Tôi hay ngồi ở quán cafe để viết. Có những ngày, tôi gặp cả chục bạn trẻ. Họ ngồi trong quán từ sáng đến chiều (tương đương tôi), hầu hết là nam thanh niên, còn rất trẻ.
Có ba cậu thanh niên ngồi chơi bài sau khi ăn xong mấy ổ bánh mì. Chơi từ lúc tôi gặp các cậu cho đến chiều muộn. Nắng ngoài cửa quán xô vào. Cuộc “dợt bài” miệt mài, nội dung chuyện trò ngoài bông lơn ngắn ngủi không có gì hơn. Tương lai duy nhất được đề cập là tối nay họ sẽ rủ cô bạn nào đi uống.
Một lần, tôi ngồi đối diện hai em gái. Trong hai tiếng đồng hồ, các em dùng điện thoại để chụp ảnh cho nhau, selfie và sau đó lại chụp cho nhau. Câu chuyện xoay quanh việc thử một thủ thuật nào đó để nhìn có vẻ trắng da hơn, và dụ cậu trai nào đi xem phim để nó trả tiền.
Như chiều qua, bên cạnh tôi là một bạn trai, có lẽ bằng tuổi. Bạn ngồi chơi game, để loa ngoài. Điện thoại được cắm vào dây sạc trên laptop. Suốt chiều, hễ mỗi lần gỡ tai nghe ra tôi đều nghe tiếng gươm khua và nhạc từ máy cậu bập vào.
Những hình ảnh đó, ta thấy hằng hà sa số ở vô số quán cafe khắp hang cùng ngõ hẻm, từ nông thôn đến thành thị.
Một đứa bạn người Singapore của tôi từng hỏi: “Tại sao ở đây các quán cafe mở nhiều vậy?”
Thời gian đó, tôi trả lời bạn vì Việt Nam xuất khẩu cafe. Cafe là thức uống được yêu thích và là thói quen nên mọi người đều uống.
Nhưng lâu dần, chính tôi không còn tin vào câu trả lời ấy của mình nữa. Ngoại trừ các quán cafe ở Sài Gòn có một giới đặc thù vào quán như sinh viên vô ngồi học bài hay các bạn làm công ty, doanh nhân có nhu cầu trao đổi với khách hàng, gặp nhau để tìm hiểu công việc, thì có một lượng rất lớn người trẻ đến quán cafe ngồi cả ngày vì… quá rảnh.
Ý nghĩ đó thật kinh dị.
Chúng ta có một giới trẻ đầy sức khỏe, tài chính đầy đủ (ít nhất là đủ để đi cafe cả ngày), có học thức và tiêu tốn 10 giờ mỗi ngày ở quán cafe chỉ để ngồi đánh bài, ngồi chơi game, ngồi chụp hàng trăm tấm ảnh selfie, ngồi buôn chuyện về đủ thứ từ trời xuống địa ngục.
Chúng ta có một lứa thanh niên tràn đầy tiềm năng nhưng cũng ứ đầy sự lười nhác. Họ không muốn nhấc chân lên ra khỏi bàn để đi làm một việc lao động cơ bản: để trải nghiệm, để có vài chục ngàn xài chơi hoặc ít nhất để thấy mình lớn lên. Họ không có ý niệm về chuyện đang lớn lên và đang trở thành vô dụng.
Chúng ta có một truyền kỳ kể không bao giờ hết về những cô gái trẻ thả thính khắp nơi để trai dắt đi xem phim, đi mua sắm, đi vũ trường, đi bar… nhưng các cô không ai thèm nhấc mông dậy đi làm một công việc vất vả để có tiền tự đi xem phim thay vì dùng đủ chiêu trò để dụ dỗ bọn trai dư tiền rảnh rỗi.
Biểu tượng thế hệ phải chăng là về các chàng trai rất trẻ, ngồi chây ỳ trong quán cafe, nằm ườn ra trên những chiếc võng ở quán, không làm gì hết, há miệng chờ mánh mung, chờ ai đó cho cái gì đó, chờ ba má nuôi, chờ anh chị cho tiền, chờ nghĩ ra cách nào đó để dụ anh trai mua cho đôi giày hiệu 2 triệu, dụ mẹ mua cho chiếc xe máy 50 triệu để đi cưa gái. Họ nghĩ rất nhiều – và không làm gì cả.
Sau đó, tôi nghe các bạn chơi thân kể về bạn bè họ, từ việc gia đình ổn định, xong ba mẹ lỡ gặp nạn làm ăn, mất nhiều tài sản, xong tới lúc không còn tiền để đi chơi, để nhàn hạ, để đi ăn bingsu mỗi chiều, đi vũ trường mỗi tối, và đặt câu hỏi: “Giờ làm sao em có tiền hả chị?”
Chúng tôi đã hỏi: “Sao em không thử đi chạy bàn ở KFC? Sao em không đi bán hàng ở Circle K? Sao em không đi làm nghề dọn xếp quần áo cho các tiệm thời trang?”
Và câu trả lời nhận lại được là: “Mấy việc đó ít tiền mà mệt lắm chị!”
Thiệt kỳ lạ. Đó là những cậu trai đã mua đôi giày đến 2,5 triệu, là những bạn gái chi đến 300k cho một buổi cafe nhẹ, nhưng cảm thấy bi phẫn khi bị trả 15k/giờ, 20k/giờ. Sự lao động phổ thông làm họ thấy bị phỉ báng, bị troll, bị sỉ nhục vì vài đồng lẻ cho một giờ vất vả.
Mỗi lần đối thoại đi đến đó, tôi thường im lặng. Những người tràn đầy sức khỏe, tiềm năng, điều kiện nhưng lại chưa bao giờ hiểu giá trị của đồng tiền cơ hồ sẽ chẳng muốn làm gì chừng nào họ chưa bị đẩy vô đường cùng. Người nếm mùi say sưa của tiện nghi, hào nhoáng nhưng chưa từng ngửi mùi của mồ hôi cơ hồ thấy việc đổ mồ hôi là chuyện không tưởng.
Nhưng có những thứ lớn hơn 15k/giờ, 20k/giờ, đó là việc ta nhận thức về lao động, về sức mạnh của làm việc chăm chỉ, về giá trị của làm việc thông minh, là biết chuyện trò khi hợp tác với đồng nghiệp, là tranh đấu để bảo vệ giá trị công việc…
Những thứ đó không thể mua bằng 2,5 triệu hay 15k. Nó được “mua” bằng mồ hôi và trải nghiệm.
Tiếc thay, họ thà dành 10 giờ mỗi ngày trong quán cafe để nghĩ về việc “gù” một đứa mua vé xem phim miễn phí cho mình chứ không muốn làm ra cái vé ấy. Họ thà chơi game cả chiều và không nhấc mông dậy chứ không chạy ra đường thử tạo ra một giá trị rẻ tiền nào đó.
Sự bất trắc của nhàn rỗi – là khi ta nghĩ mình có quá nhiều thời gian… và chẳng làm gì để tái sinh chính mình.
Kinh dị quá!
Khải Đơn
==========
Những câu chuyện như vậy tôi đã gặp và kể lại trong quyển “Ta có bi quan không?“… một thời trẻ trung đầy gấp gáp và bất trắc….
Bài viết rất hay và phản ánh đúng thực trạng hiện tại của giới trẻ. Cảm ơn tác giả rất nhiều 😉
Nice day.!
ThíchThích