Hôm trước có một bạn hỏi tôi: “Bạn nghĩ sao nếu mình tham gia khóa học thiền để giúp học giỏi tiếng Anh?” – Và đó là lúc tôi dùng hết can đảm để viết bài này.
Tại sao là can đảm? – Vì với tôi chuyện tập này là không gian quá riêng tư trong đời sống của mình, và tôi không sẵn sàng chia sẻ nó với ai. Ba năm trước, khi lần đầu tiên tìm hiểu về thiền, tôi đọc cuốn sách tên “Zenwise” của tác giả là Tiến sĩ Nash Siamwalla và nhà sư Ajarn Smano Bhikkhu [Ajarn là cách gọi “thầy” trong tiếng Thái và đây là nhà sư sinh trưởng từ phương Tây].
Người viết là Nash Siamwalla – người Thái. Nash phụ trách một mục trên tờ Bangkok Post về đời sống. Quyển sách đề cập đến những yếu tố nhẹ nhàng, gần gũi trong đời sống hàng ngày: như cách ta chú tâm vào sự bình an, tập trung làm việc, sự nhẹ nhõm của việc chú ý… Không có màu sắc mê tín, tôn giáo, nhưng có quan điểm tôn giáo và triết học hướng Phật giáo [Tiểu thừa].
Hầu hết các bài trong quyển này không đem lại ý tưởng rằng thiền có thể biến bạn thành con người khác, siêu nhân hay làm những trò siêu việt. Hai tác giả chỉ muốn thảo luận một xu hướng để giúp người sống và làm việc trong các tòa cao ốc, áp lực hiện đại, có thể điều chỉnh tâm thế và tinh thần để thấy dễ chịu và tận hưởng cuộc sống hơn.
Quyển thứ hai tôi đọc là “Mindfulness on the go” của Jan Chozen Bays. Quyển này nhỏ bằng một bàn tay, đọc trên máy bay rất hợp, vì bạn có thời gian suy nghĩ xem mình có thể “hack” những mảnh thời gian nhỏ ra sao để toàn tâm toàn ý với cuộc sống và nhẹ nhõm hơn.
Sau hai quyển sách, tôi hứng thú với thiền, tôi quyết định học khóa học De-Mystifying Mindfulness của Universiteit Leiden [Đại học Leiden – ở Hà Lan] trên Coursera.org. Trong thời gian học, tôi thực hành theo phần “practice lab” trong mỗi tuần học. Khóa học này có lý thuyết khá nhiều [có khi đến 40 phút xem video giảng] và người học phải thực hành mỗi ngày theo hướng dẫn từ audio họ cung cấp. Cần lưu ý là khóa học chỉ thực sự có tác dụng khi bạn nghiêm túc với phần “Practice lab” trong suốt thời gian học.
Tôi thích khóa học này vì nó giải quyết giúp tôi vài vấn đề:
- Nó giảng về bốn cách chúng ta thường tưởng khi tiếp cận thiền: như nghĩ rằng học thiền sẽ bị tẩu hỏa nhập ma, làm sao chứng minh được thiền có tác dụng gì, hoặc ngược lại đòi có bằng chứng khoa học thì mới tin, và cuối cùng là tìm tới thiền như 1 sự mê tín.
- Từ các góc đó, giảng viên giải thích lịch sử tiếp cận về mặt khoa học kiểu phương Tây mà họ đã nghiên cứu thiền học vài chục năm qua. Dùng khoa học thần kinh để lý giải ra sao. Và vùng xám mà thiền học vẫn bị chất vấn về sự đáng tin cậy là gì. Và những gì đã có thể chứng minh là nó có tác dụng trị liệu căng thẳng và thần kinh ra sao.
- Phân tích sự khác biệt về mặt triết lý giữa quan niệm về thiền của phương Tây – phương Đông: ví dụ phương Đông sẽ có người nhìn nó như trò mê tín, những người khác lại tin rằng mình nên thành tín đồ. Phương Tây thì có người sẽ chống vì coi nó là đại diện của Phật giáo [và Thiên Chúa Giáo phương Tây không thích điều này].
- Tính chính trị và vị trí của thiền trong các trào lưu xã hội.
- Những thách thức của bản thân người học, lầm tưởng và những nghiên cứu thực nghiệm giải thích các lầm tưởng đó ra sao.
Với vài thứ như vầy, tôi thực hành thiền vì tôi có thể giảm tải căng thẳng và sự bất an [tính chất cơ thể tôi là luôn bất an dù… chẳng có gì xảy ra hết]. Và khi thực hành, tôi thấy dễ hiểu bản thân hơn, cũng như thấy hàng ngày mọi thứ trôi qua dễ chịu hơn. Nó cũng giúp tôi tập trung làm việc với năng suất cao hơn và đồng thời thấy nhẹ nhõm hơn khi kiểm soát không gian nghỉ ngơi [vì ngừng suy nghĩ bậy bạ lung tung cũng như lúc nào cũng sợ hãi].
Tôi không tiếp cận thiền từ góc độ tôn giáo vì bản thân không có tôn giáo, cũng như không thật sự quan tâm đến mảng này, dù có đọc một số bài cơ bản để hiểu xuất phát điểm của môn này. Bạn có thể tiếp cận nó từ góc độ tôn giáo nếu bạn quan tâm và có lịch sử theo đuổi tôn giáo nào đó, vì hiểu rõ thứ mình sắp thực hành sẽ giúp nhìn nhận sáng rõ và ít cợn hồ nghi hơn.
Tôi cũng không tập thiền theo một nhóm, một tôn giáo hay một phái nào. Vì với tôi, sự tiếp cận bản thân là từ bên trong, và tôi dành thời gian để nhìn rõ hơn những gì xảy ra với bản thân mình. Nếu bạn cảm thấy muốn có thêm động lực tập luyện thì việc tham gia một nhóm học cùng nhau là tốt. Nhưng nếu bạn tham gia vào một nhóm để nghe người ta tối ngày chia sẻ là nó tốt với họ thế này, chắc chắn sẽ tốt với bạn thế kia, thì hãy cẩn thận. Hãy lắng nghe cơ thể mình, chứ không phải bầy đàn của mình. Hãy nhận thức rõ ràng thứ gì ở bên ngoài đang làm bạn tưởng tượng, và thứ gì mà bạn thực sự cảm thấy.
Chính vì vậy, khi bạn đem câu hỏi “học thiền để học giỏi tiếng Anh” để hỏi tôi thì tôi không biết trả lời. Tôi chưa bao giờ có trải nghiệm học giỏi tiếng Anh nhờ Thiền. [Bạn có thể google và thấy vô số bài confession là học giỏi tiếng Anh nhờ thiền, nhưng đó không phải là thứ tôi biết].
Và như những gì tôi học, thiền giúp kiểm soát sự tập trung, có thể từ đó trí nhớ bạn tốt hơn hoặc bạn giải quyết bài học tốt hơn. Đó là phái sinh tích cực có thể lý giải theo hướng nào đó. Còn nếu bạn cần phải bỏ tiền để học khóa học thiền học giỏi tiếng Anh, thì hãy tìm hiểu thật kỹ khóa học cung cấp gì cho bạn? Bạn có thể tự tập nó ở nhà không?
Cho tới nay, sau một năm thực hành thiền, tôi chỉ mất tiền mua hai quyển sách bên trên. Những tài liệu khoa học có thể tìm đọc là miễn phí. Các khóa học thiền trên Coursera do các trường đại học lớn cung cấp ngày càng nhiều, với bài đọc và thông tin lịch sử, tôn giáo, khảo sát đi kèm, và hoàn toàn miễn phí.
Khi bạn muốn học hay theo một cái gì, nó sẽ ảnh hưởng tới tâm hồn, tâm linh và tinh thần và cuối cùng là thể chất của bạn. Hãy dành thời gian tìm hiểu. Hãy yêu lấy cơ thể và tâm trí mình. Hãy ứng xử với cơ thể một cách xứng đáng và trân trọng. Nghe và nhai nuốt những thứ người khác nhai lại cho mình dưới màu sắc lợi ích, tôn giáo, mê tín là cách tồi tệ nhất mà bạn gây ra cho đời mình – và tổn thương mà bạn phải trả giá có thể rất dài và sâu sắc.
Một lợi ích kỹ năng, tâm hồn hay phong cách sống không thể có ngay bằng giải pháp mì ăn liền do ai đó ban phát hay giải thích dùm bạn. Bạn phải tự học. Hãy kiên trì với thứ mình cần.
Khải Đơn
==========
Video từ TED:
==========
Vài tháng qua, tôi dành thời gian cho riêng mình. Trong những ngày ấy, tôi nhận được vài lá thư của bạn đọc, nói rằng họ có khoảng 1-2 năm trôi qua, hoàn toàn mất hướng không biết làm gì, và cảm thấy sợ hãi vì sự hoang phí đó. Vì những trải nghiệm khá giống nhau, trên blog tôi sẽ viết một cột tên “Sống mỗi tuần” – về những gì mắc kẹt, những hoang phí, sợ hãi… mà ta đang cố giải quyết từng ngày, về quyển sách tôi đang đọc, về một ý nghĩ xuất hiện trong cách tạo hình cuộc sống của bản thân…
Như tên gọi của nó, “Sống mỗi tuần” – tôi hi vọng bạn sẽ phản hồi với những cách của riêng bạn, hay một ý nghĩ bạn muốn chia sẻ về việc ta sống. Bạn có thể subscribe tại đây bằng cách nhấn vào nút “Theo dõi” ở cột phải blog để nhận email mỗi khi tôi có bài mới. Bạn có thể đọc lại toàn bộ các bài trong nhóm nội dung này ở mục “Sống mỗi tuần” trên blog.
Đúng thứ mà em nghi ngờ 🙂
ThíchThích