Đứa con nhạt toẹt

CaPheSG1

“Con có biết nơi chúng ta đang ngồi từng là biệt thự của một trong những đại gia giàu nổi tiếng ở Sài Gòn xưa, ông ta để lại một tham vọng mỹ cảm tuyệt đẹp về kiến trúc không?” – Ông già hút vào một ngụm khói, nhìn tôi ngẩn ngơ và chỉ vào tòa nhà bảo tàng Mỹ Thuật.

Tôi không bao giờ quên được ánh mắt đờ đẫn trống rỗng của chính mình năm đó – 2008 – khi tôi rủ ông đi uống cafe ở cái con đường bên hông bảo tàng. Từ đó, mỗi lần đi đâu qua Phó Đức Chính, tôi ngẩng đầu, nhìn vào những cánh cửa sổ lấp lóa đâu đó sau hàng rào, nhớ lại câu chuyện mà ông già kể tôi nghe, say sưa, rõ ràng và kỳ thú như thể con người đầy kỳ tích ở Sài Gòn đó chỉ là một… hàng xóm của ông.

Thành phố là một thực thể được tạo lập nên từ cát bụi và tham vọng chồng lấn của con người. Và tự chúng, như những con rắn ăn đuôi – ngon lành ngoạm vào và nuốt chửng chính nó. Bằng sự cưỡng lại ngoan cố, bằng ký ức, giấc mơ, bằng ám ảnh, sự đau khổ, vết hằn của những hành động quanh “cột mốc” nào đó mà ta giữ lại hình bóng đô thị.

Trên con đường đất đỏ về nhà, cha kể đã từng nắm tay mẹ trèo lên chiếc xe mà công trường cho mượn để rước dâu. Váy mẹ hong hong đỏ màu phù sa lửa. Từ đó ta yêu màu đất và cả ám bụi của con đường.

Thầy giáo từng kể, thầy đã cầm biểu ngữ đi biểu tình, ước vọng của thầy là một hình ảnh hư ảo được vẽ ra – nơi bạn bè thầy, con thầy, cháu thầy không phải thấy chiến tranh chặt đứt bàn chân của người trai vừa chạy lên tuyến đầu.

Ông già kể, mỗi khi đi qua đường dẫn vào nhà lao, ông chợn mình buồn ói. Ói vì cái mùi cơm trộn củ mì ôi thiu tức ngược lên tim. Ói vì thấy trước mặt tối mù chốn về, và thấy vợ mình đang ôm con khóc. Chuyện được kể trong bữa tối cùng con trai. Vàgười con trai kể anh luôn chạy chậm lại và nhìn vào con đường đó mỗi lần đi qua – như cố gắng tưởng tượng cha mình đã chịu đựng điều gì trong đó suốt chừng ấy năm không hiện diện dưới mái nhà.

Bạn kể cuộc hẹn hò đầu tiên của bạn diễn ra ở nhà hàng đó tại Quận 5 – nơi bạn nhìn cô ấy thật lộng lẫy, nàng đẹp đến mức bạn quyết tâm phải có được cô ấy cho cả cuộc đời dài sau này… và đó là nơi bạn nhìn thấy ước mơ gia đình bừng nở – nơi bạn luôn kể cho con mỗi lần chở bé đi ngang: ba đã yêu mẹ sau một bữa tối ở đó.

Đó là cách ta lấp đầy lên tòa nhà, cánh cửa, hàng cây, con đường – bằng sắc màu của giấc mơ, chút hoài nhớ, sự ám ảnh và cả nhiều ao ước không trọn vẹn. Ngôi nhà có thể cũ đi, thay màu sơn, vỡ cánh cổng, nhưng buổi hẹn hò ban sơ sẽ giữ nó nguyên vẹn trong tâm trí. Con đường có thể trải lên nhiều lần nhựa tinh tươm, cắt bỏ đi hàng cây xanh rầm rì và thay tên đổi họ cho hợp thời vui cuộc. Nhưng ký ức về lần nắm tay nhau đi qua, nước mắt chảy dài xuống vai áo trong ngày chia tay… nó làm con đường trở về y như xưa – thuở chưa từng nhạt phai.

Hồn và tim thành phố nằm trong kỷ niệm. Mùi hương và vị của thành phố nằm trong chuyện trò. Hơi thở và nhịp đập của thành phố nằm trong nước mắt hay xao động mà ta quét lên đó.

Dù đi xa bao nhiêu, nhắm mắt lại, hít hơi thật sâu, đứa con xưa vẫn thấy được bàn tay mẹ đặt lên vai trước cổng tòa thương xá cũ trong tấm ảnh nghiêm nghị và thơ ngây. Cây cột đèn, hàng cây, góc phố, bồn hoa, quán cafe vỉa hè, bản nhạc radio cũ trong nhà ông bán báo… chắp cánh cho đứa trẻ bay đi và níu giữ người trưởng thành lại. Nó nhắc nhở ta về chốn về, nơi ở, về sự an yên nằm cuộn tròn ngủ say trong thẳm sâu linh hồn.

Mất nơi ở, mất hoài nhớ, mất giấc mơ, mất góc phố, mất bồn cây – những đứa trẻ trở thành kẻ nhạt nhẽo như nước đường pha dở trong một ngày chẳng ai cần uống. Nó vô vị đi theo thời gian. Nó kể về đời sống bằng số lượng điện thoại mới, số lượng quần áo xa xỉ, số lượng xe vùn vụt đi qua, số lượng của bao thác lũ trút xuống và cuốn sạch trơn đi tầng giấc của sự rung động và lần khắc khoải.

Mất nơi ở – ai sẽ kể về sự tích ngày xưa ngoài con hẻm, về chuyện li kỳ nơi tòa nhà, về ấm ức bao năm không gạt bỏ được khi chia tay ngoài bến xe xưa…

Mất nơi ở – ai còn cần chốn để về, để thương, để tiếc, để cáu bẳn, để căm hờn, để xúc động gai lòng khi nắm tay bà nội nhòa nhạt phai đi?

Mất nơi ở – ta đứng trước một bức tượng người đã tạo dựng ra tri thức – mà tưởng đó mà con mascot ngoài tiệm gà rán. Ta đứng trước một ký ức đớn đau – mà tưởng vô tình nó hóa thành bãi rác. Ta vô tâm. Ta phai tàn. Ta trở thành đứa con nhạt nhẽo của thời gian.

Có lần, một người cha nói với tôi: Anh sợ một ngày nào đó, dắt con trai anh đi trên đường và anh thấy mình nông cạn đến mức chẳng biết kể gì cho nó nghe… chẳng thể thuyết phục nổi nó yêu bất cứ gì… vì thành phố này đã nồng nhiệt quét sạch tất tần tật đi cho nhanh đến không còn vết tích.

Chắc anh sợ đứa con nhạt nhẽo… nhưng làm sao tránh khỏi… khi chúng ta là những kẻ đã tạo ra sự nhạt nhẽo đầy ác độc này.

Một thế hệ nhạt phèo, anh ạ!

Khải Đơn

Advertisement

Comment

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

%d người thích bài này: