Anh cả số Một

Lý do khiến cho tôi tìm đọc Brother Number One: A political biography of Pol Pot (Anh cả số Một: Tiểu sử chính trị của Pol Pot) rất đơn giản. Năm 2010, tôi đến Phnom Penh, rồi ngồi suốt một buổi chiều trong sân nhà tù Tuol Sleng. Bảo tàng đó là một khu nhà có tầng, phòng rộng, sân rộng, như đúng cái trường cấp hai của tôi.

Tuol_Sleng_Genocide_Museum_Cells

Có một chiếc giường kim loại đen, khung méo mó. Có ảnh của một phụ nữ cắt vạt tóc ngắn nhìn trừng trừng. Có chi chít những ảnh trắng đen người nhìn ngang, nhìn thẳng. Mắt họ sâu, gương mặt có phần tối, nhìn như khoan vào người xem. Trên tường cạnh chiếc giường, treo một bức ảnh có xác người đã từng nằm trên đó, dịch lỏng màu sậm chảy dưới giường.

Tôi vẫn còn nhớ mình đã ngẩn ngơ nhìn nắng xuyên vào phòng qua khung cửa vuông. Có một cái gì đó đã xuyên qua bất cứ người nào bước vào nơi này – nơi đã được dùng để giết hơn 20.000 người Campuchia. Như lời một người bộ đội Việt Nam từng bước vào nhà tù khi họ vào tới Phnom Penh kể tôi nghe, ông bảo không thể quên được mùi thối đó: mùi của xác người chồng chất lăn lóc trong Tuol Sleng. Động cơ nào đã khiến người Campuchia, một dân tộc thuần tuý cúi đầu trước Đức Phật, lại hoá thân thành kẻ diệt chủng?

“Anh cả số Một” cố gắng dựng lại chân dung của nhân vật chính trong lịch sử trường thiên ngắn ngủi và đẫm máu này của Campuchia. Tác giả đã dùng đến rất nhiều tài liệu, các sách do chính người lãnh đảo Khmer Đỏ viết ra, những tài liệu về chủ nghĩa cộng sản trong đầu Saloth Sars (tên thật của Pol Pot), năm tháng hồn nhiên khi học và lớn lên dưới sự bảo trợ của hoàng gia, khi sang Pháp, những đêm tranh luận của các nhà trí thức Tây học từ Đông Dương qua… Vẻ đẹp hào sảng nhuốm màu lý tưởng đó rất giống với bất cứ người trẻ Việt Nam nào từng mơ về chân trời của tri thức, cách mạng, đổi mới. Chỉ có điều, khó ai tưởng tượng, một thiên đường của triết học và nghệ thuật, cuối cùng đã đẻ ra một kẻ diệt chủng.

David Chandler làm “Anh cả số một” hấp dẫn bằng nhiều trục dựng lên song song. Bạn học, anh/chị, người họ hàng, học trò, người cùng chung thời đấu tranh, lính lác, đầu bếp… Các trả lời phỏng vấn này thú vị lấn át tất cả thông tin sử liệu (thứ mà bạn chỉ cần Wikipedia là tìm được, chẳng cần đến tiểu sử, hồi ký gì hết). David Chandler bỏ công phỏng vấn, dùng lại tài liệu của đồng nghiệp, đối chiếu các phỏng vấn nhiều thời kỳ, và phác thảo ra “chàng trai” Saloth Sars đã ra đi tìm đường cứu nước ở Pháp thế nào.

Tôi không thể mô tả gì về thông tin sử liệu ở đây, vì không hiểu biết gì về phần này. Nhưng có vài điểm cực kỳ thú vị đã kéo tôi đọc hết “Anh cả số một” như sau:

Qua các phỏng vấn, Saloth Sars luôn được mô tả như một người thầy, mặc sơ mi trắng chỉn chu, quần đậm màu. Ông kín đáo, ít nói, trìu mến và khi giảng dạy thì đặc biệt thú vị, thu hút và người nghe cảm thấy như họ là trung tâm của cuộc nói chuyện – họ quan trọng- họ là một ai đó, chứ không phải một sinh vật “không gì cả” trong thế giới nghèo khổ cùng tận của Campuchia.

Saloth Sars tạo cảm hứng cho người học bằng bài giảng hấp dẫn, dễ hiểu, với đam mê bất tận mà người học nghĩ ông ta dành cho quê hương, cho gia đình và cho chính bản thân họ.

pol

Tại thời điểm mà nước Campuchia lửng lơ, giữa những kẻ theo Mỹ có vẻ đáng phê phán, một hoàng gia lượn qua lượn lại như vở cải lương nhà giàu, thì sự trong sáng, kiên định và đầy cảm hứng như Saloth Sars quả là một món hàng thuyết phục. Ông ta đã trở thành một người thầy – như vị thế thông thường mà dân nghèo Campuchia đặt cả cuộc đời họ vào tay nhà sư trong ngôi chùa ở làng.

Một đối thoại thú vị thế này trong sách: “Vào tháng Ba năm 1988, khi đang dạy về tình hình nội bộ Campuchia, ông ta (Saloth Sars) đột ngột dừng bài giảng và hỏi: “Chúng ta có thể làm gì để nhân dân yêu quý chúng ta?” – Rất nhiều lữ đoàn trưởng và chỉ huy đề xuất ý kiến phơi bày tệ tham nhũng của các đảng phái khác và biểu dương tinh thần yêu nước của Khmer Đỏ; những người khác cho rằng yếu tố quan trọng là kinh tế…Pol Pot liên tục lắc đầu, cảm thấy không hài lòng. Sau đó một tiểu dooàn trưởng ở phía sau giơ tay và phát biểu: “Chúng ta phải đặt mình vào vị trí nghèo nhất của những người nghèo, thì nhân dân sẽ vây quanh và yêu quý chúng ta.” “Đúng thế” – thầy giáo la lên, vui mừng vì một trong những học trò cấp thấp nhất của mình lại trả lời đúng câu hỏi. “Đúng thế, đúng thế!”

David Chandler cũng sử dụng lại tư liệu của một tác giả khác có trích dẫn như sau: “Một lần trong suốt đợi phỏng vấn kéo dài một tuần ở Thái Lan, tôi đã hỏi về thời gian 1975 -1978, vì mọi người luôn hỏi tôi vì sao ông ta (Pol Pot) lại giết nhiều người đến thế. Ông ta đáp tình thế rất rắc rối, chúng tôi chưa có luật lệ gì, chúng tôi như những đứa trẻ đang tập đi… ông ta nói “Tôi chịu trách nhiệm về tất cả mọi thứ nên tôi nhận trách nhiệm và tất cả mọi nguyền rủa nhưng hãy cho tôi thấy đi nào, đồng chí, hãy cho tôi xem có một tài liệu nào chứng minh rằng tôi phải chịu trách nhiệm cá nhân cho những cái chết đó không?”

Trong một phỏng vấn gần cuối đời với nhà báo Nate Thayer, Pol Pot nói: “Tôi thấy rất, rất mệt… tôi muốn anh biết… rằng mọi thứ tôi làm, là tôi làm cho đất nước tôi.”

Trong suốt quá trình đọc, David Chandler hiếm khi nhắc tới sự liên đới trực tiếp của Saloth Sars với nhà tù Tuol Sleng, chỉ trừ khi mô tả cách mà cái nhà nước dã man đó hành xử. Thời đó, Duch là lãnh đạo Tuol Sleng, và mọi trò moi ruột, mổ bụng, đóng đinh vào đầu, quật trẻ con vào cây…. đều có thể coi như do các lãnh đạo Tuol Sleng nghĩ ra.

Nhưng đọc càng về cuối quyển sách, cho đến thời Saloth Sars phải tị nạn sang Thái Lan và tiếp tục điều khiển phong trào Khmer Đỏ của ông ta, và cách ông ta giết các cấp dưới, người thân cận, cách ông ta luôn dịu dàng, trầm tĩnh, tạo cảm hứng, và điều khiển một tế bào gồm chính những người gần ông ta nhất vào cuộc giết nhau – thì thực ra tôi đã hiểu, vì sao Tuol Sleng tồn tại. Nó tồn tại như một sản phẩm cần có của Saloth Sars, để đảm bảo các cuộc giết chóc những người ông ta không vừa lòng diễn ra (chỉ phục vụ cho ông ta và những hạt lửa phát động của ông ta thôi).

Khi đọc đến hết, thì tôi nhận ra Saloth Sars có rất nhiều đặc điểm nhân tính của một kẻ giết người hàng loạt. Kẻ ấy đoán được người khác nghĩ gì, dùng động cơ của họ để điều khiển họ, thao túng người khác, có dấu hiệu nghiện rượu, đôi khi lại duyên dáng và hấp dẫn không thể cưỡng lại….

Nhưng với tôi, dù hoàn toàn thoả mãn khi đọc “Anh cả số một” thì việc bước vào Tuol Sleng và đứng đó nhìn nắng ghé qua các khung sắt luôn làm tôi không nguôi suy nghĩ: Có một ngày nào đó, hẳn nắng đã thấy những con người đã bị phanh phui như lò mổ – bởi những con người khác – bởi một bộ não quốc gia hoàn toàn tỉnh táo và có kế hoạch…

Khải Đơn

Sách: http://www.amazon.co.uk/Brother-Number-One-Political-Biography/dp/0813335108

 

 

 

Advertisement

1 bình luận về “Anh cả số Một

Add yours

Comment

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

%d người thích bài này: