Ta trói buộc trái tim mình thế nào?

sabina

Trong bài trước, tôi đã mô tả sự kiểm duyệt khiến nghệ thuật bị tha hóa ra sao. Còn với nghệ sĩ thì sao? Nó gây ra điều gì?

Một hình ảnh thú vị tôi từng xem là trong bộ phim “Đời nhẹ khôn kham” (làm từ truyện của Milan Kundera – bị Milan Kundera chê dở). Sabina – một họa sĩ và trí thức trẻ người Séc – đi tị nạn ở Thụy Sĩ sau khi cộng sản tràn vào. Sabina đứng trong căn phòng, nơi hàng chục trí thức Séc đang đứng đó và cãi nhau không ngớt về tự do, xu thế chính trị, kiểm duyệt… Sabina bỏ ra ngoài, không quay trở lại không gian đó nữa.

Căn phòng với những người đàn ông chửi bới nhau vì một ý tưởng chính trị và sự bất mãn thật quen thuộc. Nó giống hệt những cuộc lê la bên bàn nhậu của cánh nghệ sĩ lười nhác uống tới say mèm xong chửi tất tần tật mọi thứ trên đời. Hoặc sáng sớm, họ ngồi ngoài quán cafe, chửi rủa từng bài báo, rủa xả từng câu nói ngu xuẩn của bọn lãnh đạo. Họ ngồi hết nhiều giờ buổi sáng, buổi chiều, buổi tối. Họ quay quắt trong sự giận dữ, bức bối, căm thù, khó chịu.

Một ngàn cuộc trò chuyện đều giống nhau – nó đi từ dẫn chứng “bọn nó” (aka đảng – thủ phạm gây ra sự cấm đoán) hành động đê tiện ra sao, đến sự thất vọng, rồi chuyển qua so sánh với “thời ông này còn sống”, “thời lãnh đạo trước”, hay “trước 1975”… Mổ xẻ sự bất đắc chí trở thành căn bệnh trầm kha kinh niên của nghệ sĩ ở khắp nơi khi kiểm duyệt trở nên tàn bạo và ngu dốt. Ngoài sự phá hoại tác phẩm rất thật, nó còn hủy hoại cả nghệ sĩ.

Kiểm duyệt đã biến nghệ sĩ từ những con người nhạy cảm, yêu cái đẹp thành những thằng già nhậu nhẹt, bét nhè, chửi đời, chửi người, chửi chó, chửi mèo, chửi không chừa cái gì. Nó bẻ gẫy sự kiên tâm, lòng trắc ẩn, những hạt long lanh được tạo tác trong tinh thần người, và biến nghệ sĩ thành những kẻ ích kỷ, hung hãn, hèn hạ.

Kiểm duyệt tráo đổi những trí thức trong lành, hồn nhiên thành kẻ xảo trá, miệng mồm, thích khoe mẽ bằng việc có “sẹo” là bị an ninh theo nên không sáng tác được. Nó ngấm ngầm trao đổi với những kẻ này một quyền lực vô hình: biến sự bị cấm cản và ức chế thành thứ được tôn vinh như “số má” của một nghệ sĩ từng trải. Dùng kiểm duyệt để khoe khoang là thứ bệnh kinh tởm của những nghệ sĩ đam mê quyền lực, dựa nào nó, hờ hờ sờ soạng nó, xong to tiếng ăn vạ bảo mình bị bắt nạt, hành hạ.

Nó lan truyền câu chuyện cấm kỵ đi nhanh hơn bệnh dịch. Khi nghe nói không được viết về đề tài cấm kỵ này kia, họ bàn tán nhau. Những nghệ sĩ né qua một bên, họ cùng cả bầy đàn lái nhau sang một vùng đất dễ dàng và nông cạn khác, như một bầy kiến vô tri.

Sự cấm cản làm bệnh hoạn cả một nền nghệ thuật, khi nỗi sợ hóa thành ám thị thường trực. Họa sĩ ngừng vẽ, nhạc sĩ ngừng sáng tác, nhà văn ngừng viết.

Họ quây quần lại nhau như bầy người nguyên thủy tụ tập bên đống lửa giữa một cánh rừng tăm tối. Họ trầm trồ khen ánh lửa xinh đẹp, sự bỏng giẫy thật tuyệt vời. Họ quên mất cánh rừng tăm tối là một thế lực đáng nguyền rủa đang tồn tại. Nếu không có bóng tối, chẳng ai cần tới một đống lửa. Nếu không có kiểm duyệt, chẳng ai cần tới những bàn tán linh tinh vớ vẩn của cấm cái này, chặn họng cái kia. Cả một bầy đàn chìm đắm trong bóng tối và lu xu bu vì một đống lửa phù phiếm, vô nghĩa.

Thầy tôi từng kể một nhà văn rất giỏi đang nổi danh – khi ông được mời ra giữ một chức vụ gì đó – ông suy nghĩ. Sau đó một thời gian, ông im lặng, dọn về quê ở, tiếp tục viết. Khi ông qua đời, đọc tiếp những trang viết của ông trước thời kiểm duyệt và sau kiểm duyệt, tôi thấy câu chuyện vẫn mạnh mẽ, trong lành, những giá trị ngày càng dày hơn và mổ xẻ vấn đề rõ ràng hơn, không chút nhuốm màu hằn học, không độc ác, mù quáng và tàn bạo đi chút nào.

Ông không có mặt ở đó, trong đám đông nghệ sĩ đang bất đắc chí chửi cả thế giới vì những bất công mình đang chịu đựng.

Cũng giống như nàng Sabina đứng nghe xong các trí thức Séc chửi nhau rồi bước khỏi căn phòng, nàng tự cởi dây trói khỏi mình. Nàng yêu tự do. Nàng sáng tác và vẽ theo sự trong lành và quyết liệt trong tim đã từng có. Bất cứ sự va đập nào cũng là không thể chịu đựng được, và nàng đơn giản là bước ra ngoài vòng kiềm tỏa đó và hành động theo con đường sáng tạo nàng chọn.

Những nghệ sĩ bị trấn áp thực sự – họ rút lui vào im lặng và thực hiện những sứ mệnh lớn hơn bất cứ gông cùm nào có thể kiểm soát. Tự do là một ý niệm tinh thần. Nó không thể bị tước bỏ. Nó trở thành vũ khí khi người nghệ sĩ biết mình sở hữu gì và tìm kiếm gì. Tự do cũng không tự đẻ ra hoặc được ban phát… và kiểm duyệt cũng không thể lộng hành mây gió khi đối mặt với những “kẻ địch” nhiều sức mạnh và không hèn hạ đắm chìm trong lười nhác và bệnh hoạn…

Khải Đơn

Advertisement

2 bình luận về “Ta trói buộc trái tim mình thế nào?

Add yours

Comment

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

%d người thích bài này: