Chủ đề quyển này sẽ khiến tất cả những ai khát thèm đọc về chiến tranh biên giới Việt – Trung truy tìm. Nguyễn Bình Phương xuất bản quyển này tại Mỹ với tên “xe lên xe xuống” – và sau đó in ở Việt Nam với một tên khác “Mình và họ”.
Câu chuyện chia làm nhiều tuyến – nhiều hơn trong “những đứa trẻ chết già” và “Thoạt kỳ thuỷ”. Có lẽ ông đã nhuần nhuyễn với kỹ thuật chia tách này sau nhiều quyển viết. Như nhà phê bình Thuỵ Khuê (1), cuốn này xài đến nhiều dòng kể. Hai giọng: gồm Hiếu và anh trai. Hiếu ở hiện tại. Anh trai đã chết sau chiến tranh biên giới Việt – Trung. Một dòng khác đó là Hiếu trên đường lên đỉnh Tà Vần (chữ thẳng – lúc này cậu còn sống), và Hiếu trên đường đi xuống (chữ nghiêng – đã chết và là một linh hồn).
Quyển sách có kết cấu đan cài như lược và tóc xen kẽ, phức tạp trong nhiều dòng ký ức trộn vào nhau.
Máu của chiến tranh
Câu chuyện hấp dẫn. Phần lớn nội dung sách dung chứa là ký ức của người anh trai đã chết sau khi đi chiến tranh biên giới Việt – Trung về, sống sót làm thương binh, trao cho em trai quyển nhật ký, dần dần hoá điên và chết. Cứ mỗi đoạn đường xe lên đi qua, Hiếu lại ráp được một mảnh nhật ký của anh trai mình với câu chuyện người bây giờ kể lại, cộng với địa hình, anh có thể liên kết quá khứ của anh trai với vùng đồi núi thâm sâu hiểm ẩn đó. Trong phần ký ức đó gồm những đoạn Thung lũng oan khuất, núi Bạc, những trận dùng đến dao cắt cổ lính Trung… thịt người thây ma nhoét nhoèn thung lũng, núi đồi.
Anh trai nói với Hiếu trong nhật ký: “Mày biết vì sao lại gọi là Thung Lũng Oan Khuất không? Vì cuộc đầu tiên có đến hàng vài trăm người cả dân lẫn lính mình bị chúng nó bắt được và đem phanh thây. Sau đó có một đoàn dân binh mò vào lấy đồ thì bị pháo dập, chết sạch. Từ đấy mới có tên là Thung Lũng Oan Khuất.”
Trong đó, người lính – ở đây là anh của Hiếu – hút tất cả đau khổ, bạc lòng đó vào mắt mình. Anh chứng kiến đồng đội bị pháo bắn vỡ cả sọ, đại trưởng bị rắn lục cắn chết, hay những tù binh Việt trong phòng hỏi cung bị phanh thây vứt trên bàn. Đi qua từng địa danh của cuộc chiến cũ, Hiếu đều nhớ tới lời thầm thì của anh – giờ đã là một thây ma luôn bên cạnh anh.
Câu chuyện có một mảng cực kỳ thú vị là mô tả người dân tộc – ở đây là “thổ phỉ” – đã làm gì trong khói sương rừng núi bom đạn đó.
Nguyễn Bình Phương tả về phỉ thế này: “Mình nghĩ nếu thuần về mặt hành động thì phỉ là loại chạm tới cái cốt lõi nhất, tiêu biểu nhất của con người. Vì phỉ hay dùng hình thức chặt, thứ hình thức mang lại khoái cảm và uy quyền. Phỉ chặt đầu, chặt tay, chặt chân, chặt ngang người. Các loài khác không biết chặt, chỉ cắn, xé, móc. Giết một con gà mà không vang lên tiếng chặt nào thì chỉ là giết một con giun. Vào quán thịt chó mà không nghe tiếng chặt côm cốp thì dứt khoát chỉ có cảm giác ăn đậu phụ. Tiếng chặt tạo ra sự hưng phấn ghê gớm.”
Hay nhiều câu chuyện bạo lực đẫm máu khác trong các khe núi rừng kiểu như sau:
“Ông ta và Châu Quang Lồ bắn nhau kịch liệt bên một hẻm núi cho đến khi cả hai đều hết đạn và rút dao xông vào nhau. Ông ta bị Châu Quang Lồ đâm móc một nhát qua mạng sườn, cái sẹo vẫn còn. Nhưng bù lại ông ta đã quật ngã được Lồ và túm tóc hắn. Ông ta lách dao vào đốt sống thứ hai tính từ đầu xuống và dằn mạnh. Cái đầu lìa ra gần như ngay lập tức. Ðó là vụ cắt đầu làm rung chuyển thế giới phỉ và trận chiến giữa các nhóm phỉ lắng xuống cả một thời gian dài hàng chục năm.
– Ai dà.
– Ông ta chép miệng khoan khoái.
– Thân nó còn giãy kịch liệt à.
Cậu chêm vào:
– Nó còn chửi mới đểu chứ. Nhỉ.
– Ừ, nó chửi.
– Ông ta uống hết chén rượu một cách ngọt xớt. Mình hình dung có lẽ khi cắt đầu Châu Quang Lồ ông ta cũng làm nhanh như thế.
– Tao cho vào túi rồi mà mồm nó vẫn ra rả chửi.”
Người nào say mê vẻ đẹp của vùng rừng núi Tây Bắc hoặc những câu chuyện bí ẩn sâu trong cuộc sống ít được biết tới của những nhóm dân tộc thiểu số trong chiến tranh, thì đây là một quyển truyện đáng chú ý.
Chưa đủ sức bật cho bi kịch
Nếu nặng lời gọi “Mình và họ” là phiên bản lỗi của “nỗi buồn chiến tranh” – thì quả thật tôi không được công bằng lắm cho Nguyễn Bình Phương, với chừng ấy dụng công ông đổ vào quyển truyện. Nhưng đó là ý nghĩ đầu tiên đã bật ra trong tôi khi gấp sách lại.
Nhân vật anh trai và Hiếu cùng bị hồi ức chiến tranh thiêu đốt – trong “nỗi buồn chiến tranh” là Kiên tự mình hứng chịu, thì ở đây là Hiếu – sự nối tiếp tinh thần của anh trai cùng anh hứng chịu. Các đoạn mô tả chiến tranh không khác Bảo Ninh nhiều lắm (hay vì chiến tranh giống nhau). Sự thiếu vắng của quyển này là sức bật của nhân tính.
Nếu trong “nỗi buồn chiến tranh” – tình yêu với Phương là sức bật, có nghĩa là vừa thắp lửa để Kiên lần mò trong cơn sang chấn sau cuộc chiến, vừa là ám ảnh nặng nề đau khổ nhất anh đeo trong tim, thì cuộc chiến Việt – Trung mà anh trai Hiếu chịu chỉ dừng lại ở trạng thái anh dần điên, căm thù đồ Tàu, phá quấy mẹ, rồi chết vì điên lang thang ngoài đường. Biến cố tâm lý thẳng trôi đi và không có rãnh gờ để bật lên đau thương.
Trong một dòng chảy khác, Hiếu – người con trai hậu chiến dần dần tưởng tượng ra cái ác trong nhật ký của anh, cụ thể hoá nó trong chuyến “xe lên” và ghé qua từng địa danh. Tệ hơn, trong cuộc sống hiện đại của mình, Hiếu đã cụ thể hoá cái ác bằng việc cùng nhóm bạn tẩm xăng đốt cô bạn gái 2 Vân Ly sau khi nhóm của Trang (bạn gái 1) mất hàng và nghĩ là do Vân Ly xúi kẻ cướp. Dù không trực tiếp thực thi cái ác, nhưng Hiếu cứ vậy để mọi chuyện xảy ra.
Nếu lý giải rằng Hiếu là đứa con hậu chiến và trong hạt nhân tinh thần anh không có gì ngoài cái ác (thứ đã được gieo nhặt trong chuyện trò cùng anh trai, người lớn và một xã hội chèn ép nhau sau chiến tranh tàn bạo), thì có lẽ đây là lí giải khó chấp nhận nhất mà tôi từng đọc trong cả ba quyển về cái ác mà ông đã viết.
Nhà phê bình Thuỵ Khuê giải thích ý này về quyển sách như sau:
“Từ nguồn văn hóa chém chặt, sinh ra bọn trẻ ngày nay, không chặt mà đốt như Trang, Quých, Hiệp … Và mình bề ngoài có vẻ hiền lành, bên trong hồn nhiên là trùm phỉ hậu hiện đại.
Nếu bạo lực cổ điển có danh nghiã tốt đẹp bảo vệ xứ sở, thống nhất đất nước, những chân lý tuyệt đối không ai cãi được, thì bây giờ bọn trẻ không thèm đếm xỉa đến những khẩu hiệu lẩm cẩm quá đát ấy nữa, bạo lực hậu hiện đại coi việc đốt người như chuyện vặt, như uống coca, như làm tình, và dường như họ cũng không ý thức được tay mình có máu, bởi có chém chặt gì đâu, chỉ cần bình xăng và một que diêm là xong trong nháy mắt, tay không bẩn, quần áo vẫn lượt là láng coóng.”
Nếu vậy, sự tranh luận mà tôi có ở đây dành cho Nguyễn Bình Phương đó là tôi tin sự tha hoá của người trẻ hậu chiến hoàn toàn không phải do chính cuộc chiến đó gây ra.
Ai hơi đâu nhớ cuộc chiến đó – khi nó đã bị khuôn hình như rau câu vô vị sau một lô lốc những biên tập méo mó trong bài học lịch sử xạo xự. Cuộc chiến làm tha hoá những người đã ở trong nó. Họ giành giật nhau, đánh giá nhau vì miếng ăn (sau một cơn đói trường kỳ từ 1945), họ co cụm và sợ hãi (bất an vì mất mát), họ vơ vét (như một cách tích của thấp thỏm sợ đói nghèo).
Còn người trẻ hậu chiến – cỡ như Hiếu – sự tha hoá phải được gọi tên một cách khác: đó là vì sự hiện diện của đồng tiền và áp lực của thế giới hiện đại được đề cao quá trớn so với nhiều nhóm giá trị khác song song.
Những hành vi mà Hiếu, Trang, Quých, Hiệp giết bạn, làm tình, chỉ là một sản phẩm vội vàng của một đô thị chưa thành hình. Không liên quan gì tới chiến tranh cả.
Khải Đơn
(1) http://thuykhue.free.fr/stt/n/NguyenBinhPhuong-XeLen.html
(2) Đọc “Xe lên xe xuống” từng kỳ trên báo Người Việt tại đây (search trong bộ máy tìm kiếm của tờ báo sẽ ra, giống VNE): http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=190732&zoneid=16
Cám ơn Ad! Ngóng XE LÊN XE XUỐNG từ 2012 mà ko có ebook và ko có bán ở VN. Hôm qua mới thấy Ad nhờ ai biết chỉ giùm, nay đã biết phiên bản VN. Quá nhanh, quá nguy hiểm! 👍🏽
ThíchThích
em có đọc mà chỉ có mỗi kì 19 trong link, trở về home thì web báo không tồn tại, cũng không đọc được chương trước hay chương sau
ThíchThích
em vô trang chủ báo đó, search tên xe lên xe xuống, nó sẽ ra cả loạt. Báo người việt của cộng đồng VN ở Mỹ, bị chặn tại VN, em phải xài tool gì đó vượt tường lửa.
ThíchThích
Chị nói quyển này thua NBCT ở nhân tính thì cx đúng.E (đơn giản hơn)thấy quyển này thua vì không cho độc giả được một cái kết tạm gọi là có hậu,kiểu “ánh sáng cuối đường hầm”.Có là do NBP sinh sau BN nên viết về chiến tranh k dc hay chăng? :))
ThíchThích
Chị ko quan tâm đến cái kết. Và đó ko phải ý của chị. Nỗi buồn chiến tranh cũng ko có hậu.
ThíchThích