Trong bạn bè mình, tôi đọc thấy một số trường hợp tự tử. Trong ba ngày gần đây, các vụ nữ sinh tự tử khi bị đăng clip hôn nhau, tự tử vì cắt tóc ngắn, vì trầm cảm… cũng được tường thuật nhiều.
Trong một hội thảo về tường thuật thảm họa và chấn thương 2017, một phóng viên hỏi chuyên gia là: “Tôi biết có con số tự tử ở Việt Nam rất cao, nhưng làm sao để tường thuật đúng đắn?”
Tôi viết lại những phần mình học được về tường thuật tự tử ở đây, từ những nội dung do Tiến sỹ Cait McMahon- chuyên về tâm lý và tường thuật báo chí, cùng những tài liệu từ tổ chức Mindframe của Úc.
VẤN ĐỀ TỰ TỬ Ở VIỆT NAM ĐANG RA SAO
Một công bố của Bệnh viện Bạch Mai tháng 4/2017 cho thấy, mỗi năm ở Việt Nam có từ 36.000 đến 40.000 người Việt Nam tự tử vì trầm cảm. Trong khi đó 3,6 triệu người Việt Nam bị trầm cảm, trong đó là người trẻ từ 18 -45 và chỉ có một số rất ít được chăm sóc y tế và điều trị. (1)
Việt Nam xếp hạng 126 trên danh sách tỷ lệ tự tử mà WHO khảo sát năm 2015, với tỷ lệ 7,2 người/100.000 người. (2)
VIẾT VỀ TỰ TỬ TRÊN BÁO THẾ NÀO?
- Câu chuyện về tự tử có cần được tường thuật không?
Một số phóng viên cho rằng không nên viềt về chuyện tự tử, vì nó có thể dẫn đến hành vi bắt chước.
Tuy nhiên, trong một chương trình tôi tham dự ở Fiji năm 2017, ở một hòn đảo nhỏ, nơi tự tử là điều cực hiếm. Phóng viên kể từ ngày cô viết báo, chỉ mới có 2 vụ tự tử trên đảo. Nhưng họ phải tường thuật vì:
- Cảnh báo cho cộng đồng hiểu vấn đề đang xuất hiện.
- Để cộng đồng biết và đưa cánh tay ra giúp đỡ người có ý định tự tử, cũng như cần có thêm tìm hiểu, nghiên cứu về sức khỏe tâm thần của cư dân.
Tài liệu của tổ chức Mindframe về hỗ trợ báo chí ở Úc cảnh báo một số vấn đề khi viết:
- Nghiên cứu từ hơn 100 đề tài nghiên cứu quốc tế cho thấy tường thuật về những vụ chết vì tự tử có liên quan đến tỉ lệ tự tử và kiến ý định tự tử ngày càng tăng sau khi tường thuật.
- Nguy cơ này tăng cao ở những vụ mà báo chí tập trung vào các cá nhân đã chết (đặc biệt là người nổi tiếng).
- Nguy cơ này cũng tăng cao khi báo chí tường thuật rất nhiều và lặp đi lặp lại, tập trung vào cái chết hào nhoáng hay vinh quang, và khi địa điểm và cách tự tử được miêu tả chi tiết.”
2. Viết về tự tử giúp gì?
- Thông tin về các vụ tự tử cảnh báo mọi người về một vấn nạn có thể xảy ra ở quy mô rộng.
- Viết về tự tử đúng cách có thể cung cấp kênh thông tin, sức khỏe, giải thích vấn đề để những người có ý định tự tử tìm được sự giúp đỡ kịp lúc.
- Viết về tự tử giúp giải tỏa vùng xám của định kiến cấm kỵ, tin đồn: như cho rằng con cái tự tử là vì cha mẹ vô phúc, hay người yêu tự tử vì bị phản bội…. Tránh để định kiến lan ra theo chiều hướng sai lệch cũng là cách để người có vấn đề sức khỏe tâm lý sớm tìm đến sự giúp đỡ khi cần, thay vì tự cho rằng mình mới là thực thể sai và giấu kín vấn đề.
- Viết về tự tử giúp tăng nhận thức của cộng đồng, tránh đồn thổi, giúp họ ý thức đó là vấn đề sức khỏe trong cộng đồng cần được quan tâm.

- Viết về tự tử như thế nào?
- Cần chắc chắn các nguồn tin chính thức đã xác nhận người đó chết vì tự tử để đảm bảo bản tin không gây ra phỏng đoán bừa bãi hay ảnh hưởng đến quá trình điều tra
- Nếu có thể, xin phép sự chấp thuận của người thân hoặc bạn bè gần gũi trước khi nêu danh tính của người tự tử.
- Xem xét liệu việc tường thuật vụ việc có vì lợi ích cộng đồng hay không, nên tham khảo ý kiến chuyên gia về tác động khi tường thuật một vụ việc đặc thù.
- Xem xét có bao nhiêu bài viết về tự tử đã đăng gần thời gian đó, vì có nghiên cứu cho thấy liên tiếp xuất hiện nhiều vụ tự tử có thể khiến những người dễ bị tổn thương tự tử theo.
- Tránh để bài viết hóa thành giật gân, kích động:
- Kiểu mô tả chi tiết chân dung người tự tử, phương pháp chết, cách tìm đến cái chết, địa điểm tự tử…. là cực kỳ nguy hiểm, vì nó có thể tạo ra hành vi bắt chước ở những nạn nhân tiềm năng cũng đang có ý định tự tử.
- Những người đang ở trong tình trạng yếu đuối, dễ tổn thương sẽ rất dễ bị dẫn dắt vào các câu chuyện trên báo được tường thuật ồn ào, kích động, giật gân.
- Sự ồn ào của bài viết (như tần suất tin liên tục, đăng cùng một vụ cập nhật ở trang nhất liên tục…) có thể khiến người xem tin rằng đây là một “trào lưu” và rất dễ gây tăng nguy cơ này trong cộng đồng.
- Những thông tin cần xem xét và cân nhắc
Không đăng thư tuyệt mệnh, tin nhắn cuối cùng trên báo. Những thông tin này gây ảnh hưởng tới người thân nạn nhân (vì chuyện riêng tư bị đăng tải tràn lan), hoặc tạo ra gợi ý (thậm chí cảm hứng đi tự tử).
Mindframe đề xuất bài báo nên đăng ảnh chung chứ không tập trung vào hình ảnh thi thể nạn nhân, ảnh tang lễ, cảnh gia đình khóc thương với chân dung từng người.
Hạn chế đăng các tưởng niệm từ cộng đồng, các trang tưởng niệm cá nhân, vì đó là chuyện quá riêng tư, và dễ dẫn đến xâm phạm vào đời tư nhân vật.
Tiết lộ chân dung, hình ảnh người đã qua đời có thể làm tổn thương gia đình, bạn bè nếu không được cho phép.
Ngôn từ cần chú ý như sau:
- Người nổi tiếng tự tử
- Các vụ tự tử của người nổi tiếng rất có tính tin tức và thường phải tường thuật ngay. Tường thuật người nổi tiếng tự tử có thể gây ra sự ca ngợi, anh hùng hóa và coi nhẹ chuyện tự tử. Một số nghiên cứu cho thấy các bài viết này khiến người dễ bị tổn thương dễ bắt chước ngay theo.
- Để giảm thiểu nguy cơ, bạn cần đảm bảo bài viết không tôn vinh vụ tự tử hay viết chi tiết về cách tự tử, địa điểm tự tử. Thay vào đó, có thể tập trung nói về sự vô nghĩa của cái chết và đưa ra một số chỉ dẫn đế những người có nguy cơ tự tử có thể tìm kiếm sự giúp đỡ.
- Cần cẩn trọng vì thông tin vụ tự tử có thể xuất hiện trong nhiều bản tin khác trên cùng 1 tờ báo (như thêm một người nổi tiếng tự tử) hay gần một số ngày quan trọng (như ngày ra mắt phim, ngày kỷ niệm…). Người viết bài nên chú ý kỹ khi tường thuật hay đề cập đến cái chết đó.
- Gợi ý nên viết:
- Nên sử dụng những câu chuyện tổng hợp nhiều ý kiến từ các chuyên gia lĩnh vực sức khoẻ tâm thần và chống tự tử, và cả những người có liên hệ với cộng đồng.
- Chuyện tự tử và người thân của nạn nhân tự tử có thể giúp tăng cơ hội truyền đạt thông điệp nhận thức và thảo luận về tác hại của tự tử.
- Hãy tôn trọng sự riêng tư và nỗi đau của người khác và bạn cần xem xét hoãn lại phỏng vấn trong tình huống này.
- Nếu có thể, hãy đưa đường dây nóng hỗ trợ về sức khỏe tâm thần, trầm cảm hoặc hỗ trợ các trường hợp có ý định tự tử. Và tòa soạn phải đảm bảo kiểm tra các đường dây nóng/kênh này có hoạt động trước khi đăng tải. Tòa soạn phải báo cho các kênh hỗ trợ này biết có thể họ sẽ nhận được nhiều cuộc gọi sau khi báo đăng để họ chuẩn bị.
- ĐỀ XUẤT CỦA MINDFRAME VỀ CÁCH VIẾT VỀ TỰ TỬ:
- Hạn chế tối thiểu mô tả về phương pháp chết: Nếu phần mô tả này quan trọng trong bài viết, hãy miêu tả phương pháp bằng những cụm từ chung chung như “tự huỷ hoại cơ thể”, “tự gây thương tích”.
- Đảm bảo sự chính xác và cân bằng: Tường thuật cân bằng cung cấp các thông tin thực tế về hành vi tự gây tổn thương có thể giúp cộng đồng nhận thức tốt hơn và giảm thiểu sự kỳ thị với người bị chứng tự huỷ hoại.
- Cẩn thận tránh gây lan truyền các định kiến lệch lạc: Bao gồm định kiến cho rằng người có xu hướng tự huỷ hoại có thể tác động đến người khác, hoặc tự huỷ hoại để gây sự chú ý, giả vờ tự tử, hoặc thuộc nhóm văn hoá gây tác động xấu đến thái độ cộng đồng và gây kỳ thị.
- Sử dụng ngôn từ phù hợp: Chú ý không sử dụng cách nói suồng sã
Khải Đơn (tổng hợp)
Toàn bộ tài liệu tiếng Anh từ Mindframe: http://www.mindframe-media.info/for-media/reporting-suicide?a=10217
Tài liệu tiếng Việt do Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ Truyền thông dịch: https://drive.google.com/file/d/0B2Lw08UQxiLCOGRETVMyQ3Jmc1E/view?usp=sharing
============
Chú thích
(2) https://en.wikipedia.org/wiki/List_of_countries_by_suicide_rate
=> Data: http://apps.who.int/gho/data/view.main.MHSUICIDEASDRv?lang=en
Comment