Núi thần

Đây là quyển sách khiến tôi thấy mệt mỏi nhiều nhất khi đọc. Và rất chậm chạp. Từ tết đến giờ, chỉ mới bắt đầu đến tập hai.

Thomas Mann là nhà văn người Đức. Quyển này được viết trong nhiều năm. Đọc và mất tập trung đọc rất nhiều lần, nhưng Núi Thần không làm tôi bỏ. Không phải vì nó kịch tính, hấp dẫn hay tuyệt đẹp như người ta vẫn kỳ vọng, “Núi thần” chỉ nhẩn nha và mất thì giờ để nhận ra cuộc sống diễn ra kiểu gì. Vậy bạn nào chờ đợi một tiểu thuyết hấp dẫn kịch tính, thì sẽ không thích.

IMG_6692

Núi thần kể về Hans Castorp và chuyến du hành của chàng từ nhà ở Hamburg (Đức) đến một viện điều dưỡng ở Davos – Thụy Sỹ, trên dãy Alps. Chàng đi thăm anh họ mình tên Joachim trong ba tuần.

Ở trên một viện điều dưỡng bệnh lao và phổi, người ta làm gì? – Cuộc sống thật phẳng mờ như thời gian. Họ ăn sáng, đi dạo, nhìn nhau trong bữa ăn trưa, cãi nhau, chơi một trò chơi trong mùa Giáng Sinh, đi khám phổi, tranh luận triết học.

Và chết.

Sự bình thường nhất của Núi Thần chính là chết. Cứ vài tuần, vài tháng, hay vài ngày, lại có ai đó biến mất. Người ở Sơn trang không nói về cái chết, mà cái chết đi dạo qua cùng họ. Các nghi lễ tiễn biệt bí mật và kín đáo, riêng tư đến mức không ai chạm mặt ai, không cái chết nào chạm mặt cái sống.

Chuyến du lịch vài tuần của Hans Castorp 20 tuổi đã biến thành chuyến đi dài mênh mông, khi chính anh cũng bị chẩn đoán bệnh lao và phải ở lại với “Núi thần”. Tác phẩm là ngày dài bất tận, dài đến mức chúng đứt đoạn trong suy nghĩ của con người, và mất đi hẳn ý nghĩa. Chẳng ai buồn quan tâm một ngày là 24 giờ, hay một tuần là 7 ngày, hay bao nhiêu tháng đã trôi qua.

Ở đây, tuổi 20 của Hans Castorp ngụp lặn trong cơn si yêu một phụ nữ, cãi cọ, nghĩ suy mông lung về những ý niệm triết học, y học, kỷ luật, đức hạnh được các học giả, bác sĩ, anh họ truyền cho chàng.

Ở đây, người ta sống nghĩa là đi dạo một con đường dài vô biên tiến tới cái tuyệt vọng, là sự chậm bộ thảnh thơi mà biết không thể tránh được gai nhọn từ cái chết, là ý niệm về “tự do” được người con gái đẹp Clawdia Chauchat nêu ra hùng hồn: “Bệnh tật cho tôi tự do” vì nàng muốn ở xa người chồng tận nước Nga.

Núi thần bùng nhùng trong dòng cảm xúc nóng bỏng của chàng trai 20 tuổi, bình thản và nghiễm nhiên như quy luật, nền nếp mà ngài cố vấn, anh họ, y tá, ông văn sỹ… đưa ra. Những tưởng con người đang cố hồi phục như một tiểu xã hội để trở về đời thường. Những tưởng họ đầy hi vọng. Những tưởng họ chiêm nghiệm sự bình an trong đời sống sung túc, được chăm sóc, thanh thản, sạch sẽ.

Đàng sau bức tường trắng phau ấy, là lần Hans Castorp diện kiến sự chết trong một nhận thức gần như chuyện trò, gần như trải qua cùng như bạn đồng hành. Con người ở đây luôn được nhắc nhở mang trong mình bầu phổi mục ruỗng, bị tàn phá bởi vi trùng. Một xác thể tuyệt mỹ căng tròn luôn được gợi nhắc có chứa khối lao ẩn bên trong. Một tinh thần thượng đẳng đầy trí tuệ cũng điêu đứng trong ý nghĩ dằn vặt về ở hay đi, bệnh dài hay ngắn, còn bao nhiêu thời gian.

Thomas Mann chỉ dựng ra các hành lang của cử chỉ mỏng manh, nhỏ nhặt mà con người ta đi qua, trong một thế giới thanh nhã, cách biệt, đầy ảo mộng và sự mỏi mệt khôn cùng khi cứ phải nếm dần dần vị đắng của tồn tại hi hữu.

Tất cả những gì trong tập đầu tôi đọc, chỉ là sự tồn tại. Thoáng chốc tình yêu bùng lên, xót thương trỗi dậy, hay nỗi sợ cái chết bủa vây, hay ý hướng minh triết thâu tóm và khởi sáng tinh thần, nhưng tất cả chỉ là bùng lên chớp thời. Còn lại chỉ là sự trôi. Đời sống trở thành một vô hình vô vị, không một ai còn quan tâm thời gian, mục tiêu hay ý hướng. Tất cả cứ thế trôi như nước trong dòng suối thấp nhạt nhòa.

Con người thở để làm gì, Hans Castorp sống để làm gì. Thậm chí trước khi lên Sơn trang, chàng còn chưa nghĩ ra mình phải làm gì với cuộc đời vừa tốt nghiệp. Cứ thế, những con người va cụng nhau trong ly rượu mùa lễ, cười vào nhau trong những lần giao tiếp không có ý niệm thực sự. Rồi họ tan dần đi theo những cái tên tác giả đánh dấu, được khiêng đi rồi, chết rồi, tắt thở rồi, xài hết 40 bình oxy rồi ngỏm rồi. Từng ngày một.

Và sự sống ở Sơn trang, hay ở đây giữa ta với cuộc đời này, có phải chỉ là chết đi cùng nhau bằng kiểu vô nghĩa thuần khiết như vậy?

Khải Đơn

<Còn tập 2>

3 bình luận về “Núi thần

Add yours

Comment

Blog tại WordPress.com.

Up ↑