Mùa đông rúng động


Bây giờ là mùa mưa. Chỉ cần sáng ngủ dậy, chạy ra đường là phải bung ô ra, và tha hồ đánh võng qua các vũng nước.

IMG_1081

Hôm nào chạy trong mưa như sáng nay, tôi lại hay nhớ về một buổi trưa mùa đông ở cảng Nagasaki, khi tôi ngồi uống cafe với ông nhà báo người Nhật.

Ông hỏi: “Phương này, tại sao cô lại muốn đến Hashima? Tôi chưa từng gặp một người nào nói họ muốn đến Nagasaki chỉ vì Hashima.”

Ngay khi nhìn thấy Hashima trên bản đồ, tôi đã nghĩ mình phải đến được nó. Nằm sừng sững giữa biển một cách kỳ lạ,nó có đầy đủ nhà cửa, đồ hàng, như người khổng lồ nào đã bày biện sẵn ngôi nhà búp bê, xong vứt lại giữa biển khơi và đóng băng tại đó. Bức tranh siêu thực ấy cuốn lấy tôi như một con búp bê từ trên cao, muốn được chạm vào thế giới kín tiếng một chiều bí ẩn.

Lần đầu tiên nghĩ về nó là 4 năm trước, và mọi thứ mịt mù. Hòn đảo là một phế tích công nghiệp hơn 100 tuổi nằm giữa biển. Để đào than từ đáy biển, tập đoàn Misubishi đã đưa người ra đảo ở. Họ xây ở đó bể nước, trường tiểu học, trung học, sân chơi, căn hộ, ngay trên nền của mỏ than dưới biển. Chỉ đi bộ chừng một tiếng là hết hòn đảo. Sau hàng chục năm khai thác cạn kiệt mỏ than, chẳng ai còn lý do ở lại đảo.

Người chủ tàu nói với tôi: “Ngày cư dân rời hòn đảo tôi mới hai mấy tuổi, đứng từ đây nhìn ra các tòa nhà vẫn sơn đầy màu sắc. Sau 40 năm, màu sắc phai dần đi và chỉ còn màu xám, như một chiếc tàu chiến.”

Và khi ông Tawara hỏi, cô muốn đi thăm gì ở Nhật? – Tôi đã nói “Hashima”. Ông im lặng trong điện thoại và dè dặt nói để ông xem lại. Đó là chuyến đi tờ báo Mainichi dành tặng một phóng viên trẻ, trong một tuần đến những nơi nào họ thích tại Nhật Bản, cùng với việc tìm hiểu quy trình làm báo ở Mainichi. Tawara có hỏi tôi một lần nữa: “Cô không còn thích nơi nào khác sao?”

Địa điểm đó của tôi đã nổi lên từ một ước muốn phù phiếm: Tôi muốn được nhìn thấy một đô thị hủy diệt có nghĩa là thế nào.

Hòn đảo làm tôi choáng ngợp. Những cấu trúc bê tông sụp xuống từ một bộ khung đồ sộ ngay ở tâm hòn đảo. Cách con người đã cắm rễ sức mạnh mình trên biển. Khung cửa sổ vỡ và im lặng. Hàng trăm ô nhà nhỏ vươn lên trời, trống tênh không sinh vật. Sân chơi bỏ dang dở, còn màu và viên gạch đám trẻ xếp hình để tạm biệt khi về lại đất liền. Ròng rọc chuyển than như khối xương trụ cắm nghênh ngang trên đất.

Tại một thời khắc định mệnh, hòn đảo và những tòa nhà ngừng đọng vĩnh viễn đúng ở điểm đó. Con người giong buồm khỏa nước và quay về nơi họ ra đi, vứt lại góc nhà từng sinh ra đứa trẻ, tiệm cắt tóc dưới tầng thấp, phòng tắm chung hay vườn rau trên sân thượng.

Con người bỏ đi, thời gian ngừng lại. Không có gì được tạo sinh và cũng chẳng ai buồn phá hoại. Thứ công trình hoành tráng bậc nhất từng được xây lên bằng lòng kiêu hãnh bất cần thiên nhiên dần chìm khuất vào cú nuốt của biển. Một tòa nhà cao 11 tầng trước mặt tôi, với bàn ghế gãy đổ, kính tường vỡ tan từng mảnh.

Tôi cứ ngồi im giữa những khối nhà hình vuông kỳ dị. Tawara chỉ cho tôi xem dấu tích của ngôi đền duy nhất trên đảo – không phải một toà nhà – mà chỉ là một mô hình đền bé nhỏ, lắp chòi ra trên đỉnh đá cao nhất, nơi hàng ngàn con người chen chúc nhau ở đây có thể nhìn lên mà cầu nguyện. Cõi người lùi lại cho một thế lực toàn vẹn ngự trị, mang đích danh là ánh sáng nguyên sơ mà hơi người chưa bao giờ chạm vào được.

Con người chúng ta là ai ở giữa sự hủy diệt vĩnh viễn của thời gian? Thứ ta tạo ra, liệu sẽ hài hòa bao nhiêu với cái tự nhiên mà chúng nương bám?

Đột nhiên, Tawara nói: “Rồi sẽ đến một ngày, cô già đi và phát hiện mình không còn chút xao xuyến nào trước một cảnh tượng mới nữa. Khi tôi nhìn thấy cô muốn đến Hashima, cô đã khiến tôi cũng muốn nhìn nó rõ hơn. Tôi biết nó mấy chục năm rồi, chỉ đi đâu đó ngang qua, chứ không bao giờ lên đảo. Cô biết đấy, đến một tuổi nào đó, mình sẽ không còn thực sự có đủ rung động cho bất kỳ điều gì.”

Tôi chỉ cười phá lên. “Nhưng tôi muốn được khoẻ mạnh và đi khắp nơi như ông. Tôi sẽ luôn còn xao xuyến. Tôi không bao giờ có thể ngừng bị choáng ngợp bởi những điều lạ. ”

Cốc cafe có nắng biển Nagasaki xuyên qua giữa ngày đông xanh biếc của tôi và Tawara.

Trời lạnh đến nỗi mặt tôi bị đau. Bọn tôi đã ngồi đó để ăn mừng cơn quá khích của tôi.

Tawara gần 80 tuổi, một phóng viên già nua và tôi ngồi thi đếm tàu, kể chuyện cá nóc, đếm các hòn đảo trước mặt và rồi đi bộ về khi chiều xuống.

– Tawara này, có bao giờ ông cảm thấy mình dửng dưng trước mọi thứ không?

– Có. Nhưng tôi có bị hứng thú lây vì cô cười quá to vì sung sướng hôm biết mình có thể ra đảo. Thật kỳ quặc đúng không?

Buổi sáng hôm ấy trên một cảng biển xa xôi, ở cuối chân trời, trước hòn đảo mà tôi mơ đến nhiều năm, tôi tự hỏi đã bao nhiêu lần mình xao nhãng và quên mất nó trước khi có con đường dắt đến nơi nó tồn tại?

Đã bao nhiêu lần tôi chẳng còn rúng động và sung sướng tràn đầy như vậy…

Khải Đơn

Advertisement

Comment

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

%d người thích bài này: