Hiểu về phụ nữ

Thật trớ trêu thay, điều quan trọng nhất của một phụ nữ là hiểu về bản thân lại là thứ được xếp xuống hàng thứ yếu tới độ phải lật qua bao nhiêu tầng lớp của những cấm kỵ, họ mới có thể hiểu được mình.

Một ví dụ: Không phụ nữ nào nói về cơ thể của họ sau sinh. Thân thể ấy như lột xác, đau đớn, không còn đúng nguyên vẹn của hình mẫu cái đẹp thương mại. Eo không còn. Da xấu. Vết mổ dài và rõ nét. Tóc tai xõa sượi. Mùi mồ hôi đậm và khó chịu. Cơ thể như đứt rời thành từng mảnh. Tôi được biết sơ qua vậy vì sau khi bạn tôi sinh, cô mô tả vậy. Tôi không có kinh nghiệm.

Nhưng cô là phụ nữ duy nhất từng kể cho tôi về hình ảnh của bản thân sau ngày đi bệnh viện sinh nở. Cô không dám nhìn mình trong gương. Thấy mọi phần thân thể đều nhão nhoét, xấu xí. Cô tự hỏi: Chồng cô có còn muốn cô không? – Từ khi sinh ra, xung quanh có biết bao phụ nữ bên cạnh, chưa một ai trao đổi với nhau về điều mà bất cứ ai trong họ cũng có thể trải qua. Đó là một hiện thực kín đáo bị cấm kỵ bởi sự tủi thân đơn độc.

Phụ nữ nói với nhau rất nhiều về cách làm đẹp, giữ dáng, giữ duyên, thu hút người họ muốn và cách họ phải/nên tương tác với người khác ra sao. Đó là bài học cơ bản mà phụ nữ lớn tuổi sẽ trao đổi với phụ nữ nhỏ tuổi, mẹ với con, chị với em, bạn bè với nhau. Người ta nói rất nhiều về cách giữ chồng, cách ở bên bạn trai, cách chăm sóc gia đình, cách dạy con, cách ứng xử với con dâu, cách hành xử khi bạn đồng nghiệp “quá đà”…

Nhưng trao đổi với nhau để hiểu về bản thân dường như là chủ đề không được quan tâm nhiều.

Hiểu vì sao ta phải tôn trọng cơ thể, và người bạn đời không được đánh đập ta, không ai được chạm vào ta nếu ta không muốn và ta sẽ bảo vệ thân thể đó vì niềm vui của riêng mình.

Hiểu vì sao cảm xúc của ta đáng được trân trọng, và không ai nên có quyền dùng vấn đề giới tính để sỉ vả cảm xúc, tinh thần ta: Ví dụ, nhà có mỗi đứa con gái, lớn rồi cũng bỏ cha mẹ đi lấy chồng thôi – là một quan niệm tiêu cực về giới tính của ta.

Hiểu vì sao thân thể ta biến đổi theo độ tuổi, những bất an cảm xúc (có thể do hormone hay chu kỳ hay thời gian sinh sản gây ra), những độ chênh giá trị trong cách hiểu về đạo đức của bản thân và đạo đức mà xã hội quy định cho mình (ví dụ, con dâu không được đi làm về trễ, phải về sớm phục vụ con trai của bà).

Hiểu những vấn đề về thể chất giới tính (như ham muốn tình dục, không có tri thức về an toàn tình dục, sợ đối mặt với chủ đề cấm kỵ trong tình dục, bị bạn đời ép buộc quan hệ không dùng biện pháp an toàn, có thai ngoài ý muốn, phá thai hay giữ lại em bé và theo ý nguyện của ai, hay loãng xương có nguy cơ xảy ra ở tuổi nào)

Hiểu lo sợ về mặt xã hội (là phụ nữ, ta có quyền học cao không? – như nhiều gia đình vẫn nói – con gái học cao làm gì cho ế chồng, hay cách cộng đồng xung quanh nhìn nhận mình là “gái hư” hay “ngoan”).

Hiểu về những rào cản cảm xúc, nỗi sợ bị mất thể diện, danh dự là phụ nữ, hiểu về những ràng buộc khiến ta không còn tự do quyết định số phận mình.

Đó là những phần hiểu quan trọng để một phụ nữ có thể thấy cô đứng được trên đôi chân và tinh thần yên ổn và hưởng thụ cuộc sống. Đó lại là những phần hiểu biết bị che khuất bởi hàng ngàn status châm chọc, đùa bỡn hay ác ý nhắm vào nỗi hoang mang hay sự bực tức cực đoan trước vấn đề mà phụ nữ phải đối mặt mỗi ngày.

Nếu bạn muốn hiểu mình là phụ nữ ra sao, hãy đọc và trò chuyện với bạn cùng giới và bạn đời (dù là bạn trai hay bạn đời cùng giới) về những bất an có thể xảy đến mỗi ngày trên cơ thể bạn. Từ đó, bạn nhìn thấy rõ hơn điều mình đang đối mặt: Với hai người, an toàn tình dục quan trọng ra sao? Với bạn, có thai vào thời điểm nào là bạn muốn? Với sự nghiệp, bạn muốn mình đi xa đến đâu và người thân nên hiểu bạn ao ước gì? Với thể diện xung quanh, bạn ăn mặc đẹp đến vậy có phải vì bạn là “gái hư” không? Với người ngủ chung giường, bạn thể hiện ham muốn đó thì bạn có phải là một cô gái “xấu” không? Với cô gái sau sinh, hãy nói với nhau (như bạn tôi kể tôi nghe) về cơ thể đầy tổn thương của cô, và cô kể chồng cô nghe cô sợ anh sẽ chán cô ra sao… và anh có dịp bày tỏ sự an ủi/hay thờ ơ để cô hiểu, và tôi có dịp an ủi bạn – dù chẳng giúp được gì.

Lên mạng xã hội để nói về nữ quyền không giúp bạn có thêm quyền được là phụ nữ. Nếu bạn sinh ra là phụ nữ, quyền đó đương nhiên luôn ở trong thân thể và trái tim bạn. Nhưng có quyền chưa đủ, mà có khả năng thể hiện quyền của mình mới là điều quan trọng. Nếu bạn chụp ảnh bạn đời đang rửa chân cho bạn và đăng lên mạng, bạn có quyền tự hào làm phụ nữ trong 1.000 like. Nhưng nếu bạn và bạn đời có thể hiểu rằng sử dụng cách tránh thai an toàn gíup bảo vệ sức khỏe của bạn và giúp bạn chủ động với tương lai – thì bạn có quyền tự hào làm phụ nữ trong suốt mỗi ngày 24 giờ bạn sống.

Hãy lắng nghe bản thân – chân thành – bởi ta là phụ nữ.

Khải Đơn

** Chuyên mục “Sống Mỗi Tuần” do tôi viết về những trải nghiệm của bản thân – trong tương quan muốn chính mình có cuộc sống tốt hơn. Nếu bạn muốn chia sẻ câu chuyện riêng hay đặt câu hỏi, xin bình luận hoặc gửi tin nhắn riêng. 

Bạn có thể subscribe theo dõi chuyên mục bằng cách nhấn vào nút “Theo dõi” ở góc phải cuối trang chủ để nhận email mỗi khi tôi có bài mới

Tác phẩm mới nhất vừa xuất bản của tôi là du ký “Mekong – Phù sa phiêu bạt“, bạn có thể xem giới thiệu về tập sách tại đây hoặc đặt mua tại đây .

5 bình luận về “Hiểu về phụ nữ

Add yours

  1. Woa, cảm ơn chị về bài viết ạ. Nó rất tuyệt và có ích với em lúc này. Đôi khi em cảm thấy giống như kiểu tình cờ mình gặp được đúng bài viết nói về điều mình đang cần vậy

    Thích

  2. Hà Nội một ngày tỉnh dậy trong lòng trống rỗng, đã mấy tháng nay em cảm thấy như có một khoảng trống mà không biết làm thế nào lý giải,
    vNhững câu hỏi đặt ra, thắc mắc và 5h sáng bật dậy lang trên mạng và gõ những từ khóa bất định, tình cờ lướt qua bài viết của chị, vừa đọc vừa cười hâm hâm một mình. Những bài chị viêt đã trả lời cho những câu hỏi ấy, thật tuyệt vời

    Cảm ơn chị vì những chia sẻ chân thật ^o^

    Đã thích bởi 1 người

Comment

Blog tại WordPress.com.

Up ↑