Tư duy lại về cuộc sống ngoài dịch bệnh

Năm 2020, tôi trở thành một trong số những người Việt bị gạt ra ngoài vị trí là công dân Việt Nam: Trở về mái nhà có gia đình mình, dù có đủ giấy tờ, quốc tịch và quyền trở về. Lý do đơn giản: Việt Nam cần phải chống Covid-19.

Về cá nhân và cộng đồng

Nhân danh sự sinh tồn của số đông (95 triệu người), số ít (vài triệu) người lỡ chân mắc kẹt ở nước ngoài không thể trở về. Khi ấy, có hai quốc gia hành động bạo liệt với chính sách này là Úc và Việt Nam. Ý kiến của công chúng tại Việt Nam đa phần đồng tình với quyết định của nhà nước khi ấy. Dù sao số ít vài triệu người đó đáng bị hi sinh hơn số đông 95 triệu người. Là một cá nhân, tôi không có quyền đòi hỏi.

Cùng thời gian đó, hai chị em bạn gái ở Hà Nội trở về từ Anh Quốc, bị nhiễm Covid-19, và bị cộng đồng mạng “theo chân” từ cái Instagram Story, tới comment, tới địa chỉ nhà, tới số điện thoại. Là một phóng viên tự do quèn, chẳng có nhiều kỹ năng gì, nhưng tôi có thể tìm ra tất cả thông tin họ hàng cha mẹ, địa chỉ, đường đi nước bước của gia đình cô gái. Danh tính và đời sống của cá nhân bị nghiền nát dưới nhân danh của sự tồn vong của cộng đồng lớn. Cách hành động của cơ quan nhà nước và báo chí ở Việt Nam chứng minh cho chọn lựa đó. Mỗi báo cáo của bộ y tế về lịch trình di chuyển, địa chỉ nhà, số điện thoại, giới tính nhanh chóng được những người mẫn cán có liên quan chụp lại và tung lên mạng.

Tiết lộ địa chỉ được biện minh là để hàng xóm biết ai bệnh mà tránh đi. Tiết lộ thông tin đời sống riêng mang danh nghĩa là để mọi người biết ai là F1 mà tự nguyện đi xét nghiệm. Mạng xã hội là công cụ tiện nghi biến mỗi người thành thầy pháp săn phù thủy. Người nhiễm bệnh Covid-19 – là loại phù thủy cần bị tóm cổ và nhốt vào chuồng. Mọi hành động trên đều được mặc chiếc áo hợp lý tên “sức khỏe cộng đồng”. Và có lẽ giá trị của nó sẽ vĩnh viễn như vậy, nếu không đến một ngày, toàn bộ thành phố lớn nhất Việt Nam trở thành “phù thủy” – ngay trong con hẻm mình sống, ngay trong tòa chung cư mình ở, ngay ở trường cấp ba con mình theo học.

Vậy chúng ta có tư duy lại về dịch bệnh và sống với nó không?

Mười một năm trước, khi làm một tuyến bài về bệnh nhân HIV, một nhân viên cộng đồng giải thích cho tôi (năm 2010) là chỉ cần người bệnh uống thuốc đều đặn và săn sóc sức khỏe, họ có thể sống khỏe mạnh nhiều năm. Nhưng nhiều người không hề biết điều này khi mới mắc bệnh, mà chỉ nghĩ mình mắc “bệnh thế kỷ” sống không bằng chết, vì vậy trầm cảm và từ bỏ sự chữa trị, dẫn đến qua đời.

So sánh cách ứng xử với bệnh nhân HIV và cách một năm qua cộng đồng chúng ta ứng xử với người mắc Covid-19. Người bị bệnh bị truy kích từ đạo đức đến phẩm giá, từ sự riêng tư, bạn trai bạn gái, tới nghề nghiệp, công ty, bị gọi điện tới tận văn phòng sỉ vả, bị “truy vết” khắp mạng xã hội và mỉa mai từ đôi giày, quần áo, bạn đời tới… ba họ ông bà.

Nhưng giờ đó đã là chuyện lỗi thời. Ngôn ngữ của cộng đồng giờ đã khác. Mỗi người trở thành một bệnh nhân dự khuyết trong lo âu bệnh tật và sự vất vả đi siêu thị. Một năm trước, không ai thông cảm cho bệnh nhân nếu họ cũng có nhu cầu đi siêu thị, nhu cầu đi khám bệnh cho mèo, nhu cầu đi kiếm tiền vì hết tiền ăn. Giờ đây, ta có đủ thời gian để ở trong hoàn cảnh của người bị cách ly – và một cơ hội để quan sát tương quan giữa mưu cầu của mỗi người và sự ép buộc hi sinh hoàn cảnh cá nhân vì nhân danh cộng đồng. Người bệnh cần phải cách ly vì tính chất căn bệnh, nhưng không thể bị tước bỏ phẩm giá và sự riêng tư để phụng sự cho cơn phẫn nộ của cộng đồng.

Năm 2020, khi tôi ở Santiago de Chile. Thành phố buộc những chung cư ổ chuột phải “cách ly” khi dịch bùng phát trong chung cư (mỗi phòng có khi 8-12 người ở) dân lao động nhập cư từ Venezuela và Haiti. Chỉ vài tuần sau đó, thành phố bùng lên bạo động. Những người đói khổ không có khoản tiết kiệm nào vẫn phải vùng ra đường kiếm ăn trên những khu chợ trời giữa đường. Cảnh sát đánh úp thì họ chạy. Cảnh sát đi họ quay lại. Sự đói khổ vượt qua lý lẽ của sức khỏe cộng đồng.

Những đợt bùng phát tương tự cũng xảy ra ở Singapore, ở khu chung cư có người lao động Ấn và Bangladesh. Nhưng có lẽ Singapore đủ giàu và bình tĩnh để không khóa trái người bệnh trong những căn phòng tối tăm. Người bệnh được điều trị, được chính phủ phát thực phẩm và không bị truy cứu hình sự. Các đợt bùng phát ở khu đói nghèo tại những quốc gia và thành phố giàu có cho thấy ta không thể “bịt” dịch bệnh bằng cách nhốt người vào 1 tòa nhà hay sau song sắt, phớt lờ sự mưu sinh của một nhóm người dễ bị tổn thương để có được con số làm hài lòng công chúng. Dịch bệnh không thể giấu đi như quét rác rồi đậy thảm lên được. Nếu mỗi cá nhân không có quyền được chăm sóc để hết bệnh hoặc cùng sống để đi qua mùa dịch bệnh, cộng đồng sẽ không đi qua được mùa dịch bệnh trong tâm thế lành mạnh và vì nhau.

Sống ở đô thị hay nông thôn?

Trong đỉnh cao dịch bệnh cuối năm 2020, tôi đến một làng chài nhỏ ở Mexico. Ngôi làng có chừng 5 con đường. Vì dịch bệnh bùng phát, không có bao nhiêu du khách đến. Cả ngôi làng vắng lặng, người dân sống bình thường. Ngoài cái siêu thị lớn nhất có nhiều khách từ nơi khác đến, trong làng cũng không ai đeo khẩu trang. Tôi hỏi nhiều người thì ở làng số ca nhiễm bệnh rất ít, gần như không có nhà nào có bệnh nhân nặng. Vài tháng ở đó, tôi không chen chúc trong bất cứ thương xá nào, không cần ngồi sát cạnh người khác trong nhà hàng đông đúc, không đứng sát rạt nhau trong khu chợ ồn ào. Sống ở môi trường có mật độ dân số thấp, nỗi lo nhiễm bệnh giảm xuống còn rất thấp.

Photo by Shane Rounce on Unsplash

Vài tháng sau đó, trong một chuyến đi cắm trại đến Joshua Tree National Park, tôi nói chuyện với anh chị chủ khu cắm trại. Họ kể nhà ở Los Angeles. Vì giãn cách xã hội, họ đưa cả ba đứa con đến khu cắm trại. Tụi nhỏ học qua internet 4G. Hết giờ học thì chạy chơi tung tăng khắp khu cắm trại rộng vài acres. Không có ai để “tiếp xúc gần”, không phải đối mặt với biểu tình, tắc đường trong LA, cũng không phải khổ sở chờ kẹt xe ở cổng siêu thị để đi mua hàng. Họ chỉ có hai căn lều cho thuê. Trong một năm giữa thiên nhiên, bọn trẻ vẫn lớn lên khỏe mạnh. Vợ chồng vẫn có thể làm việc mà không phải nhốt mình trong căn hộ chật hẹp khi đám con giỡn đùa la hét. Chúng có chạy hết khu đất cũng không có người lạ hay xe cộ gì đe dọa. Giữa “nông thôn” sa mạc, họ tìm được chỗ trú ẩn khỏi những nguồn lây từ thành phố LA khổng lồ.

Covid-19 có thể chỉ là cơn hứng khởi nhất thời khi nói về cách ta chọn nơi ở. Nhiều người không có quyền chọn lựa, nhất là với công việc chỉ có thành phố lớn cần. Nhưng tôi đã sẵn sàng chọn từ bỏ đô thị lớn, rời xa những tiện nghi mà tôi yêu nhất, như rạp chiếu phim, nhà hàng, mall, để đổi lấy không gian sống có nhiều nơi để thở và tư duy trong đơn độc. Chuyện “bỏ phố về vườn” nghe lãng mạn đã nhiều năm qua trong các nhóm làm nông nghiệp. Tôi không phải người làm nông nghiệp, và chuyên môn không cho phép tôi chọn hành nghề ở đâu. Mỗi đánh đổi đều xoay sở và trả giá khác nhau. Tôi chọn rời bỏ đô thị lớn để có không gian tốt hơn cho sức khỏe tinh thần và lựa chọn sống của mình – và tôi sẵn sàng đổi cái rạp chiếu phim yêu quý nhất cho không gian đó.

Phẫn nộ hay bình thường

Có 24 giờ mỗi ngày để lên mạng, ta nhanh chóng trở thành lượng khán giả khổng lồ trên mạng xã hội. Ta bức bối. Ta không thể vô can. Ta can dự vào tất cả mọi việc bằng sự nồng nhiệt và ức chế sẵn có khi mắc kẹt tại nhà. Có thể bạn sẽ bàng hoàng khi mở một phần comment của bất cứ vấn đề gì, từ từ thiện đến điều lành, từ video quay cảnh người dân bị dân phòng chửi bới gom hàng đến cảnh người làm từ thiện quát tháo người đến xin cơm. Ta nổi lửa cùng với hàng triệu người khác cũng đang… mắc kẹt trong nhà.

Ngày hôm qua, trên FB của HUST Confession, một ai đó đăng cảnh thầy giáo mở video dạy học online bằng cách quay cảnh ông viết trên bảng thật tại nhà. Chữ tù mù không nhìn thấy rõ. Bên dưới mấy trăm comment chế nhạo người thầy. Ta có tất cả lý lẽ để phẫn nộ và chế nhạo. Ta càng có nhiều thời gian để “điều tra” sự vụ trên FB để thảy vào rổ một chiếc comment ác ý. Nhưng có bao nhiêu bạn sinh viên trong post đó đã đề nghị hỗ trợ kỹ thuật để thầy giáo giảng bài online tốt hơn?

Photo by tribesh kayastha on Unsplash

Trong học kỳ giữa mùa Covid-19, các giáo sư dạy văn học của tôi cũng đối mặt với rắc rối kỹ thuật tương tự. Đôi khi phải vẽ cấu trúc câu, cô không biết dùng tính năng bảng trắng ra sao để cả lớp cùng tham gia vẽ. Cô chỉ cần hỏi và ngay lập tức có bạn sinh viên nói sẽ “phụ đạo” cho cô sau giờ học. Ngày sau đó, cả lớp đã có thể cùng tham gia làm bài trên bảng trắng. Trường tôi có cung cấp giảng viên hỗ trợ kỹ thuật cho giáo viên, nhưng khó có thể đáp ứng kịp với đặc thù từng môn. Nhiều bạn học trong lớp đã trở thành kỹ thuật viên tự nguyện để cô không mất thời gian loay hoay. Không ai coi sự vất vả xoay sở với IT của cô là trò cười cả. Và cũng chẳng ai chụp màn hình để post sau giờ học về một buổi cả lớp vật lộn cùng ngồi vẽ cấu trúc câu trên Zoom. Tôi cũng học cách không cảm thấy phẫn nộ vì sự chênh lệch khả năng của đồng nghiệp, giảng viên khi phải xoay sở với hoàn cảnh mới. Sự chế nhạo không làm ta thấy một ngày trong cách ly vui vẻ hay khá khẩm gì hơn. Mỗi khi ném một lời ác độc lên mạng xã hội, ta ném thêm một đồng xu vào con heo đất tích trữ điều giận dữ – để biến thành nguồn cơn làm cuộc sống tối tăm hơn nhiều lần.

Hành xử ra sao trên mạng xã hội trong mùa dịch bệnh góp ảnh hưởng nhiều đến cảm xúc của bạn trong đời thực – khi bạn bỏ điện thoại xuống và đối diện với người thân yêu giữa bốn bức tường ngột ngạt. Bạn có quyền chọn lựa mang sự phẫn nộ và nanh nọc từ màn hình ra đời thật. Vậy bạn muốn sống bên người ta yêu trong sự phẫn nộ hay bình thường?

Khải Đơn

==========

Mời tác giả một tách cafe

Nếu bạn thấy thích bài viết, bạn có thể comment về các chủ đề bạn muốn tôi viết ở bên dưới. Tôi sẽ tìm hiểu và viết. Cảm ơn bạn đã theo dõi trang viết của tôi.

$2.00

Advertisement

3 bình luận về “Tư duy lại về cuộc sống ngoài dịch bệnh

Add yours

  1. Em cũng đang phải cách ly sau khi về Việt Nam, có thể em sẽ lại sắp trở thành một trong những “con sói đói” chỉ nhăm nhe có chuyện gì để xả cơn buồn bực vào trong đó.
    “Việc sử dụng mạng xã hội quá nhiều em thấy khiến cho bản thân ta mang trong mình tư duy của mạng xã hội đấy – bằng việc tiếp xúc quá nhiều với cái tư duy ấy, nhiều và liên tục. Sử dụng mạng xã hội thay vì giúp cho bản thân được đưa ra chính kiến, lại trở thành việc biến ý kiến của mình luôn bị đổ theo đám đông” – đôi khi em vẫn nghĩ vậy chị ạ!
    Dù sao tin vui là khi về đến Việt Nam và lấy lại được thẻ Visa, em có thể “mời chị cà phê” sau mỗi “cú like” rồi :))

    Đã thích bởi 1 người

Comment

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

%d người thích bài này: