Một ngày mùa mưa, tôi trèo lên tàu, ướt nhẹp và run lẩy bẩy. Con tàu sẽ chạy 12 giờ nữa. Ngoài cửa sổ, mưa bay chấp chới như tạo ra một vùng không gian nhuốm đầy hồ nghi.
Những khối bê tông khổng lồ vươn lên giữa trời xám tro kia sẽ còn vươn lên bao nhiêu nữa? Có ai đi bộ ở trên đó? – Câu hỏi thình lình hiện ra khi con tàu lê mình chậm chạp dưới vòm bê tông đang lao lên cao. Một người đàn bà chậm rãi lau thân thể trên một bờ sông lở lói, nơi vách tôn màu va chạm và chen lớp nhau như một cuộc giao tranh của đô thị bể nát. Cuộc sinh tồn len qua nhau như thân thể một thành phố liên tục hỗn chiến và liên tục tiêu diệt. Cả người lạnh buốt, tôi nhìn lên chiếc máy lạnh đang nhiệt thành phả không khí xuống vai mình, nặng trĩu và muốn gãy ra.
Người ta thường mang theo gì trong những chuyến đi không suy tính? – Cửa sổ khổng lồ bên cạnh đáp lại bằng khung hình toàn vẹn của cơn mưa không thể chống cự.
Một chuyến đi chẳng có ý nghĩa gì hết. Nó cắt bỏ ta khỏi phần rễ lì lợm mà con người một mực tạo ra khi tồn tại ở chốn nào đó lâu quá. Con người trồng cây – để khẳng định mình làm chủ tự nhiên. Người ta xây nhà – để giữ tâm trí an tĩnh khi cơ thể được bảo bọc an toàn trong chiếc vỏ kén vững chắc. Ta nuôi một chú chó hay mèo – để có kẻ chào đón và phản hồi trước dao động bất chừng của đời sống. Thậm chí, ta cắm bia lên huyệt mộ của người chết – thực ra là để nhắc nhở về sự tồn tại của chính mình với cái thân thể đang dần tan thành hư không bên dưới đất khô. Ta bấu rễ vào đời sống vì sợ bất an.
Nhưng rễ sâu ẩn chứa thuốc độc của sự già nua và ám ảnh không buồn thay đổi.
Hoảng sợ, ta tìm đến chuyến đi.
Ta hạnh phúc khủng khiếp khi phát hiện ra giữa đám đông vô biên của loài người, không một ai nói cùng ngôn ngữ. “Ở đây, tôi có thể mất đi mà không ai biết!” – Tuyên ngôn bất lực của một kẻ muốn tháo bỏ thân mình khỏi đất màu dinh dưỡng của nơi ở quen thuộc. Ta vô chừng sống như mình muốn, hành động điên loạn, không tủi hổ, không lo buồn, không bận soi gương tự hỏi ai đang phán xét ra sao về chân dung của mình trên phần này của thế giới.
Vài gương mặt băng non chậm rãi ngả người trong một tiệm kinh doanh thuốc – ở đây không có phán xét nào của đấng sinh thành. Người đàn ông già nua da trắng xiết chặt cô gái trẻ măng với vòng eo mỏng dính đầy hấp lực – ở đây không có con cái hay bạn bè nhìn xoáy vào chất vấn. Một người mặc trang phục từ nước Hồi giáo ngửa cổ tu cạn một chai thức uống có cồn – “thức uống gây say xỉn” – sự cấm cản của giáo lý đã ngừng chân lại ở ngưỡng cửa một quốc gia không phủ đầy tôn giáo nghiêm cẩn.
Mật ngữ của chuyến đi thầm thì trong tai kẻ du hành: Ta tháo bỏ rễ của mình một lúc, để mù lòa, vô tâm, bất cần và tập trung lắng nghe nhu cầu bức thiết thành thật với thân thể mình trong giây lát.
Con tàu xé màn mưa, chậm rãi băng đi trên cánh đồng trống xanh buốt. Ở đây, giữa xanh cỏ này, ai là muôn loài thống trị? Con người, cần gì hơn ngoài tham vọng phá hủy tất cả những gì mình không thể điều khiển, và rồi kẻ cả cắt tỉa thiên nhiên – để tưởng mình là chúa tể.
Người hành khách từ trước đó hai băng ghế nhìn săm soi tôi – đang run lẩy bẩy vì lạnh. Tôi bối rối quá mức. Tại sao phải nhìn tôi? – Cái gương mặt sắc cạnh, mắt đen lấp lánh thình lình tiến lại và đưa một chiếc khăn rằn cho tôi. “Bạn lau người đi, và dùng nó quàng cho ấm.” – Anh ta ban phát một điều tử tế và không biết tôi đang suy tính bao nhiêu điều. Loại khăn dày, vải bông, không phải kroma từ Campuchia, không phải từ Thái, chỉ là một chiếc khăn dày như một tấm chăn bông vừa vặn. Tôi tiếp tục suy tính về nguồn gốc chiếc khăn, và phủ nó lên đầu lau thật khô. Mùi thơm của hương liệu. Thứ hương liệu không thể nhầm lẫn được của người ở Yangon.
Một đêm muộn ở Yangon, tôi bước chân ra đường, run lẩy bẩy sau cơn sốt tàn bạo suốt 12 giờ. Chiều đó đã mưa rất dữ dội, để lại một đêm láng nháng bóng nước và hơi thở của ngày mưa xâu xé con người. Tôi đi như một bóng ma nhẹ hẫng, ngực đau, tay chân lạnh, cả người rời lảng bảng như một sợi vải bị gió thổi. Tại sao tôi lại đi trong một đêm bệnh tật? – Bệnh tật khi du hành thường nhuốm màu bi kịch hóa. Ta tưởng mình sẽ chết ngay khi không ai nhìn thấy (nhưng tại sao phải sợ khi ở trên ta đã hào hứng biết bao khi thấy chẳng ai nhận ra mình?). Ta tưởng mình đang trong đoạn cao trào của cuốn phim bi kịch hoành tráng mà mình được làm vị anh hùng tháo chân gục ngã.
Quỵ xuống ở nhà ga xe lửa, đau buốt, tôi ngửi thấy mùi hương liệu băng ra từ một chàng trai lướt qua mặt mình. Tri giác quay trở lại. Anh quay lại đỡ tôi dậy và dắt tôi ngồi vào băng ghế của hành khách chờ. Không nói cùng thứ tiếng, đôi mắt đen và làn mi cụp của anh bối rối nhìn, bối rối giúp đỡ và nói thật nhỏ nhẹ gì đó. Tôi không thể đáp lại, cũng không nói cảm ơn. Tôi chìm vào sự lơ mơ như mình bay trên các dải mây trời trong suốt và nắng nôi ở xứ này. Khi mở mắt, cô nhân viên nhà ga đứng trước mặt hỏi: Bạn có ổn không? – Mắt cụp nhìn tôi bối rối. Tôi muốn nói đã đi một vòng qua xứ sở này từ những trời xanh, từ trên cao vút, từ sự thẩm thấu nông cạn của mùi hương, âm thanh và mưa ẩm. Giới hạn ngôn ngữ chặn lại. Chúng tôi quay trở về làm người xa lạ của nhau, vẫy tay và qua đi.
Mùi hương liệu kéo người ta đi về giữa vùng xáo trộn giao thoa của thời gian, khuyến thuộc và níu kéo nhau. Mắt Cụp trộn với Mắt Sâu.
Chuyến đi là một màu nhiệm của cuộc tẩy trần. Chỉ có trong yên lặng, ta bối rối lần dở sai phạm, thú thật điều yếu đuối, và chân thành thừa nhận bao ác ý đang quẫy mầm trong tim mình. Hành trình là một cuộc cô lập và tháo bỏ đối thoại giả vờ trong chính thân mình. Ta tháo gỡ linh hồn, thả nó bay ra ngoài cửa sổ tàu, để nó ngắm nhìn mình. Ta ngừng gồng, ngừng giận, ngừng tỏ vẻ.
Ta cố gắng nói bằng thứ giọng trái tim chịu nghe – cố nhận diện điều không phủ mờ bởi lòe xòe son phấn.
Tôi đi về phía ghế của người cho mượn khăn, và nói: “Cảm ơn anh, tôi hết lạnh rồi.” – dù định thành thật thú nhận mùi hương liệu của cái khăn thật kỳ lạ, đã làm tôi tỉnh dậy.
Nhưng cảm giác đó… không nói được thành lời.
Ôi con tàu… âm thanh của đường ray cuốn ta đi xa mãi mãi…
Khải Đơn
Đọc bài này lại nhớ tới câu thơ cũ đọc từ lâu không nhớ của ai, “Ôi tiếng còi tàu như một lưỡi gươm/Rướm máu lòng khao khát”… Càng đi càng thấu hiểu cảm giác của kẻ không được đi, và thấy rõ, trời đất nhỏ dần sau những tháng ngày co mình lại…
ThíchThích