của mỗi người. Mẹ Tính tìm cách cưới Hiền (cô gái sạch sẽ hiền lành và mồ côi) ép cho Tính. Ông Sung xã đội trưởng, tìm cách ép uổng nhiều thanh niên trẻ ra trận như một ý niệm đắc thắng vì làm những người hàng xóm đau khổ hơn. Quyển sách chỉ nói cái ác. Trong đó mọi người làm tổn thương hoặc giết nhau luôn.
Văn dồn nén, hung hãn, chen giữa các sự kiện ở làng là các ý niệm phản chiếu trong đầu Tính. Các đoạn văn in nghiêng là những gì Tính nghĩ. Xen giữa là các sự kiện ở làng xảy ra. Khi đọc, nếu để ý sẽ thấy Tính không đối thoại với ai nhưng dung nạp tất cả mọi thứ người ta diễn ra xung quanh nó, và sau đó bằng kỹ năng khéo léo của mình, Tính giết bất kỳ ai nó muốn, làm khổ ai tuỳ thích, rất ít lần nó tỏ thái độ nhưng luôn hành động được điều nó muốn làm tổn thương người khác.
Dở
Tuy rất mực bị cuốn hút bởi Nguyễn Bình Phương trong hai quyển này. Sức mạnh ngôn từ tàn bạo như thác đổ. Câu chuyện thấu mạch, hút sâu, dằn dữ. Hình ảnh nông thôn mạnh– nhưng đọc một hồi thấy “mùi Nam Cao” quá nặng – kiểu chết đói nên hành hạ nhau, làm tổn thương nhau bằng những câu lời tục tĩu, những cuộc làm tình lang chạ không chút xinh đẹp mà chỉ thuần như con vật. Đây là ưu thế của ông nên tôi không bình phẩm.
Phần làm tôi ghét nhất ở cả hai quyển là sự xuất hiện của trí thức. Có thể nói, Nguyễn Bình Phương đã vượt qua được dòng đọc mà ông theo đuổi – ông cao hơn những gì ông biết, sưu tầm, đọc, hiểu… về nông thôn, con người, thái độ, ma quỷ, tục tán… nhưng ông lại cứ như đang dí sát mũi vào cái cục bon-sai trí thức và tưởng cục bon-sai đó là cả một vùng trời dữ dội. Cách ông miêu tả nhóm trí thức trong “những đứa trẻ chết già” như Phán, Huấn, Công, Tiến… nào là làm thơ, xong nói mình là chủ soái dòng thơ, tranh luận thơ lục bát với thơ Đường, đánh nhau vì thơ, làm thơ cho gái nghe để có cớ mà “quất” mấy ẻm.
Trong “Thoạt kỳ thuỷ”, trí thức là ông nhà văn Hà Nội đi kháng chiến tên Phùng ở trong làng, ông tự có lời nguyền là khi nào đoạt giải thưởng mới về Hà Nội. Hành vi của ông Phùng trong “Thoạt Kỳ Thuỷ” không đủ sức nặng tạo nên tính hợp lý trong cái cam kết ngấm ngầm tình yêu mà Hiền dành cho ông. Dường như ở đây, bàn tay thô bạo của Nguyễn Bình Phương chen vào hơi lố. Ông muốn lão Phùng vừa lương thiện, vừa hèn yếu, nhu nhược, và làm quá nó tới mức tình yêu của cô gái trở nên thiếu hợp lý.
Hình ảnh trí thức không điển hình, nặng tính chế giễu nhưng lại quá mức ngô nghê. Nó cho thấy Nguyễn Bình Phương đã ở quá sâu trong sinh hoạt văn nghệ và giận dỗi nó nhưng lại đắm chìm trong nó – như một người già mỏi mệt ngồi chúi mũi vô bon-sai xong nghĩ rằng đó là cả thế giới. Nếu hoàn toàn không có những nội dung khiên cưỡng này về nhà thơ, nhà văn, trào phúng không đủ, huyền ảo không có, cũng không đạt được độ điển hình như những ấn tượng mà ông tạo ra khi xử lý nhân vật bần nông, quê mùa.
Ông không thoát khỏi được sự hờn mát của chính mình với giới văn nghệ sĩ của mình.
Khải Đơn
(1) Những đứa trẻ chết già (VNE có đủ, cứ search là thấy): http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/sach/tac-pham/nhung-dua-tre-chet-gia-nguyen-binh-phuong-phan-1-2754431.html
(2) Thoạt kỳ thuỷ: http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=3589&rb=08
Comment