Vắng con người

Mùa hè năm đó, tôi đứng ở trên lưng ngọn núi nửa Orsono ở Chile. Ngọn núi bọc chiếc mũ tuyết màu trắng, kéo dài xuống con hồ Todos los Santos vây quanh bởi bốn ngọn núi lửa khác. Đã bốn ngày tôi không gặp người nào qua lại.

Sáng mặt trời lên sớm, trắng xóa màu tuyết. Âm thanh duy nhất là tiếng nước chảy và chim chóc quẫy mình trên cành. Tôi đang thử thách chính mình: tìm đến nơi không có âm tiếng của con người.

Rời xa con người là ý nghĩ kỳ lạ không hợp logic, bởi từ trong xương tủy, thứ con người của tôi đầy đặc tính xã hội. Cần có bạn để cùng sinh tồn. Cần nhận diện kẻ thù để tránh cái chết. Cần thấy bất an không ngừng để tích cóp cho tương lai. Cần tưởng tượng ra muôn vàn khả thể của bất an để vươn tới sự an tâm cùng nhóm người cạnh mình. Rời xa con người xung quanh, tôi thử tước bỏ những nhu cầu đó, vén lên bức màn sương mù che kín tự nhiên và đẩy tôi ngày càng xa thật xa khỏi những khả thể khác trong đời sống.

Làm sao để đi về phía núi? – Câu hỏi đó sẽ được đáp bằng thiết bị, chuyến tour có người hướng dẫn, đám đồ vật kỹ thuật sinh tồn, xe hai cầu, thiết bị lọc nước, mồi lửa vĩnh cửu. Tôi muốn đi về phía núi có thật ít những điều kiện yên tâm đó. Ý nghĩ khiến tôi rùng mình, nhưng lập tức trở nên sắc nhọn thôi thúc, vì biết đâu ở đó, bức màn sương mù bí ẩn mà con người tưởng ra về tự nhiên sẽ cho tôi chạm vào. Gần hơn. Rõ hơn. Thậm chí nhìn thấy rõ gương mặt loài quái vật nào đó ẩn mình trên lưng núi trong truyền thuyết.

Núi lửa Orsono giống trong chuyện kể huyền thoại Nhật Bản: nó giống hệt núi Phú Sĩ khi nhìn trong ảnh (chắc người Nhật Bản không thích nghe so sánh này). Tôi đến từ vùng đồng trũng gần đồng bằng sông Cửu Long, xung quanh không có chút núi đồi nào, và đồng lúa thẳng băng dài tít tắp, chen giữa là những đoạn sông Mekong khổng lồ chỉ thấy bờ bên kia rất mờ ảo. Vì vậy, ý nghĩ về núi đậm màu bí ẩn.

Con người đô thị hầu như đã mất hết nhân phẩm để đối thoại cùng tự nhiên. Tôi nghĩ vậy khi dợm những bước đầu tiên dưới chân núi lửa Orsono, đá là từ nham thạch nguội, mềm uột, vỡ vụn thành bột, màu đen. Ở sa mạc Utah, người xây những đường cao tốc kéo thẳng vào hẻm núi, chỉ để mua vui cho những chiếc xe hai cầu “đi phiêu lưu” bên dưới, và những chiếc container chở dầu từ mỏ đang hút ra. Ở biên giới Mexico với Mỹ, một hàng rào khổng lồ len lướt dần từ chân núi lên đỉnh dãy núi. Người địa phương kể người Mỹ sẽ luôn xây hàng rào, họ muốn chia tách hai phần quả núi cho rõ biên giới không ai bước qua. Hàng rào như lưỡi lam, cắm phập trên thân thể núi. Ý nghĩ quy mô đó khiến tôi kinh ngạc, những người như Donald Trump tin rằng họ có thể ngăn chặn sinh vật lan đi giữa đất đai, sông ngòi, núi cao. Họ cắt gọt tất cả trên giấy tờ.

Ở nơi tôi sống vài tháng gần sông Mekong, người ta dùng kè bê tông xây sừng sững sát bờ biển – họ tin rằng bê tông có thể chống lại sóng biển. Sau vài tháng, chỉ một đợt sóng mạnh, cả hàng rào thép, khối bê tông và con đường tăng cường sau kè vỡ vụn như miếng kẹo đậu phộng giòn bị bẻ gãy. Nông dân quỳ xuống bên bờ đá vỡ. Họ khóc. Họ kính ngưỡng vị thần đang thôn tính ngôi làng vài đời tổ tiên mưu sinh. Họ biết, bê tông và những quy ước của chính phủ hay công trình kỹ thuật không thể kháng cự được cảm xúc tùy tiện mà thiên nhiên giận hờn phá bung tất cả.

Con người hẳn đã định nghĩa thiên nhiên là thù địch. Con sư tử núi ăn thịt họ. Con trâu rừng húc chết họ. Bầy voi rừng ở Tây Nguyên phá hết buôn làng. Loài rắn nước ở Mekong len lỏi vào giường ngủ ngôi nhà xây cạnh bờ nước. Nghĩ vậy, họ vội vàng dùng đến súng, cột, roi, thuốc độc, hóa chất, bẫy sắt. Họ tự vệ [hay họ đang sát hại?] để được an toàn. Câu trả lời không dễ tìm được, vì để sinh tồn đến tận thời hiện đại này trong hàng triệu tuổi của Quả Đất, có thời con người cũng từng là mồi của những loài ăn thịt khác.

Nhưng định nghĩa thiên nhiên là thù địch khiến người không thể tồn tại nếu bị tước bỏ bầy đàn ngay giữa tự nhiên. Một xác cậu thanh niên bị tìm thấy đã chết đói trong khu rừng ở cao nguyên trung phần. Người đi leo núi đã ngã xuống và sau cú điện thoại kêu cứu không thể sống sót khỏi cơn lạnh và đói ở đỉnh đèo cao vút. Cái chết khiến người ly khai tự nhiên và yên tâm căn hộ với bốn bức tường bê tông sẽ che chở sự sinh tồn nhiều đời của họ giữa vòng quay vô tận của thời gian.

Tôi đi vào ngọn núi. Không nghe âm thanh người. Chile quá ít dân cư, đến mức ta có thể dễ dàng rẽ khỏi con đường quốc lộ và rơi vào giữa chốn không người. Hồ nước chảy xiết từ đỉnh núi lửa. Nước cực kỳ lạnh đến mức khiến mạch máu đau buốt. Càng lên cao, núi càng lạnh, nhưng mặt trời càng gắt. Mặt trời nam cực đốt cháy da nhanh trong cả khí lạnh, khiến đứa trẻ nhiệt đới gió mùa trong tôi không kịp trở tay đã nhìn thấy má đỏ rát hai bên.

Không nghe âm thanh người khiến tôi mất khái niệm về thời gian. Không có cuộc chạy đua đến buổi hẹn ăn tối. Không kẹt xe giữa làn xe quáng quàng ở Sài Gòn. Không có người tài xế than phiền chạy 5km mất hẳn gần một giờ đồng hồ. Không thúc bách. Không phiền não. không cảm xúc va chạm. Não tôi rơi vào sự yên tĩnh như hồ nước không loài sinh sống. Tôi không kỳ vọng buổi chiều đến trong cuộc hẹn ở rạp chiếu phim. Tôi không thấy nhu cầu xuất hiện ở nhà hàng khi lên đèn để gặp người yêu. Tôi vừa nấu xong súp đậu, để yên cho nó nguội bớt và chiêu vào miệng khi cơn đói sinh học nài nỉ bao tử mình.

Không có tiếng người khiến tôi chậm chạp như con vicuña trên đỉnh núi miền Nam Chile. Chẳng có gì ngoài gió. Gió đi qua làn cỏ. Chẳng có gì ngoài mây. Mây bị xé rách khi gió đến 120km/h. Ngoài ra thì không gian trống rỗng. Lực đẩy thúc bách cơ thể. Con vicuña đứng thờ ơ trên đồng gió, chọn ngọn cỏ vừa miệng, nhai rau ráu, rồi thư thả đi bộ về phía đỉnh đồi xé gió. Có lần tôi đứng ở Torres del Paine, nhìn bầy vicuña đó sinh hoạt, khi cúi nhìn đồng hồ, đã hai giờ trôi qua mà tôi không cảm niệm được thời gian lén lút bỏ đi tự bao giờ.

Không có người xung quanh, tôi quên mất bi kịch đời sống thường chạy qua ngực mình những khoảnh khắc thình lình. Hai bệnh nhân nào đó rên xiết sau cơn mổ ở bệnh viện ung bướu Sài Gòn. Cả bệnh viện chìm trong tiếng khóc và người thân nằm la liệt dưới chân giường bệnh vì quá tải. Bi kịch tình yêu bạn tôi gặp phải, khi chồng cô biến mất cùng đứa con chỉ vừa bốn tháng. Cô khóc như mưa trong cuộc chuyện trò. Trên Facebook, người bạn tôi nói anh vừa mất người anh trai – sau khi chiếc xe máy của anh bị xe container húc vào ngay giữa giao lộ. Anh bảo cảm giác mất đi người thân sau cuộc điện thoại như thể xóa sổ dữ liệu họ khỏi trái tim – và họ tàng hình mất như chưa từng tồn tại. Tôi chẳng biết làm gì, thấy nỗi đau đi thấu vào tế bào cơ thể mình (dù không chút liên quan lợi ích gì) và đôi lần mơ thấy chính mình đóng vai nào đó giữa các câu chuyện khổ sở đó. Ở giữa lưng núi Orsono, tôi đánh mất cảm giác về bi kịch có thể thình lình xảy tới. Bốn đêm liền tôi ngủ trong bóng tối, chẳng có điện gì từ sau chín giờ (mùa hè Chile mặt trời lặn khoảng giờ đó). Sau đó thì im tịch. Có một ngày gió rít lên như kẽ răng loài quái vật. Đó là đêm duy nhất tôi mơ thấy mình bị núi lửa cuốn lên đỉnh và bị phun nham thạch đỏ đầy bàn tay. Ngoài ra, giấc ngủ phủ màu đen kín. Yên tĩnh. Chân thành.

Ngày cuối cùng, tôi đi bộ xuống núi, nghe thấy chân mình lạo rạo phá vỡ kết cấu đá mềm uột màu đen. Tôi đang rùng rục quay trở lại thế giới loài người. Ý nghĩ đó giật điện sợ hãi. Tôi trở nên bất lực, trần trụi, tăm tối và cô đơn. Tôi ước gì mình không nói tiếng người nữa, không phải lái xe trên cao tốc miền nam, không phải chạy khỏi tòa nhà có máy lạnh để rơi vào cơn nóng ẩm đặc của Sài Gòn, không phải khóc lưng chừng khi đứng giữa thành phố và chứng kiến đau đớn của người khác [không liên quan đến mình].

Đi về phía núi để đối thoại với lặng im, tôi phát hiện mình đánh mất ngôn ngữ của loài thấu hiểu và mến thương đồng loại. Thiên nhiên như vòi xúc tu bạch tuộc, bấu vào da thịt và bơm vào tôi chất lỏng của sinh vật khác, để tôi chuyển hóa thành thứ không cần là sinh vật xã hội để tồn tại giữa địa cầu.

Núi thiêng. Sự cô độc. Tôi để tất cả

Khải Đơn

====

** Từ bài này tôi mở một mục mới trên blog tên là “Trên đường“, viết về những ngày tôi đi.

Nếu bạn có hứng thú theo dõi, mời bạn bấm vào nút “Theo dõi” ở bên phải cuối trang chủ website để nhận email mỗi khi tôi có bài mới.

Tác phẩm mới nhất vừa xuất bản của tôi là du ký “Mekong – Phù sa phiêu bạt“, bạn có thể đặt mua sách tại đây.

5 bình luận về “Vắng con người

Add yours

  1. cảm ơn chị đã chia sẻ trải nghiệm này, với một người quá nhiều bất an khi trống trải như em thì việc đi đến 1 nơi vắng con người thật là cần đến nhiều bản lĩnh lắm mới có thể bước đi xa như vậy

    Thích

Comment

Blog tại WordPress.com.

Up ↑