Em có sợ chết không?

Lần đầu tiên tôi hỏi mẹ về cái chết, mẹ kể, là khi tôi 8 tuổi, tự dưng bật dậy giữa đêm và ngồi khóc. Mẹ kể tôi khóc vì mơ thấy mẹ chết. Tôi hỏi mẹ “chết là gì?”

Khái niệm về cái chết thường đến với đứa trẻ như vậy, và dù muốn hay không, người lớn cũng phải giải thích cho con nhỏ của mình. Mẹ tôi cũng giải thích – dù tôi không còn nhớ mẹ đã nói gì mà tôi có thể yên tâm quên nó đi một thời gian.

Năm 30 tuổi, tôi thú thật với bạn là: “Tôi có dự định và kế hoạch rất rõ ràng tới 30 tuổi. Nhưng không nghĩ gì về sau tuổi đó. Có lẽ tôi chẳng bao giờ nghĩ mình sẽ sống qua tuổi 30?”

Bạn tôi khó chịu và đáp: “Đừng nói như vậy. Đừng tưởng cậu nghĩ như vậy là ngầu, là hay. Không sống qua tuổi 30 hả? Đừng có coi đó là một trò đùa. Vì tiếp theo là cậu sẽ hoảng loạn vì mất định hướng đấy!”

Tôi quan sát quá trình này rất rõ rệt ở chính mình và nhiều bạn trẻ tuổi thân thiết. Chúng tôi nghĩ quá nhiều về cái chết – và chuẩn bị quá sẵn sàng cho nó.

Sự bức bối trong cuộc sống thường ngày, vây quanh bởi khả thể của điều bất an, có thể bẻ gãy và bứt ngọn niềm vui sống nhỏ nhặt, để lại phế phẩm của con người kiệt sức. Là tôi. Là họ. Không nghĩ xa đến mức mình sống qua tuổi 30. Hoặc mê mệt trong những ức truyện về cái chết đèm đẹp và lãng mạn.

Những bức bối đó xuất hiện trong hình dung của tai nạn giữa Hàng Xanh, khi một người phụ nữ say xỉn nhấn ga và tông vào hàng loạt người đi xe máy. Khi chiếc container mất thắng và lao vào những người lương thiện chờ đèn đỏ. Cái chết được gọi tên bằng ngẫu nhiên áp lực của đời sống đô thị – nó khiến người chép miệng “số trời, không biết là đâu”, hay “sống trong đời sống của bất an chực chờ”.

“Em có sợ chết không?” – Tôi tự hỏi mình sau cuộc trò chuyện đó, thú nhận rằng tôi không hiểu chết là gì (vì đã quên bài học mẹ dạy) hay vì đứt gãy sự mỏi mệt đến mức tự quét sạch nó khỏi tâm trí, hòng trấn an mình bằng ảo tưởng nó không thể nào đến.

Và rồi nhiều chuyện xảy ra sau đó.

Gần đây, khi tôi nghe tin một người thân của bạn mình qua đời vì tai nạn. Tôi bật khóc trên xe. Sự loay hoay đối diện với cái chết thật tàn nhẫn và thật như xương thịt, nó khiến tôi phẫn nộ đến mức suốt vài ngày sau không ngủ được.

Cùng khoảng thời gian đó, có ba lần tôi bị đứt dây kết nối với ván trong một cơn sóng dữ, và không thể quay trở lại bờ, ngấp ngoải chờ một cánh tay kéo lấy mình. Hai lần trước mọi chuyện xảy ra ở California và Mexico.

Tuần rồi, sóng đánh gập tôi xuống đáy biển đầy đá và khiến vai trái của tôi đau buốt. Khi trồi lên mặt biển, tôi phát hiện mình đã đứt dây ván. Tôi giơ tay ra hiệu cấp cứu và một người chơi lướt sóng gần đó bơi lại, đưa ván của anh kéo lấy và đẩy tôi vào bờ.

Vai trái của tôi đau suốt cả tuần và tôi thường tự hỏi, nếu hôm ấy người chơi lướt sóng không bơi thật nhanh lại gần và kéo tôi vào bờ, điều gì tiếp theo sẽ xảy ra? Nếu hôm ấy ngoài bãi biển không ai đi tập ngoài tôi, chuyện gì sẽ xảy ra?

Đối diện với cái chết là điều cần thiết. Nó giúp ta hình dung về giá trị của thời gian sống. Bình tĩnh. Rõ ràng. Có mùi hương, hình nét, và đầy cảm xúc. Nghĩ rằng “không biết có sống qua tuổi 30 không” là một ý nghĩ sặc mùi bất an thừa hưởng từ ý tưởng thời chiến tranh, xuất hiện đầy rẫy trong những tác phẩm bức bối và tuyệt vọng với cảnh huống không thể biết ngày mai ra sao và vội vàng cho qua thời gian hiện hữu để tưởng tượng về thứ còn ở rất xa [hoặc gần] trước mặt.

Đối diện với cái chết bằng đối thoại: Tôi bày tỏ về cái chết với bạn tôi, gia đình và người thân thiết. Tìm cách định nghĩa nó khiến nó trở nên bớt mù mờ, nhập nhằng và nặng cảm tính. Đồng thời, cái chết cũng trở nên “có thực” hơn bao giờ hết khi ta cố gắng định nghĩa nó. Ta đối diện với nó bằng thực tế thay vì ảo tưởng lãng mạn.

Đối diện với cái chết bằng sự chân thành: Người bạn thân của tôi đã nhắc “sống đừng bất an giận dữ quá, vì có những thời điểm cùng cực chẳng thể nào bất an thêm được. Hãy dành sức để sống tốt đi.” – Với mất mát bạn trải qua, lời nhắc rõ ràng đó hiển hiện và khiến tôi thấm thía rằng sống là sự hiện hữu chi tiết mà ta cần tôn trọng hơn những lời bóng bẩy về cái chết mà ta có thể tìm thấy đâu đó trên những trang web văn học hay những status lãng mạn hóa sự chết. Ở sự hiện hữu này, ta có cảm xúc, có niềm vui sống, có giá trị mỗi ngày, có tương tác và cảm giác được gần gũi người yêu thương. Điều đó không có được khi ta dành sức để tưởng tượng về một khả thể chưa đến [là cái chết].

Đối diện với cái chết bằng sự hiểu biết: Tuần vừa rồi, tôi đọc một lọat bài viết về trò chơi online khiến trẻ em tự tử tên Mother Bird. Phiên bản cực đoan này của cái chết đẩy trẻ em tới đường cùng. Nhưng có những phiên bản “nhẹ ký” hơn khiến nhiều người trẻ mê mải về cái chết: như các rối loạn tâm lý, trầm cảm, những áp lực từ bạn bè trong thế giới mạng, áp lực từ vị trí xã hội [như thầy cô trấn áp, bạn bè bắt nạt, hay trẻ bị kết tội oan ức]. Khi ở những hoàn cảnh này, nhiều khi thứ duy nhất ta nghĩ được là về cái chết.

Rối loạn tâm lý hay trầm cảm, có ý muốn tự tử không thể xử lý thuần túy bằng lời khuyên hay xoa dịu mà cần đến điều trị nghiêm túc, và nếu bạn cảm thấy mình có triệu chứng, bạn cần tìm đến bác sĩ hay chuyên viên trị liệu thực sự có chuyên môn để vượt qua những vấn đề này.

Những áp lực khác như áp lực từ bạn bè, thầy cô, gia đình, bị kết tội oan, bị ép uổng về nhân phẩm (như bị đe dọa tung clip sex hay ảnh nóng) đều có thể tìm được cách xử lý khác là kêu cứu từ người bạn tin tưởng hay người thân yêu. Bạn không cần một mình khổ sở tự tiêu diệt bản thân để thoát khỏi đau đớn đó. Bạn sinh ra là một sinh vật xã hội – và sẽ có những người sẵn sàng ở bên bạn để xử lý điều không lành đó. Bạn nên cho chính mình cơ hội sống – cũng như cho người thân yêu cơ hội được thương yêu bạn. Vì sống là điều đáng giá hơn việc ta cố chứng minh thông điệp nào đó bằng sự tự hủy hoại. Cái chết là sự im lặng cuối cùng. Nó không giãi bày được trái tim mình đâu.

Đối diện với cái chết bằng giác quan: Nếu cái chết ập đến, bạn không chặn được nó. Không ai chặn được nó. Vậy tại sao bạn phải dành thời gian để đay nghiến, chì chiết và nhai đi nhai lại về nó? Nó tồn tại trong trí tưởng tượng. Nó được vẽ ra bằng màu sắc của điều chưa tới, của tương lai có màu tối, hoặc quá khứ đau thương. Đối diện với cái chết bằng sự hiện hữu là thưởng thức thời gian mình đang sống, trò chuyện, thở, làm bánh hay chạy bộ bằng sự toàn tâm toàn ý. Mình có thể trở về nhà sau cuộc tập chạy bở hơi tai và đau hông. Mình ngửi thấy mùi của khói trên đường hay của vựa bán thơm đầu chợ. Mình đang nhìn ngắm nụ cười của bạn hữu sau chuyện bông đùa linh tinh nào đó. Bạn bấu tay mình, cười phá lên. Hiện hữu có nhiều hương vị như vậy. Tại sao phải mất thời giờ tưởng tượng về một điều bất khả chưa từng xuất hiện?

Trước đây, tôi thường giận dữ khi bạn bè nào đó nói “Nhiều lúc em chỉ muốn chết đi, em không chịu nổi”. Bây giờ, tôi nhận ra đó là khoảnh khắc mà giới hạn chịu đựng của ta bị kéo đi quá mức, ta kiệt sức và không đủ tinh tường nhìn thấy sống còn nhiều lựa chọn khác. Vậy đã đến lúc thay vì “muốn chết” ta hãy học cách quan sát cái chết – ngắm nhìn, hiểu biết, tôn trọng nó và điều không phải nó.

Và rồi ta thấy sống thì thơm tho và bền bỉ biết bao nhiêu…

Khải Đơn

** Chuyên mục “Sống Mỗi Tuần” do tôi viết về những trải nghiệm của bản thân – trong tương quan muốn chính mình có cuộc sống tốt hơn. Nếu bạn muốn chia sẻ câu chuyện riêng hay đặt câu hỏi, xin bình luận hoặc gửi tin nhắn riêng. 

Bạn có thể subscribe theo dõi chuyên mục bằng cách nhấn vào nút “Theo dõi” ở góc phải cuối trang chủ để nhận email mỗi khi tôi có bài mới

Tác phẩm mới nhất vừa xuất bản của tôi là du ký “Mekong – Phù sa phiêu bạt“, bạn có thể xem giới thiệu về tập sách tại đây hoặc đặt mua tại đây .

Advertisement

3 bình luận về “Em có sợ chết không?

Add yours

  1. Ai cũng phải đối diện với câu hỏi ấy trong đời hết “Đi tiếp? hay dừng lại?…” Đó là cuộc sống tưởng như của ta, nhưng không phải của ta hoàn toàn đến thế.
    Nhiều người nhìn vào anh và chắc rằng không bao giờ có thể tin được ý nghĩ tiêu cực nhất lại vẫn thường đeo bám anh rất nhiều lần này đến lần khác.
    Từ khi dọn nhà về Q2, mỗi ngày đi làm về ngang cầu Sài Gòn, anh lại bị làn nước xanh rộng đó ám ảnh. Những dãy lan can cầu dường như là quá thấp khỏi sự mê hoặc mát mẻ và bềnh bồng kia.
    Như em nói ấy, phải nói chuyện với ai đó, tiếc rằng thật quá khó để mở lời về một suy nghĩ kỳ cục méo mó đến thế… trong những cơn say khướt đến tận cùng, lòng ta vẫn mang một con giếng sâu hoắm mà chẳng tia sáng nào lọt tới.
    Chết ư? Anh sợ chết thực sự…
    Nhưng có đôi khi, lòng ta hiếu kỳ và mềm yếu, cái chết cũng hấp dẫn đến đớn đau thay!!!

    Thích

  2. Bài viết hay! Cảm ơn tác giả.

    Cái chết không ai có thể tránh được, nên không cần nghĩ nhiều về nó. Sống trọn vẹn trong ngày hôm nay thế là đủ với tôi!

    Zeno/

    Thích

Comment

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

%d người thích bài này: