Chúng ta nói rất nhiều về tự do. Tự do ăn uống. Tự do tình dục. Tự do chọn lựa. Tự do giới tính. Tự do ngôn luận. Tự do tư tưởng. Đủ mọi điều tự do.
Điều đầu tiên tôi học là tự do ngôn luận. Sau đó là tự do tư tưởng. Trong tập sách 1984 tôi từng đọc, “Bộ Sự Thật” để biên tập sự thật trong đời sống trên văn bản mỗi ngày, “Bộ Yêu thương” chuyên ra tay trước những nỗi đau, sự tuyệt vọng và tiêu diệt những người bất đồng chính kiến. Tự do là khái niệm bị kìm hãm bởi các bộ máy chính trị, những điều cấm kỵ trong tôn giáo, nhiều răn dạy trong đạo đức của cộng đồng.
Chúng ta lớn lên trong khuôn bánh như hàng vạn cái bánh quy hình người giống hệt nhau, với vô vàn quy định “điều chỉnh” tự do của từng cá nhân. Có thời, nếu bạn là con trai và yêu một người con trai khác, đó là vô đạo đức, bị cấm cản. Có thời, nếu bạn là phụ nữ và có nhiều bạn tình, bạn là dạng thức vô luân và có thể bị xử tội bởi cộng đồng (cạo đầu bôi vôi ở Việt Nam hay ném đá đến chết ở phần khác của thế giới).
Các giá trị về tự do của từng con người sẽ được nêu cao (hoặc dìm xuống) tùy vào bối cảnh chính trị và động cơ của những quyền lực đang điều chỉnh xã hội. Tôi từng tự hỏi, vì sao có thời nếu bạn là đồng tính – nghĩa là bạn phạm tội? – Còn bây giờ thì không? Hoặc ở nơi này nếu bạn công khai bày tỏ ý kiến về chính sách của nhà nước – thì bạn phải nộp phạt và xóa status? – Còn ở nơi khác thì không?
Đó là khi ý nghĩ về biên giới của tự do hình thành trong tôi.

Nhưng rũ bỏ tất cả những suy tư và “điều chỉnh” với các chừng mực xã hội, khi bước vào nhà tắm và dội lên mình nước nóng – bạn hãy tự hỏi – tự do mà thân thể mình có là gì?
Tự do của hai bàn tay. Tự do thấy cơ thể mình có thể chuyển động như ý (không đau đớn, không khổ sở, không thù ghét phần cơ thể đó – dù nó chưa hoàn hảo). Tự do suy nghĩ về những điều mình sợ hãi, ao ước, giận dữ, xấu hổ, hay nhục nhã – mà không bị rào cản nào xua tay và dùng băng dính miệng mình lại. Tự do bày tỏ những điều đó với người mình muốn (bạn bè, người thân yêu, công chúng, bạn đọc, hay bất kỳ ai muốn nghe bạn nói).
Những tự do đó – nằm sâu kín bên trong cơ thể vật lý và tinh thần của bạn. Nhưng nó ở đâu? Tại sao tôi chưa bao giờ biết về nó? Tại sao tôi luôn chật vật giới hạn bản thân mình trong những biên giới kìm tỏa xung quanh? – Tự do nằm ở nơi bạn đủ sức mạnh để lôi nó lên khỏi bóng tối của che đậy và sự sợ hãi. Nó thoi thóp. Yên lặng. Nhưng không chết đi – chừng nào bạn còn tìm kiếm.
Cũng như người bạn của tôi lần đầu lôi bản thể của bạn lên và bày tỏ với gia đình: “Con là như vậy.” – Đó là biểu hiện đầu tiên bạn tháo gỡ miếng băng dính đã níu bạn trong im lặng. Bạn tự do. Phần tiếp theo thuộc về thế giới. Chấp nhận. Chối từ. Cha mẹ khóc than. Cha mẹ đồng tình. Bạn bè yêu mến. Bạn bè quay lưng. Phần đó bản thể ta không điều khiển được. Tự do duy nhất ta có là trong bản thân mình. Ta điều khiển phần đó.
Tôi từng nghĩ mình đi tìm tự do. Tự do được bày tỏ. Tự do được viết. Tự do được sống như ý muốn. Tự do không thể tìm mà có. Bày tỏ hay không là tôi chọn lựa. Viết hay bỏ viết là tôi hành động. Sống ra sao là tôi quyết định. Phần ngoài bản thân mình – tôi không sao quyết định được. Tôi có thể bị cười nhạo vì viết ra vài điều không như ý người đọc. Nghiêm trọng hơn, là vài tiếng e hèm nhắc nhở từ những thế lực không muốn hiện hình. Hoặc hài hước là những đánh tiếng dè dặt qua tai người này hay khác. Nhưng phần quan trọng nhất, tôi cần phải hiểu rõ rằng: Nếu tôi chưa bày tỏ, đó là vì năng lực của mình không đủ tốt. Vậy thôi.
Tự do của mình – nếu mình không còng giữ nó – nó không thể trở thành tù nhân.
Vài tháng gần đây, phần lớn thời gian tôi sống rất gần thiên nhiên, và suy nghĩ về tự do của mình. Tôi gỡ bỏ những ràng buộc của cấm kỵ chính mình, của sự lộn xộn trong quan hệ viết lách, của nỗi sợ, của sự nể nang nhau, của chiều lòng người đọc và chiều lòng chính mình. Tôi cố gắng nhìn thấy tự do trong hình hài tĩnh lặng. Nó trong suốt. Nó là tấm gương tôi đứng nhìn bên hồ, thấy mình đứng đó, chôn chân lặng lẽ không dám bỏ đi khi hình hài rõ nét [thật nhiều nỗi sợ], và nó vỡ tan khi tôi khua chân chạy xuống giữa hồ chèo xuồng đi.
Tôi vẫn nghĩ về tự do – nhiều như 10 năm trước khi đọc 1984 của George Orwell. [Thật nực cười khi ta 32 tuổi và vẫn mơ mộng về những điều không hình dạng]. Nhưng giờ tôi đang ở giữa sa mạc, rất bận tâm về nhiệt độ 40 độ C mỗi sáng trời hửng nắng, và cố nhìn thật sâu vào mắt thằn lằn bám trên đá.
Có những tự do nguyên bản của tinh thần, không thể thao túng bằng những trò đê tiện kìm hãm, nhưng cũng chỉ có thể nhận diện khi tôi đủ sức đối diện gạt ra khỏi tấm gương mọi phần mờ nhạt, dơ bẩn, váng vất và đen tối.
Nhưng ở giác độ khác, tự do mơ hồ như màn sương mỏng, mà ta có thể sẽ quên dần theo thời gian. Nó là cổ tích ngỡ ngàng của tuổi 20, là sự ngớ ngẩn khi ta 30 tuổi, là thứ ta gạt sang bên lề đời khi 40, rồi có thể sẽ tiếc nuối khi 50 và là hơi thở nhạt nhòa dần khi ta chia tay đời sống. Đời sống dần hiện thực hóa thành vật liệu hữu hình và bóp nghẹt những mơ hồ ít ỏi chưa kịp thành hình.

Tự do không phải là ngủ dậy muộn lúc nào tùy thích, hay tùy nghi định đoạt nên làm gì vào ngày hôm nay. Tự do không phải là tùy nghi dẫm vào chân người khác hay chen ngang hàng trong rạp chiếu phim.
Tự do không phải là nói bất cứ gì tùy thích, mà là đủ năng lực biểu đạt điều mình cần và mong muốn nói, với đầy đủ ý nghĩa và sự thuyết phục cần thiết cho ý tưởng đó.
Tự do tư tưởng không phải là có đủ thứ chủ nghĩa để bừa phứa theo đuổi. [Lạy trời, bạn chỉ cần vào một thư viện là đã trang bị đủ thứ chủ nghĩa để xài và đổi cả đời]. Mà tự do tư tưởng là chính bạn được nhìn rõ dòng tư tưởng đó, được quyền tiếp cận tri thức đó, đủ công cụ để nhìn rõ tri thức đó, chọn lựa vì mong muốn hoặc từ bỏ vì không còn hợp ý. Được sống với chọn lựa tư tưởng và được tranh luận về những ngã rẽ mà không bị trấn áp bởi nhóm “quần chúng” nào vây quanh trong quan hệ đầy áp lực và méo mó.
Tự do thật đơn giản, là được chọn lựa hành động vì mong muốn của bản thân, thay vì hành động vì sĩ diện, kỳ vọng, cả nể, giận dỗi, ẩn ức, hay thù địch hướng về hành động đó. Cũng như khi đứng trước chính mình trong phòng tắm, nước xối xuống cơ thể mình. Mình nghĩ sẽ hành động vì điều gì đó, hoặc mình sẽ chối từ. Mình sẽ không bị nhấn chìm bởi dòng nước đang đổ xuống, hay sẽ chết ngạt vì tự đẩy bản thân đến đường cùng đó.
Tự do là hành động vì mong muốn đơn giản nhất thuộc về bản thân mình.
Trong suốt. Chân thành.
Khải Đơn
** Chuyên mục “Sống Mỗi Tuần” do tôi viết về những trải nghiệm của bản thân – trong tương quan muốn chính mình có cuộc sống tốt hơn. Nếu bạn muốn chia sẻ câu chuyện riêng hay đặt câu hỏi, xin bình luận hoặc gửi tin nhắn riêng.
Bạn có thể subscribe theo dõi chuyên mục bằng cách nhấn vào nút “Theo dõi” ở góc phải cuối trang chủ để nhận email mỗi khi tôi có bài mới
Tác phẩm mới nhất vừa xuất bản của tôi là du ký “Mekong – Phù sa phiêu bạt“, bạn có thể đặt mua sách tại đây .
Comment