Hình ảnh người thanh niên trẻ cầm cái túi đựng mền đề “Kính tặng Obama” khiến bất cứ ai cũng có thể bật cười.
Bức ảnh và nụ cười vô tư ấy xuất hiện chỉ một tuần sau khi tôi nhận được hình ảnh bạn tôi gửi – hàng rào thép gai giăng kín sắc gạch màu đỏ của Nhà thờ Đức Bà.
Một tuần trước, bạn tôi vừa đứng khóc, vừa gửi tấm ảnh cho tôi.
Nỗi buồn ấy hầu như đã lan khắp bàn tay.
Trong giấc ngủ, tôi nhớ ra bức ảnh mình chụp Nhà thờ sau một chiều mưa. Các maseour đi bộ vào nhà thờ trong giờ cầu nguyện chiều.
Bạn thầm thì vào tai tôi: “Em có biết màu gạch đỏ của nhà thờ sẽ thay đổi sắc độ theo màu nắng không?” – Phát hiện đó khiến nhà thờ ở yên trong lồng ngực tôi. Sự thay đổi, những bất ngờ, những cơn mưa phủ ướt mặt, ngày nắng bất cần, cả màu của nhà thờ, đều sẵn sàng thay đổi một cách bất chấp.
Từ ngày 21 tuổi, khi ngồi kế một ông vá xe gần bệnh viện Từ Dũ, tôi đã cảm nhận rằng thành phố này và con người ở đây sẽ là những kẻ thay đổi mọi thứ và bất chấp những rào cản hoang đường nhất. Đêm khuya đó, ông nói với tôi giá tiền vá xe là 10.000đ – một cái giá gây kinh ngạc – tôi đã quen chịu chặt chém mỗi khi xe xì lốp đêm khuya. Ông nói: “Mầy đi xe cub, chắc sinh viên tỉnh.”
Tôi bị xoay như con vụ giữa những dòng đổi thay của thành phố. Gặp những người kín đáo với niềm tin như một thánh đường. Nghe những người giảng về sự chọn lựa của họ suốt hàng chục năm dài. Khề khà với cả những người căm ghét tất cả mọi thứ từ sau ngày biến động 1975. Được hỏi những người đã luôn tin vào lựa chọn của mình, từ thuở 20 trên chiến trường Điện Biên Phủ và đến ngày họ nghỉ trưa ngoài hiên nhà ở Sài Gòn. Thành phố này là một cơn gió khổng lồ đẩy người ta vào xoay vần lấy nhau.
Bạn có nhìn thấy chò nâu bay ngoài nhà thờ Đức Bà ngày mưa chưa? Chò xoay vòng vung vẩy như bao thơ ngây khuẫy tan bầu trời.
Chắc có bao nhiêu người ở Sài Gòn là có bấy nhiêu quả chò. Họ quấn lấy gió mưa, họ đảo chiều xoay vòng, họ vung mình lên cao hay tan nát như bã dưới nền đường khi bánh xe lướt qua.
Nhưng ở Sài Gòn bấy nhiêu ngày, tôi hiểu thành phố này sẽ giữ mãi trong ngực nó tinh thần của quả chò nâu bay dù thật bất định và cực nhọc. Nó không sợ. Nó có thể mất tất cả thân mình. Nó có thể thổi bay mình lên đỉnh cao.
Màu đỏ của gạch nhà thờ khi nắng khi mưa đã vun thêm niềm tin đó của tôi đầy lên không đo đếm. Tất cả những điều cổ xưa, tuyệt đẹp cũng đều sẵn sàng đổi thay, dễ dãi, thuần túy và mạnh mẽ như vậy.
Thép gai có thể vây lấy gạch đỏ và nhà thờ, nhưng sẽ không ai có thể ngăn được những gương mặt người trẻ hồn nhiên biết cười.
Họ sẽ điên rồ cầm trong tay một cái túi chăn mền để chào đón một ông tổng thống lạ. Họ sẽ trèo lên xe máy đứng ngóng ông ta. Họ sẽ khóc khi bị đánh trong một buổi chiều muốn thể hiện ý niệm và bị trấn áp.
Hầu như có lúc thành phố này chỉ còn toàn nỗi sợ hãi. Tôi đã sợ khi biết bạn tôi bị cướp và bị thương nặng. Chúng tôi đã sợ khi vũng máu trên đường không tan sau một vụ cướp manh động. Tôi đã sợ khi bảo vệ trong bãi xe xông vào đánh một người khách gửi trót phàn nàn anh ta.
Thành phố quen với nỗi sợ của chính nó và phải luôn gồng mình chống đỡ một thứ gì đó tiêm vào cơ thể.
Rúng động. Điên cuồng.
Nhưng Sài Gòn là vậy. Sự điên cuồng chỉ là một cơn gió. Nó mềm mỏng và nhẹ nhàng đến mức sẽ lướt qua tất cả, thản nhiên như không, nông cạn như một làn nước mưa vội vàng, nhưng sau đó cứ đi về phía của điều tốt lành không thể cưỡng lại.
Thành phố tạo ra những người trẻ biết mỉm cười khi vẫy tay chào. Nó đón chân những người biết cất tiếng nói lo lắng cho kẻ xa lạ yếu đuối hơn mình, biết hỏi về cái hang động, biết bàn luận về những đứa trẻ không có sách đọc ở ngoại ô gần hồ Dầu Tiếng, biết hỏi về điều nó cho là không đúng, biết hành động – vì tin vào một chuyện nhỏ nhặt quan trọng nào đó thẳm sâu trong tim.
Có những đêm đi chơi khuya về ba giờ sáng, tôi đứng ở Trần Não mua một ổ bánh mì, nói chuyện bông phèng với một bà công nhân vệ sinh đi làm về muộn. Bà mua bánh mì cho đứa con gái đi học sớm. Bà ở trọ ở đây và cho cô bé vào để học, để bà nấu cho nó ăn và lo dạy dỗ nó.
Bà đẩy xe đi, và tôi biết thành phố chuyển động dưới chân bà, chuyển động trong tâm trí và bước chân của con gái bà. Tất cả những người chuyển động đó sẽ làm thành phố bay như mùa chò nâu thổi bung mình dưới mưa và phủ kín bầu trời.
Thép gai đau – như hàng trăm lần những người già từng kể chuyện nhiều năm trước. Thép gai đau – như khi tôi cầm quyển sách “Đối diện với chiến tranh” mà Lý Chánh Trung viết.
Khi ấy, tôi 19 tuổi, đang ngồi giữa đống sách ve chai trong một tiệm ẩm thấp ở làng đại học. Tôi bị rúng động vì những gì ông viết, không phải bởi chiến tranh, bởi đau, bởi máu, bởi mất mát, mà là bởi sự quẫy đạp của một thứ tự do không biên giới.
Người thầy giáo đó tin vào tự do của tri thức, bình thản tuôn những câu từ đó lên trang viết, và tham dự vào thời đại của ông.
Giờ vẫn thế, khi tôi nhìn thấy thép gai, nghe thấy tiếng bạn tôi khóc, và rồi nhìn thấy họ cười tươi thật tươi khi bước vào khán phòng gặp ông tổng thống họ chưa gặp lần nào. Không định kiến. Không sợ hãi. Cũng chẳng nhiều gay gắt. Họ thản nhiên hỏi về điều họ quan tâm. Bạn tôi thản nhiên khóc vì điều cô ấy lo lắng. Vài người tôi quen thản nhiên ca hát vì tình yêu riêng tư của họ. Tự nhiên như là phải bay thôi.
Sài Gòn mãi mãi thay đổi. Quyết liệt như lửa, đau đớn như thép gai, cười tươi như nắng, hay chỉ im lặng trong một cơn mưa chiều quá nhanh và vội vàng.
Họ thản nhiên bay trong gió như chò nâu – chẳng bao giờ sợ vì đã từng buồn bã hay bật khóc.
Khải Đơn