Tôi không muốn chen vào những đối thoại về sự kiểm duyệt trong thời gian gần đây, cho đến một bữa cắm trại, bạn tôi hát “Con đường xưa em đi”. Tiếng bạn hát gợi cho một suy nghĩ về sự kiểm duyệt.
Kiểm duyệt là một não trạng kỳ lạ, hơi giống bệnh dịch. Nó bắt đầu bằng việc lệnh cấm ban ra chính thức. Người quan tâm xì xào bàn tán. Nếu là sách, họ sẽ bủa vây đi tìm xem nó cấm gì. Với người vô tâm, họ tự gạt bỏ nó khỏi quỹ ngôn ngữ chuyện trò hàng ngày. Vậy kiểm duyệt đã và đang làm gì với vô vàn khán giả và cả người sáng tác?
Sự ngột ngạt của kiểm duyệt hiện hữu như một bức tường thành. Độ ngu dốt thì chắc đã có người kể thành trường ca rồi. Tôi lớn lên trong sự kiểm duyệt, nghe kể về nó như huyền thoại không bao giờ kết thúc từ năm 16 tuổi tới giờ. Nó xuất hiện trong bất cứ cuộc trò chuyện, cãi cọ, than phiền nào của giới văn nghệ sĩ và báo chí. Nó đã làm bệnh hoạn tinh thần cả người thưởng thức lẫn người sáng tạo.
Hãy tưởng tượng một nhà văn viết ra sách, xuất bản nó. Nó bị thu hồi, biến mất trên kệ sách. Họ bị đẩy vào danh sách đen. Nó là tước bỏ quyền mưu sinh của người lao động. Không có sản phẩm, không có nhuận bút, không ai dám thuê, không có việc làm. Sự sụp đổ của một người viết dễ dàng điều khiển tới mức bất cứ ai mưu sinh bằng công việc này cũng phải nhượng bộ.
Với một nhạc sĩ, họ viết ra ca khúc. Nó cần được ca sĩ hát, được thành tác phẩm, được mua bán, biểu diễn, để họ có thể mưu sinh. Một nhạc sĩ bị tấn công sẽ đi kèm với hệ quả gần như tất cả ca sĩ quay lưng với họ. Khả năng thành tác phẩm và đến công chúng là 0%. Ca khúc không thành sản phẩm hay lưu hành, nhạc sĩ không thể sống lương thiện bằng khả năng của họ.
Hầu hết nghệ sĩ chọn việc tránh xa quỹ đạo kiểm duyệt. Người đi trước chỉ người đi sau, cứ thế mà đi vào vùng ít bị kiểm duyệt: chuyện tình yêu, chuyện gia đình, chuyện cao giọng đạo đức là ổn hết. Nó làm bệnh hoạn lớp lang người sáng tạo. Họ chùn bước khi chưa bao giờ tiến bước. Họ bỏ cuộc khi chưa bao giờ cố gắng. Họ bịt miệng trái tim khi nó vừa biết đập. Họ phớt lờ cảm xúc của mình để bọc đường cho an toàn.
Điều nay trả lời cho câu hỏi của khán giả: tại sao tác phẩm làng nhàng thì vô số, còn tác phẩm tốt ít đến vậy? – Sự tự kiểm duyệt đã khiến nghệ sĩ ngừng học, ngừng đào bới những cảm tính vi tế nhất của đời sống, bằng lòng với sự luồn lách câm lặng và mềm mỏng họ được ban phát.
Nhưng đó chỉ là sự bắt đầu của những cơn đói văn hóa mà ta luôn ưu tư sau này. Nhiều người đau đáu tự hỏi tại sao Việt Nam thiếu tác phẩm tốt, thiếu tác phẩm bạo liệt, mạnh mẽ, thiếu sự ấn tượng về phẩm chất nghệ thuật và cả sự phong phú về nội dung.
Với khán giả thì sao? – Có thể bạn sẽ kinh ngạc khi nghe một người phụ nữ ở một miền quê nói đứa con trai “Mày bật chi cái loại nhạc cấm đó!” – Nhưng bà không phải ngoại lệ hay đặc biệt gì. Thậm chí trên một số group, diễn đàn, việc đăng lại một tác phẩm của một nhạc sĩ, nhà văn “bị cấm” cũng bị coi như hành vi phạm luật. Các admin không tiếc tay “chém” bỏ những thành viên này – cho dù không hề xảy ra tình trạng spam mà chỉ đơn thuần là giới thiệu lại nội dung đó.
Vô số khán giả sau này chọn từ bỏ việc nhắc đến một nghệ sĩ hay tác phẩm khi nghe nói anh ta bị kiểm duyệt, tránh xa việc giao tiếp với tác phẩm của anh, hoặc đơn giản là nhìn người viết đó như một kẻ thất bại thiếu thức thời, với đủ lý do đơn thuần kiểu “ai biểu đã biết vậy rồi còn viết làm gì”, “cuộc đời này thiếu gì đề tài không làm, cứ đâm đầu vô đó chi?”… Sự chối từ được nệ ra như cách đổ toàn bộ tội lỗi về người sáng tác “thiếu khôn ngoan”.
Khán giả dễ dãi khi hưởng thụ, không thấy nhiều chân trời, không có nhu cầu biết thêm các chân trời chứa đựng nỗi sợ. Họ yên tâm với sự mù lòa.
Có một người từng nói với tôi, một tầng lớp khán giả ngu dốt sẽ là mảnh đất màu mỡ cho một lũ nghệ sĩ ngu ngốc trỗi dậy. Sóng sau đè sóng trước, lớp khán giả này là tiền để sinh ra nghệ sĩ mới. Họ thực dụng về tiền bạc, biết giao tiếp với khán giả, tài hoa về phương pháp, nhưng sẵn sàng thô lỗ loại bỏ bất cứ ranh giới nào khiến họ không thể kiếm được thêm tiền và sự an toàn nữa.
Tới đây, kiểm duyệt sinh ra thế hệ F2 – không có nhu cầu phản kháng và (thành thật mà nói) không biết cái gì để phản kháng. Sẽ không có gì đáng nói nếu trình độ kỹ thuật của họ có thể vượt trội so với cái thế hệ bất hạnh và cuồng loạn trước đó. Tiếc thay, ở F2, trình độ nghệ thuật đã bị chối từ ngay từ thuở trong trứng.
Một nghệ sĩ có thể trưởng thành nhờ vào hưởng thụ, nghiên cứu và tìm hiểu phương pháp của nhiều nguồn để bổ trợ cho bản thân họ trước khi thành công. Ở F2, họ từ chối sự tồn tại của một thế hệ bị loại bỏ – dẫn đến việc họ bước vào đời như những con chim non ngơ ngác, phương pháp sáng tác làng nhàng, ngây ngô, tác phẩm vụng về, linh tinh. Sự phớt lờ làm họ ngừng tiếp cận với những lý thuyết được cho là “bị cấm” – khiến trình độ không tăng lên.
Đến giai đoạn này, sự kiểm duyệt đã thành công – nó hủy hoại cả kỹ thuật sáng tạo, nội dung nghệ thuật và cả người tạo ra tác phẩm.
Có thể bạn không hiểu tại sao dân Triều Tiên có thể tin là họ đã lên Mặt Trăng đầu tiên – nhưng tôi thì tin rằng kiểm duyệt có khả năng vô tiền khoáng hậu trong việc điều chỉnh ý nghĩ của con người thành bất cứ thứ quái thai nào. Nó luôn chiến thắng.
Nhưng có một thứ khác đang tồn tại – còn thật hơn tất cả những lệnh cấm và nỗi sợ – là chất lượng của tác phẩm và sự tưởng tượng tự do vô tận của người sáng tạo biến dị…
Họ đang ở đâu?
Khải Đơn
** Tranh:
Golden Cage Censored
by gyurka **
Comment