“Battleship Island” – Cận cảnh đẫm máu

** có tiết lộ nội dung phim **

Buổi sáng mùa đông 2015, khi tôi đứng ở Nagasaki nhìn lên đảo Hashima, người chủ tàu nói: “Ngày cư dân rời hòn đảo tôi mới hai mấy tuổi, đứng từ đây nhìn ra các tòa nhà vẫn sơn đầy màu sắc. Sau 40 năm, màu sắc phai dần đi và chỉ còn màu xám, như một chiếc tàu chiến.”

maxresdefault

Đảo Hashima (Đảo Tàu Chiến) là cách gọi một mỏ than công nghiệp của tập đoàn Mitsubishi thành lập từ năm 1887. Trong Thế chiến thứ Hai, hòn đảo là nơi tù nhân chiến tranh Trung Quốc và lao động nô lệ Triều Tiên được đưa tới làm công nhân mỏ than trên đảo. Nơi này cách đất liền 15km, ngoài khơi tỉnh Nagasaki, đã trở thành một “nhà tù công nghiệp” khép kín trong thời chiến – nơi công nhân không thể bỏ trốn và lao động cật lực trong mỏ than dưới biển đầy hiểm nguy.

Nhưng đó cũng là nơi bộ phim Hàn Quốc “Battleship Island” lấy bối cảnh – và người xem có thể thấy rõ nỗ lực của đạo diễn trong việc tái hiện lại những ngày đẫm máu trong cái phần lát cắt ít được nói tới trên hòn đảo kỳ lạ giữa biển này.

lm

“Battleship Island” (đạo diễn Ryoo Seung-wan) xây dựng lại những ngày cuối cùng của Thế chiến thứ Hai. Một nhóm nhạc công người Triều Tiên, trong đó có ông Lee Kang-ok (nhạc trưởng) cùng cô con gái nhỏ So-hee vô tình đã bị bắt cùng những người lao động Hàn Quốc bị lừa khác đến đảo Hashima. Một cô gái giang hồ từng bị cưỡng bức làm gái điếm cho lính Nhật, một gã giang hồ sừng sỏ tên Choi Chil-sung cũng bị bắt cùng lên một chuyến tàu đến đảo.

Hòn đảo là một nhà máy công nghiệp, đào sâu xuống đáy biển để tìm các vỉa than, khai thác và vận chuyển về Nhật Bản. Trở thành nô lệ ở đó, ông Lee nhanh chóng thích nghi, trở thành người giao tế, luồn lách, kiếm sống và chăm sóc con gái. Cô bé So-hee nhanh chóng bị đưa vào… nhà thổ cho lính Nhật. Cô gái giang hồ tên Mal-nyeon trở lại làm cô điếm bị hành hạ bởi những tay lính Nhật chơi bời dã man. Trong khi đó Chol Chil-sung nhanh chóng học được luật rừng ở mỏ than, và trở thành đầu sỏ trong đám công nhân.

23536655212_1a2f32f597_o

Câu chuyện được xây dựng kịch tính khi trong đám tù nhân có một nhân vật quan trọng là trưởng ban Ủy ban Âu Mỹ của Triều Tiên cũng đang bị giam tại đảo và một lính biệt kích Triều Tiên tên Park Moo-young do OSS huấn luyện phải đến đảo để giải cứu ông về. Đó cũng là những ngày gần kết thúc Thế Chiến, khi “tin đồn” người Mỹ đã chế tạo thành công một quả bom mới và sắp ném vào Nhật Bản.

Cả hòn đảo trở thành một lò lửa khi một buổi sáng, máy bay Mỹ ném bom và làm chết nhiều lao động và cả binh lính Nhật trên đảo. Hòn đảo nhỏ xíu như trở thành chảo lửa bê tông. Xác người Hàn bị thiêu. Lính Nhật kiệt sức, tàn bạo và dần thất vọng khi biết “quả bom mới” của Mỹ đã chọn Hiroshima làm mục tiêu đầu tiên.

Mỗi con người che giấu mục đích riêng, hoặc toan tính trục lợi, hoặc tìm cách sống còn trên thây ma của đồng loại, hoặc chỉ muốn được việc cho mình, tất cả bị say nghiến trong mỏ than giữa biển. Lee muốn con gái được sống, Park muốn cứu được người lãnh đạo công nhân và hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng cuộc giải cứu trở nên bẽ bàng khi những gì Park nhận ra hoàn toàn không giống với nhiệm vụ anh được giao. Thứ trước mặt mà chàng trai mới vào nghề phải chọn lựa trở nên thật vật chất, hiện hữu, là khi được cô bé So-hee đưa tay bịt vết thương và hỏi: “Chú có đau không?”

aPZJoQ4ABQXWcLF52tHuEbj6pI

Và rồi cũng từ sự sống hiện hữu và đau đớn đó, cùng hàng trăm người Triều Tiên, Park tổ chức một cuộc đào thoát khỏi đảo, khi cuộc đánh bom làm tê liệt và thương vong lính Nhật, và họ không có chọn lựa quay đầu trước cuộc thảm sát được biết trước.

Bộ phim “Đảo tàu chiến” xây dựng chi tiết và công phu từng lát cắt khi con người bị trấn áp và hủy diệt thế nào trong mỏ than vô lý và tàn bạo. Họ là công cụ cho giấc mơ vĩ cuồng Nhật Bản, không thể cưỡng lại bất cứ bánh răng nào của thời đại đang nghiền nát họ như nguyên liệu sống cho băng tải than miệt mài chạy suốt 15 năm cho cuộc chiến mà đế quốc Nhật Bản theo đuổi.

23619108486_01f0c8005d_o

Mô hình đảo trong phim đã được dựng rất tốt. Người xem như thể mục kích toàn cảnh hoạt động của mỏ than công nghiệp này cũng như cách từng thây người đổ xuống khi ga rò rỉ, than rơi, đá nổ, xe gòong trượt dốc. Thân phận người Triều Tiên được xây dựng rất thuyết phục, từ kẻ tứ cố vô thân, người có học, trí thức… đều sống còn bằng sự thoi thóp và tuyệt vọng trong hầm mỏ.

Nhưng một điều khác có thể thấy rất rõ, là đạo diễn Ryoo Seung-wan phần nhiều đã dành nội dung phim cho việc ca ngợi tinh thần dân tộc kiểu Hàn Quốc, nơi những người Hàn được xây dựng anh dũng, quả cảm từ sự bình thường nhất, và những người Nhật Bản toàn tập là bọn dơ bẩn, chơi bời, đê hèn, như bọn quỷ đội lốt người.

Dù rất cố gắng dựng lại lát cắt lịch sử đau đớn mà người dân Triều Tiên đã phải trải qua suốt Thế chiến ở hòn đảo, Ryoo đã lồng thêm cả sự giận dữ và định kiến của ông về đế quốc Nhật Bản đầy thù địch mà lòng tự hào dân tộc cho phép ông xây dựng chúng như một bọn quái vật. Chính ở điểm này, một bộ phim được ghi “Dựa trên câu chuyện có thật” đã bị hạ xuống phần nào của sự đón nhận, nhất là với những khán giả ở quốc gia thứ ba, ít can dự tới thù hận mà Nhật Bản – Triều Tiên dành cho nhau.

Cũng ở đây, tôi nhớ lại ngày bước chân lên đảo Hashima và đi bộ cùng một nhà báo gạo cội của Nhật và cách ứng xử với lịch sử của một quốc gia đầy tranh cãi. Ông dắt tôi đi, chỉ lên những khung cửa tối trên cao ở các tòa nhà còn sót lại, và hỏi: “Cô nghĩ xem, người ta sẽ sống thế nào ở đây? Từ năm này qua năm khác? Không giải trí, không nghỉ ngơi, trẻ con không biết gì ngoài những bê tông và băng tải này…” – Trên tờ rơi của phòng du lịch giới thiệu về Hashima, chỉ có vài dòng nói nơi đây từng bị phê phán vì điều kiện lao động khắc nghiệt và đời sống khó khăn của công nhân.

23645033095_746e202a22_o

Thay vì né tránh sự thật như tấm brochure hay tô đen thô bỉ như bộ phim Battleship Island, ông nói về những gì Nhật Bản bị cáo buộc gây ra trên đảo, nói về cách người ta rời đảo, nói về sự “điên khùng” đã tạo ra Nhật Bản dưới thời ông lớn lên, khi người ta cổ vũ các bà mẹ Nhật lên báo tung hô việc cho con họ ra trận vì Thiên Hòang, vì sự vĩ đại của Nhật Bản.

Ông nói: “Tôi sẽ dắt cô đi gặp một đứa trẻ đã sống sót khỏi quả bom nguyên tử ở Hiroshima để cô hiểu chiến tranh đã làm gì, người Nhật đã làm gì, và trẻ con… trẻ con ra sao…”

Bộ phim “Battleship Island” của Hàn Quốc xứng đáng được xem với những đầu tư thích đáng khi xây dựng lại điều kiện sống dã man, cuộc khai thác lao động nô lệ tàn bạo mà Phát xít Nhật đã gây ra trong Thế chiến thứ Hai, đặc biệt với lao động nô lệ Triều Tiên và Trung Quốc trên đảo. Bộ phim được làm như một áp lực thích đáng dành cho người Nhật với lời hứa của chính họ sẽ thừa nhận sự thật về Đảo Hashima sau khi được công nhận là Di sản văn hóa thế giới của UNESCO vào năm 2017, trước khi có những quyết định khai thác du lịch rộng hơn tại nơi này.

Nhưng ở góc độ “dựa trên một câu chuyện có thật” mà bộ phim viết ở dòng mở đầu, “Battleship Island” không làm được việc đó. Trong hơn 1.300 lao động cưỡng bức được cho là bỏ mạng trên đảo còn có cả những lao động người Trung Quốc cùng thời, nhưng không hề được xuất hiện trong bất cứ cảnh nào của phim. Cũng như vậy, khi những tên phát xít Nhật được xây dựng không khác gì loài cầm thú, bộ phim đã rời xa lời mào đầu, và trở thành một tác phẩm thuần túy là điện ảnh giải trí.

23349463330_3b6d6a1b07_o

Khi đứng trên bong tàu nhìn hình ảnh hòn đảo như chiếc “Tàu chiến” lừng lững giữa biển, nhà báo đi cùng tôi trông già nua hơn bao giờ hết. Hòn đảo lùi xa như chiếc tàu muốn phai đi trên biển cả nhưng ngần ngừ, nó như chiếc đinh đứng đó, buộc người kể chuyện như ông gieo vào tim tôi một chất vấn vô hình của thứ sắp tồn tại – liệu chúng ta có hiểu gì về cuộc chiến đã từng? Liệu chúng ta có học được gì? Liệu chúng ta có dám nói về nó bằng sự thành tâm ngừng cào cấu…

Cảnh cuối phim, khi So-hee đứng khóc nức nở nhìn bom nổ ở Nagasaki – với tôi – là cảnh đã cứu lại rất nhiều phần của bộ phim. Dù ở đâu, khi quả bom hình nấm thiêu hủy thành phố, những “kẻ thù” Nhật Bản của đạo diễn bộ phim… cuối cùng cũng chỉ là con người… mắc kẹt trong cái bánh răng ngu ngốc của thời cuộc…

Khi ta phải nhìn nhận kẻ thù cũng là con người… điều đó khó hơn một bộ phim…

Khải Đơn

Ảnh: Cảnh trong phim và ảnh tui tự chụp khi ở đảo

Bài cũ viết về Hashima: http://www.bbc.com/vietnamese/world/2015/12/151211_hashima_island_japan

Advertisement

Comment

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

%d người thích bài này: