Đêm gió mượt mà bên bãi biển Bingin, ở Bali, Indonesia.
Một người đàn ông ngồi chiêu chai bia Bintang cuối cùng trong ngày. Ông là chủ một quán cafe cho dân lướt ván, tên Didi. Họ ghé qua, mua một quả dừa, quăng quần áo và thiết bị trên bờ, lao vào cơn sóng.
Đã nhiều năm tôi không đến nơi nào có biển. Hầu hết con đường chỉ diễn ra trên núi, đồi, những cuộc chạy xe máy mải miết vào rừng sâu. Dường như thấy tôi đã kiệt sức sau một trận quần nhau với biển, Didi lại gần, cho một cốc nước nóng và nói: “Đừng sợ, cô sẽ sớm quen thôi. Con người đều từ biển. Chúng ta sinh ra từ biển. Rồi cô sẽ học được biển không có ý định hại mình.”
Didi tới Bali 27 năm trước, khi bãi biển này còn là những khối đá nhô ra chưa có tay con người nào khuất phục. Ông yêu một cô gái người Java, rồi cưới bà, ở lại đảo, mở một quán cafe. Con trai ông được mệnh danh là một trong những tay lướt ván cự phách nhất Bali.
Chừng 5 năm trước, ở đây chỉ toàn đàn ông. Cánh đàn ông đổ về đây tìm sóng, lướt ván. Phụ nữ không đến Balangan và Bingin. Họ ở Ubud, tập yoga, chăm sóc cơ thể, nghỉ dưỡng. “Các cậu trai luôn hỏi tôi tại sao ở đây chẳng có cô gái nào, giờ thì họ tha hồ, cả thiên đường rồi đó!” – Didi cười.
Bãi biển Bingin như một thiên đường. Phụ nữ khắp thế giới đổ về đây, xinh đẹp, rạo rực, đầy sức sống. Họ như muốn thoát khỏi quần áo để hòa tan mình vào cát biển, san hô và bầu trời. Họ bơi trên những quãng sóng với ngực trần và mảnh quần bikini mỏng tang. Họ đứng dậy trên ván và đỉnh ngọn sóng, thân thể mảnh mai và cong vút như một mũi tên phóng về phía mặt trời trên cao.
Giọng của Didi có mùi cồn. Tiếng khản như một người uống whisky lâu năm. Trầm. Đục Và khát. Một cậu trai ở Bali suốt sáu năm trời để lướt ván, sống trong căn nhà nhỏ kế quán của Didi kể: “Lần đầu tiên tôi tới đây, đêm nào cũng xuống quán ngồi uống với Didi. Ông ấy luôn giúp đỡ, chuyện trò. Ở tuổi 20, khi rời khỏi nhà và chẳng có bạn bè, cậu hiểu sự cô đơn không? Ông ấy luôn giúp đỡ những người mới đến Bali, chuyện trò với họ, giúp đỡ họ tìm quán ăn, xe máy, đường đi, bác sĩ…”
Cậu trai đã trò chuyện với ông suốt hai năm, mỗi buổi tối sau giờ ra biển, trước khi bắt rễ và thương quen với ngôi làng lướt ván.
“Tôi không biết tại sao con người luôn muốn có nhiều hơn. Họ không thể ngừng lại. Nhưng thứ chúng ta cần là sống hòa thuận với Trái Đất chứ không phải ăn thịt nó. Tại sao không thể dừng lại khi vừa đủ? Tại sao phải luôn chế ra xe hơi chạy nhanh hơn, những công trình tiêu thụ nhiều nguyên liệu hóa thạch hơn? Tại sao phải giết nhiều loài động vật hơn, khi thứ để ta sống suốt đời chỉ là thịt gà, bò hay những món hoa trái đơn giản?”
“Bali là nơi của sự đầy đủ. Tôi chưa bao giờ đòi hỏi nhiều hơn. Người ở Bali sống hàng ngàn năm giữa biển khơi, chẳng thiếu thốn gì. Thiên nhiên cho họ tất cả và hòa thuận với họ. Ngay cả những ngọn sóng, chúng cũng chơi đùa với ta. Đâu có gì mà phải hi sinh một bên để bên kia sinh tồn?”
Tôi nói với Didi, có lẽ con người không biết dừng lại. Họ không thể kiểm soát được bản thân trong cơn đói thèm được nhấn chìm tất cả dưới bàn chân chinh phục của mình. Họ không thể ngừng lại. Những người ở Bali như Didi quá xa với “loài người” xa xôi trong đất liền, nơi họ định vị cả thế giới bằng các chiều kích và tốc độ xuyên qua thanh quản và lồng ngực nhau. Phải có thứ gì đó hi sinh. Để con người tồn tại.
Như với Didi, ông đã đóng băng thời gian Paris lại thành 27 năm dài ở Bali, để tìm thấy hạnh phúc, để mỗi chiều cưỡi sóng băng về hòang hôn, để nhìn con trai lớn lên như vị thần biển và con gái cài đóa hoa bừng nở như hoa trái thiên đường.
Bali đã mọc mầm trong ngực ông…. như cách ta được một vùng đất cho ân phước được hạnh phúc…
Khải Đơn
Ham muốn của con người không bao giờ là đủ, đấy chính là nguyên nhân của
mọi tội lỗi. Nếu như chúng ta biết được đâu là điểm dừng thì cuộc sống sẽ
đơn giản hơn rất nhiều. Cảm ơn tác giả!
Vào Th 7, 12 thg 5, 2018 lúc 11:04 Khải Đơn
đã viết:
> Khải Đơn posted: “Đêm gió mượt mà bên bãi biển Bingin, ở Bali, Indonesia.
> Một người đàn ông ngồi chiêu chai bia Bintang cuối cùng trong ngày. Ông là
> chủ một quán cafe cho dân lướt ván, tên Didi. Họ ghé qua, mua một quả dừa,
> quăng quần áo và thiết bị trên bờ, lao vào cơn ”
>
ThíchThích