Khi cảnh phim cuối cùng kết thúc, cô gái ngồi im, cốc nước vơi nửa, người bồi bàn châm nước, cô yên lặng trong ánh sáng rõ ràng và chiếc bàn ăn trống người một bên, tôi đã tự hỏi, tình yêu đã làm gì thế này?
Lobster (tôm hùm) trái với cái tên kỳ quặc và thể loại phim là “hài”, “tình cảm”, khiến tôi cảm thấy kiệt sức, trống trơn từ giả định nó tạo ra. David – nhân vật nam chính – bắt đầu bộ phim bằng việc anh được đưa đến sống ở một khách sạn dành cho những người độc thân. Thế giới này (gọi là Thành Phố) có quy luật mọi người đều phải có cặp đôi, kết hôn và sống bên nhau. Ai độc thân sẽ được gửi đến khách sạn. Ở đó họ sẽ có 45 ngày để tìm một ai đó cũng như mình và cáp đôi. Nếu không thể yêu ai, họ sẽ bị hoá thành một con thú theo ý họ chọn và xua vào rừng. Đàn ông bị cấm thủ dâm (làm lén lút sẽ bị đút tay vào lò bánh mì nướng trừng phạt) nhưng sẽ được người hầu gái “giả định” một cuộc giao hợp để xuất tinh theo đúng định kỳ.
Tôi chỉ biết vợ David đã bỏ anh ta đi vì chán cuộc hôn nhân. Cô không được mô tả trong phim. David bị dẫn độ về khách sạn, dắt theo một con chó. Theo David mô tả, con chó chính là anh trai của anh, vì không tìm được ai để kết hôn, đã bị hoá thành chó theo ý nguyện của anh ta. Từ đầu phim, các khung hình được cắt mạnh tay. Khi David check-in, cô gái hỏi anh ta chỉ hiện ra đôi tay. Khi bà giám đốc khách sạn giới thiệu chồng bà, máy quay cắt ngay đầu ông ta. Khi bà giám đốc thao thao nói về quy luật của khách sạn: có 45 ngày để tìm người làm bạn yêu, sau đó được dọn đến phòng đôi, sau đó khách sạn sẽ giám sát xem họ có hành động như cặp yêu nhau không, sẽ bị còng một tay lại… trong lúc đó hình ảnh ông chồng chỉ có cái thân vô cảm.
“Luật chơi” của tác giả kịch bản có vẻ đã đẩy những người đàn ông và đàn bà – rõ ràng đang có nhu cầu tìm bạn tình và tình yêu – lại hành xử với nhau vô cùng cực đoan khi họ bị đẩy vào cùng một đề bài: bức bách tìm người tình trong 45 ngày không thì hoá thành thú vật vĩnh viễn. Tình yêu và sự tái sinh giống loài đã được gắn thêm động cơ lợi ích đầy vị kỷ: được sống còn .
Chàng trai thọt chân cố gắng cua được cô gái hay chảy máu cam bằng cách đập đầu vào tường cho chảy máu cam để “đồng cảm” với cô. Người đàn bà sồn sồn mỏi mệt cầu xin David cho bà ghé qua phòng, bà có thể làm mọi trò ông thích, thậm chí bà khoe mình có thể “thổi kèn” nếu anh muốn. David nhìn bà quay đi.
Ngoài ra, những người ở khách sạn có thể gia hạn cho sự độc thân của mình khi tham dự vào cuộc đi săn “kẻ cô đơn” – vốn là những người không chịu có cuộc sống gia đình và bỏ chạy vào rừng trở thành “phiến quân” loners trong khu rừng. Bắn được một đứa, họ được thêm một ngày an toàn.
Họ sống 45 ngày dậy theo đồng hồ khách sạn gọi, ăn sáng, ăn tối, khiêu vũ, học bài học về chuyện tại sao đàn ông cần đàn bà, tại sao đàn bà phải có đàn ông. Thỉnh thoảng có một buổi công bố cặp đôi nào đã chọn dọn về ở với nhau. Chàng trai thọt chân nhờ mánh tự đập đầu cho chảy máu mũi đã được cô gái chảy máu cam đồng ý kết đôi. David tìm cách để cưa đổ một cô nàng nào đó. Cuộc chọn bạn của những người trong khách sạn diễn ra hệt như cuộc tìm bạn qua mạng. Họ tự ý điền vào trong óc các tiêu chí thích thú gì, người kia có tiêu chí đó, ok, họ cáp đôi.
David quyết định chọn một phụ nữ tóc ngắn để cua trong buổi sáng anh đi đánh golf về, và thấy bên cạnh hồ bơi, một cô gái trẻ tuổi đã nhảy từ tầng cao xuống tự sát khi đến hạn 45 ngày và sắp phải hoá thành thú. Cùng nhìn thiếu nữ rú gào ngáp ngáp chết giữa vũng máu, David lần đầu nói lời gợi chuyện tán tỉnh với cô tóc ngắn. Cô ta là người đã sống sót ở khách sạn lâu nhất, vì luôn “kiếm thêm” được ngày sống nhờ vào các cuộc đi săn tàn bạo, luôn tiêu diệt được vài loners nào đó.
David và cô ta dọn về ở bên nhau. Để thuyết phục được người đàn bà này, anh đã cố tỏ ra tàn bạo hệt như cô ta, thản nhiên khi nhìn cảnh người nhảy lầu máu chảy lênh láng đang chờ chết, đá một cô bé con, mặc kệ cô ta khi (giả vờ) hóc oliu đến chết ngạt.
Cô ta chọn David vì thấy anh ta tàn bạo giống mình.
Nhưng chỉ vài ngày dọn về chung một phòng đôi, David tỉnh dậy, nghe cô nói cô vừa giết chết con chó (anh trai) của David. Cô đã đá vào bụng nó để nó chảy máu mà chết. Tiện miệng, cô miêu tả khi mình đá, con chó kêu ra sao. David vào nhà tắm, nhìn thấy con chó trên vũng máu. anh không giữ được sự lạnh lùng giả vờ và bật khóc. Cô ta quyết “vạch trần” anh trước ban giám đốc khách sạn và chia tay khi phát hiện anh ta chỉ là một kẻ yếu mềm nhiều tình cảm.
Phần sau của bộ phim, David chạy thoát vào rừng và trở thành một “Loners” – nơi của những người anh và khách sạn đã từng đi săn. Luật sống ở đây đơn giản hơn, họ làm gì cũng được, chỉ không được tán tỉnh hay gần gũi nhau. Mỗi người được phát một máy headphone để nghe nhạc và tự giải trí trong đơn độc. Nếu hôn nhau, sẽ bị rạch miệng, nếu yêu nhau, sẽ bị chôn sống. Họ là “kẻ cô đơn”. Ở đây, David đã yêu một phụ nữ bị cận. Họ học cách không cần nói mà vẫn hiểu nhau, chỉ cần giơ tay để thể hiện lời yêu. Họ qua mặt thủ lĩnh. Họ tìm cách trốn khỏi khu rừng và những “kẻ cô đơn”.
Cảnh bi thương nhất của bộ phim mà tôi nhớ được, đó là để một lần được khiêu vũ cùng nhau lén lút, David đã chép vào hai chiếc discman cùng một bài nhạc, họ cùng bấm play, đeo headphone và khiêu vũ với nhau trong im lặng – giữa rừng sâu. Tình yêu được chạm khắc một bức chân dung tuyệt đối. Khi yêu nhau, họ ở trong một vũ điệu riêng tư và duy nhất, bất chấp thế giới ngoài kia đang chuyển động về hướng nào.
Vũ điệu đó có thể nghe thấy trong im lặng, từ cử động bàn tay, từ hơi thở, ánh nhìn mà không cần đến ngôn lời nào. Rung động sâu sắc nhất toả ra từ sự câm nín tuyệt đối, cái nắm tay và chuyển động cơ thể biểu lộ sự ngọt ngào trọn vẹn không cần bất cứ ai công nhận, hay theo quy luật thế giới nào. Trong vũ điệu ấy, tình yêu được dự báo một bất hạnh miên viễn, không bao giờ tỏ bày được, chỉ có cách khoá kín nó trong thế giới riêng tư của David và nàng giữa giai điệu mù loà.
Giữa cảnh âu yếm đồng điệu đó, vô số câu hỏi đã hiện ra trong đầu tôi.
Người ta sẽ làm gì khi kết hôn vì một mưu cầu – và các mưu cầu giống nhau như thật?
Con người sẽ làm gì nhau với tình yêu của họ – khi đoan chắc tình yêu là điều vĩnh cửu mình cài lên áo người thương?
Sự đơn côi sẽ hoá thành gì – khi nó được mông má lên trở thành triết thuyết tự huyễn hoặc là duy nhất bản thân mình vĩ đại?
Người ta sẽ đối xử thế nào với tình yêu, khi phải đối mặt với bất hạnh tuyệt đối của một nửa yêu thương kia mình đã từng chọn lựa? Sẽ chọn cái chết của mình, hay chọn bắn vào đầu vợ yêu để được sống trước lời đòi hỏi của kẻ thủ ác?
Mô hình gia đình, nơi được tôn vinh cực đoan như nguyên tắc để giống nòi loài người được tồn tại và bất tử, liệu có phải là một cỗ máy công nghiệp để tàn phá những chân thật cuối cùng, đẩy người ta rời khỏi sự yêu thương thơ ngây, bắt đầu tính toán đầy đủ cho loài của mình được tồn vong ngàn đời?
Đàn ông và đàn bà – tối thiểu – sẽ va đập và làm tan vỡ nhau đến mức nào – khi họ được yêu cầu bởi sự sinh tồn – đòi hỏi họ có trách nhiệm cáp đôi với giống loài kia và sinh ra một di sản để họ không chết đi vĩnh viễn?
Sau khi trải qua yêu đương cuồng nhiệt, chăm sóc ái ân tuyệt vời như bản nhạc câm lặng giữa rừng và vũ điệu duy nhất ấy, David và nàng sẽ làm gì để tình yêu xé tan họ thành từng mảnh hay ở bên nhau suốt đời?
Họ có yêu nhau vĩnh viễn không?
Tôi ngồi im trong rạp, và cố lý giải tình yêu duy nhất David dành cho cô khi họ hôn nhau, khi anh ngắm nhìn nàng, khi cô nói về khao khát có một gia đình, khi anh nói họ có bốn đứa con, khi nàng nhắc về căn bếp sạch sẽ ước mơ với con trẻ…
Tình yêu đó có thật không?
Hay đạo diễn Yorgos Lanthimos chỉ cố ý tạo ra một thứ quả đắng khủng khiếp thực sự cho tình yêu, khi ông sắp đặt nàng ngồi uống nước lọc chậm rãi một mình cuối phim….
Khải Đơn
Sau khi quyết định làm Loners người ta lại tìm thấy bản chất mong muốn kết đôi sâu thẳm trong mình, Nghịch lý thương tâm quá
ThíchThích