Hẹn hò dưới hàng cây bê-tông

Cuối năm 2014, những cây cổ thụ cuối cùng trên đường Nguyễn Huệ bị hạ xuống. Hồi ấy, cứ đi bộ giữa nắng chang chang, nhìn người bán hàng rong bạc mặt ngồi xích vào một cửa hàng nào có máy lạnh phả ra, tôi mới chợt hiểu cây xanh đối đãi với người như thế nào, và đáp lại con người hành xử với chúng ra sao.

Gốc cây tròn vạt thẳng mặt cắt như trong quyển sách Sinh học – cứ đếm vòng tròn em sẽ biết tuổi của cây. Màu thâm sẫm, xỉn đen dần của gốc cây là khởi đầu cho phố đi bộ Nguyễn Huệ xinh đẹp bây giờ. Phố ấy giờ trẻ trung, đáng yêu quá, nhưng hàng cây mới khởi sinh lại nằm trong chậu vuông vắn, hoặc thân hình quặt quẹo giăng giữa mớ cây chống đỡ thân nó. Cây xanh như thời gian, con người không mua được.

vuon bo ro

Vườn Tao Đàn cũng vậy, giữa tháng trước, người ta có thông báo sẽ thu hồi 2.100 m2 đất ở Tao Đàn, chặt đi 33 cây xanh; một số là cổ thụ, gỗ quý để lấy chỗ cho nhà ga S2 của tuyến Metro Bến Thành – Tham Lương. Với một công viên rộng đến 10 hec-ta thì 2100 m2 có lẽ chỉ là một mẩu nhỏ xíu.

Chuyện cũ viết về vườn Tao Đàn như vầy: từ năm 1869, người Pháp xây một con đường tách vườn khỏi khu vực Dinh. Khi người Pháp rút đi, Dinh toàn quyền trở thành phủ tổng thống. Và công viên được gọi là vườn Tao Đàn từ ấy. Hơn 146 năm đã qua, cái công viên có cuộc đời dài bằng một nửa vùng đất Sài Gòn – Gia Định. Nó chứa đựng gì trong ấy?

Dưới nước ảnh cũ xanh xao, ngoài vườn Tao Đàn xưa người bán nước mía dùng chân đạp vòng quanh nghiền bã mĩa. Trong những mùa xuân bất kể thời nào, cô gái mặc áo dài thả bay khi bước đi giữa hàng cây. Vườn Tao Đàn mang trong mình nó gương mặt chồng lấn của lịch sử. Bãi chơi cho trẻ con ngày xưa dành cho con của tướng, sếp người Tây tóc vàng, mắt xanh, giờ là nơi vui chơi của trẻ con của các gia đình đến thành phố mưu sinh.

Vài chục năm trước, công viên xôn xao với mấy cái hội chợ lô tô, giờ đây sôi nổi trong những mùa xuân có chợ hoa cây kiểng ngập màu sắc. Những bức ảnh gia đình xưa cũ bị vứt lại và thu gom trong chợ Dân Sinh, lúc nào cũng có cô gái áo dài, người đàn ông mặc đồ sơ mi hay bộ quân phục cũ, mỉm cười với hàng cây sau lưng của Tao Đàn.

Lịch sử có ngàn cách để gọi tên và ghi dấu con người. Ai đó là anh hùng, xoay một vòng thành kẻ tội đồ muôn mặt. Nhưng hàng trăm gương mặt cây xanh túa ra trên trời cao chỉ có một hình sắc tuyệt đối, nó sống và tồn tại đơn sắc như một tự nhiên thuỷ chung quyết không thay lòng. Sau lưng anh lính chế độ cũ hay anh bộ đội Cụ Hồ vẫn chỉ có thảm màu xanh đắm mình vô tận đó. Vườn là lá phổi – hay là linh hồn của thành phố?

Lý lẽ hùng hồn của phát triển bao giờ cũng đẹp hơn ông người già khăng khăng giữ một chuyện gì đó cũ mòn mỏi. Một phố đi bộ đẹp, một metro tất yếu lịch sử, một thế hệ con người mưu cầu tuyệt đối vào vật chất do bàn tay mình dựng lên. Lý lẽ đó đủ thuyết phục để cây xanh cúi đầu nhường bước.

Chúng sẽ ra đi không mảy may hối tiếc. Không có cây xanh nào lên tiếng phản đối ngoài Nguyễn Huệ, Tôn Đức Thắng. Sự ban phát thuỷ chung vô tận luôn đi kèm với lòng yên lặng chấp nhận mọi bi kịch giáng xuống. Cây xanh sẽ ra đi ở Tao Đàn, như ở bất cứ cái vườn nào khác nằm dưới bàn chân của thương xá, shopping mall, hay metro.

Trong bức ảnh selfie của thời hiện đại, chúng ta sẽ kiêu hãnh ca ngợi vẻ đẹp của chính mình bên cạnh những ánh đèn nhấp nháy của thương hiệu cao cấp với logo to khổng lồ dán giữa một toà nhà không giới hạn. Chúng ta đứng chờ cuộc hẹn tình yêu đầu tiên bên cạnh một hàng bánh Donut, dưới chân khối cao ốc bê tông ngất trời. Chàng trai sẽ ngắm mái tóc của người yêu khi hai người cúi mặt mải mê điện thoại bên một khung cửa máy lạnh đóng kín của quán cafe.

Những người tao nhã hẳn sẽ đi bộ cùng tình yêu của mình ngoài phố Nguyễn Huệ, tay nàng vuốt ve cành cây mảnh khảnh chìa ra từ một thân cây trong chậu mới xịt thuốc ra lá hồi đêm, bức ảnh của mùa hẹn hò yêu nhau được ta cùng nhau đứng cạnh một cây hoa sứ bé mỏng trong chậu. Vài tuần sau, cái cây trong ảnh có thể đã biến mất vì chết khô dưới trời nắng say của thành phố hay gãy ngang thân sau một trận mưa rào.

Không có một hàng cây nào làm chứng nhân cho bất kỳ điều gì nữa.

Cổng Vườn Tao Đàn - Đường Trương Công Định

Con người không còn mưu cầu đến những dấu ấn vĩnh cửu của thời gian, như ở tuổi 80 trên chuyến bay hồi hương, ông già nói với con gái hãy dắt ông ra Vườn Tao Đàn. Nơi đó, ông và người vợ đã mất đã chụp với nhau bức ảnh đứng gần trước ngày cưới nhau.

Trước hàng cây xanh, ông già rơi nước nhận mặt người thân quen cũ – là mấy cái cây rung rinh im lặng, chứng nhân cho tình yêu đã chia lìa của mình vì sự bất toàn của thời gian…

Nguyễn Tất Nhiên có viết mấy câu thơ thế này và gọi tên “Hai hàng me ở đường Gia Long”:

“Mỗi lòng người một lý lẽ bất an
Mỗi cuộc chết, có một hình thức, khác
Mỗi đắm đuối có một mầm gian ác
Mỗi đời tình, có một thú, chia ly
Chiều nắng âm thầm chào biệt lũ lá me
Lá me nhỏ, như nụ cười hai đứa, nhỏ”

Tôi ngờ rằng chỉ vài chục năm nữa, con người tụi mình không cần bất cứ một chứng nhân gì cho một tình yêu nào nữa cả…

Khải Đơn

Trên Radio số 7 của Sound of Saigon, tôi đọc bài này. Mời bạn nghe chơi: 

Advertisement

2 bình luận về “Hẹn hò dưới hàng cây bê-tông

Add yours

  1. Reblogged this on Sanhiye and commented:
    #Saigon Mình vẫn nói với mẹ “Con thích mọi thứ ở đây vì mùa đông con không bị nứt nẻ vì lạnh, Chỉ có điều ở nơi không có nhiều cây và bóng mát thật bức bối biết bao”

    Đã thích bởi 1 người

Comment

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

%d người thích bài này: