Tôi thường hay gặp câu hỏi của những bạn nhỏ hơn mình thế này: “Em muốn trở thành … nhưng em không biết bắt đầu từ đâu cả. Em rất hoang mang.”
Ở vị trí của dấu ba chấm thường là một sự nghiệp, một danh vị, một ngành nghề, như nhà văn, đấu tranh vì quyền của người LGBT, hoạ sĩ, ca sĩ.
Hoang mang khi bạn vừa lớn là một việc hết sức bình thường. Chúng ta hầu hết sẽ hoang mang một thời gian rất dài trước nhiều con đường xuất hiện trước mặt. Giống hệt như bé thơ, ta chỉ cần đi đúng một con đường là có thể tới trường. Khi thành phố xuất hiện ở ngưỡng cửa trường đại học, nó đem theo hàng ngàn con đường ập vào ngực mình.
Hoang mang có nghĩa là ta bắt đầu bị rối trong điều gì đó. Nó như sự phản vệ đầy hoảng sợ của cơ thể. Trái tim ta đập bít bùng, chỉ muốn con đường đơn giản thẳng tắp như ngày đến trường thuở bé, sợ hãi đến mức không muốn thò chân vào một ngàn ngã rẽ trước mặt. Ta đứng đó – tay đẫm mồ hôi vì sợ – nhưng não lại dâng trào phấn khích ngắm nhìn sắc màu mới mẻ – nhưng chân lại run rẩy vì lý trí không thực tâm biết mình muốn dẫm lên ngã rẽ nào.
NGỪNG ĐI TRỐN
Ngày trước, tôi tin mình có thể né tránh cuộc đời trước mặt bằng những phương pháp khôn ngoan. Tôi chạy xe về nhà để ăn món ngon mẹ nấu, nghe mẹ than phiền là tại sao con không học nấu ăn. Tôi nằm đọc sách trong ngôi nhà của thầy, từ ngày này sang ngày khác, tin rằng thế giới sẽ không thể đụng vào mình nếu mình có tri thức. Cho đến một ngày nọ, thầy hỏi: “Con nghĩ con sẽ muốn làm gì với thứ con đọc được trên kệ?”
Tôi cứng đờ, im lặng. Thầy nói tiếp: “Những quyển sách không thể giúp con trốn mãi đâu!”
Vài ngày sau đó, tôi còn nhớ đã thấy chính bản thân mình đứng trong một căn phòng ọp ẹp của một người làm môi giới dạy thêm cho sinh viên. Tôi mất 100 ngàn chi phí để anh giới thiệu tôi đến dạy học cho hai chỗ. Tôi nhẫn nhịn khi học sinh không làm bài, tôi cầm tay em viết lại một bản chữ cái bị lỗi, tôi đứng dậy đi ra cửa và nói với mẹ em: Con sẽ không thể dạy em nếu cô không tập trung cho bé làm bài tập về nhà mà để bé chơi máy tính. Tay ướt mồ hôi. Tôi vẫn chưa biết làm gì với cuộc đời mình.
Lần đầu tiên cầm số tiền lương trong tay – tôi nhận thức được điều rõ ràng – làm việc nghĩa là vất vả.
CHÂN DUNG TƯƠNG LAI
Sự hoang mang giảm dần như thể khi kiệt sức vì giảng bài quá mệt, tôi chẳng còn hơi sức đâu mà hoang mang. Tôi ngồi xuống bàn, mở máy tính và bắt đầu đọc nhiều quyển sách về nghề mình đang học.
Giữa những giờ đi làm, đi học, tôi đọc các quyển mình tự quy định – có liên quan đến nghề – cốt chỉ để điền vào dấu ba chấm mà chính tôi còn chưa biết nó là cái gì.
Mọi thứ rõ ràng dần bằng dữ liệu. Tôi không thể tưởng tượng ra cả thế giới bằng cách nằm trong nhà thầy đọc hay ngồi ăn cơm của mẹ.
Ở đó không có ai làm nhà báo, không có phóng viên, không có phỏng vấn, không có thời sự, không có cháy nhà, tất nhiên xe cán chó hay chó cán xe cũng không có nốt.
Sách nghề nghiệp tạo nền cho bức chân dung đơn giản về thứ phải làm, và ở đây, tôi có thể bỏ qua không làm nếu thấy nó chẳng phù hợp gì. Tôi vẫn còn nhớ mình đã biết ơn đến thế nào cô giáo và thầy, khi họ gom tất cả tài liệu nghề nghiệp, đem ra tiệm photo và cho tôi một bản. Không có những tài liệu đó, tôi sẽ còn hoang mang bao lâu?
Tôi thấy nhiều bạn không đọc những tài liệu về nghề nghiệp độc lập với giáo trình trong trường, cũng không gặp và hỏi người trong nghề. Sẽ chẳng bao giờ có cách nào khác để biết mình có hợp với tương lai sắp ào tới, ngoài cách tự tay mình đi hái nhặt từng mảnh ghép của bức tranh vô hình đó.
NÉM VIÊN GẠCH VÀO TƯỜNG
Sau này tôi đã không còn an ủi bất cứ bạn trẻ nào nói “em muốn… mà em không biết…” – Tôi chuyển qua thách thức họ: Nếu em muốn, em đã làm gì để có nó? Nếu em muốn, em đã hành động gì để tìm nó? Nếu em muốn, em đã dám tìm xem công việc đó có gì chưa?
Nhưng em không biết tìm ở đâu!
Vậy ai sẽ ngồi chơi Facebook dùm em? Ai sẽ là người ngồi hàng giờ để đi truy tìm danh tính một hot girl, một anh chàng phượt thủ đẹp trai hay một đôi giày màu ne-on đang cực kỳ nóng bỏng? Tại sao em có thể tìm ra tất cả những điều đó, còn nghề nghiệp, chân dung của tương lai, hay phải làm gì – em lại không bỏ thời gian đi tìm?
Cũng như cuộc “truy lùng” phượt thủ đẹp trai, tại sao không bắt đầu ứng xử với sự hoang mang bằng lòng tò mò nhiệt tình? – Tại sao không truy ra ở đâu sẽ tập trung những tác phẩm đó, những người làm việc đó, những chuyên gia đang sản xuất ra những điều mình mơ ước?
Chúng ta bắt đầu ước mơ bằng một cây bút chì, vẽ nhăng nhít lên tờ giấy từng nét ngây ngô.
Chúng ta chẳng biết ước mơ có đủ đẹp trai hay thời thượng không, nhưng gần như chắc chắn một điều, nếu cứ mãi hoang mang, hoang mang suốt 10 năm tiếp theo của cuộc đời trẻ trung đầy sức mạnh, tất cả mọi thứ sẽ nhanh chóng kéo nhau chạy đi mất mà chẳng chờ ta tưởng tượng ra! Bạn có thể sẽ hoang mang thêm 20 năm nữa nếu không có đủ dữ liệu và chạm vào công việc đó. Sự hoang mang bắt đầu từ việc thiếu hiểu biết.
Nếu tôi không đủ sức định hình mình muốn cầm viên gạch lên và nhét vào bức tường nào, hướng nào, màu gì, cao bao nhiêu, tôi hầu như sẽ chẳng bao giờ bắt tây xây bất cứ gì vào ngày mai, ngày mốt hay một ngàn ngày kế tiếp.
Sự hoang mang có sức mạnh thần bí: tiêu diệt thời gian tuổi trẻ.
NGƯNG NHÀN RỖI
Khi đứng trước cửa phòng tìm việc làm và chìa tờ 100 ngàn ra, tôi chỉ đơn giản muốn mình làm gì đó, chấm dứt cơn sợ hãi, cầm viên gạch lên và ném vào bất cứ chỗ nào có ích. Tôi hi vọng ý tưởng về bức tường sẽ hiện ra lúc nào đó, có thể sau khi đập bể bức tường.
Tôi vật lộn suốt hai năm trời với việc dạy thêm. Tôi không yêu thích công việc này, nếu không muốn nói là rất ghét, vì không thể đối thoại với trẻ em.
Nhưng tôi cắn răng làm với suy nghĩ mình phải luôn hoạt động và có ích với chính mình, làm gì cũng được, miễn đừng hoang mang nữa.
Tôi đã đọc rất nhiều để tưởng tượng ra chân dung nghề nghiệp, tự trấn an bản thân với câu hỏi thường trực đầy cay đắng: Tôi có thực sự muốn sống bằng nghề này hay không?
Lần cuối cùng khi dọn phòng trọ khỏi khu đại học, tôi kinh ngạc phát hiện mình đã đọc hết tất cả những gì mình mua trong hai năm, trong hàng đêm bứt rứt hoảng loạn nghĩ về tương lai, vào chiều mưa bó gối nhàn rỗi nhìn ra cửa phòng ảm đạm.
Cái tủ sách lộn xộn, vững chãi, thách thức và lì lợm. Chính nó đã đốt sạch thời gian của ngày hoảng loạn. Tôi ôm tất cả ra khỏi nhà và cho hết chúng đi – tự hào vì mình đã đọc – như đã tạo ra một đống tro tàn kiêu hãnh.
Ngày cuối cùng ở trường, tôi nhìn giảng đường cao và thản nhiên bước đi. Tôi thấy tay ngừng run và đôi mắt ngừng tưởng tượng ra vạn ngõ hẻm con đường lối rẽ.
Tiêu diệt sự hoang mang như một lời hiệu triệu, nó bẻ gãy thời gian nhàn rỗi để sợ hãi, gỡ bỏ sự lần lữa ta buông ra cho mình trôi lờ đờ theo dòng nước. Ta sẽ bấu víu lấy tất cả, tự làm bàn tay mình bận rộn, tự làm trí não mệt mỏi kiệt cùng vì làm một việc có ích.
Vào khoảnh khắc đó, sự hoang mang bị nhấn chìm, tương lai lờ mờ hiện ra. Đó chưa phải là thứ gì lấp lánh như vàng ròng hay một lời cam kết tương lai trọn vẹn.
Trong ngày hoang mang mất hướng, tự mình phải làm con vụ xoay cuồng loạn, để lúc nào đó sẽ trở thành chiếc la bàn kiên định đi theo trái tim mình đòi hỏi.
Tôi không biết lúc nào đâu, thật! 🙂
Khải Đơn
Bài của Anh hữu ích quá, đặc biệt là đối với những người tuổi còn trẻ và đang có đúng tâm trạng hoang mang như vậy, như Anh đã từng, và như em hiện tại.
Em cảm ơn Anh! Đọc bài này em cảm thấy mình đỡ hoang mang hơn hẳn, thêm phần vững tin vào quyết định dấn thân của mình.
ThíchĐã thích bởi 1 người
Tác giả là chị Khải Đơn mà?
anh nào hả bạn.
ThíchĐã thích bởi 1 người
Dạ, em xin lỗi, em vô ý quá.
ThíchThích
Vì vô ý nên em đã xưng hô nhầm, em chân thành xin lỗi Chị Khải Đơn.
ThíchThích
=))) ko có sao đâu, trời ơi, xin lỗi gì.
ThíchThích