Petrus Ký – nỗi oan thế kỷ

Trong bảo tàng Mỹ thuật TPHCM vài năm trước, tôi hay nhìn thấy một bức tượng bằng đồng, tạc người thanh niên mặc áo dài khăn đóng, mốc xanh mốc vàng Đó là bức tượng Trương Vĩnh Ký, được lôi từ vị trí nổi bật ở công viên Thống Nhất (đường Lê Duẩn hiện giờ) đặt ở sân sau bảo tàng.

truong-vinh-ky-2

Bức tượng do những trí thức Sài Gòn đóng góp sau lời kêu gọi trên các tờ báo lớn thời đó như Lục Tỉnh Tân Văn, Nam Kỳ Địa Phận, Nông Cổ Mín Đàm tổ chức.

Gần đây nhất, thiên hạ đồn rằng quyển sách “Petrus Ký – nỗi oan thế kỷ”  của nhà sử học Nguyễn Đình Đầu bị cấm lưu hành trên đường sách Sài Gòn, được cho là theo yêu cầu của một cái lệnh miệng.

“Giấy mời tham dự buổi ra mắt đã được gửi đi. Nhưng bất ngờ ngày 4/1/2017, một “lệnh miệng” được ban xuống yêu cầu hủy bỏ buổi ra mắt sách. Nhiều thông tin từ nội bộ giới hữu quan cho biết lệnh này xuất phát từ ý kiến của một cựu quan chức lãnh đạo TPHCM đã nghỉ hưu gửi tới ‘’cấp trên’’ có thẩm quyền.” (1)

Tôi tìm đọc quyển sách sớm, ngoài việc vì hâm mộ nhà sử học Nguyễn Đình Đầu (và đa số các quyển mỏng ông viết tôi đọc đều thích), còn vì tò mò với ông Trương Vĩnh Ký.

Quyển sách khiến tôi yêu mến ngay từ khi bắt đầu đọc, bởi tâm thế mà ông Nguyễn Đình Đầu viết. Mọi chú thích được ông tường tận ghi chép, đặt ở vị trí dễ thấy, cho thấy nguồn tài liệu. Cách ông sắp đặt tài liệu khiến người đọc như bước vào chuyến đi dạo cùng Trương Vĩnh Ký, từ hiểu đơn giản về cuộc đời ông, thấy những biến cố quanh ông, xem những thư từ ông viết cho nhà cầm quyền Pháp, đọc bài ông viết trên báo, xem hệ thống tác phẩm ông viết, đọc nhiều phần quan trọng trong sự nghiệp nghiên cứu của ông.

Dần dần, người đọc cũng được xem mấy người đã gặp ông Ký trong đời viết về ông, xem hậu sinh viết về ông, đọc những chuyện trà dư tửu hậu về ông và tác động của ông tới những trí thức Pháp đầu tiên của Việt Nam.

Quyển sách chân thành, mềm mỏng và khoai thai, đôi chỗ xen vài đoạn ông Đầu lưu ý ông tìm được vấn đề này ở kho tư liệu này, tài liệu kia, ông phân tích vai trò của ông Ký. Văn phong đọc dễ chịu, không nhiều cảm tính riêng tư của người chủ biên, nhưng rất rõ người chủ biên Nguyễn Đình Đầu đang đi tìm kiếm chân dung ông Ký với bạn đọc. Đó là về cảm giác đọc. Tôi không phải người đọc sử học, nhưng rất hứng thú và thấy vui khi tiếp tục mở các chương mới.

Sự viết duyên dáng, trong sáng và khúc chiết về tài liệu của ông Đầu đã cùng ta đi lại hành trình mà cậu bé Trương Vĩnh Ký từ họ đạo Cái Mơn, huyện Tân Minh, tỉnh Vĩnh Long xưa đã ra đi nước ngoài, đến Campuchia và rồi học ở Đại chủng viện tại Poulou –Penang để chuẩn bị tất cả sức mạnh, nội lực cho tương lai chưa hề đoán định được sau này.

truong-vinh-ky-3
Lễ khánh thành tượng Trương Vĩnh Ký tháng 12-1927

Trong công việc, ông Trương Vĩnh Ký từng làm thông ngôn, làm giám đốc trường Thông ngôn, làm nhà nghiên cứu, viết sách. Nhưng thời đó, dù ở vị trí làm người phiên dịch, ông dần đã trở thành kênh tham khảo cho các nhà ngoại giao Pháp, là cầu nối để triều đình Huế làm việc với Pháp, giữa những mâu thuẫn phức tạp của ý thức hệ dân tộc, giữa cuộc giằng xé, cuộc chiến tranh của người Việt muốn thoát khỏi Pháp và giữa “nước mẹ Đại Pháp” đang muốn đặt thêm nhiều cai trị tại đây. Vô tình Trương Vĩnh Ký lại là kẻ “đứng giữa”. Nhưng thay vì ỷ thế biết tiếng Pháp để tận dụng thành danh giàu có, ông Ký làm việc tận lực, viết và khảo cứu kỹ lưỡng, vì muốn Pháp hiểu Việt Nam và cả những trí thức bảo thủ Việt Nam hiểu ưu thế văn minh của người Pháp. Ông muốn làm cầu nối cho hai quốc gia.

Tôi đặc biệt thích Chương Ba – Thư từ trao đổi của Trương Vĩnh Ký với các nhà cầm quyền Pháp, với nhân sĩ trí thức và với vua Đồng Khánh.  Những lá thư là trao đổi riêng tư của ông Petrus Ký với những quan chức lớn người Pháp, trong quá trình thương thuyết, ngoại giao với người Việt Nam.

Trong một báo cáo ông Trương Vĩnh Ký gửi đô đốc qua trung gian của ông Regnault de Premesnil (trang 246-247), tham mưu trưởng về tình hình chính trị Bắc Kỳ sau chuyến đi làm việc. Có vài đoạn đọc rất thú vị như sau về quan lại ở Bắc Kỳ: “Danh dự, quyền lực và sự coi trọng là những thứ duy nhất giữ chân được các vị đại thần. Họ chỉ được nhận đồng lương eo hẹp và chế độ mà đa phần bị khất lần một, hai và ba năm. Để có thể nuôi người làm trong nhà, họ rơi vào tình cảnh khó khăn (tình cảnh khó khăn mà có lẽ đôi khi ta phải nhượng bộ), buộc phòng phải kiếm chác bằng những phương thức cầm quyền không đàng hoàng chút nào.

“Những khoản thu nhập lớn nhất của họ được trích ra từ thu nhập của các quan trên và nhờ vào các khoản tô thuế bất thường trong việc cấp các loại giấy phép dưới quyền của họ. Có thể nói, bằng cách này mà thương mại với Trung Quốc chính là con bò sữa nuôi sống tầng lớp quan lại.

“Thêm nữa, việc trích thu này hoành hành trên mọi cấp bậc,từ quan nhất phẩm đến chức vụ bé mọn nhất, mỗi người lại tư lợi tùy theo khả năng của họ. Đến mức đó đã trở thành lề thói cướp đoạt không khoan nhượng đối với bất cứ ai, dù là quan lại, nhân sĩ, đốc lý, thân hào, người thân cận hay bè bạn của nhân vật quan trọng nào đó. Kẻ trục lợi nhớn nhác vì lợi nhuận giấu giếm, thương nhân nhớn nhác vì buôn bán lén lút. Người làm kỹ nghệ nhớn nhác vì nghiệp kỹ nghệ, bởi lẽ gia sản của tất cả bọn họ đều rơi vào túi tham của cả hệ thống quan quyền.

“Trong thời gian đó, số lượng lớn người thất nghiệp, thợ nghề, người làm công, nông dân rên xiết trong nghèo đói cơ cực và phải sống qua nhiều ngày không cơm ăn, không việc làm. Trong khi đói nghèo lên đến cực điểm thì khắp nơi người ta yêu cầu cải cách và một chế độ quản lý có khả năng duy trì trật tự, mang lại tương lai cho dân chúng, bảo đảm quyền sở hữu, bảo vệ và tạo điều kiện hoạt động cần thiết cho kỹ nghệ và thương nghiệp, giải quyết nhanh chóng tình trạng mục ruỗng và nạn đói đang đè nặng nhân dân.”

Giọng văn khúc chiết, phân tích lý do, dẫn chứng, thảo luận rõ ràng khiến người đọc cảm nhận được rất nhiều không khí thời ông viết.

Nhà trí thức này cũng đàm luận về quan điểm với chứ Hán, Nôm thời đó, ở buổi giao thời mà các nhà nho vẫn kiên trường đấu tranh để giữ gìn chữ Nôm truyền thống và chống lại những đứa con bắt đầu học trường Pháp, chữ Tây. Ông viết trong một lá thư năm 1864: “Giờ đây hãy bàn đến việc làm sao để có thể phổ biến kiến thức (mới) với một chữ viết ký hệu gồm rất nhiều từ và khóa thật khó (chữ Hán, Nôm)? Tôi không chối là người ta có thể viết vềkhoa học với chữ viết đó. Nhưng có biết bao phiền phức! khó khăn! Để có thể đọc và viết đến nơi đến chốn những chữ ký hiệu này, một người ít nhất sẽ phải dùi mài suốt tuổi hoa niên, người ấy sẽ không còn lại bao nhiêu thời gian để làm việc nghiên cứu khoa học. Nếu ông có thể hiểu rõ như tôi những phong tục và tập quán nước tôi, tôi đã không cần phải nhấn mạnh nhiều lần về những trở ngại mà các khuynh hướng nỗ lực canh tân đất nước gặp phải. Người đồng hương của tôi là một dân tộc rất dễ khiến hay bắt chước, nhưng hoàn toàn ù lì, theo tôi nghĩ thì lỗi chính ở chính quyền, không chủ tâm làm cho dân sinh động lên, không đánh thức người dân. Nếu được thì tôi hy vọng ngay từ bây giờ dân Việt không còn chìm đắm trong giấc ngủ đêm dài bất động và đứng lên như thế giới cũ của Tây Phương đã bước đi trên con đường tiến bộ.” (trang 310 -311)

Bây giờ, khi đọc mấy dòng trên và nhìn lại lịch sử hơn 100 năm sau, ta thấy giá trị từ di sản mà ông để lại với tờ Gia Định Báo đầu tiên, với những công trình nghiên cứu và cả những người học trò trí thức đã góp phần cổ vũ và đưa tiếng Việt dùng ký tự latin phổ thông hơn với dân chúng.

GIỮA HAI QUÊ HƯƠNG

Bản thân Petrus Ký  là một trí thức luôn bị nghi ngờ, bị coi là tay sai của phe này, kẻ thù của phe kia, đứng giữa hai làn đạn trong binh biến thời cuộc. Ông có quan điểm rất rõ ràng như trong bức thư viết cho nhà địa chất học người Pháp tên Stanislas Meunier: “Tôi chỉ muốn làm sao cho hai dân tộc này hiểu nhau và yêu thương lẫn nhau… “Chính vì thế mà tôi tiếp tục dịch tiếng An Nam sang tiếng Pháp và từ tiếng Pháp sang tiếng An Nam, với niềm tin rằng đằng sau ngôn ngữ, đằng sau câu từ, sẽ là các tư tưởng và rồi sớm có một ngày chúng tôi thông hiểu và hướng về nền văn minh của các bạn.”

truong-vinh-ky-4
Tượng ông Petrus Ký ở sân sau bảo tàng Mỹ Thuật – giờ ko biết còn ở đó ko

Trong một bức thư khác, ông Petrus Ký viết cho Pene Siefert (một người Pháp am hiểu Việt Nam được Bộ trưởng Giáo dục Pháp Paul Bert đưa sang Việt Nam) nêu rõ vì sao ông từ chối nhập tịch Pháp:  “1)Tôi không thay đổi quan điểm; 2) Nếu làm như vậy, tôi sẽ quay lưng lại với những nguyên tắc tâm niệm về tính không vụ lợi, điều mà tôi đã viết theo ý hỏi của nghị sĩ Nam Kỳ; 3)Tôi sẽ bị coi như là nhát gan, người ta sẽ cho rằng tôi quyết định như vậy vì sỡ hãi, sẽ là một nước cờ sai; 4) Tôi sẽ không còn hữu dụng cho nước Pháp, đất nước tôi thuộc về và tôi là công bộc, bởi một khi đã nhập tịch, tôi sẽ đánh mất hoàn toàn uy thế, mọi sức ảnh hưởng, không còn lòng tin của Đức Hoàng thượng, của triều thần và của dân chúng An Nam.” (trang 276)

Khi được hỏi liệu nước Pháp có phải là quê hương thật sự, ông Ký từng đáp: “Con người ta có hai quê hương, một của lý trí và một của con tim; người ta nâng niu quê này nhưng đồng thời tha thiết với quê kia, và có cả hai, ông nhận chân rõ rằng trong tâm hồn ông rằng ông được sinh ra ở vùng Đông phương; rằng đó là quê hương đích thực của ông.” (trang 299).

Ở tâm thế người giong buồm đi ra thế giới để quay về quê hương, nhà trí thức Trương Vĩnh Kỹ dặn dò học trò của ông: “Hãy đi đi và hãy trở về, như những con chim, biết tha những cọng cỏ khô làm tổ hạnh phúc cho dân tộc mình” (trang 300). Ông viết thư cho nhà vua Đồng Khánh cũng ân cần nói: “Xin nhắc lại Hoàng thượng học tiếng, học chữ Đại Pháp cho.”

Lời dặn của ông – đến hơn 120 năm sau vẫn còn là trăn trở đau đáu của những trí thức Việt Nam muốn đi thật xa để quay về làm ấm trái tim dân tộc. Người ta thấp thoáng thấy  đau đónhững học trò đầu tiên của ông Petrus Ký, về  lý tưởng và sự phân vân của một kẻ từng đi du học như ông, thấy bao điều văn minh, tươi đẹp, chỉ ao ước dân mình bớt khổ, ao ước văn minh thắp sáng xứ sở mình.

NGƯỜI BỊ QUAY LƯNG

Trong quyển sách “Petrus Ký – nỗi oan thế kỷ”, nhà chủ biên Nguyễn Đình Đầu cũng đưa vào hàng loạt những bài viết mà các tờ báo Pháp, trí thức Pháp, nhà cầm quyền Pháp nói về vai trò của ông Trương Vĩnh Ký trong thời đại lịch sử, các công việc bang giao hai nước và cả những nghiên cứu ông đã kết nối với người Pháp để thực hiện.

Tác phẩm cũng cho thấy những đau đáu và buồn rầu trong con người Trương Vĩnh Ký, như chính trí thức này tự viết về bản thân: “Tôi lại thấy mình không đoan trang việc giao du là bởi cái mạng mình là “Sơn hạ chí hỏa” nên hay mắc nghi nan, mình nói lành ra dữ, làm phải ra quấy, người ta cũng cắt nghĩa trái cái việc mình phải làm, mà tuy chẳng can hệ gì cho lắm cũng mặc lòng, cũng khó cho người ta thật lòng với mình.

“Cái mạng nó khiến nó bắt phải mắc phải chịu lời ăn tiếng nói người ta mãi: tin rồi lại không tin, yêu rồi lại lạt lòng yêu đi, ấy là thường hay mắc…”

Đồng thời với đó, là hàng loạt các bài viết của trí thức Việt Nam trong các giai đoạn 45, 45- 75 và sau 75 nói về ông, với đầy đủ những khen chê, những đánh giá cân đong công tội của ông. Tôi rất thú vị với cách nhà sử học Nguyễn Đình Đầu sắp xếp và kiểm soát tư liệu ông sưu tầm.

Thỉnh thoảng, ông Nguyễn Đình Đầu lại xuất hiện đâu đó trong các đoạn lời dẫn ngắn, như đồng hành dắt người đọc đi qua một cuộc đàm luận dài, để “kết bạn” với nhà trí thức lớn cách xa ngườid đọc đến hơn 120 năm.

Ông Đầu đã khiến ta hiểu hơn về một ông Petrus Ký luôn chọn làm điều đúng giữa vô vàn chọn lựa xa hoa, tiền tài, luôn chọn giữ thông tin và nghiên cứu của mình xác đáng thay vì chọn theo một điều ông không tin, luôn chọn hết lòng để thay đổi đại cục để tốt hơn cho người An Nam, để tìm tiếng nói thấu hiểu giữa người Pháp và người An Nam, chọn để ít chiến tranh nhất, nhiều đàm luận nhất. Giữa hào quang, nhà trí thức ấy cũng đơn giản chọn từ bỏ để bảo vệ điều mình tin tưởng và chọn nghiên cứu, viết lách để phụng sự lý tưởng của đời ông: là tri thức.

Trong dòng chảy lịch sử, kẻ thì coi ông Ký như chư hầu Pháp, người lại nhìn nhận ông như một trí thức văn hóa lớn. Kẻ coi ông như tay sai, người thấy từ những gì ông viết và hành động, là trải nghiệm của một thầy giáo chỉ theo đuổi con đường tri thức cho một dân tộc yếu đuối trong tăm tối, nghèo khổ.

Tiếc cho ông, dân tộc đó dường như chả bao giờ chọn tri thức – như cách chúng đã từ chối ông trên cái đường sách vớ vẩn đó!

Khải Đơn

==================

(1) https://anhbasam.wordpress.com/2017/01/05/11-228-sach-truong-vinh-ky-noi-oan-the-ky-bi-cam-ra-mat-tai-duong-sach-sai-gon/

15 bình luận về “Petrus Ký – nỗi oan thế kỷ

Add yours

  1. Hay lắm, Khai Don đọc cuốn sách ” Petrus…” rất kỹ , phê bình sắc sảo và nhân bản.
    Nhân sự kiện HOT này mà Tôi biết đến Khaidon, hân hạnh !

    Thích

Comment

Blog tại WordPress.com.

Up ↑