Lạc quan của hành tinh

Tôi nghĩ đó là lần cuối cùng mình ngắm nhìn bãi biển ấy. Và quay đi. Bãi biển đầu tiên trong đời tôi đứng ngây ngất nhìn, như lần đầu chứng kiến một sinh vật kỳ vĩ tò mò dòm lại mình từ phía chân trời. 

Nhưng quả thật tôi đã quay đi không một lần quay đầu lại, sau ngày cuối cùng ấy, đứng giữa bãi cát trắng mênh mông trộn bọc nylon và bát ngát rác thải tấp vào bờ. Trên bờ, giấy vệ sinh thổi phắt theo gió và quẩn vào chân người. 

Tôi sẽ chẳng nêu tên bãi biển đó làm gì, bởi cảnh tượng trên, giờ đây bạn có thể chứng kiến khắp nơi trên thế giới, không cứ gì Việt Nam. Khung cảnh đó vừa xa vừa gần. Nó vừa chẳng liên quan gì đến mình nhưng đủ sức bóp nghẹt thở nhận thức và cảm niệm của mình về thế giới. 

Có thể một hôm giữa biển xanh trong veo, bạn đã từng nghĩ về thế giới, về sự tồn tại của bản thân, về giá trị người, về sự sống. Ngày khác, đứng trước bãi biển đầy rác và giấy vệ sinh, cảm niệm trỗi dậy duy nhất có thể chỉ là làm sao dọn sạch đống rác kinh hoàng này, làm sao thoát khỏi đây, làm sao… làm sao… 

Sự bừng nở của loài người – của tôi – và bạn – vô tình hay hữu ý – đã thu bé thế giới của chúng ta lại thành cuộc vật lộn với dấu vết của chính mình – là thương tích trên vai các giống loài và nhân thể khác. 

Đó là điều tôi đã gặp trong loạt phim tài liệu mới nhất của BBC – Seven World One Planet – Bảy thế giới, một hành tinh.

Ảnh: BBC

Những bạn nào đã xem Blue Planet I, II, Our Planet, Planet Earth, có thể sẽ không còn thấy mới mẻ khi xem loạt phim này. 

Nhưng cảm niệm mới mà bộ phim đem lại có thể khiến người xem bối rối và tự hỏi về sự tồn tại của các giống loài khác (bên cạnh mình). Ngài David Attenborough, người dẫn truyện sau các loạt phim nói: “Nếu bạn cho thiên nhiên một cơ hội, nó hồi phục… Nếu thế giới có thể cùng nhau ngừng lại, thiên nhiên sẽ hồi phục. Và tôi lạc quan vào điều đó.” 

Sự lạc quan mà Ngài David Attenborough thể hiện trong loạt phim này thật bàng hoàng. Ông lần giở lại những chuyến đi đến Borneo (Indonesia) thời thập niên 1950, chỉ vài bước chân dẫm phải quả sầu riêng gặm dở, ông đã nhìn thấy chú đười ươi orangutan nổi tiếng của Borneo ngồi vắt vẻo trên cao nhìn ông và cậu trai người Indonesia. 

50 năm sau đó, ông đi thuyền đến Borneo. Những cánh rừng biến mất. Ngoài bìa rừng, chú đười ươi orangutan hoảng loạn chạy, bấu vào cần trục một máy cẩu phá rừng. Nó gục xuống khi nhà bảo tồn đánh thuốc mê để di cư nó về chốn an toàn mới. Nó may mắn hơn rất nhiều đồng loại khác, đã chết khi hàng cây gục xuống, đã mất quê hương khi cây xoài thay thế cho rừng dầu cọ bạt ngàn không biên giới. Người dẫn chuyện ngồi trên con thuyền, ngạt thở bày tỏ ông không thể tin trong đời ông lại chứng kiến sự thay đổi dữ dội này. 

Nhưng sự lạc quan mà Ngài David nói còn được thể hiện trong một góc máy trên không, nơi những chú cá voi khổng lồ lừ lừ tiến lại một nhà bè nuôi cá. Chúng đến đông dần. Đông dần. Tập trung lại. Ngay khoảnh khắc đó, ba cậu bé con dân chài cười khúc khích trên thuyền, ném cá con xuống cho đàn cá voi ăn. Chúng đùa chơi. Bầy cá no bụng. Giữa đại dương vĩ đại vô ngần. Chiếc đuôi to trồi lên rồi hụp xuống, cá đầy miệng no bụng thì đi. 

Sự lạc quan của một nhà tự nhiên học, nhà làm truyền hình như ngài David Attenborough thể hiện, là chúng ta không cần phải đi rất xa để tìm kiếm tự nhiên. Thiên nhiên có khả năng kỳ diệu giúp ta hồi phục khỏi căng thẳng, kiệt sức, đớn đau, lo âu, mất ngủ. Chỉ cần ta gieo một hạt mầm trong nhà, nhìn nó lớn lên, nhìn nó biến đổi mỗi ngày, ta biết thiên nhiên đang tồn tại. 

Tôi nghĩ “cho thiên nhiên một cơ hội” không phải điều vĩ cuồng to tát, mà là khi con người ta đủ bao dung để che chở cho một chú mèo hoang, đủ bao dung để thả con sâu trở lại cái cây trong sân nhà, đủ bao dung để thức dậy ra sân nhìn hạt mầm đã trồi khỏi đất. 

Sự bao dung đó sẽ tiến hóa lên vạn lần, khi ta ý thức rằng mỗi thay đổi rất nhỏ trong đời sống của mình có thể là cơ hội cho muôn vàn giống loài khác tồn tại. Như mấy cậu bé con làng chài đánh cá, chúng vẫn đánh cá, ăn cá, bán cá, và chúng nhường đời sống còn lại cho tụi cá voi tự do. Như ta vẫn sống mỗi ngày, cần thịt cá rau trái để sung túc, nhưng không cần đến mức bóp chết dòng sông và cánh rừng, vét cạn cá biển và đầu độc trời cao. Ta sinh tồn. Muôn loài sinh tồn. 

Nếu bạn có con nhỏ, tôi hi vọng bạn sẽ cùng bé xem tiếp loạt phim Seven Worlds One Planet này. Thông điệp tuyệt đẹp về tình mẫu tử của đười ươi, về chuyến đi kiếm ăn của chim cánh cụt, về đêm bão tuyết của hải cẩu, về vô vàn kỳ diệu mà tự nhiên đã tạo ra để chúng ta sống cùng. 

Điều tuyệt diệu đó, lạc quan mà nói, ở bên ta hàng ngày. 

Khải Đơn

** Hiện giờ Seven Worlds One Planet có trên Torrent, bạn nào xem có thể dùng torrent tải. Netflix sẽ chiếu vào mùa thu năm nay.

=========

Mời tác giả một tách cafe

Nếu bạn thấy thích bài viết, bạn có thể comment về các chủ đề bạn muốn tôi viết ở bên dưới. Tôi sẽ tìm hiểu và viết. Cảm ơn bạn đã theo dõi trang viết của tôi.

$2.00

Advertisement

Comment

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

%d người thích bài này: