#VIẾT 1: CHUYỆN NHỎ CẦN CHÚ Ý

Tôi có một năm dạy viết theo kiểu coaching từng người học. Và hai năm trước đó tôi dạy sinh viên trong trường đại học.

IMG_4579

Câu hỏi đầu tiên thường là: Tại sao em thấy viết khó khăn đến vậy. Em không bao giờ viết mà người khác hiểu được. Hoặc viết xong tự đọc rất rối.

Tôi giải quyết nó như sau:

1. CÂU CÓ 1 CHỦ NGỮ + 1 VỊ NGỮ: Đa số lỗi tôi thấy phổ biến là: viết 1 câu rất dài nhưng toàn bộ chỉ là trạng ngữ, không có chủ ngữ, vị ngữ, dẫn đến ý bị cụt. Câu có quá nhiều chủ ngữ, và sau một hồi viết thì lẫn lộn, dẫn đến câu không có vị ngữ, không biết chuyện gì xảy ra tiếp theo. Câu không có chủ ngữ, bập vô là một ý bị gãy.

Với người viết chuyên nghiệp, việc bỏ thành phần hay thay đổi cấu trúc thường là ý đồ. Và ý đồ thì phải có hiệu ứng. Nếu bạn mới viết, không có ý đồ, cũng chẳng mong tạo ra hiệu ứng, mà gây ra các chuyện trên, câu của bạn thường quàng vô nhau và khó hiểu.

Vì thế, dễ nhất là, bạn bắt đầu viết các câu đơn: 1 chủ ngữ + 1 vị ngữ. Bạn cứ viết một câu gọn một ý, câu này tiếp câu sau, đến khi hết đoạn, hết bài, đọc lại, thấy gãy gọn dễ hiểu là vừa.

Bạn viết thành thục cấu trúc này vài tuần, sau đó muốn mở rộng ra tới đâu thì lúc đó tùy vào cảm xúc, mong muốn thể hiện.

Người viết báo càng cần chú ý điểm này, vì tin tức thường đơn giản, và cấu trúc câu này dễ sử dụng. Đừng để một tuần viết bảy bản tin mà biên tập cắm đầu sửa cả bảy. BTV khùng lên sẽ bỏ rơi bạn. Đừng nghĩ BTV được trả tiền để sửa bài bạn thì bạn có quyền sai lung tung.

2. SAI CHÍNH TẢ: Không được xấu hổ vì mình sai chính tả. Nếu bạn mới viết, hoặc chưa có kinh nghiệm tìm hiểu ngôn ngữ nhiều, sai chính tả có thể xảy ra. Bạn cần một quyển từ điển tiếng Việt để kiểm tra nếu nghi ngờ, hạn chế xài google để kiểm tra.

Tuy nhiên, vì tính vùng miền, một số bạn sai các âm l, n, dấu hỏi, ngã, g, r, ch, tr… thì nên cực kỳ chú ý để không sai quá thường xuyên. Tôi từng sửa một bản tin có 400 chữ mà sai 15 chỗ. Lúc đó dễ bị điên lắm. Đừng có hỏi sao bài của bạn bị gác hay sao bạn đọc nói bạn viết khó hiểu.

Nếu bạn hay sai quán tính các từ trên, hãy có quyển sổ nhỏ, viết tay ra mấy từ hay sai, khi nào quên thì tra lại. Xin lại bản sửa của biên tập viên để đọc cũng là cách tránh mắc lỗi. Hoặc bạn có thể so bài được đăng với bản mình nộp tòa soạn để hiểu mình sai chính tả chỗ nào.

Nếu bạn chỉ viết chơi, càng cần tự chú ý, vì không có biên tập nào sửa hết. Tệ hơn, nó làm giảm sự thích thú của người đọc dành cho bạn.

3. CỐ Ý DÙNG TỪ/DIỄN ĐẠT KHÓ HIỂU: Nếu bạn viết cho bạn bè, cha mẹ, anh chị, đồng nghiệp đọc, hãy chú ý đây là văn bản mang tính trao đổi thông tin, và vì thế nên dùng các từ ngữ, câu dễ hiểu. Hạn chế xài các từ ít dùng, nếu bạn có thể tìm được từ dễ dùng có sắc thái gần giống ý bạn muốn thể hiện. Tránh việc quá khao khát thể hiện, xài tới các từ tầm trích từ thơ Đường (với điển tích đi kèm và mong người đọc hiểu thâm ý của mình). Nếu bạn viết cho một nhóm yêu thơ Đường thì không có gì phải bàn, vì mọi người có hiểu biết về mảng đó gần tương đương nhau, họ sẽ hiểu. Còn văn bản phổ thông, hãy cẩn trọng trước việc dùng các biểu đạt hiếm thấy.

Dùng nhiều tính từ kỳ quái, chồng lấn, lộn xộn, hỗn loạn lên nhau (bạn đọc có thấy hỗn loạn chưa 🙂)). Đừng để người đọc… loạn lên – vì nó liên quan đến việc hiểu nhau. Gợi mở, gây cảm xúc là thú vị, nhưng đừng làm lố, phản tác dụng.

Khải Đơn

Advertisement

Comment

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

%d người thích bài này: