Quan tòa và hào quang

Những ngày này, thứ duy nhất tôi thấy trên báo và newsfeed là anh Cao Toàn Mỹ và cô Trương Hồ Phương Nga. Thật tình cờ, nó làm tôi nhớ lại bộ phim Natural Born Killers.
hoa-hau-bi-to-lua-dao-1-phunutodayvn-1524

Mickey và Mallory thật đẹp trai và xinh gái. Họ yêu nhau ở tuổi thanh xuân ngỡ ngàng, khi Mallory là cô gái nhỏ bị cha dượng sờ mó và bạo hành trước mắt mẹ già. Còn Mickey là chàng trai tứ cố vô thân tìm đến bên nàng. Họ kết hôn bên một rặng đá thẳm, với tấm voan cô dâu rách nát và nghi lễ dùng dao cứa máu ăn thề cho một tình yêu bất diệt.

Câu chuyện được viết bởi nhà làm phim Quentin Tarantino, và được Oliver Stone làm đạo diễn. Và dĩ nhiên, nếu bạn là fan của Quentin Tarantino, khi bạn nghe tên “Natural Born Killers” bạn biết đây sẽ là bộ phim sặc mùi súng, máu, và thi thể người chết.

Nhưng thật lộng lẫy thay, Mickey và Mallory, cặp đôi sát thủ hàng loạt này được báo giới miêu tả như một tình yêu bất diệt đang bị chia lìa bởi máu, súng và sự man rợ của đám đông.

nbkmain

Xen lẫn khung hình bạo lực đen tối của Mallory khi xả súng vào nạn nhân, của Mickey khi đá vào ngực và dẫm vào đầu một khách bước vào quán, là khung hình của những người hâm mộ để tóc như Mallory và cạo trọc đầu thể hiện sự yêu mến với Mickey. Bọn họ trở thành cặp đôi vàng mà báo giới truyền hình săn đuổi. Họ trở thành giấc mơ của tất cả những phóng viên truyền hình đang ước mình sẽ đi vào lịch sử truyền hình Mỹ – bằng cuộc phỏng vấn độc quyền đối diện với sát nhân hàng loạt Mickey và Mallory – trong sự lãng mạn vĩ đại của họ.

Màu sắc thực tế của các cuộc giết người bị đẩy lùi lại, để bung xõa lên khung hình Mallory sexy, xinh đẹp, mỏng manh, yếu đuối, là cô gái bị cha dượng bạo hành, là cô gái có tình yêu tha thiết và nồng cháy. Còn Mickey, dưới ống kính truyền hình của phóng viên Wayne Gale trong chương trình “American Maniacs” đã trở thành một triết gia.

NBK-glare

Mickey nói: “Anh sẽ không bao giờ hiểu được, Wayne. Anh và tôi, chúng ta thậm chí không cùng một giống loài. Tôi từng giống anh, sau đó tôi tiến hóa. Từ vị trí của anh, anh là một con người. Từ vị trí tôi nhìn, anh chỉ là một con vượn. Anh thậm chí không được làm con vượn nữa. Anh chỉ là một phóng viên. Phóng viên giống như thời tiết, mà chỉ là thời tiết nhân tạo. Sát nhân ư? – Đó là sự thuần khiết. Anh chính là người làm vẩn đục nó. Anh mua bán nỗi sợ. Anh hỏi: “Tại sao?” Tôi nói “Ai quan tâm chứ?”

Một đối thoại truyền hình được Wayne phỏng vấn như sau:

Wayne: Vậy hãy nói tôi nghe nào Mickey? Có chút hối lỗi nào không? Ý tôi là, ba tuần, 50 người bị giết… không hay lắm đâu Mickey.

– Mickey: 52, nhưng tôi không có nhiều thời gian để mà hối lỗi. Đó là sự hoang phí cảm xúc.

– Nghiêm túc là anh phải có chút hối lỗi chứ. Động não chút đi nào.

– Vâng, tôi ước gì ông da đỏ đó không bị giết.
– Một trong những nạn nhân cuối cùng của anh…
– Ông ta có một con rắn đuôi chuông ở góc nhà…

Những phóng viên đã biến hai kẻ giết người trở thành ngôi sao truyền hình thực tế. Sự mong mỏi, chờ đợi, hiếu kỳ của khán giả đã khiến những chuyện quan trọng lùi xuống, dâng lên như bão hình ảnh hào nhoáng, chói lòa của tình, tiền, hiếp, giết. Sự giết người không gớm tay – hay một tội lỗi – được mở đường để trở thành một sản phẩm truyền thông cho cơn ham mê nồng nhiệt của những luận bàn thời thượng đắt tiền nhiều khán giả.

Mickey mô tả về người phóng viên truyền hình nổi tiếng như vầy: “Anh là đồ cặn bã, Wayne ạ; anh làm việc này vì RATINGS. Anh chả quan tâm gì đến chúng tôi hay bất cứ ai, trừ bản thân anh; đó là lý do vì sao chả ai thèm quan tâm gì đến anh. Đó là lí do vì sao “trực thăng” không được cử đến.”

Mickey biết rằng khán giả truyền hình thích gì. Họ muốn nhìn thấy anh ta trầm mặc, triết lý, thâm thúy và sẵn sàng vùng lên chiến đấu ngoan cường chống cả hệ thống pháp luật để tìm tình yêu đích thực của mình trong nhà ngục: Mallory.

Mallory ngọt ngào biết mình đang là nữ minh tinh trong mắt những khán giả si mê. Nàng gợi cảm. Nàng hấp dẫn. Nàng say đắm một chàng trai để phải nổi lửa giết mẹ mình theo chàng. Mallory là hiện thân của một nữ thần ái tình như dao nhọn.

À, mà không, thực ra không phải thế. Chỉ là Mickey và Mallory đã được giới báo chí và nền văn hóa ngập tràn màu sắc giải trí, cuống cuồng chạy theo các vùng giá trị sâu sắc và đầy màu sắc kịch tính đến quái đản. Chỉ là hàng trăm ống kính, những tờ báo, những khán giả xuống đường với son môi tô đậm như Mallory và kiểu tóc của Mickey, họ quá suồng sã và nồng nhiệt để im lặng và nhìn một khung hình khác:

nbk2_758_426_81_s_c1

Một khung hình “thuần khiết” như tội ác và chiêu trò Mickey và Mallory đã chơi, như sân khấu họ tự dựng, như cuộc kết hôn dùng khăn voan rách trắng phau và ném xuống hẻm núi sâu thẳm. Sự “thuần khiết” của tội ác là giá trị duy nhất bất biến: là các nạn nhân đã toi đời.

Nhưng thế thì còn gì để nói. Thế thì còn gì vui. Thế thì làm sao để đạo đức lên ngôi và ước mơ dấy loạn của vô vàn khán giả được thỏa mãn.

Khung cảnh Mickey và Mallory hôn nhau trong ánh chiều tà cuối phim làm tôi bật cười. Nó thực tại đến kỳ quái, như cuộc tranh luận tại tòa mấy ngày nay của anh Mỹ và chị Nga. Nga giờ đã là thánh nữ trong tay những chàng trai mê gái đẹp, và là hồ ly cướp chồng trong mắt các mẹ sề lo lắng hạnh phúc gia đình. Mỹ giờ đã là người đàn ông tỉnh táo rời khỏi cơn say sắc đẹp mù quáng, và là thằng đểu trong mắt các cô gái cảm thấy bị tổn thương nếu anh bồ đòi lại 16,5 tỷ.

Đạo đức được dịp tỏ bày – sự dấy loạn cũng được dịp tỏ bày. Nồng nhiệt. Hào nhoáng. Dễ quên. Dễ vui.

Những ngôi sao thời thượng của sitcom và nhạc pop, họ xinh như kẹo đường và đồng cỏ mộng mơ.

Trên một sân khấu.

Rất giả 🙂

Khải Đơn

Advertisement

Comment

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

%d người thích bài này: