Một đêm khuya ở giữa sa mạc trong nội vùng California, tôi và mấy người bạn ngồi ngắm cả dải thiên hà lấp lánh phơi bày trên bầu trời tối thẫm.
Người bạn tôi, một chuyên viên an ninh mạng và là nhà leo núi kinh nghiệm khoảng 30 năm ở New York nói: “Hồi còn trẻ, tôi ngắm bầu đầy sao ở bất kỳ ngọn núi nào. Giờ đây, tôi phải bay từ Bờ Đông tới đây, để cho đám trẻ được nhìn thấy trời sao. Tự nhiên ngày càng hiếm hoi, phải không?”
Bầu trời sao dần biến mất, khi những thành phố mở rộng, chụp kín bầu trời bằng khói mù ô nhiễm hoặc công viên ngập đầy ánh đèn công suất lớn. Chòm sao lấp lánh và chuyện kể phai đi, người yêu bầu trời không thể chỉ cho tụi trẻ con về thắt lưng thần Orion hay cái lưỡi cày của thần nông nữa. Một phần ba thế giới đã quên mất niềm hạnh phúc gắn bó với thiên nhiên mà chỉ hơn 200 năm trước, tổ tiên họ vẫn còn đầy huyền thoại và giấc mơ chăng kín dải ngân hà. (1)
Câu hỏi của người bạn cũng là ý tưởng tôi đi tìm khoảng ba năm về trước: Hạnh phúc của chúng ta ở nơi nào? Nơi có đầy đủ mọi tiện nghi hay nơi ta không mang theo gì, trống rỗng, chân thành ngắm nhìn tự nhiên như cách tổ tiên ta từng trân trọng?
Câu hỏi có quá nhiều đáp án, để người lớn lên trong đô thị như tôi lạc lõng trước vô số giải pháp, vắt kiệt mình truy cầu phương thức nào đó khiến mình hạnh phúc. Đa số quảng cáo về “ngôi nhà hạnh phúc” phải có tủ lạnh đủ lớn, xe hơi vừa cả nhà, bếp ăn đầy thiết bị. Ngôi nhà thoáng khí đầy đủ máy lọc nước, máy lọc không khí, cửa kính chống tiếng ồn. Trẻ em phải có đủ sữa đầy dưỡng chất, thiết bị chống đi lạc. Người già phải có thuốc chống lão hóa da, lão hóa tóc, phải có dịch vụ chăm sóc tại nhà. Nhiều thành lũy được xây dần theo năm tháng. Thanh niên phải có quỹ vào đại học, du học trường tốt, tương lai hoạch định rõ ràng.
Bất cứ gì nằm trật nhịp con đường đều có thể hóa thân thành bất hạnh. Căn bệnh hiểm nghèo ập tới. Tai nạn xe sau buổi họp lớp. Tình cảm đổ vỡ sau nhiều năm kỳ vọng cuộc sống chung miên viễn. Ở tuổi 30, tôi hồ nghi vào chiều quay mà mình đang rơi vào: Liệu con người cũng chỉ là con vụ trong trò chơi vĩnh cửu xoay tròn do bàn tay quyền lực nào đó quăng xuống chiếu bạc cuộc đời? – Ta bắt đầu xoay tròn thuở 20 và tưởng cuộc xoay sẽ mãi mãi đúng nhịp hài hòa đến 60 – 70 tuổi, cho đến khi vỡ khỏi đường ray: Họ trở về với sự mất hướng ban đầu, lần này thật hỗn loạn vì trót có quá nhiều vật phẩm mang theo. Đổ vỡ tất cả và phải gom nhặt từng mảnh vụn.

Nhiều người khác cố gắng tìm đáp án của hạnh phúc bằng công trình nội tâm. Bạn bè tôi đi tìm các khóa tu học dạy họ cách lắng nghe hơi thở. Ở nơi tập luyện, họ học cách lắng nghe sự cựa mình của thiên nhiên bên ngoài và cả những động thái tâm hồn và nhịp thở lên xuống. Người bạn tôi trở về từ khóa học kể cô thật bất ngờ vì cô đã nhìn thấy cơn giận dữ chậm chạp tới, xâm chiếm cô và rồi thao túng tâm hồn cô ra sao. Người bạn thỏa mãn vì khám phá được bản thân đôi phần, cũng là điều suốt bao năm không ai chỉ dẫn cô quan sát và rung động.
Cũng có người kết thúc khóa học trở về với nhiều mỹ từ lấp lánh: cảnh giới, giác ngộ, thuần thành, tĩnh lặng… và chỉ vài tháng sau, lại quăng mình vào trầy trật giữa cuộc hỗn loạn thông thường.Hóa ra, nội tâm cũng là tòa thành vật chất có thể trở thành sản phẩm như “ngôi nhà hạnh phúc” bên trên. Là đá phong thủy. Là thức ăn thuận tự nhiên. Là thiết kế căn nhà hài hòa với âm dương nội sinh. Là những triết lý lấp lánh vay mượn, đóng thành “package” bán trong khóa học mà nhiều học viên tấm tắc ngợi khen, mua về để an tâm dưỡng gìn hạnh phúc.

Ở công viên quốc gia Joshua Tree giữa sa mạc California có một khóa viện thiền 10 ngày miễn phí. Người học khắp thế giới đổ về. Rất nhiều người sau khi kết thúc khóa thiền đã chọn sa mạc làm nhà, mua đất, và bắt đầu cuộc sống mơ ước giữa thiên nhiên tuyệt đẹp, nghĩ rằng từ đây mình hiểu hạnh phúc là gì, có thể trọn vẹn sống 24 giờ mỗi ngày với hạnh phúc.
Nhưng cũng chính ở nơi này, những người chọn khái niệm “hạnh phúc” giữa sa mạc xâm chiếm dần không gian của thiên nhiên, xây nhà nhà giữa thung lũng hoang vắng, với khu vườn đầy tượng điêu khắc lạ lùng, tranh vẽ đủ trường phái, tu tập đủ phái bộ. Chỉ gần chục năm sau, thiên nhiên ban sơ ngày nào người đến ở trân quý ngưỡng vọng đã trở thành một tổ hợp du lịch xô bồ mỗi cuối tuần – không khác gì thị trấn đông đúc ở bất cứ nơi nào khác ở Mỹ. Hạnh phúc lý tưởng ngày nào hóa thân thành nhà cửa thịnh vượng và phong cách sống mà thế giới hiện đại thò tay đến.
Đặt câu hỏi về hạnh phúc đi cùng với thiên nhiên có thể khập khiễng xa lạ, nhất là khi ta chẳng thấy mình liên đới gì với thê giới ngoài kia. Thế giới đó hàm chứa biết bao đe dọa không ngờ đến. Nhưng tôi chọn cách đặt câu hỏi này, bởi cơn điên cuồng của đô thị đã mở màn cho những bất hạnh vật lý dễ chạm tay vào nhất.
Chuyến đi tìm kiếm hạnh phúc của tôi kéo dài ba năm – có thời hạn rõ ràng như nhiều dự án khác. Cùng thời điểm xuất hành, hàng ngàn đầu sách về hạnh phúc xuất hiện trên kệ, bán đầy trong nhà sách từ Đông sang Tây. Phương Đông có người bảo đừng làm gì hết hạnh phúc sẽ tới. Phương Tây bảo phải ăn – cầu nguyện – yêu để tìm ra chính mình. Giới giàu sang bảo phải sống thênh thang nhẹ nhàng, kiếm tìm thế giới nội tâm mới thấy hạnh phúc. Người nghèo khó khắp cùng trái đất vẫn dẫm đạp lên nhau truy cầu “giấc mơ Mỹ”, “giấc mơ Châu Âu” là hạnh phúc tối thượng.

Để tìm hạnh phúc, tôi đến Bali, gặp những phụ nữ xinh đẹp trong thân hình tuyệt đẹp đang tham gia khóa nghỉ dưỡng săn sóc cơ thể do một tập đoàn du lịch của Ý tổ chức. Đêm nhạc kéo dài bất tận. Nhiều bữa trưa muộn dịu dàng đầy hoa thơm quả ngọt. Bali là giao điểm Đông Tây của văn hóa từ cổ xưa đến hiện tại. Một hòn đảo kỳ ảo như thần chú, chỉ giữ lại những gì thuần túy đam mê và dịu ngọt. Buổi sáng khởi đầu bằng bài yoga sớm, đi kèm với bữa sáng chuyện trò cùng người hướng dẫn, buổi chiều tắm biển hoặc lướt sóng, cho đến hoàng hôn dạo trên cát mềm và buổi thiền tĩnh lặng về khuya.
Câu chuyện của những người tham dự khóa nghỉ dưỡng không ngọt ngào như bữa trưa cạnh hồ bơi đầy hoa dâm bụt đỏ thắm. Hầu hết họ chạy khỏi thế giới ngoài kia vì ức lực nào đó. Cuộc hôn nhân tàn lụi. Sự nghiệp ở đỉnh cao nhưng không còn đam mê nghề nghiệp gì. Không thể bày tỏ tình cảm với con cái, người yêu. Trăn trở lo âu tìm chốn nghỉ hưu thiên đường. Gánh nặng vô hình lẩn khuất trong khái niệm hạnh phúc mà tôi và tất cả họ đang cố chạy thật xa tìm bằng được.
Bali khiến tôi rối bời. Nếu hoa thơm quả ngọt và biển xanh bất tận không thể khiến người hạnh phúc, vậy ta sẽ bỏ trốn về đâu? – Tôi rời khu nghỉ dưỡng trong mùi xạ hương, chanh và lá xả thơm lừng, định tâm không thấy gì ngoài bầu tâm sự đầy rắc rối con người quay cuồng sống.

Não người thật kỳ lạ. Chúng viễn tượng ra bối cảnh đầy bất an, thúc đẩy hành động về hướng tích trữ, xây tổ, xâm chiếm, quyết để dành cho ngày bão bùng thảm họa. Tâm trí bất an hẳn đã giúp loài người thống trị thế giới. Khác với loài chạy ăn từng bữa như thú săn mồi hay sống chui nhủi lanh lẹ như gián, chuột, quạ; con người tạo nên thành trì vĩnh đại chống lại bất kỳ thảm họa tưởng tượng nào, để trường tồn qua hàng ngàn năm và trỗi dậy làm bá chủ.
Nhưng não bộ đó phải chăng đã khiến người không thể hạnh phúc? Bởi cơn bất an chực chờ sẽ kéo sập bất kỳ niềm vui vào trong chốc lát. Nỗi sợ thiên nhiên trấn áp và nhấn chìm tất cả. Sợ tổ ấm bị hủy diệt sau lần hồ nghi và ghen tuông mù quáng. Sợ con cái và thế hệ sau mờ dần tăm tích và không còn danh phận với đời. Nỗi sợ buộc người hành động. Hành động kéo dài mãi mãi như con vụ xoay cuồng loạn suốt đời. Đến khi kiệt quệ.
Mùa thu năm ấy, tôi đi vào sa mạc ở Hoa Kỳ. Từ sa mạc Nevada đến Death Valley, từ Indian Creek đến Grand Canyon. Mục tiêu của chuyến đi chỉ là đi bộ thật nhiều, nhìn thấy sa mạc, xem ở chỗ yếu ớt và không gì cứu cánh, tôi có thể tìm được hạnh phúc không?
Sa mạc im lặng. Im lặng như dung dịch kim loại nóng chảy nguyên chất đổ đầy mắt và tai người. Suốt 30 năm tôi chưa biết sự im lặng có màu gì. Ở Death Valley, sự im lặng là không giọt nước nào tồn tại. Chẳng sinh vật nào trỗi dậy khỏi thớ đất. Im lặng của chết chóc. Ở Indian Creek, nơi có tòa tháp đá Castleton Tower, im lặng là tiếng rù rù đá chuyển động vô hình mà một nhóm nhà địa chất học ghi được sau hơn hai năm dài đặt máy ghi âm ở nơi không có âm thanh con người chạm tới (2). Im lặng của đá rùng mình. Ở Grand Canyon, im lặng là sự trống rỗng tuyệt cùng. Đáy vực quá sâu nuốt trọn mọi âm lời. Con người quá nhỏ để hình dung được họ bé nhỏ cỡ nào. Im lặng của sự bất khả tưởng tượng.

Những yên lặng đó tháo bỏ giáp trụ của con người hiện đại trong tôi xuống. Chẳng thiết bị điện thoại nào hoạt động. Chẳng thứ gì có ý nghĩa như nước uống. Mọi sĩ diện đều có địa vị ngang nhau trong chuyến đi bộ vào hẻm núi, nơi con rắn đuôi chuông chậm rãi liếc nhìn từ xa và bỏ mặc người chậm chạp kiệt sức. Chẳng sinh vật nào tạo ra thăng trầm gì được giữa hoang mạc. Sự bất tận không đáp lại những câu hỏi màu mè. Im lặng.
Một đêm ở Death Valley, dải ngân hà như từ đâu bay lên giăng mắc. Hàng triệu ngôi sao lấp lánh dày đặc, dát đầy vòm trời cong (dù bài học thiên văn không khi nào đáp bầu trời vòm cung). Sự im lặng có thanh âm của vô vàn ngôi sao lấp lánh chen chúc nhau hiện tồn.
Tôi bàng hoàng nhận ra mình không sợ nữa. Không lo âu gì. Những tưởng tượng bất an tan vào bầu trời. Sự tồn tại của thế giới chỉ còn bé xíu như từng đợt lấp lánh ngắn ngủi.
Bộ não thình lình thấy được trấn an. Nó không tạo ra nhiều bản sao thảm họa, giả định và tình huống kịch tính nữa. Nó yên tâm với bầu trời đặc quánh màu đen và dải ngân hà chuyển động. Nó không câu thúc tôi với hàng chục câu hỏi về điều thiện, điều ác, về cái xấu và sự nhẫn tâm, về sứ mệnh ở đời, về tồn vong hay tan vỡ nữa. Câu hỏi không còn quan trọng. Tôi không phải hành động tức thời vì những âu lo ập tới. Ta làm sao thay đổi được tương lai hay quá khứ – khi cả sự tồn tại bình thường nhất cũng là điều vất vả?
Nếu cứ mải miết đi tìm hạnh phúc, có thể tôi chẳng thể nào tìm được (như cách những người đến Bali để chạy trốn hay kiếm tìm). Tôi đã có chuyến đi bộ dài, ngắt quãng trong vài tháng. Thể chất khỏe dần lên. Mỗi bữa ăn đều dễ chịu, đơn giản, bình thường (nơi thực phẩm hiếm hoi trong sa mạc, người không thể mơ những món hảo hạng diệu thường ngoài phố thị). Tâm trí ngừng bấu vào những khách thể với phê bình giận dữ hay thù địch cay đắng. Tâm trí đó bắt đầu biết bận rộn vì bầu trời, vì một khối đá, cái cây, một con thỏ đang đi lang thang quanh nơi cắm trại. Ngừng giận dữ với thế giới, tôi cũng ngừng hà khắc với bản thân. Sa mạc khiến đời sống chỉ còn là sợi dây mỏng manh mà ta chẳng kết nối với ai khác ngoài mình, hay có lẽ vì thế mà mọi gánh nặng trên vai tan biến như chưa từng tồn tại?

Tôi gật đầu với người bạn đưa con đi ngắm trời sao sa mạc: Có lẽ anh làm đúng. Anh trao sự kỳ diệu cho con trẻ trước khi thế giới có thể tước niềm yêu đời khỏi trái tim chúng. Dải ngân hà trong vắt là viễn tượng đã xa xôi mà con người đã quên mất hàng triệu năm (có khi vị tổ tiên đó cũng ngơ ngác như tôi, thấy mình thật yên tâm và an ổn giữa ngàn vạn lấp lánh, dù núi lửa và đá thẳm đã rùng mình tận diệt).
Hạnh phúc được tồn tại trong hiện tại, lắng nghe thiên nhiên trả lời về yên tâm và biết bản thân gắn kết với sinh tồn tự nhiên đó – Thứ hạnh phúc phức tạp đến mức ta chẳng cần phải kiếm tìm.
Khải Đơn
=======

Mời tác giả một tách cafe
Nếu bạn thấy thích bài viết, bạn có thể comment về các chủ đề bạn muốn tôi viết ở bên dưới. Tôi sẽ tìm hiểu và viết. Cảm ơn bạn đã theo dõi trang viết của tôi.
$2.00
======
(1) Chú thích trong bài:Vào năm 2016, một báo cáo của Trung Tâm Thông tin Môi trường Hoa Kỳ cho biết 80 triệu người Mỹ, và 1/3 nhân loại không còn thấy Dải Ngân Hà nữa vì hiện tượng ô nhiễm không khí và ánh sáng xảy ra khắp nơi trên thế giới: http://www.astronomy.com/news/2016/06/one-third-of-humanity-cant-see-the-milky-way
(2) https://www.outsideonline.com/2401508/castleton-tower-moab-vibrations-sound
Comment