Làm sao để có một “gap year”?

Vì có nhiều bạn inbox hỏi, tôi sẽ viết thành một bài chi tiết.

Lý do tôi nghỉ một năm gap year: Tôi muốn thử làm một công việc mình thích, mà không gặp nhiều rủi ro như mất việc, gặp trúng việc không thích hay khổ sở vì đã bỏ việc cũ.

Cố nhiên, nghỉ một năm đã đi kèm với phần tôi bỏ công việc cũ.

Ở phần này, bạn cần rất rõ ràng với thứ mình muốn trong năm nghỉ. Đừng ảo tưởng mình có thể tạo ra tác phẩm vĩ đại, chinh phục thế giới hay trở thành ngôi sao điện ảnh. Nếu mang theo quá nhiều kỳ vọng, bạn sẽ biến năm này thành khốn khổ và sau đó hoảng loạn. Năm gap year là để định lượng thử và xem thử mình sẽ muốn làm gì, mình tự cho mình một cơ hội “miễn phí” để thử điều mình nghĩ hoài mà không làm.

Tôi lấy đâu ra tiền để nghỉ 1 năm gap year: Bình thường khi đi làm, tôi xài gần hết lương và có giúp mẹ một chút xíu. Khi quyết định có năm gap year, tôi nói chuyện với cha mẹ và em trai. Mẹ đồng ý rằng bà không cần khoản tiền giúp đỡ của tôi, và nhà có thể cho tôi ăn nếu tôi chẳng làm gì hết. Em trai tôi nói em sẽ hỗ trợ khi tôi cần. Với những chuẩn bị này, tôi mới bắt đầu nghĩ đến chuyện nghỉ 1 năm.

Nói tới đây, nếu bạn đang trả tiền nợ mua nhà, mua xe, hay đang giúp gia đình tiền bạc, thì hãy quên năm gap year đi. Vì bạn nghỉ vào giai đoạn này, tâm lý bạn sẽ luôn vật vã, khổ sở vì nghĩ mình không hoàn thành khoản tiền cần kiếm mỗi tháng. Bạn sẽ chẳng làm gì được khác đâu, mà chỉ khiến tình hình tệ hơn thôi. Hãy dành gap year vào một thời gian khác.

Sau đó, tôi bắt đầu lên kế hoạch tiền bạc. Thông thường, tôi kiếm ra một khoản tiền mỗi tháng. Khi nghỉ, tôi sẽ không còn khoản tiền này. Để chuẩn bị nghỉ, tôi tiêu giảm xuống 50% số tiền thông thường, và để dành 50%. Trong sáu tháng trước khi nghỉ, tôi để dành được 6 lần của 50% đó.

Đồng thời, tôi bắt đầu ghi chép chi tiêu, và chuẩn bị giảm số tiền cần chi hàng tháng xuống còn một nửa của 50% nói trên. Nghĩa là, tôi sẽ tiêu 25% của một tháng khi tôi nghỉ. Vậy là tôi sẽ có đủ số tiền cơ bản để sống trong 1 năm, từ 6 tháng trên.

Tôi vẫn làm việc: Gap year không nghĩa là ngừng làm. Thay vào đó, tôi nhận việc tự do, và làm khoảng 2 giờ/ngày. Phần tiền này sẽ chi trả cho những chi tiêu khác ngòai ăn uống đi lại cơ bản.

Làm sao để giảm chi tiêu?

a. Mỗi ngày tôi đều đi uống cafe 2 -3 lần để viết: Tôi bỏ luôn khoản chi tiêu này, và mua cà phê về nhà tự pha với một cái bình cà phê tôi thích.

b. Tôi ngừng đi ăn ở nhà hàng: Mỗi tuần tôi chỉ ăn ở nhà hàng 1 lần vì gặp gỡ bạn bè hoặc người cùng làm việc. Trước đây, có khi cả tuần tôi đều đi ăn ở nhà hàng/quán ăn.

c. Tôi nấu ăn: Tôi học nấu ăn từ hai người bạn. Họ dạy tôi cách nấu các món nhanh, đơn giản, đủ dinh dưỡng, nơi mua thực phẩm, các loại thực phẩm cần mua cho cả tuần (để tôi có thời gian làm việc khác).

d. Tôi lên kế hoạch đi du lịch trước nhiều tháng thay vì hứng lên là đi: Lên kế hoạch giúp tôi mua vé máy bay rẻ hơn, chuẩn bị trước nơi nghỉ và đọc về cách tiêu tiền ở địa phương tiết kiệm hơn.

e. Tôi ngừng mua sách, và sử dụng thư viện/ Amazon Prime: Tiền mua sách chiếm một khoản lớn chi tiêu của tôi. Bỏ mua sách và sử dụng thư viện/Amazon Prime giúp tôi tiết kiệm hơn và đọc nhiều hơn.

f. Tôi ngừng uống bia/rượu: Bia rượu chiếm một phần lớn trong chi tiêu của tôi vì sở thích. Tôi bỏ phần này vì khi nghỉ ngơi tôi muốn có cách sống khác hơn. Phần tiền này tôi tiết kiệm được, và thay vào đó có thể dùng để trả tiền tập thể thao và đi chơi.

Quy tắc ở đây là tôi vẫn làm những thứ tôi thích, nhưng tự tôi làm thay vì xài dịch vụ. Tôi không muốn đẩy cuộc sống của mình vào vất vả chỉ vì tối ngày lo sợ hết tiền. Ngoài ra, khi tự pha cà phê, tự nấu ăn, tôi bắt đầu nhìn thế giới xung quanh khác đi – đó là mình có thể quyết định sự sống của mình ra sao từ chính mỗi bữa ăn mình dành thời gian và quyết định ăn gì.

Nghỉ một năm thì làm gì?

Tôi không có nhiều kế hoạch tham vọng. Kế hoạch tham vọng luôn thất bại trong tình huống của tôi. Thay vì vậy, tôi có một kế hoạch LÀM MỖI NGÀY.

Thay đổi môi trường sống mỗi ngày. Viết một thứ mỗi ngày. Đọc một thứ mỗi ngày. Đi nhiều nơi hơn mỗi ngày. Hoàn thành 1 quyển sách. Theo nghĩa đen của từng cụm từ trên.

Trong năm này, tôi hoàn thành quyển viết mà mình muốn thay đổi

Tôi rời Thái Lan để tới sống ở Indonesia – để được sống môi trường khác mỗi ngày. Nơi này cũng có chi phí tương tự Việt Nam – tôi không rơi vào khó khăn tiền bạc.

Tôi viết mỗi ngày một giờ, giao bản thảo vào tháng 4. Và chơi vài môn thể thao mới.

Tôi thực hiện công việc cho khách hàng đều đặn 2 giờ/ngày.

Ban đầu tôi nhận ra áp dụng nguyên tắc giờ làm việc cho bản thân là cực kỳ khó sau khi rời công sở. Đặc biệt nếu bạn chẳng có mục đích gì ngoài… chơi.

Để tự tạo áp lực, tôi tìm kiếm người thúc đẩy, cùng làm việc với họ dựa vào niềm tin cá nhân. Vì sợ mất mặt, tôi sẽ làm đàng hoàng.

Để hoàn thành công việc đúng hạn: Là phần khó khăn nhất của tôi. Thực hiện được điều đó là một trong những bài học lớn nhất trong năm gap year vừa rồi.

Để không hoảng sợ khi hết năm gap year: Vì không ngừng làm việc, cũng không cắt bỏ kết nối với đồng nghiệp, cũng không thình lình bỏ việc để cứu thế giới, tôi không hoảng sợ khi hết năm gap year.

Theo dõi chi tiêu cẩn thận cũng giúp tôi nhận ra: Tôi có thể sống tiếp một năm tương tự như vậy, để làm tiếp một dự án mà mình yêu mến. Tôi không bị vung tay quá trán và hết tiền cuối tháng như hồi đi làm. Tôi cũng không sử dụng đến “quyền trợ giúp” của mẹ và em trai, vì vậy không trở thành gánh nặng của ai cả.

Năm đó tôi đi những đâu?

Tôi ở Campuchia 1 tháng làm tài liệu, ở Thái Lan chừng 5 lần, mỗi lần 10 ngày, lần cuối cùng cho bản thảo viết là 1,5 tháng. Tôi ở Indonesia 5 tháng để học lướt sóng. Thời gian còn lại tôi ở Sài Gòn và ở nhà mẹ để viết.

Năm gap year đem lại gì cho tôi?

Tôi nhìn thấy rõ hơn lộ trình công việc mình muốn theo đuổi để giảm bớt sự bực dọc và tăng phần yêu thích hơn. Tôi cũng phát triển một số kỹ năng mà trong đó quan trọng nhất là có trách nhiệm với tiền bạc và chi tiêu của bản thân. Lần đầu tiên, tôi phát hiện ra mình có thể nhìn thấy thế giới theo một cách khác, trải nghiệm khác đi và tận hưởng khác đi. Tôi chơi vài môn thể thao và thú vui mới.

Khi viết bài này, tôi đã rời văn phòng toàn thời gian hơn 2 năm. Khi bắt đầu gap year, tôi cực kỳ hoảng sợ, áp lực và khi ấy ở trong trạng thái bức bối cần thay đổi. Và giờ nhìn lại, tôi thấy mình may mắn vì đã chuẩn bị nó đàng hoàng để không hoá thành một năm bất an, lơ mơ, sợ hãi và không biết làm gì. Thực ra tôi đã làm được nhiều hơn thông thường của bản thân 😀

Nếu bạn muốn hỏi gì hơn, xin comment bên dưới, tôi sẽ giải đáp theo những gì tôi biết và trải qua.

Khải Đơn

=====

** Chuyên mục “Sống Mỗi Tuần” do tôi viết về những trải nghiệm của bản thân – trong tương quan muốn chính mình có cuộc sống tốt hơn. Nếu bạn muốn chia sẻ câu chuyện riêng, xin bình luận hoặc gửi tin nhắn riêng. 

Bạn có thể subscribe theo dõi chuyên mục bằng cách nhấn vào nút “Theo dõi” ở góc phải cuối trang chủ để nhận email mỗi khi tôi có bài mới

Tác phẩm mới nhất vừa xuất bản của tôi là du ký “Mekong – Phù sa phiêu bạt“, bạn có thể xem giới thiệu về tập sách tại đây hoặc đặt mua tại đây .

Advertisement

14 bình luận về “Làm sao để có một “gap year”?

Add yours

  1. tuyệt quá. Vợ chồng mình cũng đang lên kế hoạch gap year. Cũng không cụ thể đi đâu bao lâu, chỉ là chung chung sẽ đi chỗ này, rồi ở bao lâu tùy thích, rồi tiếp, kiểu du lịch chậm. Tiền thì bọn mình đã để dành từ ba năm nay, bằng cách ở nhà nhỏ, tự nấu ăn cũng tiết kiệm nhiều.

    Thích

  2. Em cũng đã dừng việc mua sách và đi làm thẻ thư viện giống chị, và điều đấy thực sự giúp em tiết kiệm rất rất nhiều tiền. Em thích đọc sách, mỗi lần đi mua sách là phải khuân về cả chục cuốn với ý nghĩ “Đọc dần” rồi đa phần không đụng đến, giờ làm thẻ thư viện có 140k/năm, đọc sách gì mượn sách đó, đọc năng suất hơn mà lại tiết kiệm được một khoản tiền kha khá.

    Thích

    1. Cho mình hỏi thăm 1 chút là bạn làm thẻ thư viện nào vậy? Mỗi lần mượn sách thì được giữ trong bao nhiêu ngày? Thư viện có update thường xuyên các loại sách mới ra không? Cảm ơn bạn nha

      Thích

      1. Em làm thẻ mượn sách thôi, lần đầu làm thì đóng 142k/ năm, sau hết năm, gia hạn thẻ đóng 42k thôi. Mỗi lần được mượn 2 cuốn, tối đa 4 tuần. Có update thường xuyên sách mới nha chị. Tất nhiên sẽ có một số đầu sách k có thì mình có thể yêu cầu thư viện nhập về.

        Đã thích bởi 1 người

      2. Chào Hải Anh, mình ở TPHCM nên sử dụng Thư viện Quốc gia TPHCM, tiền làm thẻ năm rồi mình làm hình như 70k, sách được mượn 2 tuần, sau đó có thể gia hạn. Mình cũng ngồi làm việc ở phòng đọc và phòng đọc cho công chúng. Yên lặng. Sạch sẽ.

        Ngoài ra, có American Center ở tầng 8 Diamond, cung cấp sách về văn hóa Mỹ, sách học tiếng Anh, phim tài liệu, mình cũng ngồi làm việc ở đó một số thời gian. Ngoài ra, thư viện của trung tâm văn hóa Pháp cũng có chỗ ngồi làm việc, kèm sách về văn hóa Pháp. Hai cái sau miễn phí bạn ha.

        Thích

    1. Hi Linh,

      Chị sử dụng dịch vụ Airbnb và booking.com khi tìm nhà ở nước ngoài. Các nước ở Đông Nam Á cho phép người Việt ở tại nước họ trong 30 ngày. Thường cứ 30 ngày thì chị bay ra đi chơi 1 chút ròi quay lại. Vé máy bay rất rẻ (có lần chị bay từ Bandung đến Singapore chỉ có 70 USD cả đi cả về). Khi em tìm nhà qua Airbnb mà book trên 28 ngày em sẽ được giảm giá khá nhiều. Booking ko có giảm giá nhưng bù lại review nhà rất chính xác. Những nơi hay xảy ra kiểu mô tả nhà xạo xự thì chị xài booking, như ở Bali là 1 ví dụ. Ở Thái Lan thì xài Airbnb rất thoải mái vì hầu hết nhà đều đúng miêu tả dù ở nơi ko phải du lịch.

      Đã thích bởi 2 người

  3. E đã nghỉ công việc full time 4 năm (cũng là báo chí) được hơn 3 tháng, và quả thực e ko có plan gì rõ ràng cho mình sau đó nên khá hoang mang trong 1,2 tháng đầu. Thực ra do tính em sống đã tiết kiệm rồi nên trước khi nghỉ e dự có đủ tiền sống mà ko cần trợ giúp trong cỡ nửa – 1 năm, vấn đề tài chính đc giải quyết, nhưng vấn đề làm gì khi gap year với e vẫn còn mơ hồ. E cũng có công nhận gap year cho e thời gian thử nghiệm nhiều nhưng e nhận ra mình vẫn chưa đủ độ liều và quyết đoán :))
    Hồi e mới nghỉ e có một chuyến thăm bạn bè SG (e ở HN) và may mắn e biết buổi talk của chị cuối tháng 9, có kịp vào nghe 😀 Rất thú vị ạ, buổi talk cứu vớt một ngày ở SG của e :)) Cảm ơn những chia sẻ của chị, và mong chị tiếp tục Viết mỗi ngày.

    Thích

  4. Bài của chị rất thực tế, em thích nhất phần lên kế hoạch và đặt ra những việc làm hằng ngày chứ không khuyên người trẻ xách balo lên và đi hoặc vẽ ra một viễn cảnh freelancer lương “ngàn đô”.

    Thích

Comment

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

%d người thích bài này: