Hai năm ở trên đường dạy tôi nhiều điều.
Ta không thể tìm thấy bản thân trên đường
Du lịch hiện đại vẽ ra những cung đường, tuyến tour, điểm đến mà người ta gọi là tâm linh, tìm kiếm bản thân hay thách thức chính mình. Và người hiện đại, trong cơn bức bối đó, bỏ tiền và bỏ sức tìm trải nghiệm có tên là “chính mình” ấy. Tôi gặp một bạn người New Zealand kể bạn đến Ấn Độ để hiểu về bản thân. Nhưng Ấn Độ móc túi bạn 4 lần, bạn mất gần 5.000 đô trong một tháng và trở về nhà sớm hơn dự kiến. Bạn không tìm được chính mình.
Rất nhiều người đến Độ để tìm chính mình và trở về trong thất vọng hoặc cuồng tín. “Ấn Độ có khả năng làm hỏng não của người muốn quá nhiều ở nó”- Chủ một nhà hàng Ấn Độ nói với tôi và cười ha hả. Ông mở tiệm ăn ở Ventura, California. Ông nói rằng: “Đến Mỹ sống đã lý giải cho tôi tại sao người Châu Âu đến Ấn Độ nhiều như vậy. Rất nhiều người đi tìm một triết lý tôn giáo để giải thích cho sự trống rỗng ăn sâu vào cuộc sống họ. Nhưng tôi không biết ai tìm được gì. Vì tôn giáo ở Ấn Độ không nhằm sắp xếp bạn vào cuộc sống để quản lý bạn. Nó giúp bạn lý giải chính bạn từ bên trong. Và nếu bạn bay một chuyến bay, đến một kỳ nghỉ và nghĩ có thể tìm thấy bản thân sâu trong triết lý đó thì chỉ là chuyện đùa.”

Tôi cũng gặp một cậu bạn người Tây Ban Nha bỏ đến Bali để sống vài tháng sau khi ra trường vì không chịu nổi áp lực phải bắt đầu tìm việc ở Barcelona. Tây Ban Nha có số lượng người thất nghiệp cực kỳ cao. Nhưng cha mẹ không muốn cậu học đại học ở Barcelona rồi về quê. Hoảng sợ với tương lai, cậu dùng tất cả tiền kiếm được trước kỳ tốt nghiệp và chạy đến Bali sống.
Ở Bali, tôi thấy cậu giúp đỡ những người đang xây hồ bơi, chỉ dẫn vài đứa trẻ cách chơi lướt ván từ mảnh gỗ vứt bên đường. Và có lần, tôi thấy cậu thật hạnh phúc khi giúp đẩy chiếc xe lúa về cho một cặp vợ chồng già đang vất vả trên đường. Cậu nói: “Tôi yêu trang trại, yêu cây cỏ. Tôi muốn về quê và trồng vườn. Nhưng cha mẹ không muốn điều đó. Tôi không biết mình sẽ làm gì với tương lai.”
Chắc chắn cậu trai không tìm thấy bản thân ở Bali. Hòn đảo đó chỉ tái hiện lại nhu cầu được ở gần bên cây cối, vườn tược, động vật, trẻ con… mà cậu thèm được có nhưng không dám với tới ở Barcelona.
Ta không thể hạnh phúc bằng cách chạy trốn trong chuyến đi
Có rất nhiều người nghĩ rằng sau khi chia tay người yêu, bị gặp chuyện rắc rối thì nên đi một chuyến để thấy vui vẻ hơn. Vui vẻ hơn có thể tìm thấy ở mọi nơi. Tìm thấy câu trả lời cho điều mình cần không nhất thiết là ở trên đường. Đúng là chuyến đi có thể giúp ta thêm góc nhìn, sự tham khảo và hiểu biết và (đôi khi, nếu may mắn) giúp ta giải quyết vấn đề.
Nhưng bỏ trốn vấn đề và nghĩ chuyến đi có thể tìm ra giải pháp không bao giờ gỡ bỏ được sự bất an. Và bạn sẽ làm hỏng hành trình chỉ vì luôn phân tâm lo lắng với điều chưa trọn vẹn đang tiếp tục xảy ra bên ngoài kiểm soát của bản thân mình.
Một cô bạn người Hà Lan tôi gặp kể rằng cô bán hết tất cả đồ đạc, nghỉ việc, bán hết mọi thứ để thực hiện chuyến đi để đời như thể “sống cho trọn vẹn ngày hôm nay” vì cô ghét phải ngồi trong công sở đến 9 giờ tối và phải ki cóp từng ngày cho từng kỳ nghỉ ngắn ngủi.
Chuyến đi kéo dài được sáu tháng. Khi tôi gặp cô. Cô vừa chia tay người yêu ở trên đường, và giờ luôn nghĩ làm sao để có thể tiếp tục để ở trên đường khi số tiền để dành đã dần cạn. Tôi đã hỏi: “Liệu những lo lắng bây giờ có ít đi so với thời bạn đi làm không?” – Cô nói nhiều đêm thấy khó ngủ hệt như thời đi làm, vì không biết sẽ kiếm sống bằng cách nào để tiếp tục đi. Và trở về cũng thật khó khăn, khi nơi ở không còn và cô không muốn quay về nhà cha mẹ.
Chất gây nghiện không giúp bạn tốt hơn
Trong chuyến đi lướt ván ở Baja California, một tay lướt ván người Barcelona cắm trại ngay cạnh tụi tôi. Cậu chơi cực xịn, khỏe và có thể tập nhiều giờ mỗi ngày. Cậu có ước mơ đơn giản: Đến Mỹ để lướt ván ở California. Vậy là cậu để dành tiền, đóng gói hành lý và đến California làm nghề xắt cần sa. Lương một ngày cậu làm việc là 150 đô. Công việc không phải ngày nào cũng có nhưng cậu kiếm được rất nhiều với visa du lịch 3 tháng, không phải trả thuế và chẳng cần địa chỉ để được thuê làm việc. Số tiền đó bắt đầu giúp cậu bước vào hành trình chinh phục biển Cortez – lướt ván trên tất cả các bãi biển dọc vịnh biển đó.
Cậu kể: “Rất nhiều người làm nghề xắt cần sa vì muốn có tiền thực hiện việc gì đó lớn. Tôi gặp bốn người Tây Ban Nha khác làm cùng xưởng. Tôi không bao giờ sử dụng cần sa vì cần tập nặng. Tôi muốn mình thật tỉnh táo để có thể tiến bộ trong kỹ thuật. Nhưng bốn người bạn khác bắt đầu dùng vì họ làm việc ở quá gần môi trường có cần sa. Và họ dùng nhiều hơn. Tôi không nghĩ cần sa có hại gì cả vì ở đây ai cũng có thể mua và xài dễ dàng. Nhưng tôi không sử dụng bất cứ chất gây nghiện nào, dù là bia hay cần sa. Rất nhiều lần tôi nhận ra chi phí lớn trong chuyến đi mà mình tiêu là vì bia rượu và chất gây nghiện. Nó làm tôi khó tập trung hơn khi lướt sóng. Vậy nên tôi không dùng nữa.”
Tôi ngừng sử dụng tất cả các loại chất kích thích trong thời gian ở trên đường, một phần với lý do giống cậu: chi phí không dưa thừa để cho nhu cầu đó và luôn cần an toàn cho bản thân trong chuyến đi dài. Nhưng sau đó một thứ khác hiện ra mà tôi viết trong bài “Một năm tỉnh táo“. Ngừng sử dụng chất kích thích giúp tôi phát hiện ra phần khỏe mạnh trong cơ thể mà tôi không bao giờ thừa nhận trước đó. Phần có thể điều khiển tâm trí, phần nhận thức trọn vẹn từng thời gian sống, phần thấy vui mà không lệ thuộc vào một hóa chất nào.

Bạn luôn có thể trở về
Tôi không thích nói về các chuyến đi “để đời”. Bởi với tôi, thực hiện chuyến đi là việc làm vui vẻ, và tôi luôn có thể thực hiện lại nó – dù bé hay dài ngày. Chính vì vậy, đặt cược cuộc đời vào một chuyến đi khiến nó trở thành gánh nặng của kỳ vọng. Như cô bạn người Hà Lan – cô kỳ vọng chuyến đi sẽ thay đổi cuộc đời làm việc văn phòng ngột ngạt của mình. Chuyến đi không có khả năng đó. Một người bạn Brasil nghĩ rằng chuyến đi có thể khiến cô thấy hạnh phúc mãi mãi trên đường đi với người yêu vì họ rời khỏi thành phố nơi cô có nhiều kỷ niệm không vui.
Nhưng mọi thứ không diễn ra như vậy. Chuyến đi được hình thành cùng thời điểm với ý nghĩ ta có thể níu kéo lấy sợi dây trở về. Tại sao lại phải cắt đứt đường về bằng những cam kết sĩ diện, ảo tưởng hào nhoáng hay những đánh cược sự nghiệp?
Chuyến đi không giúp ta trở thành anh hùng. Không thay đổi đời ta hay chính ta. Nó cũng chẳng thay đổi được thói xấu mà ta không chịu từ bỏ.
Chuyến đi như của John Steinbeck mỗi lần lên đường, chậm rãi chuẩn bị, suy nghĩ nhiều về điều sẽ đến ở phương xa, nếm nhẹ nhàng từng khúc đường vượt qua tâm trí và những gì phản hồi lại nhịp tim mình. Và trở về. Trở về. Để có thể đi tiếp, đầy lên, hạnh phúc và sống như chuyến đi trở thành một phần cơ thể.
** Chúc bạn Tết ngon và đi chơi vui vẻ **
Khải Đơn
** Chuyên mục “Sống Mỗi Tuần” do tôi viết về những trải nghiệm của bản thân – trong tương quan muốn chính mình có cuộc sống tốt hơn. Nếu bạn muốn chia sẻ câu chuyện riêng, xin bình luận hoặc gửi tin nhắn riêng.
Bạn có thể subscribe theo dõi chuyên mục bằng cách nhấn vào nút “Theo dõi” ở góc phải cuối trang chủ để nhận email mỗi khi tôi có bài mới
Tác phẩm mới nhất vừa xuất bản của tôi là du ký “Mekong – Phù sa phiêu bạt“, bạn có thể xem giới thiệu về tập sách tại đây hoặc đặt mua tại đây .
Comment