Sự bất lực của tình yêu

Đó là ngày xuất ngũ của anh lính Paul Sutton sau Thế Chiến thứ Hai năm 1945. Anh leo xuống tàu biển, mong chờ trở về mái nhà nơi có người vợ trẻ đợi chờ.

3

Cảnh mở đầu của bộ phim “A walk in the Clouds” (1995) hứa hẹn nhiều vết gợn trong dự cảm của người xem. Cô vợ trẻ không đến đón, Paul bơ vơ cố gắng tìm một cánh tay ôm chầm lấy mình, nhưng các cô gái đã rời bến cảng với người yêu của họ. Chỉ còn anh – không có ai đứng đợi.

Paul tự về nhà, ôm hôn vợ, ngủ với nàng, trong đáy mắt thoáng qua hình ảnh cả một vali đầy thư anh đã viết cho nàng trong những ngày chiến trận đẫm máu. Nàng không mở ra, không đọc một bức thư nào. Nàng nói không thể chịu được ý nghĩ anh ở ngoài mặt trận. Còn anh đã viết tất cả ra như đổ linh hồn vào con chữ gửi cho nàng.

Và rồi sau đó là chuyến phiêu lưu của anh cựu chiến binh Paul Sutton, mặc quân phục, chuẩn bị đi bán kẹo chocolate, và đem về sự giàu có cho Betty (vợ anh), vì nàng muốn có cuộc sống tốt hơn. Những lá thư chưa mở bị bỏ ngỏ, cuộc đời và tinh thần ở ngoài chiến trường trở thành quá vãng.

“Chuyến đi dạo trong mây” của Paul bắt đầu khi anh gặp cô gái Victoria Aragon ngồi khóc trên chuyến xe bus đến Sacramento, biết rằng cô đã có thai với một người yêu nào đó trên trường đại học. Cô trở về nhà vì bị người yêu bỏ, mang theo hài nhi trong bụng, khóc lóc bên đường vì biết cha sẽ nổi điên và không tha thứ cho sự dại dột đó của mình.

Hành trình bán kẹo chocolate của Paul bị gián đoạn khi anh quyết định vì lòng trắc ẩn, mà giúp Victoria, giả vờ xuất hiện cạnh cô như anh chồng để bảo vệ em bé khỏi cơn thịnh nộ của người bố bảo thủ.

Ông bố Alberto Aragon của Victoria là một người đàn ông hung hãn, có thể cầm súng chĩa vào bất cứ kẻ xâm phạm vườn nho của ông mà nổ súng. Ông luôn hằn học, quát tháo, nói những lời cay độc. Ông tranh cãi với vợ, chửi bới “con rể” vì sự mồ côi của anh, sỉ nhục “cuộc hôn nhân” của hai đứa mà ông nghi ngờ.

Trong bộ phim không quá xuất sắc này, lại có một đoạn khiến tôi ấn tượng rất nhiều. Đó là khi Paul và ông Alberto đứng trong hầm rượu của gia đình, và ông đứng từ trên tầng hai, dùng những lời độc địa để sỉ nhục anh chồng đáng ngờ của con gái. Cuộc đối thoại ấy như sau:
– Paul: Trong bốn năm cháu đã ở trong cuộc chiến, cháu đã làm những gì phải làm. Cháu phải khóa kín trái tim mình. Còn lý do của ông là gì?
– Alberto: Cậu đang nói về cái đếch gì đấy? Lý do cho cái gì chứ?
– Paul: Lý do cho việc ông đã khóa kín trái tim trước con gái ông?
Ông không thấy cô ấy tuyệt vời đến mức nào…sống động đến mức nào sao? Cả cuộc đời cháu, cháu chỉ mơ có được tình yêu như con gái ông đã cố gắng dành cho ông. Cháu thà chết để có được tình yêu ông có. Tại sao ông không thể đơn giản là yêu thương cô ấy? Cô ấy thật đáng yêu.

– Alberto: Mày không biết gì về con gái tao hết! Mày nghe rõ chưa? Mày Không biết gì hết.
– Paul: Cháu biết cô ấy tốt… và mạnh mẽ… và xứng đáng với tất cả tình yêu trên thế giới này. Ông không thấy sao? Cô ấy tuyệt vời, và đặc biệt đến nhường nào.
– Alberto: Mày có nhìn thấy nơi này không? Mảnh đất này, vườn nho này. Mọi ngày trong năm. Mày nghĩ tao đang làm tất cả những điều này cho ai?
…Cho họ…Cho tất cả mọi người…Tao yêu gia đình tao

– Paul: Ông nên cho họ biết điều đó.

**

“Ông nên cho họ biết điều đó!” – Paul tóm gọn về những gì ông bố đã làm từ khi cây nho đầu tiên của dòng họ được đưa đến mảnh đất lạ để trở thành một trang trại nho như hiện thời.

Anh chất vấn sự hồ nghi trong tình thương giấu kín của ông, chất vấn tính chất tốt đẹp của tình phụ tử, chất vấn một người cha luôn coi tình yêu là một tất nhiên của sinh mệnh – tất nhiên đến độ chẳng bao giờ ông buồn bật thành lời nói. Tình yêu bị khóa kín tronng sự thản nhiên của các sinh mệnh sống cạnh nhau, coi rằng tỏ bày là vô dụng, ủy mị là thừa thãi và sự thương xót được ban tặng không nghi ngờ.

Đoạn thoại trên gợi lại trong tôi một cảnh trong bộ phim “Riding Alone for Thousands of Miles”(2005) của Trương Nghệ Mưu, khi người cha tên Gou-ichi Takata phải đi từ Nhật Bản đến ngôi làng xa xôi tại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), đến một nhà tù, xin đủ thứ giấy phép, chỉ để quay lại một cảnh người nghệ sĩ kịch hát vai Quan Vũ, thực hiện lời hứa của người con trai đang bị ung thư gan của ông. Có một khoảnh khắc, người nghệ sĩ họ Li không chịu hát, mà đứng khóc òa lên vì: “Tôi nghĩ về con tôi. Tôi không thể ngưng nghĩ về nó.” – Con trai của Li 8 tuổi, bị bỏ lại làng khi anh ta đi tù mà không ai chăm sóc.

4

Đứng sau máy quay, người cha Gou-ichi thầm nghĩ: “Tôi ghen tị với Li. Anh ta không che giấu cảm xúc của mình. Thật có phước… khi người ta có thể thể hiện cảm xúc như vậy… Nếu tôi có thể thể hiện cảm xúc của tôi như thế này, quan hệ của tôi với Ken-ichi có lẽ đã khác hơn.”

Tương tự như người bố hung hãn để bảo vệ vườn nho và người thân của mình trong “A walk in the Clouds”, ông bố trong phim “Riding Alone for Thousands of Miles” từ chối thể hiện tình thương với con mình. Họ cứng rắn với cảm xúc, với đứa con, coi tình thương yêu là lý lẽ duy nhất bất chấp những gì họ và con cái gây ra cho nhau, làm tổn thương nhau, đến tận phút đau khổ của cuối cùng của cuộc sống.

Như Gou-ichi, phải đi hàng ngàn dặm, gặp vô số những con người không quen biết, để học lại về sự cô độc của con trai mình, học yêu thương cậu trai đang chết dần trong bệnh viện vì bệnh ung thư gan. Thậm chí tới lúc ấy, ông vẫn chưa biết thời gian đã đủ muộn để nghe tiếng con lần cuối.

Như Alberto coi hành động đe dọa con gái, giữ rịt lấy con và sỉ nhục chàng rể là một cách để bảo vệ con mình khỏi những thế lực ngoại tộc đang đe dọa cướp con khỏi tay ông.

Như cách ta hàng ngày, coi rằng yêu thương là hơi thở, loay hoay đến mức làm đau người thân của mình, loay hoay đến mức gạt bỏ lời ủy mị thú nhận dành cho nhau thật nhiều tốt đẹp. Ta che giấu xúc cảm, che giấu ngọt ngào, che giấu sự thân thiết để vờ khoác lên mình cái áo nghiêm nghị, lạnh lùng, yên tâm…

Ta yên tâm người thương bên cạnh sẽ hiểu cho tình yêu câm nín đó? … cho đến khi mất họ, mà không kịp nói đã yêu đến thế nào… như cách Gou-ichi nhận điện thoại, để nghe con trai mình đã qua đời đêm hôm trước – và chính cậu cũng không hề gọi cho cha – mà để lại một bức thư thú nhận tình thương đau đớn của mình với cha.

… Gạt bỏ cảm xúc… gạt bỏ nước mắt… ta chỉ còn lại sa mạc khô bỏng người…

Và mất nhau.

Khải Đơn

==================

** Riding Alone for Thousands of Miles (2005) – Yimou Zhang – IMDB: 7,5.

** A Walk in the Clouds (1995) – Alfonso Arau – IMDB: 6,6

Advertisement

Comment

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

%d người thích bài này: