Tình yêu với trang viết – như một ngọn lửa tàn

Đây là ảnh chụp trang bài tập của con một người bạn tôi đang phải làm. Bạn nhỏ đang vật lộn với những từ dùng để phiên âm những tên riêng tiếng nước ngoài sang hẳn tiếng Việt cho “thuần Việt”.

Tôi tự hỏi việc làm này sẽ có ý nghĩa thế nào với việc trang bị những viên gạch ngôn từ để bạn nhỏ xây ngôi nhà tư duy? – Câu trả lời khó tìm được. Thứ nhất là khi phiên âm, dù ký âm chính xác đọc ra sao, thì những từ trên là vô nghĩa.

Ví dụ cái tên Lev Tolstoy được viết thành Lép/ tôn/xtôi – chưa kể đến đoạn vô nghĩa “xtôi” cũng nằm ngoài luôn quy tắc viết tiếng Việt. Kế đến là câu hỏi về sự thực dụng của việc chuyển thể này – nó hoàn toàn không giúp gì học sinh nếu bạn nhỏ muốn tìm hiểu thêm về tác giả nhà văn trên, bởi nếu bạn muốn google, thì hẳn là tìm không ra. Trong khi đó, trẻ em bây giờ đi học có thể tìm kiếm điều các em muốn biết nếu tò mò.

Vậy đó, đó là cách nhiều bạn học sẽ lớn lên – trở thành thù ghét môn văn, môn viết, và cuối cùng là từ bỏ khả năng diễn đạt suôn sẻ những ý nghĩ bình thường nhất hàng ngày. Đó là lúc bạn sẽ gặp ngoài xã hội những giám đốc như anh Đặng Lê Nguyên Vũ – nắm trong tay một đế chế cà phê – nhưng không thể viết ba câu văn suôn sẻ phải thuê PR viết những từ sáo rỗng, ngôn từ quáng loạn. Đó là lúc bạn sẽ gặp những Shark, những tổng lên diễn đàn đọc băng băng câu chữ không buồn nghỉ ngắt làm tất cả khán giả mơ màng ngủ gục. Đó là lúc bạn thấy vô số trí thức, doanh nhân lên FB viết tùm lum thứ sai chính tả tùm lum.

Tôi nói vậy để bạn hiểu rành chính tả hay viết một câu văn gọn gàng không biến bạn thành người thành công. Những tỷ phú như anh Vũ cho biết dù bạn có viết một câu không nên hồn bạn vẫn có thể thành đạt.

Nhưng có những thứ khác không thuộc phạm trù đủ tiền thuê PR viết quảng cáo hay nhân viên viết thay, mà chỉ đơn giản là kỹ năng để bày tỏ cảm xúc, yêu mến những bày tỏ, và thích thú khi có thể làm cho nhau hiểu một cảm xúc hay những xao động bình thường trong đời. Ngôn ngữ làm những việc bình thường như vậy.

Bạn yêu ai đó – bạn muốn viết được một lời tỏ tình đúng tâm sự bạn.

Bạn giận ai đó – bạn ao ước nói được thành lời – để trút đi cái ức, và đưa về sự hiểu nhau.

Bạn thấy một ngày mây đẹp – có thể tả nó thành lời cho người yêu ở xa.

Bạn buồn biết bao trong một cuộc chia tay đi học xa – và có thể giãi bày điều đó với bạn thân của mình.

Bạn quan tâm vấn đề phức tạp như xã hội, luật, xã hội học – tất cả đều cần viên gạch ngôn ngữ để bạn đọc, tiêu hóa và diễn đạt lại.

Những cung bậc bình thường và quan trọng trong đời, cần ngôn ngữ, cần sự quan tâm, cần cả cách biểu đạt mà bạn dần xây dựng qua cuộc đời đọc và viết.

Nhưng bạn thấy đó, cách dạy và học viết học đọc ở Việt Nam tạo ra rất nhiều rào cản khiến người học sớm từ bỏ kỹ năng quan trọng trong đời như vậy.

Rồi bạn nhỏ bên trên sẽ vượt qua rào cản của phiên âm tên riêng tiếng nước ngoài để tới với những bài thơ hùng hồn rao giảng rỗng tuếch. Rồi bạn nhỏ sẽ đến với bài thơ “Đau khổ chi bằng mất tự do,/Đến buồn đi ỉa cũng không cho;” và phải ca ngợi thơ hay dù không hề hiểu nó hay ở chỗ nào, trong bối cảnh nào, vì sao hay, sự hay đó có liên quan đến cái đẹp thẩm mỹ nào không.

Rồi bạn nhỏ sẽ đến với những bài phân tích thủ pháp nghệ thuật Sóng Xuân Quỳnh Sống Mòn Chí Phèo Đồng Hào Có Ma và cố nhét thật nhiều những bình luận khen ngợi mà họ không hiểu vào tám trang giấy nộp để trở thành học sinh giỏi cấp trường, cấp thành phố.

Rồi sẽ có những bạn nhỏ sớm từ bỏ trang phân tích kinh viện để đi tìm nghe BTS, để đọc truyện tranh Nhật Bản, để đọc truyện dài kỳ Trung Quốc trên mạng. Họ cần đọc, nhưng họ thấy giảng đường chăng ra thiên la địa võng không liên quan đến cảm tính đời sống và sự trung thực với cuộc đời đang chảy trong tim họ.

Là một người học yêu chuyện viết từ sớm, tôi cắn răng vượt qua sự sáo rỗng của những bài thơ Tố Hữu viết. Tôi ước gì mình có thể viết một bài bình luận chê thơ ông dở vl. Nhưng có một đứa trong lớp tôi làm vậy, và nó bị nêu tên với điểm 2 đầy cảnh tỉnh. Những đứa khác ngó lơ và lặp lại vài lời nói dối vô nghĩa trong sách giải văn, kết thúc 12 năm lừa dối nhau (lừa hệ thống) để được vào đại học. Hầu hết bạn bè tôi từ bỏ việc tiếp tục mày mò với văn, thơ, hay những thứ gì tương tự. Có một đứa hay đùa, nó học được câu của một nhà văn nổi tiếng viết: “Xin vui lòng bỏ dép, và thơ, ngoài cửa” treo ở cổng nhà ông.

Tụi bạn tôi tuy có đeo dép về nhưng thơ thì bỏ luôn ngoài cửa sau thời ấy.

Tôi có những niềm vui nho nhỏ khi có thể diễn đạt được một chút cảm xúc phức tạp mà ai đó kể cho mình, hay mình trải qua. Việc viết và đọc cho tôi khả năng đó. Sự thỏa mãn vừa phải đó trong đời khiến tôi hạnh phúc khi có thể biểu đạt điều mình cần nói cho người đối diện.

Có những bài thơ tôi đọc của bạn học cùng lớp khiến tôi tin vào niềm vui đó. Bạn tôi viết về một lần đánh nhau với băng đảng gần nhà. Có bạn viết về chiếc xe cút kít cha bạn đã đẩy xi măng để nuôi bạn biết chữ. Rồi bạn khác kể về thời gian cả nhà bạn đi hái nho ở California, tay mẹ bạn rách bươm vì hái suốt mùa vất vả. Cũng có bạn viết về một chuyến bay, bạn ngồi trên bầu trời và thấy những cánh đồng hình tròn giữa sa mạc.

Tất cả những thứ trên không biến đứa nào trong chúng tôi thành tỷ phú, nhưng lại khiến chúng tôi yêu mến và giữ gìn những mảnh nhỏ trong đời, có người sẽ tạo hình nó, viết xong và thả nó đi về quá khứ. Có người viết để quá khứ ngừng lại và điều đẹp còn mãi. Có người viết để quên – nhớ – rồi chia lại cho người khác phần mình đã thấy, đã chạm vào.

Viết và đọc cho ta những niềm vui bé nhỏ quen thuộc miễn phí và thường ngày như vậy. Vậy tại sao việc học viết và đọc trong nhà trường lại diễn ra tàn nhẫn như thế?

Có thể bạn đang rất bận kiếm sống để con bạn có tiền đi học, và không có đủ thời gian nhìn xem tụi nhỏ đang học gì ở trường. Nhưng nếu bạn có thời gian, hãy dành thời gian để đọc với bạn nhỏ, để dắt bạn nhỏ qua những bãi mìn của ngôn từ và văn chương trường học, hãy bảo vệ niềm vui viết, đọc, viết đọc suốt đời của trẻ.

Tất nhiên, chuyện viết chẳng giúp ai thành tỷ phú được. Nhưng diễn tả được điều trái tim cần nói – sẽ làm ta không cô độc hát một khúc ca không ai hiểu trong đời này.

Khải Đơn

=======

Nếu bạn thấy bài viết có ích, xin hãy góp một tách cafe của bạn cho Quỹ Học Bổng Bông Sen tại đây cùng mình: https://bongsen.give.asia/campaign/will-you-swap-your-coffee-that-costs-3-5-for-a-child-meal#/activities

Advertisement

2 bình luận về “Tình yêu với trang viết – như một ngọn lửa tàn

Add yours

  1. Cảm nhận được trong lời văn của Khải Đơn, nhiều lúc tôi cũng muốn phóng thanh lên cao để vượt qua miệng hố của vực thẳm. Để cảnh tỉnh người “quen” quanh mình, nhưng hầu như xã hội thời nay chẳng khác đám mây “u tối” dầy đặc.

    Cảm ơn bài viết cua tác giả. Mến

    Thích

Comment

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

%d người thích bài này: