Trong bữa tối với một người bạn, cô kể rằng cuộc hôn nhân đã đổ vỡ. Tôi kinh ngạc.
Ở tuổi 29, tôi chưa hề tưởng tượng ra mình có được hạnh phúc ấm áp như cô, gói gọn một gia đình, và có một em bé nhỏ. Cứ như thể hạnh phúc đó không còn tồn tại nữa.
Chúng tôi nói rất nhiều về bất hạnh của nhau. Cô nói về sự lo lắng nếu con gái cô lớn lên mà không có cha bên cạnh. Nhưng cô cũng không thể chịu một cuộc hôn nhân “như thế” thêm nữa.
Cô kể về thời gian làm việc. “Tớ như bị hút vào công việc, về nhà chẳng còn đầu óc để làm gì nữa. Có những buổi tối ngoài cắm đầu làm, dọn dẹp, ôm bé, tớ chẳng còn biết làm gì nữa.”
“Tớ từng nghĩ đến 27 tuổi sẽ lập gia đình, sẽ thực hiện mục đích cuộc đời đó. Tớ và anh ấy cưới nhau đúng khi đó, cậu không thể hiểu hạnh phúc đó ý nghĩa đến mức nào…” Cô nói.
Tôi không có mặt ở đám cưới để hiểu họ đã hạnh phúc đến mức nào. Nhưng tôi hiểu có một em bé là bạn tôi đã bắt đầu cuộc đời ở một cột mốc mới, nhiều kỳ vọng và sự dũng cảm hơn.
“Tớ không biết mình đang sống hay chết nữa… anh ta gọi đến hàng tuần, cằn nhằn tớ, cằn nhằn chán thì đe dọa, đe dọa chán thì than phiền tớ làm mẹ rất tồi” – cô mô tả về người đã chia tay.
“Tớ có thể tự hào nói rằng mình đang làm mẹ đơn thân. Tớ rất dũng cảm vì con. Tớ đã làm mọi điều có thể tốt nhất cho Cún. Nhưng tớ không thể tin được, mình lại kết thúc như vậy, với hạng người như vậy.”
Sự đổ vỡ xảy ra theo cách mà ta muốn từ chối nhìn vào cách người kia từng nhìn – hoặc họ là kẻ gây ra điều đó. Những điều bé nhỏ tinh vi từng xảy ra với ta, họ gạt đi như hất đổ cái bàn đầy những tạo vật mỏng manh. Điều lớn lao trong họ, ta gạt đi, bởi không thể chấp nhận được sự khác biệt mình.
Sự mất bình tĩnh (hay chối từ để bình tĩnh) giật đứt sợi dây từng kết họ lại gần nhau. Ích kỷ thật có lý và đúng đắn vô cùng khi ta bảo vệ thành trì của trái tim mình. Nó chỉ sai khi ta không còn giữ được giấc mơ đầu tiên, dù vì nó mà ta muốn cố gắng thật nhiều.
Chị bạn tôi nói thầm vào tai tôi sau một cuộc đổ vỡ của tôi: “Nếu em nghĩ em muốn phá tan mọi thứ, em hãy thử nghĩ vì sao em bắt đầu?”
Một lần khác, cũng chị, nói: “Nếu em muốn quay lại, hãy thử nghĩ vì sao vào lúc đó em đã bỏ đi?”
Chỉ có một cách hành xử – nhưng góc nhìn bị khác đi. Chỉ có một lần ta từng cố gắng yêu thương, để phải nghĩ lại vì sao ta bắt đầu. Và cũng chỉ có một lần, ta có thể tự nghĩ vì sao mình kết thúc.
Tôi không bàn luận với bạn tôi về điều đó, bởi tôi biết, đôi khi ta che cả hai mắt mình lại để khỏi phải thấy hạnh phúc ám ảnh như một cơn ác mộng điên rồ.
Ta phải từ chối nhìn thấy bộ mặt thật của nó.
Khải Đơn
====
… như những cắt nghĩa khác về vết sẹo trong “Ta có bi quan không?”
Comment