Vòng khói phù phiếm dày đặc: Ngồi – Nguyễn Bình Phương

Những ai mong chờ một quyển đẫm máu như “Thoạt kỳ thủy”, hay một câu chuyện ma linh ám ảnh kiểu “những đứa trẻ chết già” thì hẳn sẽ không mặn mòi lắm với “Ngồi” của Nguyễn Bình Phương.
 
Còn với tôi, đây là một quyển mạnh mẽ và xứng đáng, nó róc rỉa, xén cắt ra từng mảnh thịt của tâm địa con người. Như thể là, đây, đây là sự ác độc của anh, còn đây là những mơ mộng hão huyền của chị, trong sự ác độc đó hình như anh có nảy mầm thiện lương, hay có dòng máu độc của đố kỵ đan chen. Đó là cách quyển “Ngồi” như tôi đọc. Nó thật mệt mỏi, đau đáu, lủn vủn, linh tinh.
 
Và buồn khủng khiếp.
 
Có hai dòng chính, những giấc mơ của Khẩn, và hiện thực của Khẩn, với một mớ bạn bè đồng nghiệp bồ bịch xung quanh.
 
Giấc mơ của Khẩn
 
Khẩn là nhân vật chính của câu chuyện. Gạt bỏ đời thực qua một bên, quyển sách được viết song song những đoạn là giấc mơ. Trong ấy Khẩn luôn đi cùng một cô gái tên Kim. Cách bắt đầu một hành trình mơ thường thế này: “Khẩn đang bước những bước dài nhẹ trên dải đồi màu xanh ngọc của vùng Hồ Núi Cốc, thì Kim về. Chỉ chút nữa là Khẩn văng ra khỏi giấc mơ nếu không kịp bám vào một cành bạch đàn nhỏ trắng muốt xoè ngay bên cạnh.”
 
Kim là một thế giới không thực, nhưng Khẩn sống một nửa cuộc đời với cô – trong quãng nào đó anh mộng mị, ngủ quên, hay đau đầu mỏi mệt. Trong đó, Khẩn đi chùa cùng Kim, gặp người phụ nữ giữ am. Anh đứng dưới mưa, anh nhìn cầu vồng, anh nằm trên cỏ cùng cô. Hai người như đôi thanh mai trúc mã. Lời yêu anh dành cho Kim được viết lên cơn mưa. Anh đứng phía dưới làn nước bay, ngón tay vẽ thành từng chữ tỏ tình. Kim hiểu và chạy xuống nhà với anh.
NXBTreNews_Full_02022014_110241
 
Phần giấc mộng trong suốt như mảnh thủy tinh còn găm lại trong đầu của người con trai thuở nào. Ở tình yêu đó, họ đi cạnh nhau, nhìn nhau, ướt mưa, tắm ánh cầu vồng, lo sợ bải hoải về tương lai mất nhau, tương lai chia lìa vì chết chóc. Nhưng không sao cả, lúc nào hai người cũng nắm tay. Kim trong sáng, thanh sạch, luôn đặt câu hỏi và lòng run rẩy sợ tình yêu không ngự trị mãi. Có đôi khi, phần giấc mộng ấy đưa tay chạm vào đời thực của Khẩn: “Cầu vồng đã biến mất chỉ còn lại bầu trời xanh vời vợi, cong vút. Còn lại trên mi mắt Kim một chút gì đó long lanh như nước nhưng mình không dám chắc đó là nước. Khi Khẩn tỉnh dậy thì những giọt nước đã chuyển sang khoé mắt Khẩn”
 
Trong hành trình yêu thương, hai người nói về cầu vồng, nếu cầu vồng mất đi thì sao, liệu họ có thể dắt tay nhau đi trên cầu vồng không. Kim cầm trong tay hòn bi ve màu sắc. Khẩn yêu cô. Hai người chưa bao giờ làm tình. Sự ngây thơ vô vụ lợi của tình yêu choán hết những khoảng mơ mà Khẩn rơi vào trong nửa đời anh.
 
… và cõi vong thân không bờ bến
 
Ở nửa kia của dòng truyện là đời thật. Nguyễn Bình Phương viết về Khẩn – một cán bộ văn phòng công ty nào đó, với cô Nhung nhân viên, anh Hùng, Nghĩa chung phòng, Thúy – vợ của Quân – người ôm 500 triệu và biến mất, ông Tước, ông Thìn, lão Việt, Minh.
 
Phần này cuộc đời phức tạp lắm – nó đúng là một cái lẩu đời thật được nấu bằng muôn ngàn cọng rau thơm hành ớt chẻ nhỏ li ti. Đây là cuộc đời oái oăm, ngột thở và sống còn duy nhất mà tất cả các nhân vật tầng lớp của truyện đều mắc phải. Phần này dễ khiến người đọc bỏ cuộc vì nó quá mệt, quá rối loạn, quá tủn mủn, quá hèn bẩn.
 
Nhưng đây là cuộc đời mà, có cách nào khác được không?
 
Ở đây, người đọc được sờ tận tay những trạng huống cực đoan nhất mà ta đang lao vào hay chứng kiến. Những buổi chiều cả ban rủ nhau đi chơi gái. Người công chức “thơ ngây” chưa biết mùi gái là gì. Cô bạn gái Minh của Khẩn vật lộn với nghề đánh máy của mình, với hàng xóm rảnh miệng là chửi nhau, với một khu tập thể hỗn loạn ngập tin đồn và những thân phận kín mít rối tung.
 
Đây là Thúy – đã hoang mang vì Quân ôm 500 triệu biến mất – đã đam mê rơi vào vòng tay Nghĩa – một người đàn ông thực sự hấp dẫn và mạnh mẽ.
Đây là Khẩn – người đàn ông khao khát nghĩ suy về tính dục gần như trọn toàn bộ thời gian. Anh làm tình với cô bé chung phòng, ngủ với bạn gái, đi chơi gái ở Gia Lâm, ngủ với bà bán khoai trong chung cư, thậm chí đôi lúc dấy lên chút ham muốn với Thúy – vợ người bạn cùng phòng mất tích.
 
Đây là Hùng – một “gã ngẫn” trong công ty, ám ảnh vì sự quê mùa của mình bị người khác coi khinh, ngơ ngác với người vợ làm nông ở quê và bắt đầu học mùi gái gú ở thành thị.
 
Đây là Nhung – cô gái nóng bỏng trên giường nhưng lạnh ngắt ở tim. Cô sống không phải cho mình, mà là để uất hiện mẹ đi bước nữa với chồng nước ngoài, kiệt sức mong ngóng cha mất tích trên chiến trường tự thuở nào không về với cô.
 
Hàng mớ người chất chồng lên nhau, ngủ với nhau, làm tình trong đắm say, rũ bỏ nhau trong kiệt quệ, lừa dối nhau thản nhiên, u sầu không giải mã được và chẳng thể sẻ chia gì với người đang ngủ ngay trong vòng tay mình. Một mớ người vong thân mặc sức chạy đến cùng kiệt như con ngựa trối chết rã rời giữa thảo nguyên, chạy cho thỏa bản năng sống hờn căm giận si mê, nhưng không bao giờ tự hỏi vì sao mình đắm đuối sẵn sàng chết vì một khúc ngắn vô lý của quãng đời đó.
 
Khẩn không bao giờ tự hỏi vì sao anh luôn bấn loạn với ‎ ý nghĩ phải làm tình với bất kể người đàn bà nào mà không bao giờ còn muốn nói thật với Minh – người yêu anh – về cảm giác thực sự của chính anh trong những đêm nằm cạnh.
 
Nghĩa không bao giờ bàn đến cái quá khứ có con hạnh phúc, cho đến ngày con hắn bị xe tông chết khi vừa vào đại học. Nghĩa chinh phục, chơi bời, ngụp lặn, cả si mê cũng quá đà.
 
Hùng không bao giờ lý giải vì sao hắn bị ám ảnh bởi cơn sĩ diện nhà quê – dân phố dữ dội đến mức khi đang ôm cô điếm và hứng tình, hắn còn hỏi cô liệu Nghĩa có nói xấu gì hắn mấy lần trước không.
 
Cuộc đời Hùng theo đuổi những gì vừa là kỳ vọng vừa buồn cười lại túng bấn trong mặc cảm: “Tân kể trong lần xem đánh cờ Hùng vô tình quen một ông già rồi được ông ấy nhận làm con nuôi. Ông già ấy sống độc thân, giầu có, nhà ngay mặt phố Hàng Than. Ông ta hứa khi nào chết sẽ di chúc cho Hùng toàn bộ tài sản của mình. Thế là Hùng cung cúc phục vụ ông ấy hơn cả phục vụ bố mẹ đẻ. Đợt vừa rồi ông già ốm nặng, sắp chết, Hùng phải bưng bê đổ bô cho ông suốt. Đùng cái hôm nay một gã con trai, râu ria xồm xoà xuất hiện tống cổ Hùng ra, cấm cho bén mảng tới. Đấy là thằng con trai độc nhất của ông già. Cách đây gần chục năm hắn vượt biên sang Canađa, giờ biết tin bố sắp chết thì quay về tiếp nhận tài sản.”
 
Thúy đã mất chồng (anh chồng biến mất với 500 triệu), cô lang thang kiếm tìm chồng, nhưng trong thẳm sâu dường như chưa bao giờ mong tìm thấy anh ta. Chết hay sống, khắc khoải hay sợ hãi, Thúy đều ít ít màng. Nhưng tại sao lại vậy? – Thúy cũng không tự hỏi, mà cô gieo mình vào Nghĩa – cái con người biết quan tâm và chăm sóc – thứ cảm xúc cô thấy ngạc nhiên khi bắt gặp.
 
Các nhân vật ở phần này cuộc đời bị trói nghiến trong thân phận ràng vào nhau. Họ canh chừng nhau, si mê nhau, hãm hại nhau. Họ bộc bạch dần bản thân ra từ khi Quân biến mất với 500 triệu của cơ quan. Khẩn đưa Thúy đi tìm Quân. Hùng và Nghĩa bàn về Quân. Liên và Thúy nói về sự trống vắng trong nhà. Nhưng sự biến mất đó dường như chỉ là động cơ để vòng bánh răng cuộc đời những người này chuyển động . Không có sự biến mất của anh chàng, cái chết của bà Nhung thì người ta tưởng tất cả xã hội ấy sẽ đứng im mất. Họ chết đứng vì mải mê thay phiên căm giận, thù oán, làm tình với nhau. Họ mỏi mệt và xiết chặt nhau.
 
Nhưng họ có yêu nhau không? – Phần yêu ấy hình nhưng bị bỏ hết ở thế giới thanh sạch bên kia của Khẩn rồi.
 
Đọc “ngồi” đừng mong chờ biến cố lớn hay sự tuẫn tiết cao sang của nhân vật nào, cũng đừng chờ đợi kịch tính thảm khốc dấy lên như trong “những đứa trẻ chết già”. Đây là một sự quỵ lụy, gục ngã của con người.
 
Từng câu văn là hình nét trên một bức tượng người – đổ mình trên đầu gối – không thiết tha được tái sinh trong bất cứ hạnh phúc hay mong chờ nào. Nó là một sự tuyệt vọng toàn thể….
 
Như cuộc chia tay cuối cùng này của Khẩn và Kim: “Lúc lâu sau đột nhiên Kim lên tiếng, cánh mũi trắng mỏng như cánh hoa hơi nhúc nhích, chúng mình chia tay thôi, em biết anh mệt rồi. Khẩn thấy không khí thoát hết ra khỏi lồng ngực và những con cá đang ngáp một cách tuyệt vọng trong phổi mình, chẳng lẽ tất cả những gì đã qua là phù phiếm hay sao?
 
Kim nhìn thẳng vào mắt Khẩn, không, em không nghĩ là phù phiếm. Dù sao thì chúng mình cũng đã đi cùng nhau. Khẩn lại nhớ tới khói. Khói bay, khói cuốn, khói bốc lên như một vòi rồng ở giữa bãi đất bằng dưới chân dãy núi có nhiều thần linh ngự trị. Bãi đất mà Khẩn và Kim chọn là nơi nghỉ lấy sức trước khi leo lên ngôi chùa trên đỉnh núi. Chả hiểu sao lúc ấy Khẩn chỉ những ngọn khói thốt ra một câu đại khái rằng đời người cũng phù phiếm như khói kia.”
 
 
Vậy thôi, quyển sách chỉ là khói.
 
Khải Đơn
 
Advertisement

2 bình luận về “Vòng khói phù phiếm dày đặc: Ngồi – Nguyễn Bình Phương

Add yours

  1. Rất đúng tâm trạng mình…vừa đọc xong “Ngồi”, mình buồn vời vợi, có thể nói nó sâu sắc nhưng phần nào cũng không hiểu đầu cua tai nheo gì… vì là khói mà ^^

    Thích

Comment

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

%d người thích bài này: