Nhát dao của chuyện trò

Có một tối, tôi và anh đi nhậu. Luật chơi vô cùng đơn giản: Mình không nghe điện thoại hay đọc tin nhắn trong suốt cuộc nhậu đó.

Chúng ta không hiểu mình đã bị ám ảnh ra sao bởi các “tin thông báo” hay notification. Chúng tạo ra ám ảnh câu thúc về cảm giác “Có ai đó đang đợi tôi kìa. Chuyện này rất gấp gáp.” – Bị thôi miên, giục giã, ta luôn giật mình khi nghe tiếng “ting” nhỏ giọt mềm mại nhưng ám ảnh. Ta dán mắt vào màn hình. Thế giới bị phân mảnh ra. Cuộc trò chuyện bị gián đoạn bởi cảm giác bẻ gãy, mất hứng, chối từ, và xao nhãng.

20767780_10211287405394743_3854450015721904462_n.jpg

Sẽ có khi ta nghe bạn mình chậm chạp kể một chuyện khó khăn nào đó. Thình lìng, “ting” – tiếng chuông đẩy lời tâm sự vào bẽ bàng. Bạn vội nuốt hết vào trong, mỉm cười quay trở lại cuộc bông đùa như chưa từng muốn bày tỏ.

Chắc thật mỉa mai, khi người đối diện đang muốn bật khóc, vì đã chờ đợi rất lâu để nói được điều đau đớn trong lòng. Khi ấy, ta rút điện thoại nói, em chờ chị xíu nha, khách hàng chị gọi.

Cũng có khi mọi chuyện tréo ngoe hơn, là suốt cuộc chuyện trò hội ngộ ngày họp lớp, người thân thiết trong nhóm cứ luôn tay tập trung vào chiếc điện thoại của anh, không một lần ngẩng đầu nhìn bè bạn.

Tiếng chuông và màn hình sáng lên phá hủy những khoảnh khắc bé nhỏ mà ta cố gắng thật nhiều để đến cạnh nhau, nghe nhau nói. Ta nỗ lực bao nhiêu để dành thời gian cho nhau, sau đó xé toạc tất cả chỉ vì chiếc màn hình quan trọng hơn cuộc đối thoại mỏng manh và chán chường trước mặt.

Tôi thường nhìn vào người đối thoại đang chăm chú tập trung vào màn hình tin nhắn thông báo của họ hay vô vàn cuộc gọi xuất hiện liên tiếp. Đôi lần, tôi vui vẻ nhận ra mình đã vô hình trong mắt họ, có thể trườn qua hàng ghế nơi đang hội ngộ và biến mất.

Tối hôm nhậu đó, có vậy thôi, mà tôi tưởng như mình đã hiểu và quý mến hơn người nhậu chung gấp hai mươi lần, sau nhiều năm quen biết và gặp nhau nói đủ chuyện.

Cách chúng ta cảm giác về thế giới đang trở nên ngắn gọi như những tín hiệu sóng yếu dần của cảm xúc. Ta nồng nhiệt, miệt mài và sau đó lãng quên không chút nương tay. Tôi ngờ rằng đó là vì thời gian đã bị băm nhỏ ra trên nhát dao của vô vàn tin nhắn thông báo và những chiếc màn hình sáng rực thách thức và dầy hấp lực.

Tôi tắt tin nhắn thông báo, tắt chuông, và ngưng hoảng sợ về sự phân mảnh của cảm xúc mà mình đang chới với gom lại từ đầu sau trăm ngàn tiếng “ting” gợi cảm, đau đáu và khốn cùng.

Tôi yêu sự yên tâm này, buổi tối nóng nực, quán bia ồn ào, nhạc lộn xộn, mấy anh bàn sau lưng đang tranh cãi về sự đúng đắn của một hành động. Anh bạn và tôi cũng đang cãi cọ vô số điều.

Phải gọi nó là gì đây… một vài chớp mắt yên bình không có những nhát dao màn hình trỗi dậy ?

Khải Đơn

(*) Một blog về push notification: http://info.localytics.com/blog/the-inside-view-how-consumers-really-feel-about-push-notifications

(**) Trong bài này của Digitaltrends trích một phát biểu từ nhóm nghiên cứu từ Đại học bang Florida: “Chúng tôi nhận thấy chỉ riêng các thông báo trên điện thoại di động đã gây gián đoạn với những nhiệm vụ đòi hỏi sự chú ý, thậm chí ngay cả với những người tham gia không trực tiếp tương tác với điện thoại trong suốt thời gian diễn ra thử nghiệm.

link: https://www.digitaltrends.com/mobile/how-smartphones-distract-us-even-when-were-not-using-them/

 

Advertisement

Comment

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

%d người thích bài này: