Bằng cách nào đó, tôi lớn lên trong nền văn hoá của nỗi buồn. Văn học và lịch sử thời phổ thông, hoặc là sầu khổ, ly tán, hoặc bức bối đói nghèo, hoặc trăn trở cứu nước cứu người và trở nên vĩ đại.
Nền văn hoá ấy cho mọi người ăn thuần tuý vài món đơn giản: hoặc là buồn bã đi tìm bản thân, hoặc cố gắng đạt tới vật chất địa vị hoàn hảo, hoặc chẳng cần suy nghĩ gì cứ tình yêu lứa đôi mà khổ sở, không thì thoát tục vứt bỏ vật chất để tìm thứ gì đó cao sang.
Vượt qua giới hạn của vùng thưởng thức văn hoá phổ thông là vất vả, nhất là khi ta đã quen đi trên lối của vĩ đại, thương tâm, cao cả, khổ sở – mọi thứ khác bên ngoài dường như quá nông cạn hay xa lạ để rót đầy tâm trí.
Tôi không biết rằng có một thế giới ngoài kia, nơi những trăn trở cá nhân có thể là vấn đề quan trọng hơn nhân loại (hay tổ quốc, giống loài). Trăn trở để hiểu cơ thể mình. Suy tư để nhìn thấy vấn đề xảy ra với chính mình. Lắng nghe những phản ứng tức thời của bản thân, nhìn nhận phản ứng nào là quá trớn, cái gì là vừa đủ. Hay, nấu một bữa ăn đàng hoàng cho chính mình trong hàng vạn những lời khuyên biết tuốt về sức khoẻ.
Tôi không biết rằng có thế giới ngoài kia, nơi niềm vui có thể chiếm phần lớn thời gian trong ngày, thay vì loanh quanh xào xáo vì nhiều quan hệ giành giật, bất an, lo sợ (mà có khi tự mình tưởng tượng ra, hoặc mình gây phiền cho người khác, hoặc sĩ diện thể diện bóp méo mình).
Niềm vui có thể nằm bên ngoài quán cafe, nằm ngoài sách, nằm ngoài bữa nhậu, nằm ngoài việc đi ăn với bạn bè, nằm ngoài những buổi tranh luận nảy lửa để làm tổn thương người quen biết vì sự xông xáo mạnh mẽ của mình, nằm ngoài cả những chuyến thăm nom gia đình họ hàng. Con người, là thực thể phức tạp và nhiều màu sắc hơn chừng đó những hoạt động được quảng cáo được tiêm vào tâm trí.
Điều kỳ vĩ, có thể đến bên ngoài sự tưởng tượng dữ dội nhất của tâm trí.

Tôi chầm chậm rời khỏi những quen thuộc thường ngày. Tôi ngắm nhìn đổi thay có thể đến mà chẳng cần phải vật lộn hay khốn khổ đi tìm những điều cao cả được vẽ ra bởi nỗi buồn không lối thoát.
Khi ta quen thuộc với nỗi buồn, nó dâng cao, trở thành kẻ khổng lồ và nuốt chửng ta ngoài kiểm soát.
Khi ta thưởng thức nỗi buồn, nó nhấn chìm và giết chết niềm muốn sống một ngày có nhiều cảm xúc khác của ta.
Nỗi buồn, có thể tuyệt đẹp trong văn chương, chiến tranh, chia ly, huỷ hoại, nhưng không đủ đẹp để sống cùng 24 giờ mỗi ngày.
Có thể, trước khi ta kịp nhận ra điều đó, nỗi buồn đã hút cạn sức lực của ta, để lại thân thể èo uột trong đời. Một sự sống biết thở mà không hiểu cách nhấm nháp niềm vui, không hiểu cách trở nên phong phú, hào hứng, trọn vẹn.
Một thể xác rời khỏi hiện tại – để chung sống với nỗi buồn mà nó được học từ thuở lớn lên.
Làm sao để rời khỏi nỗi buồn?

Thấu hiểu nỗi buồn khác với chủ động muốn khổ sở cùng nỗi buồn. Xin đừng hiểu lầm rằng nếu ta ngưng đọc các sách hay bài viết bi quan/khó khăn thì ta sẽ hết buồn. Đọc và chủ động hiểu điều đang tồn tại là cách tốt để biết nó có thể tác động ra sao đến mình, từ đó mình sẽ bình tĩnh để hành động. Thay vì “bức xúc quá” không đọc nữa, đẩy mình vào thụ động, tự che mắt, thì hãy đọc và nhận biết có một vấn đề như vậy. Ta không thể sống bằng cách mù loà ngu dốt không nhận thức nỗi khổ sở của người xung quanh. Nhưng sống toàn thời gian trong vùng buồn khổ đó cũng không làm ta hạnh phúc hơn.
Tìm kiếm những cung bậc khác của ngày: Thay vì suy tư bên tách cà phê, nhấm nháp nỗi lo cha mẹ không yên tâm về mình, hay khổ sở thấp thỏm nghĩ rằng chồng/vợ đang ngoại tình, hãy dành thời gian khổ sở đó để làm những việc khác đi thường ngày. Làm những việc hoàn toàn khác sẽ khiến não bộ chuyển động, ứng phó, suy nghĩ, và cuối cùng là mở rộng cái khung mà nó từng tự bó hẹp bản thân vào mớ rối nùi vật vã.
Đừng dự đoán bất hạnh: Các câu thơ hay tác phẩm dự đoán bất hạnh như kiểu: đang nắm tay yêu thương đã nghĩ đến ngày chia biệt, hay một phút bên nhau đã dự cảm không còn đều là vớ vẩn nếu bạn áp chúng vào đời sống cảm xúc riêng. Dự cảm bất an khiến bạn đau khổ hai lần: Một lần trong tưởng tượng, và lần thứ hai là nếu nó xảy ra thật. Dự cảm và tưởng tượng bi kịch là thứ vô ích vớ vẩn .Thành thật với giờ phút mình đang hạnh phúc là cách duy nhất để bạn có hạnh phúc. Tại sao phải ngu ngốc phá bỏ điều tốt lành bằng đủ thứ dự cảm, dự tính, dự định?
Đừng dự đoán người khác: Ta thường có những dự đoán như sau: Mình sẽ không kể cho mẹ nghe điều này vì sợ mẹ buồn. Tuy tôi thấy không yên tâm với việc anh làm nhưng tôi sẽ không nói ra, nếu không có thể anh sẽ không yêu tôi nhiều như trước nữa. Tuy tôi cần có công tác phí trong việc này nhưng chắc sếp không muốn chi đâu nên tôi sẽ không nói. Dự đoán người khác sẽ tạo thành gánh nặng lên chính bạn – đó là gánh nặng của sự dằn vặt, chịu đựng, và nghĩ rằng mình đang khổ sở hi sinh cho ai đó khác. Có khi, nếu bạn chịu bày tỏ ra một cách điềm đạm, thay vì buồn, lo, từ chối, bớt yêu… người xung quanh có thể phản ứng giúp bạn cùng xử lý sự chưa hài lòng, hay chấp thuận điều bạn cần. Đừng nghĩ não bạn đủ tốt để dự đoán tương lai và người khác bạn.
Nỗi buồn chỉ là một phần trong con người, không phải 90% hay 80% hay 60% hay… toàn bộ. Hãy cho cơ thể những cơ hội để khám phá những vùng cảm xúc khác trong chính bạn. Cuộc sống lớn hơn một cõi lòng ủ ê cuộn mình lười nhác trong đau khổ.
Khải Đơn
=====
** Chuyên mục “Sống Mỗi Tuần” do tôi viết về những trải nghiệm của bản thân – trong tương quan muốn chính mình có cuộc sống tốt hơn. Nếu bạn muốn chia sẻ câu chuyện riêng, xin bình luận hoặc gửi tin nhắn riêng.
Bạn có thể subscribe theo dõi chuyên mục bằng cách nhấn vào nút “Theo dõi” ở góc phải cuối trang chủ để nhận email mỗi khi tôi có bài mới
Tác phẩm mới nhất vừa xuất bản của tôi là du ký “Mekong – Phù sa phiêu bạt“, bạn có thể xem giới thiệu về tập sách tại đây hoặc đặt mua tại đây .
Reblogged this on Riveret94.
ThíchThích