Nói về rác như một thảm trạng của nhân loại thì dễ, nhưng nói về rác và sự liên quan của mình trong đó thì thật khó chịu.
60% rác thải nhựa đổ xuống đại dương đến từ các quốc gia Châu Á, gồm có Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Philippines và Malaysia.
Điều đó khiến nhiều người trẻ với cách sống tiến bộ cảm thấy khổ sở vì họ xuất thân từ một quốc gia nghèo và không chút ý thức bảo vệ môi trường.
Tôi sẽ chia bài này thành hai phần: Không ý thức bảo vệ môi trường và sự liên quan của 60% rác thải nhựa.
Không ý thức bảo vệ môi trường
Là một hiện trạng có thật ở Việt Nam. Bạn dễ dàng nhìn thấy điều đó bằng mắt khi tham dự các lễ hội ở Hồ Gươm hay phố đi bộ Nguyễn Huệ. Sau đêm hội thường là đêm rác. Rác ngập phố vì mọi người vô tư quăng tất cả những gì họ nghĩ là dơ và phủi tay đi về.
Bạn cũng dễ thấy điều này khi đi hiking ở các núi cao, đồi cao hay vùng hoang sơ. Nơi nào phổ biến với dân đi chơi thì ở đó rác từ các nhóm cắm trại cũng đầy ắp theo. Nhiều nhóm bạn yêu quý núi Bà Đen từng phải tổ chức gom rác từ đỉnh núi xuống chân núi, chính quyền địa phương và cái chùa cũng dọn rác. Nhưng cái núi thì vẫn rác ngập đầu.
Bạn cũng thấy khi mình tắm trong biển Phan Thiết, Nha Trang, Vũng Tàu là mình bơi kế bên bãi biển đầy hộp cá viên chiên, bọc nylon, chai nước ngọt. Hoặc khi mình nằm tắm nắng là tắm cạnh đống khăn giấy, túi nylon đó.
Ngoài rác du lịch, rác thải trong đời sống hàng ngày cũng là vấn đề. Mọi siêu thị bạn đi đều nhiệt tình cho bạn túi nylon – càng nhiều càng hiếu khách. Chợ cũng vậy. Cửa hàng sách cũng chẳng kém. Quán trà sữa thì cả ly, ống hút, túi nylon, cap bằng nhựa đều… nhiệt tình cho thoải mái [ly trà giá đâu có rẻ, keo chi 1 cái túi nylon].
Nói chung, đô thị lớn và nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của chúng ta có sức thải cực kỳ khủng khiếp. Nó đương nhiên sẽ đẻ ra 1 đống rác cùng 1 đống nhựa ở khắp mọi nơi mà khả năng xử lý của Việt Nam thì ngoài thu gom và chôn lấp chưa có gì nhiều cải thiện. Hầu hết mọi thứ đề cập ở trên sẽ được vứt ra bãi chôn lấp – không hơn không kém.
60% rác thải nhựa toàn cầu đến từ 6 quốc gia – chúng ta là kẻ tồi tệ nhất? (1)
Năm ngoái, khi đọc con số này, tôi thấy hơi ngạc nhiên.
Thời gian đó tôi ở nhiều nơi tại Indonesia. Hai cái làng chài tôi ở cực kỳ nghèo. Khi đi mua quà vặt, đồ ăn sáng, họ thường gói cho tôi trong lá chuối hoặc loại lá to bản nào đó, chứ không có cái xa xỉ bọc nylon để xài. Khi bán đồ ăn trưa, họ đong thức ăn cho khách trong đĩa sứ, và sau đó rửa và dùng lại. Nghèo – đi cùng với ít tiêu dùng – ở làng chỉ có 2 tiệm tạp hóa – nơi phát sinh nguồn rác nhựa phổ biến, là quà bánh cho trẻ con, nguyên liệu nấu ăn đóng gói, cà phê gói, mì gói, sản phẩm hầu hết của Unilever và P&G.
Nhưng không vì nghèo hay ít xài nhựa mà cái làng chài tôi ở có thể thoát khỏi số phận sống chung với rác. Có buổi sáng ngủ dậy, tôi chạy bộ ra biển thì thấy cả bãi biển đầy rác nhựa, túi nylon, chai nhựa, hộp giấy tráng nhựa… đủ hết. Cả làng coi ngày có ít việc là rủ nhau ra đó lượm rác làm sạch biển. Lượm xong thì họ đốt. Nhiều thứ tôi lượm cùng họ rõ ràng chẳng thể nào đến từ hai tiệm tạp hóa trong làng vì nó là hộp mỹ phẩm đắt tiền ở đô thị người ta hay dùng. Mô tả điều này, tôi không biện minh cho bãi biển Phan Thiết, Nha Trang đầy rác. Tôi chỉ nêu một hoàn cảnh mà người dân nghèo không chủ động tạo ra rác, nhưng họ hứng chịu nó.
Tôi không tin vào con số 60% rác thải nhựa toàn cầu đến từ các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc.
Năm nay, Philippines lên tiếng đầu tiên bằng cáo buộc Canada đã gửi cho họ một đống 103 container rác thải nhựa (chai nhựa, tã giấy, rác thải gia đình). Canada nói họ… gửi nhầm và sẽ thu hồi – vì công ty mà họ thuê đăng ký đống rác này dưới dạng “rác tái chế được” – nhưng thực ra mấy thứ này không tái chế được.
Huffington Post sau đó có bài này – mô tả các quốc gia phát triển đã “cải trang” cho nỗ lực môi trường của họ ra sao.
Tờ báo mô tả tập đoàn Walmart của Mỹ với cam kết tái chế, tái sửa dụng, thân thiện môi trường khắp ở Mỹ, thực ra bán đống rác của họ cho 1 nhà thầu. Vậy là xong. Nhà thầu mua rác và thông qua nhiều con đường, sẽ nhập vào các quốc gia nào đó chịu mua. Trong bài là Malaysia. Đống rác này sẽ được “gửi” tới các quốc gia đang phát triển trong những hợp đồng có ăn chia với quan chức chính phủ, nhà thầu và các cơ quan có trách nhiệm kiểm tra xem nó là tái chế được hay không tái chế được.
Trước đây, mỗi năm Mỹ nói họ tái chế 66 triệu tấn rác. Thực ra 1/3 trong đống rác được gọi tên là “tái chế” đó được nhập cảng vào Trung Quốc [cho đến khi Trung Quốc ngưng nhập]. (2)
Khi nghèo, khi nắm nhiều quyền lực không bị kiểm tra trong tay, khi dễ dàng nhận tiền đi đêm, các quan chức/cơ quan/tập đoàn, sẽ cho rác vào. Tất nhiên, vì chúng không tái chế được, họ đổ đi đâu bây giờ? Thì đổ ra biển thôi.
Đó là cái kết mà chúng ta thấy: 60% rác thải nhựa trên thế giới tập trung ở Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Philippines và Malaysia và lềnh bềnh trôi trên biển.
Điều này thấy rất rõ khi Trung Quốc từ chối tiếp tục mua rác từ Mỹ thì các hợp đồng này bắt đầu túa qua Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Philippines và Indonesia.
Trung Quốc nằm ở gạch nối của dòng chảy rác. Họ từng nhập cực kỳ nhiều rác từ Mỹ. Khi giàu hơn, họ bắt đầu từ chối không nhập nữa từ năm 2017 và luật về cấm nhập rác của Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực từ tháng 1/2018.
Ngay thời điểm Trung Quốc cấm nhập rác, các quốc gia xung quanh đó trở thành thị trường tiếp theo, gồm có Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam và Đài Loan. Nhiều cảng ở các quốc gia này ngập tràn hàng nhập khẩu là rác nhựa. (3)
Tháng 10/2018, 30.000 container rác nhựa nhập khẩu chờ ở cảng của Thái Lan. (4)
Việt Nam chờ nhập tới 9.000 container rác nhựa, theo Resource Recycling. (4)
Malaysia nhập khẩu 435 triệu tấn rác nhựa từ Hoa Kỳ. (4)
Cách làm này khiến cả nhà đều vui. Mỹ, Châu Âu, Canada, New Zealand… và các quốc gia phát triển nói chung có thể tiếp tục tự hào là người đi đầu trong việc giảm thải nhựa, tăng tái chế, tăng nỗ lực bảo vệ môi trường, tăng giá trị hình ảnh quốc gia bền vững.
Người dân ở các quốc gia phát triển rất hài lòng khi chính phủ có nỗ lực tái chế, giảm thải nhựa, sử dụng nhựa tái chế được.
Các quan chức, nhà thầu rác ở quốc gia nghèo như Việt Nam, Philippines, Indonesia, Thái Lan… vui mừng vì chả cần làm gì, chỉ cần chắp hợp đồng, mua đống rác, quăng ra biển, là có tiền tươi xài, lại còn đem hợp đồng kinh tế từ ngoại quốc về cho nước nhà.
Vậy còn ai không vui? – Đó là những người dân sống ở bờ biển Việt Nam – ngủ dậy với rác bơi quanh mình và tủi nhục vì mình là quốc gia xả thải khủng khiếp.
Là sinh vật sống trong các vùng biển Thái Lan, Indonesia, Philippines, Việt Nam… chết mòn từng ngày vì ăn phải nhựa. Nguồn cá bị đầu độc bởi nhựa – và vì vậy đe dọa nguồn dinh dưỡng của người dân vì các quốc gia nghèo phụ thuộc rất nhiều về dinh dưỡng từ hải sản đánh bắt.
Là dân ở làng chài Indonesia tôi vừa kể, ngủ dậy không hiểu sao quanh mình đầy rác. Là những người Việt Nam, Thái Lan cấp tiến, cảm thấy tủi nhục quốc gia vì nghĩ họ đang sống trong một quê hương không biết bảo vệ môi trường.

Bức tranh này có làm ta dễ thở hơn không?
Với cá nhân tôi. Mọi bức tranh đều khiến tôi không dễ chịu chút nào. Ba năm qua vì dành thời gian ở ngoài thiên nhiên, tôi cảm thấy rõ rệt những gì mình đang gây ra sẽ ảnh hưởng ra sao tới cuộc sống quanh mình.
Thế hệ này sống trong cảm giác nặng nề và ngạt thở khi đứng giữa ngã ba đường cùng những kẻ hủy diệt và đồng thời không cưỡng lại được hấp lực của nó. Tôi không muốn nhìn thấy chai trà sữa, bọc nylon trôi trên biển nữa. Tôi không muốn nhìn thấy cá voi chết với hàng chục cái túi đủ màu trong ruột. Tôi không chịu được khi thấy san hô dưới biển mà mình bơi qua lại lất phất bọc nylon bay.
Nhưng tôi chẳng biết làm gì khi đi siêu thị và nhân viên tính tiền nói tôi phải nhận túi nylon vì nếu không họ sẽ bị phạt. Tôi không biết nên hành động sao mỗi lần đi uống trà sữa lại được “cấp” cho bộ đạo cụ gồm ly, ống hút và bọc nylon. Tôi chẳng thể xoay sở nổi khi mua đồ ăn và tìm cách cất trữ nó mà không xài đến hộp nhựa.
Tôi biết rất nhiều bạn bè tôi cũng khó chịu suy nghĩ như vậy. Chúng tôi được sống trong kỷ nguyên tiện nghi chưa từng có và mang trong mình tội lỗi của kẻ phá hoại tiềm ẩn đang hủy hoại hành tinh.
Và tôi đã ngừng suy nghĩ mình đến từ một xứ sở tồi tệ, nơi sẵn tay vứt 60% rác ra biển [tôi biết điều này vừa có thật và vừa không có thật]. Tôi ngừng mua trà sữa nếu tiệm từ chối bỏ trà vô chai nước của tôi. Tôi buộc nhân viên tiệm cà phê cho tôi ly sứ khi em muốn bỏ cà phê vô ly nhựa xài một lần. Tôi mua thật nhiều thực phẩm tươi thay vì đồ đóng hộp – và không nhận túi nylon của nơi bán. Tôi cũng bỏ luôn các siêu thị buộc tôi phải nhận túi nylon.
Bạn tôi, một bác sĩ, dạy con trai anh cách rửa lại túi nylon, phơi khô trong sân, kiểm tra xem túi có rách không, và dùng lại túi cho những việc bé cần.
Chị bạn tôi bắt con gái chị cầm chai nước và hộp đựng đồ ăn khi ra ngoài [việc này thật vất vả cho bé] và nói bé từ chối người bán khi họ muốn bỏ đồ ăn vô hộp nhựa xốp.
Những người muốn sống với một hành tinh sạch sẽ hơn, bãi biển không làm chết ai cả, và không muốn thấy thế giới mình sống ngạt thở trong rác nylon đều phải làm gì đó.
Dù ít. Dù nhiều. Dù điều đó khó chịu biết bao nhiêu.
Và vẫn còn lâu lắm thì hành tinh của mình mới sạch lại…
Khải Đơn
====
Chú thích:
(2) https://www.huffpost.com/entry/america-china-recycling-crisis-landfills_n_5b5170b1e4b0de86f48b7740
(3) https://www.huffpost.com/entry/america-china-recycling-crisis-landfills_n_5b5170b1e4b0de86f48b7740
(4) https://www.huffpost.com/entry/malaysia-plastic-recycling_n_5c7f64a9e4b020b54d7ffdee
======
** Chuyên mục “Sống Mỗi Tuần” do tôi viết về những trải nghiệm của bản thân – trong tương quan muốn chính mình có cuộc sống tốt hơn. Nếu bạn muốn chia sẻ câu chuyện riêng hay đặt câu hỏi, xin bình luận hoặc gửi tin nhắn riêng.
Bạn có thể subscribe theo dõi chuyên mục bằng cách nhấn vào nút “Theo dõi” ở góc phải cuối trang chủ để nhận email mỗi khi tôi có bài mới
Tác phẩm mới nhất vừa xuất bản của tôi là du ký “Mekong – Phù sa phiêu bạt“, bạn có thể đặt mua sách tại đây .
Cám ơn bạn đã gửi bài viết rất ý nghĩa cho cuộc sống l
ThíchĐã thích bởi 1 người
Cám ơn bạn đã gửi bài viết rất ý nghĩa cho cuộc sống l
ThíchĐã thích bởi 1 người
Cám ơn cho một bài viết hay.
ThíchThích