[Lại] Về hạnh phúc 

Khi 18 tuổi, tôi đậu đại học vào trường báo chí. Tôi nghĩ mình hạnh phúc. Tương tự mọi đứa mới lớn vừa tập tành biết đọc vài từ tiếng Anh, tôi tìm thấy đâu đó những câu như “Nếu bạn làm đúng việc mình đam mê thì cả đời bạn không phải làm việc”, hoặc “tuổi trẻ hạnh phúc là được cháy hết mình vì đam mê”. Tôi viết vài câu trong số đó vào sổ, thầm hứa sẽ sống thẳng thớm với lời trân quý đó. 

Tôi chưa bao giờ ngưng tìm kiếm hạnh phúc. Có thể vì tôi chưa bao giờ có đủ hạnh phúc nên hay đi tìm, hoặc vì chưa bao giờ thỏa mãn với bất kỳ lời giải thích nào nên vẫn cần thêm lựa chọn khác. Chừng chín năm sống bằng những câu viết bên trên, tôi làm tròn những việc mình chọn, đạt được vài thành tựu tự thỏa mãn. Một ngày nọ, tôi đạp xe cạnh một cánh đồng lúa ở ngoại thành Bangkok, tìm đến quán bán gỏi yêu thích. Thình lình tôi tự hỏi mình ở đây để làm gì, và những việc mình làm mỗi ngày để làm gì. Mồ hôi rịn sau lưng áo. Tôi đạp nhanh hơn. Tôi băng qua khỏi khu chợ nổi có tiệm bán gỏi và đi mãi như vậy tới khi mặt trời dừng ở đỉnh đầu, tôi cực kỳ khát và đau ngực. Giữa cánh đồng xanh biếc, mắt tôi trống rỗng và con ngươi đau muốn nổ ra. 

Cuối cùng, tôi không rẽ vào chợ mà quay về bến đò. Cơn mưa rào thình lình ập xuống. Mưa to và gió đến mức cái bến chờ đò rung lắc và mái tôn run kót két. Chiếc đò rẽ màn mưa chầm chậm cập bến. Trên đò đã đầy khách. Những người có xe đạp đã xếp xe kín chỗ. Người lái đò lắc đầu nhìn tôi với cái xe đạp. Nhưng rồi không hiểu vì sao ông cập bến, vẫy tôi xuống. Tôi đẩy xe đạp ra trước. Ông đón chiếc xe, dùng hai sợi thừng lớn quấn lấy thân xe và để nó đứng vào một chỗ kẹt gỗ trên mép ghe. Tôi trèo xuống và ngồi nép bên hông đó, tay phải giữ chặt xe cho khỏi lắc vì thừng cột không quá chặt. Cơn mưa dày xé không khí táp vào mặt tôi. Tiếng máy ghe lõm bõm như tiếng hạt ngô rơi trên mái nhà. Chầm chậm. Dò xét đi vào màn nước đục. 

Chuyến đò kéo dài không biết bao lâu. Người lái dừng ở nhiều bến. Khách thưa thớt xuống dần. Nhưng mỗi lần thuyền quay trở ra giữa sông, tôi lại rơi vào khối nước và không khí xam xám kỳ ảo đó, như thể nếu đi mãi, tôi sẽ rẽ vào một vùng đầm lầy lạ lùng, nơi những con người ngoi lên từ nước lớn, da thịt mọc rêu xanh và tóc đặc như dải lúa trĩu mùa. Nhưng rồi thuyền cập bến của tôi. Tưởng tượng kết thúc bằng tiếng thuyền chạm vào bến bằng tiếng gỗ khô khan. Người lái đò gỡ xe đạp chuyền cho tôi lên bến. 

Ít lâu sau tôi nghỉ công việc mình đam mê. Từ dạo ấy, tôi nhìn những cụm từ “sống với công việc mình đam mê”, “cháy hết mình” bằng cái nhìn ngờ vực, như một người mất hướng và cảm thấy có lỗi với lời hứa hẹn mình lỡ mồm thốt ra khi chưa đủ chín chắn. Thật kỳ lạ là tôi chưa bao giờ tự hỏi vì sao những cụm từ đó lại đến được với mình, xuất hiện trong đời mình và tự dưng tại sao chúng biến thành kim chỉ nam của mình suốt thời gian dài đến vậy. 10 năm tuổi trẻ của tôi giống như chuyến đi đò qua cơn mưa đục và tối đó vậy. Tôi không biết gì và cuộc sống muốn đi tới đâu tùy ý nó. Chỉ có tôi tưởng là mình đang kiểm soát tất cả theo hành trình đam mê. 

Tôi google cụm từ đó. Hóa ra “đam mê” là một ngành kinh tế béo bở.  Hàng trăm tác giả viết bằng tiếng Anh từng viết chủ đề này. Số tác giả viết bằng tiếng Việt chắc nhiều không kém. Các dịch vụ huấn luyện sự nghiệp, tư vấn thành công nở rộ đều xài cụm từ này để báo giá cho người học. Tôi cũng là một phần trong số ấy, ở tuổi 25, vài quyển sách của tôi viết về chủ đề tương tự và (thật may mắn) tôi có nhiều bạn đọc từ chính nhu cầu ấy của tôi và của người đọc cùng trang lứa. Chúng tôi mua và bán đam mê cho nhau. 

Đam mê CÔNG VIỆC được đánh đồng với hạnh phúc. Người ta viết về nét đẹp này bằng hình ảnh họa sĩ, người thiết kế thời trang, người làm vlog, người viết văn, người làm ngành sáng tạo nói chung. Có thể một phần công việc của những người này liên quan đến cái đẹp, kiếm lời từ cảm giác đẹp, nên họ biết cách trang điểm cho nét đẹp thêm phần lấp lánh. Ít có ai làm các nghề đẹp lên mạng để nói về độ xấu công việc họ phải làm. 

Họ không bàn luận sự thiếu đạo đức của những chiến dịch như Coca Cola giúp khắc phục rác thải nhựa hoặc sự khiên cưỡng của mì gói Hảo Hảo khiến gia đình hạnh phúc ngon miệng. Sự xấu xí trong các thảo luận “sáng tạo” thường không có mặt mỗi khi người trong ngành lên sân khấu nói về đam mê nghề nghiệp. Tôi cũng vậy. Tôi không nói về sự cạn cợt và thiếu tri thức của mình khi viết về những chủ đề phức tạp, nhưng tôi vẫn viết vì thời sự cần và tôi sẽ ngừng viết sau hai số đăng báo. Khi kể chuyện về đam mê CÔNG VIỆC ở trong những ngành tôi có liên quan, chúng tôi bọc đường và đánh lừa người khác bằng cảm giác chúng tôi đang sống ở trên mây. Thẳng thớm. Xinh đẹp. Tiến bộ. Lộng lẫy. Đam mê nên đó không phải công việc mà là cuộc đời tôi chọn. 

Đam mê LÀM VIỆC NHIỀU được ca ngợi trong xã hội. Báo giới viết về tấm gương những học trò học ngày học đêm với khao khát đổi đời bằng con chữ. Chỉ có những em học sinh luyện thi điên cuồng, viết 11 trang giấy đạt thủ khoa tốt nghiệp mới được lên báo. Không ai viết về hành trình vật vã của những đứa trẻ bình thường cố hoàn thành hết chương trình phổ thông với những rào cản khiến chúng vừa rối loạn vừa khổ sở. Những đứa tự tử vì thi trượt đại học và tốt nghiệp chỉ lên báo như tấm gương xấu cần bêu. Sau khi hết thành trình đi học, đam mê LÀM VIỆC NHIỀU tiếp tục hứa hẹn thành công cho người trẻ. Tấm gương startup thành công làm ngày làm đêm không ngủ. Những lãnh đạo công ty tự tin viết lên Facebook rằng nhân viên của họ sẵn sàng làm việc tới hai giờ sáng. Thỉnh thoảng có những công nhân lên báo vì làm tăng ca tới 15 giờ để con cái có tiền vào đại học. Thành công là quả ngọt sinh từ quá trình mồ hôi đổ không thương tiếc. 

RỒI SAO NỮA? 

Nếu giờ đây tôi đứng trước mặt bạn và hỏi “RỒI SAO NỮA?” khoảng 10 lần, có thể bạn sẽ tát tôi vì khó chịu. Chính tôi cũng muốn tát mình thật đau khi câu hỏi đó liên tục câu thúc tôi như tiếng hạt ngô rơi trên mái nhà giữa màn mưa ở Bangkok. 

Tôi đã trở thành một hạt nhân điển hình tự mua cho mình lý tưởng rút gọn của nền sản xuất tập trung muốn sinh ra lượng tiền nhiều nhất có thể trên mỗi cá thể mà xã hội đó điều hành. Tôi là một mắt xích trong nhà máy lao động điên cuồng để tạo ra thêm nhiều tiền bạc hơn nữa. Tôi chỉ là cái nhãn giày dính trên hàng triệu đôi giày sẽ xuất xưởng để phục vụ cho khao khát mua giày thêm giày nhiều giày nữa. Tôi chỉ là giọt dầu máy trong guồng máy không ngừng tạo ra thứ gì đó – TRỪ BẢN THÂN TÔI. Tôi chỉ là nguyên liệu đầu vào cho một chiếc máy xay thịt quy mô khổng lồ xay con người thành sức lao động. Trái tim tôi, tâm hồn tôi, da thịt tôi bị tối giản và định giá thành “đam mê” + “công việc”+ “làm việc nhiều”.

RỒI SAO NỮA? 

Hiểu ra điều này có ích gì không? Tôi nói luôn cho bạn biết là chả có ích gì hết. Thực ra cũng chẳng cần hiểu đến đây làm gì nếu bạn hạnh phúc với tất cả những đóa hoa đam mê thơm ngát mà bạn đang chiêm ngưỡng. 

Nhưng tôi không hài lòng với câu trả lời cụt ngủn đó. 

Tôi đi một chuyến đi kéo dài nhiều năm, quan sát hạnh phúc hình thành trên những ấn phẩm văn hóa mà thế hệ tôi được hưởng. Tôi đến Bali để nhìn những bạn gái trẻ xinh đẹp ngơ ngác hạnh phúc với “Ăn, Cầu Nguyện Yêu” trong khi dân Bali hết lòng chiều chuộng nét đẹp đó và biến thành nền du lịch trị giá triệu đô. Thần thánh nào cũng được. Linh thiêng cỡ nào cũng có. Huyệt đạo nào cũng tốt. Miễn trả tiền đây là được. Những ngôi đền Hindu cực kỳ xinh đẹp bán vé để họ vào chụp những bức ảnh rực rỡ. Một hôm ngồi bên chiếc hồ tắm thiêng, bên dưới lúc nhúc hàng chục người đang tắm, một cô gái tóc vàng tạo dáng rất lâu để bạn trai chụp cho cô post instagram về hạnh phúc. Hạnh phúc gói gọn trong những bức ảnh 800×800 với nhiều like và comment nhất có thể. 

Mỗi khi ai đó hỏi tôi làm gì, tôi đáp mình đi vòng quanh trên một chiếc camper. Họ sẽ bảo tôi thật may mắn. Ai cũng ước có cuộc đời như tôi. Họ hỏi vì sao tôi làm được vậy. Vài giây phút đó, tôi nghi ngờ có thể hạnh phúc của mình được tạo ra bởi sự công nhận của người khác. Tôi thấy sống trên một chiếc camper là việc bình thường, đó là cách sống của tôi và người yêu tôi. Nhưng vì có người bên ngoài ngợi khen, bỗng nhiên tôi “phát hiện” mình hạnh phúc. Phải chăng tôi chỉ thấy hạnh phúc vì được khen? Có phải hạnh phúc là được nâng lên bởi lời có cánh? Nhưng nếu cần chừng đó lời có cánh, nghĩa là tôi phải thành công liên tiếp với đam mê [về nghề nghiệp hoặc tài sản] hoặc liên tục có ảnh đẹp phiêu lưu đăng trên mạng. 

Có lần ở trên báo Mỹ có cặp đôi trẻ là một bạn gái da trắng xinh đẹp tên Gaby Petito và bạn trai của cô tên Brian cũng đi du hành nước Mỹ bằng camper. Sau đó người ta tìm thấy xác bạn gái trong một công viên quốc gia. Bạn trai trở về nhà với chiếc camper, đi vào rừng và tự sát. Chuyện tình bi kịch chu du thế giới kết thúc như vậy. Nhưng nếu bạn chỉ mở Instagram lên xem, bạn sẽ thấy đó là một hành trình đáng mơ ước. Cả hai đều hạnh phúc rực rỡ giữa núi non, sóng biển, trời cao, nắng ngọt. Khi xem hình ảnh đó, tôi rùng mình tự hỏi đó có phải là hạnh phúc mình đang đi tìm không?  

Sau đó ở Grand Canyon, ngày tôi đến có một cặp đôi Ấn Độ rơi xuống vực vì muốn có một quả ảnh hạnh phúc ở điểm cao chênh vênh nhất. Trong 5 năm qua, mỗi nơi tôi đến như Yosemite, Red Rock, Red River Gorge đều lâu lâu lại có những nữ nhân và nam nhân liều mình lao xuống núi vì một quả ảnh hạnh phúc như vậy. Thú thực ra tôi không giỏi chụp ảnh và chưa rơi xuống vực. Vậy tôi có đủ hạnh phúc không? Có phải hạnh phúc là khi ta mắc kẹt trong cuộc sản xuất hạnh phúc của những người quanh mình không? 

***

Rồi đại dịch Covid-19 xảy ra. Ngày đại dịch tới tôi không sống trên chiếc camper, không ở cạnh người yêu, cũng không ở kế thắng cảnh hoành tráng nào để chụp một quả ảnh để đời. Tôi mắc kẹt ở một quốc gia rất xa. Căn phòng tôi ở chỉ vừa một chiếc giường, một bàn học và đủ khoảng trống để tôi trải xuống một chiếc thảm yoga. Tôi ngồi nhìn bức tường sơn màu xanh nhạt và tự hỏi “giờ thì mày làm gì với chính mày đây?” 

Tất cả những chuyện trong giai đoạn cách ly của mọi người đều giống nhau, tôi không nghĩ mình cần phải kể lại làm gì. Chúng ta đều làm những việc cần làm để kết thúc nó. Tôi nhìn thấy ranh giới giữa thế giới và cơ thể mình bị xóa nhòa. Cơ thể của tôi bị quy định bởi những định chế mà thế giới này tạo ra. Chiếc xe quân sự đậu trên đường lớn có thể tống một cái thân thể như tôi vào lại căn phòng biệt giam. Màn hình máy tính phát đi bản tin thời sự quy định tôi nên nghĩ gì ngày hôm ấy. Chỉ có sự nhàm chán bắt đầu phình to như một khối u nằm trong phổi. Sự nhàm chán không biến đi. Nó gào thét đòi tôi phải thừa nhận nó tồn tại. Nó muốn ở ngay cạnh tôi, gối trên tay tôi, ngồi trên ngực tôi, cưỡi lên cổ tôi. Nó muốn tôi mang nó theo như đứa con trời bắt nợ. 

Tôi dùng hết sức bình sinh để tấn công sự đờ đẫn. Đôi khi thèm khát cơn sóng phiêu lưu, tôi lên mạng photoshop giả một mớ giấy thông hành để đi chạy bộ từ đầu này thành phố tới khu chợ cá ở giữa thành phố. Ở mỗi trạm quân kiểm, khi qua mặt được một nhóm lính, tôi cảm thấy tài năng lươn lẹo của mình được công nhận. Cơn sóng hồi hộp và sợ hãi dâng lên cùng lúc với cảm giác được tưởng thưởng vô hình. Tôi không còn thấy nhục nhã vì mình làm điều sai nữa. [ Và tôi tự hỏi, có phải tôi luôn thấy nhục nhã không dám làm gì sai luật lệ vì tôi đã bị cô giáo tiểu học của mình đánh đến đỏ tay mỗi lần đi học trễ]. Tôi tấn công sự nhàm chán như tay võ sĩ yếu ớt nhưng lì đòn đến mức không lùi bước dù thương tích đầy mình. Mỗi trò chơi xuất hiện chỉ để thỏa mãn một chút vui vẻ vô nghĩa nào đó để tôi kết thúc một ngày và cố đi thêm một ngày khác. 

Trong bảy tháng mắc kẹt trong căn phòng ấy, tôi quan sát thế giới quanh mình là trò chơi lớn. Tôi tìm cách phá vỡ “luật chơi” để đến giữa thành phố. Tôi tìm trên bản đồ những đường luồn để đi lên đồi cao mà không bị xe quân sự cản lại. Tôi chạy bộ trên bãi biển để vượt qua một đoạn đường mình thường vượt không nổi. Có một lần, tôi đi thẳng đến tháp canh của hai sĩ quan canh gác bờ biển. Tôi biết họ sẽ chặn mình lại. Tôi tưởng tượng mình sẽ nói gì. Tôi nghĩ về cảnh tượng họ sẽ hốt tôi về đồn và cho tờ giấy phạt. Tôi thực hành các ý nghĩ như một phần trò chơi mình dự đoán. Có khi sự việc xảy ra như vậy. Có lúc không. Có ngày tôi có thể chạy hết quãng đường mình cần tập. Cũng có khi thất bại. Khi mỗi ngày trở thành một trò chơi đơn giản không kỳ vọng, tôi có được niềm vui khám phá ra thứ gì đó ở thế giới quanh mình. Ngạc nhiên có. Sợ hãi có. Rất rất hạnh phúc có. Tức giận có. Nhưng sự nhàm chán thì không ở đó nữa. 

Có lẽ tôi đã lao đầu vào đam mê chỉ vì tôi thèm cơn hưng phấn của sự phiêu lưu, cũng như có người thèm sự hưng phấn của thuốc, của rượu, của người tình. Tôi từng chọn đam mê bời tôi đã được cho ăn bởi một nền sản xuất tham lam và khéo léo kiểm soát tôi bằng chính lòng tham của tôi.  Tôi đã làm tất cả những cái gọi là “đi tìm hạnh phúc” chỉ để chống lại sự nhàm chán leo thang trong tâm trí. Tôi xoay sở xếp đặt cơ thể mình giữa những bức tường căn hộ mình sống ở những thành phố chật hẹp và có quá nhiều thứ để chơi và chọn lựa nhưng lại không có gì để làm. Tôi chỉ thiếu mỗi bài học không ai dạy bao giờ: là sống với sự nhàm chán của chính mình. 

RỒI SAO NỮA? 

Tôi không cam đoan mình đã tìm thấy hạnh phúc, bởi quan niệm của tôi về nó sẽ tiếp tục thay đổi. Nhưng tôi đã tháo bỏ đam mê, gỡ bỏ khao khát làm việc nhiều, trút bỏ luôn cả kỳ vọng được khen, được đến với sự kỳ vỹ và có một quả ảnh để đời. 

Tôi có rất ít hành trang. 

Để thấy mình đỡ mệt. 

Khải Đơn

Mời tác giả một tách cafe

Nếu bạn thấy thích bài viết, bạn có thể comment về các chủ đề bạn muốn tôi viết ở bên dưới. Tôi sẽ tìm hiểu và viết. Cảm ơn bạn đã theo dõi trang viết của tôi.

$2.00

Advertisement

2 bình luận về “[Lại] Về hạnh phúc 

Add yours

  1. Mình rất thích các bài viết của Khải Đơn, đặc biệt bài này, bởi vì thời gian gần đây mình cũng đang lan man và cố gắng hiểu về “hạnh phúc” khi mình phải quyết định vài quyết định lớn sẽ thay đổi cuộc đời mình. Tuổi trẻ của mình cũng gắn liền với “công việc”, và xem nó là 1 phần quan trọng của identity. Khi cuộc sống mình rẽ ngang và mình không còn làm công việc mình đã theo đuổi gần 10 năm, mình tự hỏi, quyết định này đã thay đổi mình – làm mình hạnh phúc hơn, giúp mình hiểu bản thân hơn, hay mình đã đánh mất một phần của con người mình và bỏ lại con người đó ở VN. Và khi mình nhận ra định nghĩa “hạnh phúc” của mình khác với những người xung quanh, không gắn liền với công việc, với thành công trong sự nghiệp, và nó khác với định nghĩa của mình khi ở tuổi 20, mình cứ sợ đó là một cái bẫy, và một ngày nào đó mình sẽ hối hận… Mời Phương một ly cafe nhé, cảm ơn Phương.

    Thích

Comment

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

%d người thích bài này: