Tôi đến Songkhla sau một chuyến tàu dài hơn một đêm. Cùng ngày hôm ấy, nhà ga xe lửa ở Pattani bị đánh bom. Con tàu dừng hàng chục lần trong đêm. Cảnh sát có súng lên xuống kiểm tra căn cước của người khách bất kỳ nào đó.
Người ngồi cạnh là một bạn lính về thăm nhà. Hôm ấy trong ga Hua Lam Phong, một đơn vị quân đội xếp hàng nghe vị chỉ huy dặn dò gì đó, rồi tản ra các toa tàu. Ai ngờ bạn đi cùng tàu với tôi, về thăm nhà ở Yala.
Đám đông xúm lại nhìn qua màn hình Line của bạn khi đợt cảnh sát đầu tiên lên tàu kiểm tra. Và từ lúc đó trở đi, thỉnh thoảng giữa cánh đồng tối đen không trăng sao, con tàu lầm lì dừng lại và đón một đợt kiểm tra mới.
Hàng chục người bán hàng rong lên xuống với những món ăn tối, ăn khuya, quà vặt. Bạn lính mua cafe cho tôi, và đi ra cửa tàu đứng hút thuốc khi tôi nhấp cafe nóng bỏng. Tôi đưa cho bạn quả trứng luộc trong balo. Và thành đồng hành như vậy.
Bạn đi lính bộ binh ở Bangkok và giờ về Yala nghỉ hai tuần. Khi nhìn thấy bản tin đánh bom, bạn lắc đầu ngán ngẩm. Suốt đêm, cảnh sát đi ngang chỗ tôi ngồi – người duy nhất không phải người Thái trong toa hạng 3 rẻ tiền và tù mù – bạn lính nói gì đó, và họ nhìn tôi và từ lúc đó trở đi không ai kiểm tra tôi nữa. Bạn bảo: “Tôi nói bạn là em gái tôi. Lính thì dễ thông cảm.”
Đó là chuyến tàu đến Hat Yai, cách Bangkok hơn 900km. Bạn hỏi đến Hat Yai làm gì, tôi nói: Tôi đi tìm Songkhla.
Songkhla
“Khi tôi đến Thái Lan, trại mà tôi đến là Song Khla, nằm ở bờ biển phía đông miền Nam Thái Lan, trong Vịnh Thái Lan. Đó là một trại mà người tị nạn Việt Nam sẽ vào nếu họ ở đâu đó trên vùng biển này – đó là trại cho thuyền nhân. Tôi là giáo sĩ duy nhất ở đấy.” Đó là lời kể của cha xứ Joe Devlin, trên trang History.net (*), trong bài báo kể về Songkhla năm 1979, khi ông đến đó.
Từ thành phố Hat Yai, một chuyến xe minivan chừng hơn 40 phút là tới được Songkhla, cái địa điểm đánh dấu bằng toạ độ trên bản đồ Google Maps:7°10’10.0″N 100°37’45.0″E. Tôi cũng chẳng biết nó nằm ở đâu.
Một phụ nữ viết trên Lonely Planet: “30 năm trước, tôi được cứu và đưa tới trại tị nạn cho thuyền nhân Việt Nam ở Songkhla…Tôi muốn quay lại nơi đó để nhìn rõ hơn mọi thứ. Thời đó tôi là một thiếu nên vì thế tôi không thể nhớ rõ địa điểm” – Và ai đó đưa lên một địa chỉ toạ độ cho cô. Tôi chụp lấy toạ độ đó và đi tìm.
Thị trấn Songkhla nằm trong một vòng cung vịnh biển kín gió. Với gió mùa Tây Nam, khi mọi bờ biển khác gió to, sóng lớn, mưa dữ dội thì ở đây mọi thứ im lìm như ngừng thở.
Từ bãi biển Samila với nàng tiên cá ngồi trên khối đá, phải đi ôm sát bờ biển gần 8km để đến cái nơi theo toạ độ. Nước biển xanh nhạt mỏng và im như một cái hồ. Đi bộ theo đó là một cực hình trong ngày nóng.
Người bạn thân bảo bạn đã đi bộ hai ngày ở đây và chẳng có một miếng gió nào. “Sáng nay mặt trời mọc hướng này. Hướng kia chắc là Việt Nam, hướng này là từ Malaysia qua. Những người bạn tìm chắc đã đi từ đó nhỉ,” anh tự định hướng rồi chỉ cho tôi tưởng tượng.
XÁC NGƯỜI
“Đã có khoảng 7.000 thuyền nhân ở đó khi tôi đến, và con số nhanh chóng tăng lên đến 8000. Người tiếp tục đổ đến từ Việt Nam. Dần dần, họ được chuyển khỏi trại, để đến Hoa Kỳ và các nước đón nhận người khác.” (*)
“Mỗi sáng chúng tôi đi ra bờ biển và ở đó có những xác người – đàn ông, phụ nữ và trẻ em – tấp vào bờ trong đêm.” (*)
Trong một tấm ảnh tự liệu, người con trai da vàng, ở trần, mặc chiếc quần dài màu trắng, ánh mắt thẳng đứng nhìn vào ống kính. Cái của anh vô hướng và lạc lõng như không có chân trời. Ở thế kỷ 21, tôi nhìn chiếc la bàn trong tay bạn tôi và biết mình ở đâu. Thời 1980 đó, giá mà tôi có thể nói anh ở đâu trên bản đồ, hay ở chốn nào trong một cuộc cựa mình đau buốt của loài người phần hày địa cầu.
“Đôi khi có đến hàng trăm xác người, như những khúc củi. Một số người là các cô gái bị cướp biển cưỡng hiếp và ném xuống biển cho chết đuối. Thảm kịch đó không thể diễn tả được.
Chúng tôi kéo xác họ khỏi bờ biển, chôn cất và cầu nguyện cho họ. Điều này xảy ra mỗi buổi sáng. Đôi khi tôi ghét phải thức dậy mỗi sáng, vì sẽ luôn có xác người ở đó.
Tôi tự hỏi liệu có ai trên thế giới biết điều này… hay quan tâm tới chuyện này…Đôi lúc, bằng cách nào đó có những người sống sót. Họ nằm trên bãi biển kiệt sức hoặc bất tỉnh. Họ dạt vào bờ trong đêm, và chúng tôi hồi sức cho họ và chăm sóc khi tìm thấy họ.
Họ nghĩ chúng tôi là những thiên thần, nhưng chúng tôi chỉ là những người quan tâm,” lời kể của cha Joe Devlin rì rầm (*).
Tôi hỏi một ông chủ tiệm trà người Hoa gần bờ biển, là ông có biết người Việt Nam từng ở đây không.
Ông gật đầu, nói từng có, nhiều lắm, nhưng lâu rồi không thấy.
“Cô là người Việt Nam à? Lâu lắm rồi tôi không thấy người Việt Nam đến đây,” mái tóc ông bạc trắng. Người này đã ở trong thời của câu chuyện ấy, mà nó nhạt nhoà đến mức ông không còn nhớ được.
Tất cả những người 30, 40 tuổi tôi gặp sau đó đều không nhớ gì chuyện đã xảy ra, dù tôi đi càng lúc càng gần hơn đến địa điểm đánh dấu trên bản đồ.
“Chẳng ai muốn nhớ đến các thuyền nhân. Người ta chỉ muốn thoát khỏi họ càng nhanh càng tốt. Người Rohingya đến Malaysia, Thái Lan cũng thế. Người Syria đến Châu Âu cũng vậy. Chẳng ai muốn rời khỏi ngôi nhà của mình. Chẳng ai muốn lao ra biển để gặp cướp biển, bị bắt làm nô lệ hay trôi dạt vào bờ,” bạn tôi nói một cách quầy quả khi chúng tôi đi bộ dưới trời nắng 12 giờ trưa.
Lời cha Joe Devlin:
“Hầu hết mọi người không để ý có rất nhiều thuyền nhân đã chết trên biển. Chẳng có cách nào để biết bao nhiêu đã chết. Nhưng một số người ước tính 6 năm trước là khoảng 100.000 người chết. Tôi có thể nói khoảng 25% số người ra biển đã chết.” (*)
“Tiền bắt đầu được chuyển đến từ Mỹ, nhờ đó tôi có tể cho tiền rất nhiều người đến.Họ có thể mua đồ từ những chợ nhỏ ngay trong trại. Và tôi cũng cho những nạn nhân bị cưỡng hiếp thêm tiền – có lẽ có đến hàng ngàn người bị vậy, hầu hết là các cô gái trẻ – và những đứa bé mất cha mẹ.” (*)
Khi đến chính xác cái địa điểm đó, tôi chỉ thấy thấy một bờ biển không gió, bên kia những ngôi nhà im lặng chung chung như bất kỳ cảnh trí nào khác tại miền Nam Thái Lan. Có nhiều cây xanh, những người nói tiếng Thái, một vài người trong tiệm cafe trả lời từng nghe nói nhiều người dạt vào bờ, nhiều lắm, nhưng lâu lắm rồi. Bà già nói rồi chỉ ra bờ biển. Bạn tôi hỏi thêm bà, anh dịch lại: “Bà ấy nói nhiều lắm, nhiều lắm, nãy giờ cứ lặp lại vậy thôi.”
“Tôi nhớ có ai đó từng nói với tôi một lần thuyền nhân là những kẻ không nhà. Lúc đó tôi đang trong tâm trạng rất tệ, và tôi nói: “Không, thuyền nhân có nhà. Đó là đáy biển.” Đó là nơi hàng chục ngàn người đã kết thúc. Đó là một thảm kịch không thể diễn tả được bằng lời,” Cha Joe Devlin kể tiếp trong bài phỏng vấn làm dâng lên một mùi đắng kinh dị.
Họ đúng là những kẻ không nhà, không kí ức, không quá khứ và mọi điều đều bị xoá sạch.
Songkhla bé như Phan Thiết, nóng hầm hập và nắng trắng buốt đỉnh đầu. Tụi tôi rời nơi đó quay vào lại khu phố cũ trên hai chiếc xe ôm, đi qua ngôi nhà màu đỏ khổng lồ nơi hàng chục con tàu xanh đỏ lấp lánh neo đợi bến. Từ đây có thể nhìn thấy đảo Koh Yok, thấy mùi biển nhẹ lướt qua cánh mũi.
Ngôi nhà ở cảng cũng là bảo tàng lịch sử tóm tắt của phố cổ Songkhla, triển lãm khung cảnh quan trọng từ khi những dãy phố đầu tiên ra đời, khu xưởng thành hình và những chuyến tàu quan trọng.
Không có câu chuyện nào về thuyền nhân.
Tôi đứng nhìn những bức hình đen trắng và tự hỏi những con người ấy ở đâu, và vì sao tôi bị ám ảnh bởi cái hấp lực phải đi tìm một điều gì đó ở thị trấn này.
Vì sao phải cố đào bới lại một thứ chẳng liên quan tới mình, chẳng tồn tại trong cuộc đời mình hay liên đới bất kỳ đau khổ nào với những gì mình từng chứng kiến.
ĐẢO
Chiều hôm sau, tôi lên thuyền ra đảo và nằm ngủ một tuần. Bạn tôi nói: “Có khi bạn ra đến đảo có thể hiểu đôi chút về những gì đã xảy ra ở vịnh Thái Lan và bờ biển ở đây.” Tôi chẳng trông đợi gì nữa. Có những thứ bị xoá sạch khỏi thời gian. Biển khơi nhanh như vô tận, hung hãn phi thường và đủ sức nuốt gọn mọi thứ chẳng cần âm lời nào cất lên.
Vậy mà buổi tối ấy, trong quán bar bờ biển, khi bạn chủ quán hỏi: “Bạn từ đâu đến?” – Và sau đó tuôn một tràng dài: “Ah, Việt Nam. Tôi ở Hat Yai, bạn biết Hat Yai đúng không, phải đến đó rồi mới bắt xe ra cảng rồi đến đây. Hồi còn nhỏ, cha mẹ tôi nói rất nhiều về Việt Nam. Cướp biển bắt người, giết họ, cưỡng hiếp các cô gái. Người ở Songkhla vào Hat Yai rất hay kể chuyện có xác tấp vào bờ.”
Anh chàng ở quán bar cứ nói mãi bằng thứ tiếng Anh ghép từng từ, khó nghe, nhưng đó là câu chuyện đầu tiên tôi thực sự nghe được. Quán đóng cửa khi chỉ còn mình tôi và đồng hồ đã 11 giờ. Anh nói: “Nếu mai bạn còn ở lại thì quay lại đây, tôi biểu diễn cho xem.”
Tôi đi ra bờ biển ngồi. Mọi khu nghỉ gần đó đã tắt đèn tối đen. Chỉ còn ánh điện ấm áp toả ra từ khu resort sang trọng phía xa và trạm gác hải quân trên đảo. Bóng tối đen đặc, biển ào ào thốc gió. Không giống chút nào với Songkhla, hòn đảo này chìm trong gió mùa Tây Nam. Đêm đó, biển đi vào giấc ngủ như con quái vật to khổng lồ không có hình dạng.
Tối hôm sau, anh chủ biểu diễn một màn múa với hai sợi dây treo hai quả cầu lửa. Màn trình diễn kết thúc, anh bước vào quán và đầy mùi dầu lửa từ hai quả cầu ám vào. Anh rót ly rượu tôi gọi, và rút ra tấm bản đồ du lịch: “Đảo hướng này không có thuyền nhân đến. Nhưng bạn nhìn đây, ở phía này có rất nhiều đảo nhỏ, có khi không có người ở, có khi đi bộ chừng 10 phút là hết chiều dài. Chắc bạn biết, cướp biển có khi giấu các cô gái ở đây, tôi nhớ mọi người hay nói vậy.”
DẠT VÀO BỜ
“Cướp biển có lẽ là những kẻ giết thuyền nhân nhiều nhất. Cướp biển chặn gần như mọi con tàu lại. Trước tiên chúng tìm vàng, thậm chí móc vàng từ răng của những người trên tàu. Thứ hấp dẫn kế tiếp là những cô gái trẻ. Cướp biển sợ nhất là bị bắt, và cách tốt nhất để khỏi bị bắt là phá huỷ con tàu và người trên tàu, và thậm chí ném những cô gái xuống biển khi bắt các cô theo.” (*)
“Đôi khi chúng chuyển các cô gái từ tàu này sang tàu khác suốt 10 ngày hoặc hơn thế, họ bị cưỡng hiếp hàng trăm lần. Sau đó chúng trói họ và kéo sau tàu cho đến khi họ chết đuối và chúng cắt dây. Hoặc chúng cắt cổ các cô và ném xuống biển, hoặc đơn giản chỉ là ném các cô xuống biển. Những người đàn ông đó đều là dân đánh cá, và chúng giữ các cô gái trong chuyến đi đánh cá. Sau đó chúng ném các cô xuống biển như rác. Và sau đó các thi thể dạt vào bờ, hoặc biến mất.” – câu chuyện còn được kể tiếp như vậy bởi hàng ngàn người sống sót đâu đó mà Cha Joe Devlin và sự độ lượng của con người đã cứu rỗi nhau.
Hôm gặp bạn tôi ở Malaysia, bạn lặp lại: “Chẳng ai muốn rời khỏi ngôi nhà của mình. Chẳng ai muốn lao ra biển để gặp cướp biển, bị bắt làm nô lệ hay trôi dạt vào bờ.”
Tôi chiêu nốt hớp rượu cuối cùng, liêu xiêu đi bộ với bạn về nơi nghỉ. Tôi chẳng bận tâm gì, chỉ nhớ biển như con quái vật đen ngòm không hình dạng, đã nuốt tất cả con người vào vòm miệng hoang dại của nó. Những đứa trẻ mù mịt như tôi, lớn lên, mãi mà không hiểu vì sao con người lại hành động vậy.
Đêm ấy tôi nghe tiếng Bố hỏi trong mơ: “Tại sao con người lại ác với nhau thế hả con?”
Tôi bật khóc.
Làm sao mà con biết được…
Khải Đơn
(*) http://www.historynet.com/joe-devlin-the-boat-peoples-priest.htm
(**) https://news.google.com/newspapers?nid=1916&dat=19820126&id=J-kgAAAAIBAJ&sjid=9G0FAAAAIBAJ&pg=3783,3753471&hl=en
(***) https://www.amazon.com/CHA-Biography-Father-Devlin-S-J/dp/0971093504
Tags:
Categories: Uncategorized
Sent from my iPhone
Cám ơn Khải Đơn đã mất thì giờ và tiền bạc để đến nơi đây, tìm hiểu và viết thành bài vừa tùy bút vừa biên khảo này. Cho phép tôi đăng lại trên blog của tôi nhé.
ThíchĐã thích bởi 2 người
Dạ vâng ạ
ThíchThích
Reblogged this on Blog Chuyện Bâng Quơ and commented:
“Vì sao phải cố đào bới lại một thứ chẳng liên quan tới mình, chẳng tồn tại trong cuộc đời mình hay liên đới bất kỳ đau khổ nào với những gì mình từng chứng kiến.”
Vì đây là sự cảm thông với số phận của những người Việt Nam bất hạnh.
Xin mời các bạn đọc bài vừa tùy bút vừa biên khảo vừa du hành ký đến Songkla của Khải Đơn để tưởng niệm đến thuyền nhân bất hạnh.
ThíchĐã thích bởi 1 người
Thảm họa cọng sản.
Thuyền nhân Lemsing- Thái Lan 1981
ThíchThích
Gia đình bác em đã tham gia vượt biên, em không nắm rõ chính xác là thời điểm nào, nhưng lời kể của bác em y như những gì chị đã viết ở trên. Mỗi lần nghe lại thấy rùng mình.
Cảm ơn chị đã chia sẻ bài viết.
ThíchThích
Tôi bị mất vài người bạn khoảng thời gian này – tôi còn vài người bạn vẫn sống trong sự dằn vặt của quá khứ qua chuyến vượt biên . Chưa nỗi đau nào có thể so sánh với niêm đau này, cũng chưa ai có thể giải thích lý do tại sao con người có những quyết định như thế . Không bíết tương lai vẫn hiên ngang dấn tới .
Tôi nghe một cô bác sĩ cay đắng nói cho tôi biết cô hận cha mẹ cô đã đẩy cô lên thuyền vượt biên cùng người lạ – cô thù ghét gia đình đã bắt cô phải trải qua thời niên thiếu kinh hoàng – mất cha mất mẹ mất anh chị chung quanh, sống trong sự thương hại của những người chung quanh, sau đó phải tập sống với cha mẹ nuôi – phải học ngôn ngữ mới v.v
Hy vọng có một quyển sách viết về khoảng thời gian kinh hoàng này – mình đợi mãi chưa thấy đâu, người trong cuộc muốn quên, người ngoài cuộc không đủ – không chạm – không viết tả được hết chỉ biết đau rất đau .
Cám ơn Khải Dương – cám ơn chị Tám .
ThíchThích
Xin lỗi Khải Đơn, viết nhanh gởi nhanh nên sai tên người viết – Tha lỗi cho tôi nhé .
ThíchThích
Cảm ơn bạn , mình ở Panat năm 90 thuở còn trai trẻ ….. nhớ lắm ….
ThíchThích
Tôi vượt biên đến Songkhla từ Rạch giá, tàu LS016 (mang số tàu hòn Lại Sơn). ở Songkhla từ tháng 11 đến gần cuối tháng 1 thì đi lên Panatnikhom, Sounplu sau đó qua úc từ tháng 3 1981. Trước ngày rời Songkhla có một kỷ niệm với cha Joe Devlin là đến gặp cha và thưa với cha rằng con ngày mai đi úc nhưng không có thân nhân. Cha nghe thế bèn cho 100Bath phòng thân (khoảng 5 đô Mỹ lúc bấy giờ)…. Thật cảm động !
ThíchThích
Thưa cô, con muốn liên lạc với cô, con có thể tìm qua email nào ạ?
ThíchThích