Tôi gặp Andrew, cậu sinh viên New York, trong một chương trình giao lưu tại đây. Khi trả lời câu hỏi “Các bạn đang tường thuật gì?”, nhiều sinh viên nói họ đang viết loạt bài về cuộc khủng hoảng ma túy từ những điều trong chính sinh viên và trường học. Còn Andrew nói cậu đang thực hành “một năm tỉnh táo” và sẽ viết về nó.
Andrew miêu tả về “sự tỉnh táo” như thành tựu anh cần đạt được ở tuổi 24 cho năm cuối đại học. Đó là không cần phải uống bia, rượu khi bị thất tình, không còn phải nương nhờ vào chất kích thích để khỏi thấy sợ kỳ thi đang tới, cố gắng không rít một hơi thuốc để thoát khỏi sự hỗn loạn khi biết mình có thể thất nghiệp.
New York Times cho hay đại dịch ma túy đã trở thành cuộc khủng hoảng giết nhiều người nhất trong lịch sử Mỹ, 45.000 người đã chết vì dùng thuốc hoặc bị quá liều trong năm qua.
Thuốc ở đây không chỉ như “người xưa” từng nghĩ, là heroin, mà là vô số các loại chất thức thần, chất kích thích tổng hợp, thuốc giảm đau, các loại thuốc ban đầu sử dụng với mục đích y tế nhưng sau gây nghiện…
Tôi nghĩ về chuyện Andrew kể nhiều hơn khi quay trở về Bangkok và gần như bất tỉnh sau một cuộc đi uống cùng đứa bạn thân. Cả ngày hôm sau tôi khổ sở vì bị hang over. Tôi bắt đầu sử dụng bia rượu từ năm 22 tuổi, sau khi tốt nghiệp đại học. Việc uống nhiều được coi như niềm tự hào, được dạy bởi những người hướng dẫn nghề nghiệp, người lớn, thậm chí cả sếp trong công ty. Ở tuổi đó, tôi sử dụng rượu bia khoảng 5 ngày/tuần, về nhà lúc 1 giờ sáng và 8h sáng chuẩn bị đi làm. Sức khỏe của tuổi 20 cho phép tôi càn quét bàn nhậu và chẳng hề hấn gì sau đó.
Sau này không làm việc căng thẳng nữa, tôi vẫn uống nhiều vì đó trở thành thú vui. Trước năm 28 tuổi, chưa bao giờ tôi thực sự có một tuần tỉnh táo. Ít người biết điều này, vì tôi có thể kiểm soát giờ uống và giờ làm việc, không để chúng chen vào nhau. Nhưng bia rượu, theo cách nào đó, là chọn lựa của tôi để giằng co bản thân khỏi những lộn xộn trong cuộc sống.
“Bạn có thể dùng thuốc, nó có thể giúp bạn lên đỉnh, nó giúp bạn yên tâm, thỏa mãn, dễ chịu… thứ mà hiện thực không có được. Nhưng rời khỏi thuốc, cuộc sống của bạn chẳng nhích lên chút nào, và hiện thực càng khó chịu hơn.”
“Bạn có thể dùng thuốc giảm đau, rồi biến nó thành chất gây hưng phấn, an tâm, rời khỏi thực tại. Và bạn mãi mãi mãi mắc kẹt lại với nó.”
Trong buổi gặp mặt, Andrew nói các bạn và cậu được giải thích rất rõ về tác dụng của từng loại chất kích thích, các loại nào có thể dùng như mục đích giải trí, và tác dụng phụ là gì, hoặc có phải đánh đổi gì không, tỷ lệ người sử dụng chất kích thích để giải trí đơn thuần bị “mồi” đến các loại chất kích thích nặng đô hơn là gì [gọi là entry drug – loại nhẹ ban đầu, không gây nghiện nhưng tiềm năng dẫn dắt người dùng đến các loại nghiêm trọng hơn].
Học viện quốc gia về Lạm dụng thuốc (NIDA) của Mỹ thống kê rằng số lượng sinh viên sử dụng cần sa hàng ngày đã đạt tới mức cao kỷ lục từ đầu thập niên 1980. 4,9% sinh viên sử dụng và 12,8% người trẻ ở cùng độ tuổi không học đại học dùng chất kích thích này mỗi ngày. Sinh viên Mỹ sử dụng cần sa, rượu, bia, đá, các loại ma túy tổng hợp, làm quen với thuốc giảm đau sau khi được bác sĩ kê đơn. Nhiều người không thể dứt ra.
Không có thanh niên nào không trải qua một loại chất kích thích nào đó. Với tôi, là bia rượu. Và tôi chỉ ngừng uống cho đến khi bác sĩ bảo men gan của tôi bị cao. Tôi quay trở lại bia rượu sau vài năm, đều đặn hơn, nhiều hơn, vì cảm thấy cần phải có một buổi tối vui vẻ sau cả ngày làm việc nhàm chán. Chuyện này tiếp diễn gần hai năm.
Sau khi gặp Andrew, tôi bắt đầu thực hành một năm tỉnh táo như cậu.
Tôi ngừng hẳn bia rượu: bao gồm cả những cuộc uống nặng đô, hay chỉ là uống chơi, hay uống ở nhà.
Vì sao tôi thực hiện việc này?
Tôi nghiêm túc nhìn thấy rằng những cuộc vui ở quán bar không làm tôi vui hơn sau ngày làm việc bực dọc. Điều cần thiết là tôi phải thay đổi công việc đó, để nó dễ chịu, vui vẻ và chính tôi có thời gian trọng vẹn hơn.
Tôi mong muốn sức khỏe tâm thần mình tốt hơn, tích cực hơn, dễ chịu hơn, bớt căng thẳng. Điều này đòi hỏi sức khỏe thể chất, và giảm hàm lượng chất kích thích sẽ nhấn chìm não tôi trong hưng phấn và hủy hoại nó khi không còn kích thích.
Và tôi đã làm được gì?
Tôi đã ngừng uống gần một năm, giữ đúng lời hứa với bản thân.
Tôi có thời gian chơi thể thao nhiều hơn, thay vì đi uống. Sự hưng phấn mà một ngày chơi tốt đem lại khiến tôi vui vẻ nhiều giờ, khỏe mạnh và muốn làm thêm việc gì thú vị. Cơn “high” của thể thao đem lại chẳng kém gì bia rượu, nhưng đổ đầy mồ hôi.
Tôi có sức để làm việc nhiều hơn. Vì không đi uống, không bị mệt, không mất thời gian hồi sức. Tôi không trở về nhà trong cơn hang over, gục xuống trên bàn nhậu hay đờ đẫn vào sáng hôm sau như trước nữa. Nếu bạn đã bị hang over, bạn sẽ hiểu nó sẽ làm hỏng cả ngày kế tiếp.
Tôi buộc phải nghĩ ra nhiều thứ để chơi hơn thay vì đi uống bia. Không chịu được nhàm chán và lối mòn của cuộc sống tù đọng, tôi đã bắt đầu học lướt ván sau đó.
Tác dụng phụ: Tôi bỏ số tiền mình thường đi nhậu vô một cái túi. Sau gần một năm ngừng uống, tôi nhìn và phát hiện ra đó là số không nhỏ, đủ để mua dụng cụ thể thao và đăng ký tập ở nhiều chỗ.
Bia rượu và thuốc lá thực ra dễ quay trở lại hơn, vì người dùng thường nghĩ nó chẳng phải đánh đổi gì. Các loại chất thức thần giải trí cũng vậy, không gây nghiện, không gây tổn thương sức khỏe lập tức [giống thuốc lá và bia]. Nó tạo ra cho ta niềm tin rằng chỉ là “cho vui” thôi.
Từ ý thức đó, ta để nó tàn phá sự tỉnh táo của mình. Ta trốn trong chất kích thích để khỏi phải đối mặt với sự nhàm chán của đời sống, trốn khỏi bất an không thể giải quyết của tình yêu, tiền bạc, sự nghiệp. Nhưng xài chúng chẳng giúp ta có việc làm, chẳng thể đem cô bồ cũ quay lại, cũng chẳng thay đổi thực tế là ta vừa bị đuổi việc.
Chỉ có tỉnh táo mới thay đổi được những gì hư hỏng đang rơi vỡ trong đời.
Cuộc sống thực ra chỉ nhàm chán hơn nếu ta chẳng bày ra được trò gì đó vui với thời gian của mình – mà buộc phải dựa vào chất kích thích.
Tôi không thích như vậy nữa. Tôi muốn có thêm nhiều hơn một năm tỉnh táo.
Khải Đơn
==========
Vài tháng qua, tôi dành thời gian cho riêng mình. Trong những ngày ấy, tôi nhận được vài lá thư của bạn đọc, nói rằng họ có khoảng 1-2 năm trôi qua, hoàn toàn mất hướng không biết làm gì, và cảm thấy sợ hãi vì sự hoang phí đó. Vì những trải nghiệm khá giống nhau, trên blog tôi sẽ viết một cột tên “Sống mỗi tuần” – về những gì mắc kẹt, những hoang phí, sợ hãi… mà ta đang cố giải quyết từng ngày, về quyển sách tôi đang đọc, về một ý nghĩ xuất hiện trong cách tạo hình cuộc sống của bản thân…
Như tên gọi của nó, “Sống mỗi tuần” – tôi hi vọng bạn sẽ phản hồi với những cách của riêng bạn, hay một ý nghĩ bạn muốn chia sẻ về việc ta sống. Bạn có thể subscribe tại đây bằng cách nhấn vào nút “Theo dõi” ở cột phải blog để nhận email mỗi khi tôi có bài mới. Bạn có thể đọc lại toàn bộ các bài trong nhóm nội dung này ở mục “Sống mỗi tuần” trên blog.
Men gan cao là gì vậy em?
ThíchThích
Một xét nghiệm cho thấy tế bào gan đang bị hủy hoại.
ThíchĐã thích bởi 1 người
Như nhiều người trẻ khác, tuổi 20 của tôi cũng đầy những cơn say điên rồ, đi bar đến 3 giờ sáng, ngủ 4 tiếng và bắt đầu ngày làm việc trong cơn phê còn sót lại từ rượu bia đêm trước. Khi đó đơn giản chỉ là vui nhưng bây giờ nghĩ lại thấy tiếc sức khỏe của mình kinh khủng. Bây giờ thì đống hóa đơn phải trả giúp tôi lên cơn “high” thường xuyên và “tuyệt vời” hơn chất kích thích nhiều. Ơn trời, tôi vẫn còn có cái để mà “high”.
ThíchThích
Đấy là vì uống đến hangover – quá ngưỡng. Rượu bia với liều lượng thích hợp cũng tốt cho sức khỏe lắm đó.
Và thể thao thì dĩ nhiên cần duy trì rồi.
ThíchThích