Keiko Ogura chỉ mới 8 tuổi khi quả bom nguyên tử đầu tiên được thả xuống thành phố Hiroshima. Nhưng những ký ức đó ám ảnh bà cả đời. Tôi gặp bà khi đến Hiroshima và đi bộ cùng nhau.
– Ngày hôm đó, bà còn nhớ nó như thế nào không?
Lúc đó tôi 8 tuổi. Một năm trước khi quả bom nổ, đột nhiên cha tôi muốn cả gia đình dọn ra vùng ven. Ông không hiểu và không giải thích nhiều, nhưng ông tự nhiên muốn làm việc đó. Vì thế gia đình tôi rời thành phố, cách trung tâm sau này là vị trí của quả bom 2,4km.
Anh trai tôi vẫn vào nhà ga Hiroshima hàng ngày để đi làm theo lời vận động sinh viên. Ngày 6/8, lẽ ra tôi cũng sẽ vào thành phố đi học. Thường tôi sẽ đi bộ đến trường, thường khi đi học về tôi chạy thật nhanh ở một số đoạn vì sợ đường vắng. Nên hôm đó, khi cha bảo “Có gì đó không ổn, hôm nay con đừng đi học”, thì tôi chơi ở gần nhà.
– Bỗng nhiên, tôi bị bao trùm trong một vùng ánh sáng chói loà cùng tiếng nổ lớn.
Xung quanh tôi, mái nhà hàng xóm bốc cháy. Tôi chạy về nhà, mọi thứ trong nhà tôi đã bị phá huỷ. Mái nhà bị bay mất, đồ đạc trong bếp đổ xuống đầy và vỡ tan tành. Có những mảnh vụn văng ra bám vào tường nhà. Nhưng gia đình tôi không ai bị sao cả. Mãi lâu sau, anh trai tôi mới về nhà, tay và mặt bị bỏng vì anh ở gần trung tâm vụ nổ.
Sau đó, trời mưa ngay lập tức. Đó chính là “cơn mưa đen” mà người ta hay nói đến sau khi bom nguyên tử nổ, nhưng mãi sau này tôi mới biết. Từ trên đỉnh đồi, cha tôi và tôi chạy ra nhìn xuống: Hiroshima chìm trong biển lửa.
– Điều gì bà còn nhớ nhất trong ngày hôm đó?
Tôi luôn cảm ơn cha mình, không hiểu vì sao ông có thể linh tính được để cho tôi nghỉ học một ngày. Tôi đi ra ngoài trong cơn mưa đen và bắt đầu thấy những đoàn người từ xa đi lại.
Hôm đó và những ngày sau, những đoàn người đó vẫn tiếp tục đi về phía nhà tôi, vì nó nằm bên ngoài khu vực bị cháy trong trung tâm của vụ nổ. Những người đó mặc quần áo cháy xém tả tơi, da thịt trợt ra từng mảng, gương mặt đỏ đầy máu vì bị cháy. Họ nằm ngay bên hông nhà tôi.
Cô có thấy những tượng minh hoạ trẻ em trong bảo tàng Hiroshima không? Nhiều người đã phàn nàn là những bức tượng đó khiến trẻ con nhìn như ma và ghê quá. Nhưng tôi đã nhìn thấy ngoài đời hình ảnh từng mảng da người trượt ra và họ đi như vậy còn ghê gớm hơn rất nhiều?
Tôi cũng hay dẫn mọi người đến xem một vật dụng còn sót lại trong bảo tàng, đó là hộp cơm của một học sinh trung học. Hộp cơm còn nguyên, cháy đen nhưng rõ từng hạt cơm. Lẽ ra phải đi học, cậu ấy đã chết trên đường.
– Quả bom nguyên tử đã không làm bà bị thương, vậy nó để lại gì trong bà?
Hôm đó, Tôi đi bộ ra ngoài, nghe người ta kêu “nước, nước, cho tôi nước”. Tôi chạy về nhà, kéo một thùng nước giếng lên, mang ra cho họ uống. Vài người uống xong, họ ọc lên, và nằm vật ra. Tôi sợ hãi chạy về nhà và giữ bí mật điều đó.
Sau đó mấy ngày, cha tôi dặn tôi đừng cho người ta uống nước, nếu không họ sẽ chết nhanh hơn vì mất nước. Lúc đó và hàng chục năm sau này, tôi vẫn giữ bí mật chuyện tôi đã cho họ uống nước và họ chết. Khi ngủ, tôi luôn mơ thấy cảnh tôi đưa nước cho họ và họ chết. Có phải tôi đã làm họ chết không?
Mấy chục năm sau này, khi chồng tôi đã mất và tôi thay ông làm công việc ghi nhận câu chuyện của nhân chứng Hiroshima, khi tôi gặp lại người bạn học chung tiểu học của mình, lần đầu tôi kể bạn nghe lại câu chuyện đó. Kỳ lạ thay từ đó tôi không còn mơ như vậy nữa. Tôi nhận ra việc mình kể ra sự thật về thảm hoạ sẽ khiến mình thoát khỏi việc tự đổ lỗi cho bản thân đó.
– Hơn 70 năm đã qua rồi, Hiroshima giờ cũng phát triển và hiện đại hơn hẳn, những người như bà có cảm thấy nguôi ngoai không?
Cô có để ý toà nhà bên ngoài bảo tàng Hiroshima không, nó là toà nhà duy nhất đứng vững sau khi quả bom phát nổ. Nhưng trong toà nhà đó,chỉ có một người sống sót. Tôi đã gặp và ghi chép lại những ký ức khủng khiếp của ông ấy. Với nạn nhân của bom nguyên tử, hội chứng ám ảnh họ không phải là thành phố bị huỷ diệt, hay họ không chết, mà như ông ấy và cả tôi, ông ấy và nhiều nạn nhân khác kể với tôi họ không hiểu vì sao mình được sống, còn tất cả những người xung quanh đã chết.
– Nhưng không phải việc được sống khỏi thảm hoạ đó là một điều tốt đẹp sao? – Khi bà không phải một trong số những người bị lửa cháy và kêu xin nước uống?
Tôi không biết việc sống sót có phải là một ân huệ hay sự trừng phạt. Cái chết chỉ là một phần.Tôi vẫn còn nhớ trong một đợt kỷ niệm hơn 60 năm thảm hoạ Hiroshima, tôi gặp lại người bạn thời thơ ấu, khi đứng nói chuyện, tôi bật khóc. Phóng viên chụp tấm ảnh tôi khóc và làm trang bìa trên báo.
Ngay sau đó con tôi gọi điện về và nói, sao mẹ lại xuất hiện trên báo.
Thời đó, ở Hiroshima, những phụ nữ có thai và sinh ra các em bé dị tật, bị chết vì nhiễm phóng xạ nguyên tử rất nhiều. Có rất nhiều phụ nữ đã giấu là mình có thai để không bị người xung quanh dị nghị. Sau này, thanh niên từ Hiroshima thường giấu không cho người ngoài biết cha mẹ họ là nạn nhân của bom nguyên tử, vì sợ bị kỳ thị sẽ sinh ra em bé không khoẻ mạnh. Khi tôi nghe con tôi gọi điện, tôi biết con bối rối trước bạn bè vì họ biết nó xuất thân từ một gia đình nạn nhân ở Hiroshima.
– Bây giờ, bà làm gì với Hiroshima và quả bom nguyên tử đã nổ ở đây?
Tôi thuyết trình và kể câu chuyện của mình. Tôi đi tìm những nạn nhân còn sống sót, và đưa câu chuyện của họ vào bảo tàng Hoà Bình Hiroshima. Chúng tôi có thể khiến thảm hoạ này không xảy ra lần nữa, khi mọi người khắp thế giới đến đây và hiểu điều gì đã xảy ra cho các nạn nhân nguyên tử như tôi, và bạn bè thời thơ ấu.
Mỗi lần tôi đi vào bảo tàng, tôi lại nhớ mình đã thuyết phục anh họ mình đến thăm nhưng không bao giờ được. Anh mất cả gia đình vì quả bom. Anh nói sẽ không thể chịu đựng được khi bước vào nơi này. Anh không bao giờ chịu đến thăm bảo tàng.
Năm 2015, khi kỷ niệm 70 bom nguyên tử nổ ở Hiroshima, các anh chị em tôi lần đầu tiên có buổi đoàn tụ tại nhà tôi. Đó là buổi đoàn tự đầy đủ nhất mọi người. Chúng tôi đã ngồi suốt đêm, nói chuyện tới sáng, kể lại tất cả những gì đã xảy ra trong đầu mình khi quả bom rơi xuống và làm nhà tôi sập một nửa. Chúng tôi không ngủ được…. nhưng đã nói được tất cả với nhau, sau 70 năm.
– Cảm ơn bà!
Khải Đơn
https://www.facebook.com/linda0321
ThíchThích