Về cảm xúc học và làm việc

Việc học thực sự đã ngừng lại sau khi tôi kết thúc đại học. Những thứ thu thập được trong công việc thường là làm theo, quen tay, nghe ai đó chỉ dạy. Rời bỏ học tập khiến tôi cảm thấy vơi dần sự háo hức với những trải nghiệm mới trong đời sống thường ngày.

Vì những lý do đó, tôi tìm cách quay lại với việc học. Có hai khóa học đáng chú ý trên Coursera.org đã động viên và cho tôi rất nhiều ý niệm rõ ràng về việc học. Tôi chia sẻ nó ở đây:

1. Learning How to Learn: Powerful mental tools to help you master tough subjects: Học cách để học. Khóa học kéo dài 4 tuần, mở vĩnh viễn. Nội dung gồm có 3 giờ xem video, 3 giờ đọc tài liệu và 3 giờ làm bài tập. Khóa học có phụ đề tiếng Việt. Khóa học do Tiến sĩ Barbara Oakley, Giáo sư từ Đại học Oakland, và  Dr. Terrence Sejnowski, từ Computational Neurobiology Laboratory giảng.

Có rất nhiều nội dung được dạy, nhưng với tôi có những thứ rút ra quan trọng:

Quá trình học của não có thể chia làm hai kiểu: Chế độ tập trung và chế độ phân tán. Ở chế độ tập trung, ta có thể làm bài tập, có thể tập trung để làm những thứ vất vả trong bài học. Nhưng khi bị bí, không tìm được lối ra, hay bị rối trong một nội dung, thì việc cho cơ thể một chút “phân tán” sẽ giúp não bộ có không gian lỏng lẻo để kết nối được những phần bế tắc lại, giúp ta giải quyết được vấn đề. Nếu cứ chăm chăm tập trung vào chỗ rối, ta rất mất mất thời gian mà không thể gỉai quyết được bài học. Trong khóa học, tiến sĩ Barbara Oakley sẽ giải thích rất cụ thể cơ chế thần kinh của hai chế độ học này để bạn hiểu vì sao sử dụng song song cả hai là quan trọng.

Sự trì hoãn làm việc: Sự trì hoãn làm việc (khó) xuất phát từ cơ chế của não bộ, khi nó không muốn chịu cảm giác tương tự như đau, là lao vào việc khó, nó lâp tức tìm cách xao nhãng bằng một thú vui dễ chịu, giúp bạn thấy dễ thở (nhưng rất tạm bợ) và kết thúc là không thể giải quyết vấn đề. Sự trì hoãn xảy ra rất nhiều trong đời sống của tôi. Trì hoãn tập thể thao, trì hoãn đọc, trì hoãn viết, trì hoãn xử lý một nội dung thông tin… Sau khi giải thích cơ chế này, bài giảng chỉ dẫn những “mẹo” hoàn toàn dễ thực hiện, đơn giản, đánh lừa cơ chế khó chịu này để tôi có thể tập trung vào công việc.

Đặt ẩn dụ cho những nội dung học khó nhớ: Với những loại nội dung có tính trừu tượng cao như Toán học, những người học viết như tôi thường thấy cực kỳ khó nuốt. Và tôi thường bỏ cuộc ở những mảng nội dung phải xử lý số liệu nhiều. Khóa học này hướng dẫn một cách, đó là đặt tên cho những nội dung trừu tượng đó bằng những hình ảnh, ví von quen thuộc với người học, để từ đó có thể nhớ được cơ chế, tên gọi và có thể gọi lại ký ức khi cần. Nó giảm bớt gánh nặng của việc mỗi lần quay lại chủ đề khó lại cảm thấy như ở một tinh cầu không liên quan.

Thú vị nhất là các bonus video cuối mỗi tuần trong khóa học (chúng hơi dài, nhưng rất đáng xem), nơi Tiến sĩ Barbara Oakley sẽ phỏng vấn những người học viết văn, học ngôn ngữ, học toán, học một chuyên môn khó… vào những độ tuổi không còn được cho là dễ học tập nữa. Tất cả các nhân vật được phỏng vấn đều cho những cách làm rất thực tế mà chính họ áp dụng, dễ thực hiện và phù hợp với nội dung bạn có thể theo đuổi.

IMG_4579

2. Mindshift: Break Through Obstacles to Learning and Discover Your Hidden Potential : Vượt qua những khó khăn khi học tập và khám phá tiềm năng của bạn. Khóa học kéo dài 4 tuần, 8 giờ học mỗi tuần. Đây là khóa học nối tiếp và bổ trợ của khóa trên, vẫn do các giảng viên ở khóa trên dạy. Lý do tôi theo tiếp khóa học này vì rất nhiều thứ do Tiến sĩ Barbara hướng dẫn từ khóa học trước hữu ích với cá nhân tôi.

Ở khóa này, có rất nhiều thứ bạn có thể mang về xài. Nhưng với tôi, đó là những nội dung như sau:

Giá trị của việc học thuộc lòng và học hiểu ý tưởng: Ở những nền giáo dục cũ như Việt Nam, học thuộc lòng bị ghét cay ghét đắng vì người ta cho rằng nó làm ù lì, thụ động và ngu dốt người học. Tuy nhiên, trong tuần đầu tiên của khóa học này, Tiến sĩ Barbara Oakley giải thích rõ giá trị của hai cách học – ghi nhớ và hiểu ý tưởng – đều có giá trị ngang nhau trong việc giúp người học lưu trữ thư viện tri thức để tạo kết nối và áp dụng hoặc sáng tạo. Cách học hiểu ý tưởng được quảng cáo rất nhiều vì nó được cổ súy bởi các trung tâm bán khóa học hay bán cách học cho phụ huynh. Trong khi đó, sẵn có định kiến vì kiểu học thuộc nặng nhọc, nhiều người sẽ muốn vứt bỏ nó hoàn toàn. Cả hai cách nhìn nhận này đều không lành mạnh cho việc học tập.

Phương pháp Pomodoro và những điều khiến bạn hạnh phúc khi học tập: Từ khóa học trước, kỹ thuật Pomodoro (tập trung làm việc trong 25 phút không ngắt quãng và chia nhỏ khối việc thành từng slot 25 phút) đã được giới thiệu. Nhưng ở khóa này, tiến sĩ Barbara Oakley nói thêm về cách thức làm tăng động cơ làm việc, giá trị công việc, và giảm áp lực xuống. Ngoài ra, những yếu tố rào cản như, trí nhớ kém, hoảng sợ khi kỳ thi đến, bị điểm kém/kết quả kém và suy sụp vì học tập… cũng được giải thích bằng cơ chế não bộ, cùng với cách để bạn khắc phục. Tôi rất thích phần giảng về những thứ “bóp méo nhận thức” – khi ta bị thất bại trong công việc – não ta không dùng lý trí để định đoán sự thất bại/thành công nữa, thay vì đó, nó tạo ra những định kiến, cảm xúc xấu xí, bóp méo và đẩy ta vào căng thẳng nặng nề – không thể khắc phục được phần chưa tốt nữa.

Quá trình học tập và sự nghiệp: Tiến sĩ Barbara Oakley giúp tôi nhận thức lại đâu là kỹ năng cần cho đời sống, đâu là kỹ năng cần cho đam mê, và ta có thể cân bằng hai thứ này bằng cách nào. Những thú vui đơn giản giúp gì cho sự nghiệp của ta, và khi ta cảm thấy sự nghiệp không còn lối ra, thì nhận thức về nó ra sao, thay đổi ra sao sẽ ảnh hưởng đến tương lai công việc của mình.

Trong quá trình học, bạn nhớ đọc các tài liệu kèm theo mà giáo sư giao đọc thêm. Chúng bổ trợ rất nhiều cho các video bài giảng. Ngoài ra, các bonus video, activities, và newsletter của tiến sĩ gửi hàng tuần cũng có rất nhiều thứ thú vị bạn có thể dùng sau này.

Hai khóa học này hoàn toàn miễn phí nếu bạn không cần có chứng chỉ, và bạn chỉ cần có email để đăng ký học.

Khải Đơn

Vài tháng qua, tôi dành thời gian cho riêng mình. Trong những ngày ấy, tôi nhận được vài lá thư của bạn đọc, nói rằng họ có khoảng 1-2 năm trôi qua, hoàn toàn mất hướng không biết làm gì, và cảm thấy sợ hãi vì sự hoang phí đó. Vì những trải nghiệm khá giống nhau, trên blog tôi sẽ viết một cột tên “Sống mỗi tuần” – về những gì mắc kẹt, những hoang phí, sợ hãi… mà ta đang cố giải quyết từng ngày, về quyển sách tôi đang đọc, về một ý nghĩ xuất hiện trong cách tạo hình cuộc sống của bản thân… 

Như tên gọi của nó, “Sống mỗi tuần” – tôi hi vọng bạn sẽ phản hồi với những cách của riêng bạn, hay một ý nghĩ bạn muốn chia sẻ về việc ta sống. Bạn có thể subscribe tại đây bằng cách nhấn vào nút “Theo dõi” ở cột phải blog để nhận email mỗi khi tôi có bài mới. Bạn có thể đọc lại toàn bộ các bài trong nhóm nội dung này ở mục “Sống mỗi tuần” trên blog.

3 bình luận về “Về cảm xúc học và làm việc

Add yours

  1. Cảm ơn chị Khải Đơn. Em luôn mong đợi để đọc bài của chị mỗi tuần. Nó khuyến khích em sống tích cực giữa dòng đời cô đơn và hoang mang đi tìm trưởng thành.

    Thích

    1. Mình cũng vậy. Người giàu về trải nghiệm, mỗi bài viết là một khung cảnh cuộc sống mới mẻ đối với tôi

      Thích

Gửi phản hồi cho Ẩn danh Hủy trả lời

Blog tại WordPress.com.

Up ↑