Câu hỏi: Tôi muốn viết, có rất nhiều thứ xuất hiện trong đầu, nhưng đặt bút xuống thì nó đã đi mất, hoặc thấy bất lực không thể hiện nổi, hoặc chỉ viết vài dòng đã hết ý. Vậy làm sao để viết từ ngày này sang ngày khác?
1. VIẾT LÀ LUYỆN TẬP CƠ BẮP:
Khi dạy học trò viết, mỗi ngày gặp nhau, tôi đều yêu cầu họ nộp cho tôi một bài viết dài 800 – 1000 chữ. Những bạn tôi dạy báo chí đều được yêu cầu viết khoảng 1000 chữ mỗi ngày.
Không phải vì tôi thích bài dài mà ép họ làm vậy. Và không phải bài dài thì mới hay. Mà bởi vì tôi tin viết là hoạt động cơ bắp, và cần luyện tập. Bạn có tập gym không? – Nếu có chắc bạn hiểu điều này. Tôi muốn thiết lập trong đầu người học một thực hành mang tính vật lý: Đây không phải cảm hứng, tùy hứng hay chơi bời. Đây là tập luyện. Bạn càng làm nhiều lần, càng kéo dài thời gian mỗi lần viết dài hơn, càng mở rộng nội dung nhiều hơn, não bạn sẽ càng nhanh chóng thích nghi với việc mổ xẻ ý tưởng ra.
Và cũng chính vì thế, tôi rất ghét phải đối mặt với những người viết thường phun ra các câu như: Em đợi cảm hứng chị về đi chị viết bài cho em. Tôi không tin vào cảm hứng.
2. VIẾT GÌ?
Bạn có rất nhiều ý tưởng. Bạn có thể sáng tác 1 status 200 chữ, 400 chữ, nhưng viết thành bài bạn gặp rắc rối. Đó là các ý nghĩ chợt tới, nó không được suy nghĩ lại, gọt giũa, tìm tòi, phản biện, gắn kết… để thành một nội dung đầy đặn.
Để viết một bài, bạn cần thời gian dành cho nó hơn là vài trăm chữ ngắn ngủn như văn nói và bỏ đi không xử lý tiếp các chỗ chưa đầy đặn.
Vậy để suy nghĩ về thứ mình viết với tràn đầy niềm vui (vì để thực hành cái số 1 trên kia là đã mệt lắm rồi, còn phải suy nghĩ thứ mình không thích nữa thì thật tệ hại), hãy bắt đầu bằng những chủ đề đơn giản nhất: GIÁC QUAN CỦA BẠN. Vài chủ đề ai cũng có thể viết như sau:
– Bạn có còn nhớ lần hạnh phúc nhất trong đời mình không?
– Ngày bạn buồn nhất, chuyện gì đã xảy ra?
– Món ăn ngon nhất bạn từng nếm là gì? – Nó thế nào? Nó xảy ra với cái gì?
– Trong balo của bạn đang có gì? Lấy hết ra xem – và nhặt 1 thứ lên – hãy viết về thứ đó – tại sao bạn nhét nó trong balo?
– Bạn còn nhớ câu nói của ai đã làm tổn thương bạn nhất? – Bạn giải thích vì sao bạn thấy tổn thương đi.
– Chuyến đi nào khiến bạn nhớ thật nhiều? Cái gì trong chuyến đi đó quan trọng đến mức khiến bạn nhớ? Bạn miêu tả đi.
… Bạn có thể đặt ra các chủ đề tương tự để tiếp tục tập luyện.
Tại sao lại là các đề tài về giác quan và mấy thứ này? – Vì chúng gần bạn nhất, ít nhất ta có vài thứ có tồn tại có thể nhớ lại. Ta trực diện nhất với nó. Có đủ dữ liệu. Tôi đã dẹp bỏ bớt cho bạn một rào cản là nhặt nhạnh dữ liệu vì dữ liệu ở đây ở trong bạn. Hãy viết ra. Trung thực. Đơn giản. Từ câu này tới câu khác. Vậy là được.
3. VIẾT GÌ NỮA?
Sau khi kết thúc bài tập về giác quan. Bạn sẽ hiểu rằng, những thứ ta viết ra thường là thứ được “tiêu hóa” từ giác quan, cảm xúc, mắt nhìn, mũi ngửi, da cảm thấy… Đó sẽ là 1 công cụ bạn sử dụng rất nhiều sau này khi viết.
Vậy ngoài giác quan, ta bắt đầu tìm thêm các chủ đề bên ngoài bản thân, về đời sống, gia đình, tranh luận xã hội, tranh luận với bạn bè, tranh luận về điều ta quan tâm…
Để làm mấy cái này, ta cần TÌM LUẬN ĐIỂM. Đây là một bước xa hơn của viết. Tôi và bạn cãi nhau. Tôi muốn chứng minh bản thân đúng (hoặc suy nghĩ xem có gì sai), tôi cần đọc tài liệu, đối chiếu, so sánh, suy xét, sau đó viết ra để bảo vệ/chống lại một ý tưởng nào đó.
Ở phần này, bạn hãy tìm tài liệu liên quan, đọc, ghi ra trang note những chỗ mình cần, thể hiện suy nghĩ mà bạn muốn diễn giải sau khi có được dữ kiện đó. Sau đó, bạn viết dàn bài.
Ý 1:
– Nội dung ý
– Luận điểm
– Dẫn chứng
Ý 2 :
– Nội dung ý
– Luận điểm
– Dẫn chứng
Ý 3:
– Nội dung ý
– Luận điểm
– Dẫn chứng
Cả ba ý trên nên xoay quanh và phục vụ cho ý chính bạn cần theo đuổi, đừng chạy đâu xa hết. Hãy bám vào ý chính như bám vào cây cột trụ của toàn bài (múa cột cũng cần trụ mà 😀).
Cuối cùng hãy viết thử xem. Bạn sẽ phát hiện ra mình gặp các rắc rối mới, nhưng ít nhất, bạn đi tới đây là đã đi xa thêm một chút của hành động viết cho vui rồi.
** Hum nào rảnh viết tiếp **
Khải Đơn
Comment