Tôi bắt đầu chơi lướt sóng năm 30 tuổi. Trước đó tôi không hề biết bơi.
Thuở nhỏ, nhà tôi ở cạnh một con sông. Hàng năm, tôi đều nhớ vài cảnh người dân xung quanh đổ về bờ sông để xem một ai đó chết đuối. Khi thì bọn con trai đi tắm giỡn nhau xong một đứa chết. Khi thì người nhậu xỉn xuống tắm và đuối nước. Có nhà ở sát bên sông đêm ngủ đứa nhỏ rơi xuống sông chết.
Cứ vậy, cách gia đình tôi phản ứng là cấm cả hai chị em tôi bước chân xuống nước. Sống ở cạnh sông suốt 5 năm nhưng tôi chưa bao giờ bước chân xuống nước.
Có lẽ cách cha mẹ phản ứng hiệu quả, vì tôi còn sống tới giờ để viết bài này.
Nhưng có nhiều đứa bạn khác không có may mắn từ cái tính chết nhát sợ bố mẹ đó, và tụi nó vẫn đi bơi, để rồi ngày kém may mắn nào đó, một đứa trong nhóm hụt chân, đuối nước.

Cứ mùa hè đến, trên báo nói rất nhiều về các vụ trẻ con đi chơi xong đuối nước, hoặc cả đám bạn rủ nhau ra sông tắm và tai nạn.
Một phần vì nhiều con sông bị khai thác cát nặng nề hoặc lở và tạo ra những hố xoáy sâu, khiến trẻ dễ gặp tai nạn hơn. Nhưng một phần khác của bức tranh là: rất nhiều gia đình không hề cho con mình đi học bơi.
Tôi không biết bơi. Tôi mất 1,5 năm để hiểu dần cách mình có thể chết đuối. Tôi được cứu ba lần ở California, Mexico và Chile, khi sóng biển rất dữ dội và tôi bị kéo thẳng vào đá. Ngoài những tai nạn đó, tôi học cách tự xoay sở để an toàn mỗi khi chơi trên biển.
Ở Bali, một người bạn tôi làm huấn luyện viên lướt sóng kể, rất nhiều trẻ con người Bali bị chết đuối, vì nhiều gia đình để con chơi tự nhiên nhưng không dạy con biết bơi. Dù là cư dân của đại dương, họ mang trong mình nghịch lý của những đứa trẻ bị sóng biển nuốt chửng.
Đến đây, tôi cần nói rõ, bơi trên biển hoàn toàn khác với bơi ở hồ và sông. Dù một người bơi rất giỏi ở hồ vẫn có thể chết đuối khi không biết phản ứng trước sóng biển, các dòng chảy ra vào bờ, và dòng chảy của sông. Tuy nhiên, biết bơi sẽ giúp trẻ con tự ứng phó với những vấn đề bất thần xảy ra, khi các em ở nơi khó tìm sự trợ giúp: ví dụ, về quê chơi bị ngã xuống nước (gần bờ) hoặc bị bạn xô đẩy xuống hồ…
Biết bơi giúp người có thể tự cứu bản thân trong những tình huống không quá ngặt nghèo, và cũng giúp ta tự tin hơn khi đến gần các khu vực có nguy cơ, gần mặt nước.
Sau khi biết bơi, ta hoàn toàn có thể học để hiểu thêm về dòng nước ra vào ở biển, để thay vì vùng vẫy, ta trôi theo đó, lựa đoạn nước quay vào để sóng đẩy vào bờ. Ta cũng có thể cảm nhận rõ ràng vùng biển là an toàn hay nguy hiểm khi quan sát dòng chảy ra vào. Ta hoàn toàn có thể học để biết đặt câu hỏi với người địa phương là sông có hố nước sâu không, có khu vực xoáy nhiều đá không, dòng chảy thay đổi bất thần ở đâu… Tất cả đều hữu ích cho sự sống còn, và những bản tin đau đớn như nhóm bạn đi học về tắm sông chết đuối sẽ bớt xuất hiện trong mùa hè.
Một bạn nhỏ cần rất ít thời gian để biết bơi. Tôi từng đi học và thấy những em 7-10 tuổi chỉ cần hai, ba buổi là có thể ứng phó dưới nước. Tôi vất vả hơn rất nhiều, nhưng chưa bao giờ thấy ân hận vì mình dành thời gian đi tập. Tôi cần đến 10 buổi để cơ bản có thể bơi qua lại quãng ngắn an toàn, và cần thêm 1,5 năm liên tục chơi lướt sóng để tạm gọi là biết chỗ an toàn mà tập, không lao vào khu vực có dòng chảy cuốn ra xa.
Dù bạn không có điều kiện dư dả tiền bạc quá nhiều hay rảnh rỗi về thời gian, thì đi bơi vẫn có thể là lựa chọn phù hợp cho mùa hè, nhất là khi con trẻ bắt đầu rời trường và có thời gian ở nhà nhiều hơn. Môn bơi chỉ cần tối thiểu trang phục và tiền học phí (một số nơi sẽ tính vé vào cửa riêng so với phí học bơi), không đòi hỏi các thiết bị tập đắt tiền và khó tìm, thời gian tập và nơi tập cũng cực kỳ dễ tìm dù bạn ở thị trấn nhỏ hay thành phố lớn.
Nếu bạn ở quê, bạn có thể nhờ người thân, hoặc chính bạn dạy con trẻ biết bơi bằng cách dắt con đi bơi ở hồ, rồi đi tập dần ở sông, bờ biển, chỉ cho trẻ hiểu sự nguy hiểm nằm ở đâu, bé nên chuẩn bị gì khi xuống nước, sau khi cứng cáp và biết bơi. Một thú vui hoàn toàn miễn phí.

Nếu bạn nghĩ có món quà mùa hè nào dành cho con trẻ, thì hãy cho bé thời gian đi bơi. Nếu bạn đi làm về và phát cáu vì Sài Gòn nóng quá, thì xách đồ tự đi tập bơi cho bớt nực. Mẹ tôi khoảng 64 tuổi, bà tập bơi năm 60 tuổi. Bơi hàng ngày đã giúp bà không còn đau lưng như ngày trước nữa.
Dù ở độ tuổi nào, tôi tin rằng biết bơi thực sự hữu ích. Bạn không thể giữ con cái trong ngực mình cả đời. Sẽ có ngày nó đi picnic, cắm trại, nó cần phải biết nơi nào có thể đi qua, nơi nào bơi qua, nơi nào từ chối không mạo hiểm. Nó cần biết tự ứng xử khi có tình huống xảy ra – khi bạn không ở đó.
Khi lướt sóng ở California, tôi bị sóng biển đánh mạnh tới độ dây kết nối với ván đứt. Tôi không biết làm gì vì sóng liên tục kéo mình ra xa. Điều tôi còn nhớ là cứ canh sóng lên, tôi ngoi lên thở, bình tĩnh để yên sóng đẩy mình vào gần bờ, và tay giơ cao cầu cứu. Nhìn thấy bờ càng gần thì tôi càng yên tâm lặp lại theo nhịp thở đó, không để đuối nước và bị sóng dồn xuống. Hai người đàn ông chơi lướt sóng gần đó thấy tôi giơ tay, họ lập tức bơi lại, kéo tôi lên ván và đẩy tôi vào bờ.
Tôi được cứu bởi những người biết bơi, am hiểu vùng sóng và biết phản ứng với người gặp nạn. Tôi muốn mình sẽ an toàn mỗi khi ra biển, muốn bản thân thưởng thức được thiên nhiên nhiều hơn, và muốn mình không trở thành nguy cơ của người khác trong cơn đuối nước.
Khi biết bơi bạn sẽ muốn gần gũi thiên nhiên nhiều hơn. Bạn sẽ đến bờ biển không chỉ để ăn sạch hải sản hay nằm hát karaoke. Bạn sẽ thấy mình có thể thưởng thức dòng nước, cảm nhận được dòng chảy, thấy yên tâm và sẵn sàng quan sát xa hơn vùng biển nơi mình đến.
Chẳng bao giờ trễ để học bơi cả 🙂
Khải Đơn
** Chuyên mục “Sống Mỗi Tuần” do tôi viết về những trải nghiệm của bản thân – trong tương quan muốn chính mình có cuộc sống tốt hơn. Nếu bạn muốn chia sẻ câu chuyện riêng hay đặt câu hỏi, xin bình luận hoặc gửi tin nhắn riêng.
Bạn có thể subscribe theo dõi chuyên mục bằng cách nhấn vào nút “Theo dõi” ở góc phải cuối trang chủ để nhận email mỗi khi tôi có bài mới
Tác phẩm mới nhất vừa xuất bản của tôi là du ký “Mekong – Phù sa phiêu bạt“, bạn có thể đặt mua sách tại đây .
Comment