“Đừng trách người đăng khốn nạn. Trách người like share cmt thiếu suy nghĩ “ – Tôi nhận được bình luận này của một bạn đọc, và quyết định viết bài này cho em.

Comment không khác gì những quan niệm tôi đọc trong giới viết báo. Nội dung báo chí vài năm gần đây phát triển theo hướng hoàn toàn khác. Nó bị kéo đi bởi mạng xã hội. Một số tờ báo thức thời (hay yếu đuối?), chơi luôn theo cuộc chơi của mạng xã hội. Quy định chất lượng và khen thưởng nội dung bằng số lượng view. Không khó hiểu, báo mạng không có view không thể kiếm ra tiền (hoặc rất khó xoay sở bằng các sản phẩm phái sinh. Một số tờ khác, kiên định hay bảo thủ, phớt lờ mạng xã hội, đồng nghĩa với phớt lờ kênh giao tiếp với khán giả trên mạng xã hội và tiếp tục sản xuất nội dung bảo thủ theo ý mình tưởng tượng.
Nhưng tất cả nội dung có vẻ bất lực trước mạng xã hội (hoặc trở thành con điếm của nó). Người viết (trong sự thất vọng) quay ra… cáo buộc người đọc.
Một thư ký tòa soạn nói: Họ phải chạy theo view vì trình độ bạn đọc chỉ… đến thế. Có viết bài longform hay ho tới đâu thì cũng chỉ vài chục ngàn click… chả ai xem quá 3 phút/bài.
Vài người bạn trong nghề của tôi cho rằng độc giả có trình độ quá thấp (hay quá ngu?) và không thích gì hơn những dạng nội dung nhảm nhí như cô gái chặt đầu chồng hay ba bài tập 30 giây giúp giảm 5kg trong 5 ngày. Giống với comment mà bạn đọc tôi viết: “Đừng trách người đăng khốn nạn. Trách người like share cmnt thiếu suy nghĩ.”
Ta phải coi người đọc là thể loại gì?
1. NGƯỜI ĐỌC LÀ NGƯỜI TIÊU DÙNG?
Họ là người đọc một sản phẩm tin tức vì có nhu cầu với thông tin. Họ bỏ tiền mua báo, bỏ tiền mua subscription trên tạp chí. Họ chọn đọc các mục mình cần. Tờ như Financial Times có tiết mục này, bạn bỏ tiền và đọc mảng thông tin mình cần. New York Times tuy bán subscription tin tổng hợp, nhưng cũng kèm theo lựa chọn mua các tạp chí nấu ăn, trò chơi ô chữ… Một số tạp chí bán nội dung từng mảng, như phân tích chính trị Châu Á, bài bình luận của một số tác giả viết chung cho ngành. Tờ Politico bán bản tin sáng mỗi ngày theo từng chuyên mục cho chính trị gia hoạt động trong lĩnh vực đó (ví dụ như tin y tế cho quan chức y tế).
Nhìn ở vai trò này, người đọc sẽ đọc thứ gì họ thích. Người làm tin tức có nhiệm vụ bán bản tin tốt nhất theo khả năng tường thuật của mình. Đạo đức của người đọc là bỏ tiền mua. Đạo đức của người bán (báo chí) là tuân thủ các giá trị cơ bản của thông tin để người mua có thể ra được quyết định tốt nhất dựa trên thông tin đó.
Quay lại thị trường thông tin Việt Nam, tôi tự hỏi chúng ta có điều này không? – Có lẽ ngoài báo giấy, tạp chí giấy… thì chưa có mô hình nào tương tự trên internet làm được và thành công. Có một thông tin là Vietnam+ thử nghiệm phần đọc thu phí này nhưng tôi chưa được biết nhiều về các bước tiến của họ (3)
Đây cũng chính là góc độ mà giới làm nội dung Việt Nam (gồm cả nhà báo, dân làm truyền thông mạng xã hội) đang nhìn người đọc. Người đọc thích nội dung nhảm. Người đọc chỉ thích loại nội dung kích động, giải trí nông cạn, như cái post Quán Thế Âm Bồ Tát hôm qua tôi share (dù nó không phải báo chí, nó là một dạng phát thông tin). Suy nghĩ này khiến họ sản xuất ra nội dung để hầu hạ sở thích nông cạn, gây cười, tiêu tốn thời gian cho người đọc.
Ở đây, tôi đặt lại câu hỏi cho người đọc. Các bạn rất nhiệt thành đọc và share những bài viết như “ăn 5 quả trứng một tuần giúp giảm cân”, hay “chữa bệnh hôi nách bằng giải pháp đơn giản”, “vợ chặt đầu chồng khi bị đe dọa”…. Vậy có bao giờ bạn tự hỏi mình đã tiêu tốn bao nhiêu thời gian vào chúng? – Chúng có đem lại sự giàu có cho bản thân bạn không? – Chúng có làm cho bạn ra quyết định tốt hơn, hay cơ thể bạn mạnh khỏe hơn, tinh thần bạn lành mạnh hơn không?
Chúng ta đang sử dụng tới 2 giờ 18 phút mỗi ngày (1) để lướt mạng xã hội. Chúng ta đã thông minh tới đâu để tiêu phí chừng đó thời gian nạp vào cơ thể những nội dung không thể giúp tâm trí ta đầy đặn hơn, giàu có hơn, thực dụng hơn? Chúng ta chỉ là một đám người tiêu dùng không biết chọn lựa sản phẩm thôi.
2. NGƯỜI ĐỌC LÀ NẠN NHÂN/NGƯỜI BỊ TÁC ĐỘNG?
Người đọc bị tác động nghiêm trọng bởi thông tin mà báo chí cung cấp. Họ bị nhồi sọ, bị lừa, bị cuốn theo, bị bầy đàn lôi kéo. Họ không có đủ năng lực để phản biện. Họ cần phải được bảo vệ để chống lại những tác động mà thông tin đem đến.
Ở phần này, thông tin sai là nguồn cơn hãm hại người đọc. Tin tức giả được tạo ra để kích động người đọc vì những mục đích và âm mưu khác nhau. Một số trang tin kích động người ta chia sẻ vì muốn lấy click mua view và bán quảng cáo hiển thị trên trang. Ví dụ dễ thấy nhất ở đây là các tin như xuất hiện lực lượng giả của quận đi bắt chó, hay bắt đồng phạm vụ vợ chặt đầu chồng. Động cơ duy nhất của loại tin này là có càng nhiều view/share càng tốt.
Tin tức sai lệch (hay tin tuyên truyền) còn được tạo ra vì các nhóm lợi ích chính trị bôi nhọ nhau và thuyết phục người đọc tin vào một chính sách hay quyết định mình đưa ra. Bạn có thể thấy rất rõ thể loại này trong các nhóm như tổ ngàn like trong truyền thuyết (cùng đăng tin một lượt để điều chỉnh niềm tin người đọc), các phóng viên KOL cho chính trị gia, hoặc các trang tin đối lập chạy quảng cáo bài viết cho thấy thị trường chính trị xáo trộn, hoảng loạn ra sao. Các bên này có động cơ riêng. Hoặc là thuyết phục cảm xúc khán giả tin vào điều chính trực xạo quần mà chính quyền đang làm. Hoặc là thuyết phục khán giả tin rằng chính quyền sắp sụp mẹ nó rồi.
Một nhóm nữa ở đây là tạo thông tin bệ đỡ hay minh hoạ cho hoạt động của một nhóm quyền lực nào đó sắp áp đặt. Ví dụ như để mở đường cho việc thu thuế các tài khoản FB bán hàng, một số cơ quan có thể yêu cầu nhà báo viết bài “minh họa” đã thu 9 tỷ của 1 Facebooker ra sao, thu hợp lý thế nào, vì sao cần thu, cách để người bán hàng Facebook nộp thuế… Tuy nhiên, người đọc nếu để ý sẽ nhận ra rằng, tại sao nhân vật này lại được đưa tin cùng 1 thời điểm (2), và tại sao nhân vật này không được quyền lên tiếng về vấn đề của mình, cũng như vì sao không có người bán hàng Facebook nào được phỏng vấn để hiểu rõ hơn về nghĩa vụ thuế họ phải làm, hay không có bài viết nào cho thấy quy trình bán hàng của người bán online đang “lách” luật ở điểm nào, tại sao nhân vật này lách tới 24 tỷ mà Quận vẫn… chả làm gì được để trừng phạt bà, mà chỉ chăm chăm vào chi tiết đã bán hàng – phải thu thuế (dù các căn cứ, số lượng, mức thuế…. đều chưa được bàn bạc rõ ràng). Một ví dụ tương tự từng thấy là thu phí xe gắn máy vào nội thành trước đây một thời rầm rộ.
Hoặc ở các vụ án xâm hại trẻ em, sẽ có những nhóm bài chạy chỉ trích nạn nhân (vì sao em mặc đồ hở hang) hoặc cáo buộc gia đình nạn nhân bịa chuyện (dù không có bằng chứng nào), hoặc đổ lỗi cho nạn nhân không theo đuổi vụ kiện (mà lờ đi tình tiết các thủ tục pháp lý quá rắc rối và tốn tiền đã làm kiệt quệ kinh tế của nạn nhân khiến họ bỏ cuộc).
Ở khía cạnh này, người đọc là nạn nhân bị “ném đá” bởi thông tin tới bầm dập. Không đủ năng lực thẩm định bản tin, không có thông tin nhiều nguồn đủ tốt, họ sẽ chấp nhận thực tế đang diễn ra như cách suy diễn logic của tâm trí.
Ý niệm rằng người đọc là nạn nhân khiến nhiều nhà báo hành động dũng cảm hơn để bảo vệ người đọc của họ, hoặc gian manh hơn để lừa người đọc ăn thông tin bậy bạ của họ.
Suy nghĩ này khá phổ biến trong thời trước của báo chí mà chúng tôi được học, như các tiền bối làm Gia Định Báo (ông Trương Vĩnh Ký), Phụ Nữ Tân Văn hay Nông Cổ Mín Đàn, thời người đọc còn chưa biết chữ hay quê mùa. Các tờ báo này dạy người đọc kỹ nghệ làm nông, thông tin văn nghệ, khoa học, hoặc đơn giản là viết bằng chữ quốc ngữ để dạy người dân tập đọc. Thời bây giờ, nhiều nhà báo coi rằng mình phải làm thông tin có tính giáo dục cũng là thừa hưởng từ đạo đức này, trong thị trường người đọc còn nhiều nhóm chưa có học thức nhiều, hoặc chỉ vừa biết chữ hay học phổ thông… Triết lý giáo dục trong báo chí đến từ góc tiếp cận này.
3. NGƯỜI ĐỌC LÀ CÔNG DÂN
Khi người đọc là công dân, nghĩa là họ có mọi quyền của một con người, đồng thời họ có cả quyền giám sát báo chí, nhà nước. Họ không ngu hơn nhà báo, và không yếu đuối như một nạn nhân. Điều này tôi nhắc đến nhiều lần khi đi giảng báo chí cho sinh viên, vì một số sinh viên ngày từ khi vào trường đã được dạy rằng họ có thể trở nên… chuyên gia hơn cả chuyên gia. Điều này tôi cũng từng được học. Và nó cũng là mặt trái của ý thứ hai: coi người đọc là nạn nhân, con cái, hay đồ ngốc.
Một kiểu ứng xử phổ biến coi người đọc là đồ ngu là kiểu lọc comment trên các trang tin, mạng xã hội, báo chí. Tôi hoàn toàn chia sẻ là chúng ta sống trong nền báo chí có kiểm duyệt và ta buộc phải lọc bỏ comment. Nhưng làm quá đến độ lọc bỏ sạch comment khác ý mình (dù rất nhỏ) và để lại vài cái comment hoàn toàn y như seeder vỗ tay thì đúng là quá coi thường người đọc. Dù là vụ việc gì thì chúng ta vẫn hoàn toàn có thể cân bằng giữa sự kiểm duyệt và sự cân bằng thông tin. Một số tờ tôi biết cố gắng đi giữa lằn ranh kỳ quái này của kiểm duyệt bằng cách tắt hẳn comment trong các bài có mùi chính trị quá nặng. Thay vì nói xạo như điếm thì im lặng công bằng với cả hai phe tranh cãi có lẽ là một hành động có tư cách hơn.
Vậy chuyện gì xảy ra nếu người đọc là công dân, còn các báo lại coi họ là đồ ngốc? – Họ sẽ hóa thành các lực lượng thông tin mới khi cần thể hiện quyền của mình. Bạn sẽ dễ thấy điều này khi một tờ báo nào đó viết sai về một nhân vật. Nếu ngày xưa, nhân vật sẽ đi kiện tới chán chê thì về nhà ê chề thất vọng vì danh dự bị hủy hoại. Nhưng bây giờ, ngoài kiện ra, thì họ sẽ gọi điện thoại cho tờ báo, ghi âm chất vấn phóng viên vì sao viết bậy về họ, sau đó đăng lên mạng xã hội, và nhờ cộng đồng loan tin. Một tờ báo lớn viết thẳng tên một Facebooker ra như phản động và sau đó đã phải biên tập xóa phần nội dung đó trong bản tin đi khi chính Facebooker đó gọi điện chất vấn phóng viên (phóng viên – do chỉ đăng tin từ cơ quan chính quyền cung cấp, tất nhiên chả có bằng chứng gì) và đăng đoạn ghi âm đó lên Facebook.
Khi người đọc là công dân và khi họ bắt đầu hiểu được vai trò cũng như khả năng của họ, họ sẽ giám sát bản tin, giám sát những điều quan chức chính trị nói, giám sát thứ nhà báo cho họ ăn, và tự tạo ra các kênh thông tin tấn công lại luận điểm sai. Như có thời tôi đọc báo, thấy hễ có vụ tự tử nào là lập tức chi tiết vụ án, cách tự tử, lý do tự tử được đem ra bàn luận rất xôm tụ, sau đó kết luận là nhân vật đáng thương,ngu quá, khờ quá… Có lẽ giới nghiên cứu tâm lý không thấy điều này đúng nên sau này đã có nhiều người tự tạo ra các kênh thông tin để người đọc hiểu hơn về các vấn đề sức khỏe tâm lý, tâm thần… trong xã hội hiện đại. Đó là một thể hiện của trí tuệ của công dân, và quyền của họ khi lên tiếng về các vấn đề cộng đồng họ quan tâm.
Tôi là người viết tin vào năng lực của khán giả. Độc giả là những người đã làm người viết như tôi cố gắng nhiều để thỏa mãn họ. Tôi không tin rằng người đọc ngu, vô đạo đức hay họ cần phải có thêm đạo đức để đọc tin. Một số nhà báo cho rằng người đọc phải có đạo đức thì báo chí đen/báo chí xạo quần mới không thể còn sống sót được. Nhưng đây là cách nhìn sẽ mãi mãi gây ra tranh cãi, kiểu gà có trước hay trứng có trước.
Tôi không mong ước đảm bảo hay kêu gọi đạo đức của người đọc khi chính đạo đức của bản thân tôi còn không chắc chắn lắm :)))) Tôi nhìn người đọc ở một số góc độ như trên thôi.
Bạn có thể đọc thêm bài viết bàn luận rất thú vị về người đọc trong nghiên cứu của tác giả Uwe Hasebrink (Đại học Hamburg) viết rất thú vị và tóm tắt khá nhiều thứ tôi đã đọc được: https://hrcak.srce.hr/file/141844
Khải Đơn
======================
Chú thích:
Cám ơn chị. Bài viết tuyệt vời quá.
ThíchĐã thích bởi 1 người
Gần đây, chị mới biết về em. Các bài viết của em rất hay, sắc sảo, nhìn thẳng vào vấn đề. Tác giả cũng rất có tâm khi dẫn link các tham khảo, dẫn chứng.
Chị có một góp ý nhỏ: em có thể tăng khoảng cách giữa các dòng lên 1 chút không vì chị thấy các dòng sát nhau quá, cảm giác hơi rối.
Cảm ơn em vì những bài viết.
ThíchThích