Mr. Rainy


Cách các cơn mưa đến từ khung cửa sổ rất kì lạ.
Trong văn phòng, có một anh ngồi sát cửa sổ và thường xuyên hét lên: “Mưa kìa!” – Và từ từ, tay của anh kéo cái dây rèm, cánh cửa sổ mở ra một khung trời xoay xoay và lúng liếng, khi những đợt gió đẩy cơn mưa đi. Lúc đó, mọi người đều bật mình trở dậy khỏi cơn yên lặng lao động không ngừng nghỉ. Chuyển động của nước trên không trung như bàn tay đưa ra, kéo mọi người trở lại với kết nối tự nhiên.

Hãy tưởng tượng một con người – bé nhỏ và đơn độc – đứng trước một dòng giông tố đang hùng hồn bước tới từ tít tắp chân trời xa. Chẳng ai có thể cưỡng lại cuộc di động tàn bạo và đầy màu sắc càn quét đó. Khi một thân thể người đứng dưới cơn mưa, đó là biểu hiện rằng con người mãi mãi sẽ là sự bé nhỏ sinh sôi và hoà hợp với tự nhiên. Mưa lạnh ngắt. Giông tố huy hoàng như một xúc cảm phấn khích bất thần của tự nhiên. Và con người hứng chịu tất cả những kì vĩ đó – khi tắm dưới một cơn mưa.

Nhưng khi bạn đứng trong một cao ốc – với bốn phía là tường kính trong suốt – và nhìn một cơn mưa. Đó là khi thiên nhiên bị bẻ gãy, giống như khi người ta bẻ cánh một con chim để nó chỉ biết đi bộ trong lồng và không nhảy nhót nữa.

Con người trở nên huy hoàng. Họ đứng từ tầng 17, tầng 25, cách mặt đất vô cùng xa, dùng đôi mắt của mình, hững hờ ngắm nhìn những cánh gió và tầng mưa ào ạt bay tới. Nhưng tất cả đều là chuyển động ngoài thân, xa xôi và không liên quan gì nhìêu lắm. Các khung cửa kính trong veo màu xanh thủy tinh giữ các cơn mưa trong tầm nhận thức. Người ta thực sự nhận thức về một cơn giông đến, những tầng gió ở các độ cao khác nhau đang thay đổi ra sao. Tất cả đều ở trong hai con ngươi mắt – và người ta chỉ cần gọi tên: Trời mưa. Con người nhận thức thế giới – và thậm chí chẳng cần phải hứng chịu một cơn ướt sũng lạnh căm nào. Quá dễ dàng.

Thân thể người cao 1m70 đã chế ngự hàng trăm mét chìêu cao, chế ngự cả khối khí vô cùng đang rùng rẫy chuyển động, đã chi phối cả hàng vạn vạn mét khối nước từ những đám mây dày nặng màu sẫm không kìm nén được mà rơi xuống. Thân thể người – đứng cô đơn giữa bốn khối thép đóng khung lớp kính trong suốt – đang nhìn ngắm thế giới – theo một cách khác với cách tổ tiên họ đã hứng chịu cơn mưa và sinh sôi  như chồi non nảy lộc từ đất ẩm màu mỡ.

Từ khung cửa sổ đó. Cơn mưa là một thực thể vô nghĩa. Nó chỉ còn có tên giống như người ta gọi tên dàn đèn nhấp nháy, cây thông Noel hay hình dán trang trí trong văn phòng. Cơn mưa – dồn nén tất cả tinh tuý và xúc cảm của trời và khí – chỉ tù túng và nhấp nháy dán vào cửa sổ chút chuyển động như một cái màn hình LCD đang chiếu một đoạn phim được quay từ máy quay phim thông thường. Một góc nhìn bé đơn điệu và chẳng chút khuấy động nào cả.

Cao ốc sừng sững. Khung cửa trong veo được lau sạch bởi những người thợ “nhện” treo mình trên cao với những cây lau kính tỉ mỉ. Và cơn mưa đến. Thoáng qua. Hờ hững. Không khí chỉ kịp động đậy một chút theo kiểu cựa mình và thở dài.
Người trong cao ốc đóng khung mình giữa 4 đường vuông thép và khung kính. Mưa. Đó là một khái niệm mà khi anh kéo rèm ra, ta được giải trí chút ít. Mưa chẳng liên quan gì đến thế giới bên trong cửa kính cả.

Nơi đó, loài người đang tồn tại rất xa rời tự nhiên, với các quy luật của cravat, máy tính, hồ sơ và những dòng không khí khác.

Chẳng liên quan gì tới cơn mưa cả.

Khải Đơn

Advertisement

2 bình luận về “Mr. Rainy

Add yours

  1. Chị viết hay quá!

    Em tình cờ biết được wordpress của chị trên facebook, vào đọc entry và mê luôn. Blog của chị tên là Văn Phòng nhưng hình như mọi sự trăn trở của chị đều cuốn về mối liên hệ mất dần giữa con người và tự nhiên, chị nhỉ? Chị có ghét Văn Phòng nơi chị làm việc không?

    Em thì không thích mưa, nhưng lại hay gặp mưa và lần nào về cũng nhẹ thì cảm mà nặng thì sốt. Đường Hà Nội, mưa lầy lội và mặt người lầm lì….Chỉ có những khi về quê thấy mưa, và một dịp nọ đứng trú mưa bên Hồ Tây em mới hiểu mưa cũng thật trong sáng và chân thật đến mãnh liệt.

    Rất vui vì đã đọc được wp của chị!

    Thích

    1. Cảm ơn bạn. Tớ sợ sự mất tự nhiên, sợ mất kết nối, sợ những bức tường bê tông…. Bạn có sợ giống tớ ko?

      Thích

Comment

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

%d người thích bài này: