Nghe tim thành phố đập

Photo by Di_An_h on Unsplash

Năm 2016, ngày mưa làm Bangkok lấm lem. Trên Sanam Luang, hàng đoàn người nông dân quỳ mọp cầu nguyện cho nhà vua vừa chết. Trong quán cafe gần đó, trời đêm nhem nhuốc trong ánh đèn đỏ. Tôi xem đoạn phim tài liệu có một người đàn bà lần mò đi qua đường phố đến đại học Thammasat. Bà mẹ ấy đi tìm đứa con biến mất của bà sau thảm sát ngày 6 tháng 10 năm 1976.

Tiếng kinh cầu cho đức vua băng hà ngoài kia lấn qua sự im lặng của con người biến mất không tăm tích. Quá khứ ngày hôm đó luồn qua khe cửa đến ngồi bên cạnh. Tôi lúng túng đứng dậy rời quán và đi bộ về khi mưa tạnh. Bangkok nhớp nháp ẩm, không cách gì rũ bỏ được sự tồn tại của quá khứ dù sau bao cơn mưa chăng nữa.

Những người bạn tôi ở Bangkok không bao giờ ngừng nói về quá khứ. Họ làm thầy phù thủy, lầm rầm và làm tiếng vọng bật qua tường thương xá nhấp nháy hàng hiệu, qua những làn tàu điện BTS băng băng đi vào thịnh vượng.

Cho thành phố…

Có những ngày tôi thấy mình phân thân và bước đi như sinh vật không thể cảm nhận được da thịt đang mang vác linh hồn. Tôi nhét headphone vào tai, nghe “Mấy con mèo” Datmaniac rap:

“Đô thị vô vị
Là mảng bám mà vòm họng tồn đọng
Và ta đi xuyên qua nó với một tâm hồn rỗng”

Tôi bắt một chuyến bay về Sài Gòn, đến quán bar nằm trên chung cư cũ để nghe Datmaniac rap ngoài đời. Những hành lang và cầu thang nối lên tầng cao như lớp bụi rất kín che khuất một Sài Gòn thành thật và can đảm.

Tôi là thế hệ cực đoan, lớn lên và cảm thấy âm nhạc không liên quan đến mình. Tôi không nghe nhạc và từ chối nghe những bản tình ca ngọt ngào không liên quan đến hiện thực chảy qua kẽ tay mình mỗi ngày. Khi ấy tôi tin thế hệ trước tôi sống trong căn bệnh trầm kha bọc đường lịch sử.

Tôi không thể ngửi nổi nghe Lưu Quang Vũ ca ngợi cái nghèo trong những bức thư tình được suýt xoa truyền tay nhau trong giảng đường đại học: “về cái thành phố nghèo nơi người sống rất khổ mà vẫn luôn tìm cách để sống cho thanh thản trong nỗi khổ ấy, sống thanh thản và yên tĩnh”. Những nhà thơ ấy dùng ngôn từ bọc đường cho một thực tại khốn cùng mà họ đéo thể nào chịu nổi. Còn tôi, đứa trẻ lớn lên giữa chân dung của cái nghèo đến kiệt cùng phẩm giá, chẳng thể tin rằng nghèo có thể thanh thản và yên tĩnh hay nhã nhặn gì.

Tôi nhớ mẹ tôi ngấn nước mắt khi bà kể bà mang bầu tôi và bị phòng văn hóa cho thôi việc. Từ đó bà trở thành người mẹ thất nghiệp. Tôi tưởng tượng mình lớn phổng lên trong bụng mẹ, còn mẹ gầy rạc đi vì thiếu miếng ăn trong thập niên 80 đói từ miếng vải may quần đến muỗng đường pha nước trà đá.

Những ca khúc ngợi ca cái nghèo và đổ lỗi cho cô gái bỏ anh đi lấy chồng vì anh nghèo. Những khúc tình ca thành phố rùng rục hình ảnh hấp háy giả tạo như một người trang điểm dở phấn rơi thành lớp. Bạn bè tôi bảo tôi là dạng người đòi hỏi quá nhiều ở một bài hát. Chỉ là một giai điệu, cho vui, giải trí, làm gì phải nghiêm trọng.

Tôi thừa nhận mình quá nghiêm trọng hóa vấn đề và mỗi khi ai hỏi thích nghe nhạc gì, tôi thường nói mình không nghe nhạc vì không hiểu âm thanh.

Rồi tôi tìm đến những tình khúc sầu thương trước 75. Tôi phát hiện có rất nhiều thế hệ mê mẩn nó, trong những phòng trà giá vé tiền triệu đến những quán cafe ly nước 30 ngàn. 8x, 9x, 20x hát nhạc vàng, hát tình ca tiền chiến, hát những khúc tình ca phản chiến. Vừa cảm thấy tội lỗi, vừa cảm thấy mê mẩn, tôi không cố gắng hiểu vì sao mình có thể nghe “Ngựa hoang về tới bến sông rồi/Cởi mở lòng ra với cõi đời” than thở ỉ ôi nhưng không thể nghe “con bướm xinh” rần rần giữa phố ngày năm mới. Tại sao người ta cứ hát mãi “Rồi mộ chàng đã được ở cạnh nàng như lời xưa thề ước” trong cả đám ma và đám cưới.

Những buổi sáng ở Hòa Hưng, tôi đi bộ ra tiệm cafe đầu hẻm. Cô bật một băng nhạc cũ. Tiếng è è. Nghe xong tôi thấy tim mình chùng xuống và tôi đi về nhà vùi đầu vào giấc ngủ lúc chín giờ sáng. Hóa ra có một lớp người như tôi, thừa thãi thời gian, cuộc sống trầm lặng vô chủ đích, trăn trở khôn nguôi với sự tồn tại đang trôi tuột qua kẽ tay mỗi ngày sau mỗi giấc ngủ dài và tiếp tục mê man bằng những giấc ngủ dài khác.

Tôi chỉ không đủ can đảm để ngắm nhìn chính mình trong hiện thực rập rình trước mặt. Sài Gòn. Sài Gòn và giấc ngủ mệt.

Bạn tôi gửi cho tôi Datmaniac. Bài hát “Mấy con mèo” mở đầu thế này: “Như là đã chứng kiến tất cả một đời sống hối hả/Nhà tôi gần phố trong một lần đó” – lời rap mời tôi tham dự vào phần đời của người viết ca khúc. Bạn ấy ở đó, như tôi trong căn phòng trọ ngập nước ở quận 7, hay trên gác xép nóng hầm trên hẻm quận 10, ngắm nhìn người ghi đề lũ lượt kháo nhau một con số định mệnh cho buổi chiều số ra, để hôm sau được giàu chớp nhoáng hay chủ nợ sộc vào đập vỡ cửa sổ nhà. Tôi nghe thấy sự hối hả trong tiếng Datmaniac rap nhanh như tiếng xe máy cuốn vào nhau thành thác lũ ở thành phố cuồn cuộn muốn giàu.

Rồi ca khúc cũng đến chỗ “mấy con mèo” – cái tên của bài hát “Cuộc đời này con là đứa sau cùng của một đống đổ nát/Từ chỗ này sang chỗ khác”. Lúc đó tôi nhìn thấy mình đứng ở Thủ Thiêm, nhìn qua tòa nhà đang nháy ánh đèn bên kia sông, đáp lại ước vọng giàu có của mình. Dưới chân tôi, một phố thị đã qua đời. Hàng xóm ở chung cư An Lộc vừa đuổi đánh vợ ông xuống hành lang. Cả xóm túa ra. Tiếng gào khóc của trẻ con thảm thiết. Hóa ra những nền nhà gạch men xanh thắm lấm lem đất bùn này từng là mái ấm của những con người bị gỡ khỏi gốc rễ, và đẻ ra những đứa con trên đống đổ nát. “Mỡ mỏng” chắc đã hình thành như vậy thành một đoạn rap gãy gọn đủ đầy thương tích:

Lo những đứa nhỏ tiếc thương tuổi thơ mình hiện có
Nhà lầu đã nhiều, chỗ thả diều hay tất cả những chuyện đó
Vẫn tới trường trên sông, những khu vườn mênh mông
Đi xây công trường không tên quanh từng cánh rừng bên hông
Đi xuống đường tham gia quanh những bức tường bê-tông giam ta
Mong người Việt Nam thả người Việt Nam ra.
” (Mỡ mỏng – Datmaniac)

Rồi họ hò hát karaoke từ những khung cửa mà chắc Datmaniac cũng nghe, rồi thốt ra một mơ ước vừa lạc điệu vừa khốn khổ: “Dòng thời gian nào giúp cho tôi về được với tụi nhỏ
Nơi chúng nó vui đùa bên bụi cỏ
”, nơi những sinh phần vô danh như mấy con mèo hoang có chỗ để thở và tồn tại. Buồn cười ở chỗ, tôi đã nghe lại ca khúc này khi 13 con chó bị thiêu hủy ở Cà Mau trong dịch Covid. Không có chỗ tồn tại cho những thân phận vô danh, dù trong thời bình hay thời chiến, dù ở đô thị hay quê mùa.

Gương mặt của đô thị trong nhạc của Datmaniac rõ nét. Tôi không biết ai có thể viết về đô thị bằng quả tim đen cuả nó, không hoa không lệ, không lãng mạn dấm dớ, không có mưa Sài Gòn ngồi sau cửa kính than vãn ẩm ương.

Nhưng Datmaniac không cho những đứa thanh niên bi quan và kiệt quệ như tôi yên phận với lũ tình ca tiền chiến rên rỉ. Mấy con mèo cũng đến lúc có một đoạn cố tỏ ra thật lạc quan:

Nhưng em ơi khi có em cuộc sống sẽ vui hơn rất nhiều
Hơn tất cả những buổi chiều
Trên tất cả những chuỗi phiền

Quên vất vả ở tuổi mà chỉ để mặc cả với túi tiền”.

Cái nghèo không bọc đường như Lưu Quang Vũ. Không có cái đói thơm mùi yêu nước như Tố Hữu. cũng không rên rỉ “hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi” như Trịnh Công Sơn, như Datmaniac rap thành tên là, “Những bài học sắc máu mà con chỉ biết tôn sùng”. Đây là một thế hệ khác, nơi tiền được gọi tên, cuộc sống đấm vào da thịt và để lại vết bầm tím, nơi những thanh sắt vung lên có thể trả giá bằng thương tích thật chẳng mộng mơ gì.

Và thằng thanh niên đó, điên giận nồng nàn hay lấm lem nhìn bầy mèo bị giết, bị bắt làm thịt, cậu gọi tên mẹ để hòa giải với cuộc đời chống lại nó: “Và mẹ ơi con người không xấu xa
Họ phải quan tâm những điều để giấu ta
” –Đứa trẻ đó đang cố biện minh cho kẻ đã giết thịt bầy mèo.

Sự lương thiện thường mang hai mặt của phức cảm khiến người nghe bối rối. Một mặt tôi phẫn nộ không tả nổi, vì tôi đã mất không biết bao nhiêu người bạn thuở nhỏ vì bọn trộm chó mèo, hay cũng như mỗi khi báo chí và mạng xã hội bùng lên cuộc tranh luận nảy lửa khi một kẻ trộm chó bị dân làng đánh chết. Nhưng một mặt cơn giận xẹp dần và tan đi, người nghe (tôi) cố gắng tự trấn an mình “con người không xấu xa” như thằng đang hát. Tôi bật cười một mình giữa ngã tư ở Bangkok. Trên con đường tôi đi qua mỗi ngày, có hai cô nhỏ học sinh ngày nào cũng mang thức ăn đơm đầy thố cho mèo hoang. Tôi ước gì mèo của tôi có một thân phận khác, ở thành phố khác, không phải Biên Hòa và những quán thịt chó mèo giăng biển nhấp nháy. Hay lúc đó tôi đang ước mình có một số phận khác? Hay lúc đó, Datmaniac cho tôi một thái độ khác trong một thực tại lờ mờ khó gọi tên.

Tôi phát hiện Datmaniac chắc cũng rơi vào cuộc cãi cọ ồn ào trong đầu, khi đến một ca khúc vài năm sau này tên Mỡ Mỏng, cậu viết:

“Đâu đó giàu và tại đâu có nghèo
Thì người ta vẫn lấy thịt từ bồ câu, chó, mèo
Rừng cứu lấy người còn người đấu giá rừng
Việc tốt có mấy lần còn việc xấu quá chừng

Hóa ra sự sự vô tư tin vào lòng lương thiện có thể quay trở lại chất vấn chúng ta mỗi ngày, khi những giá trị bé nhỏ ta giữ trong bàn tay mình thuở nhỏ có thể bị vặt lông và giết thịt trong những lý lẽ vô cùng thực dụng của đời sống, giống như “rừng cứu lấy người còn người đấu giá rừng”, khi người đứng dưới chân cánh rừng đã bảo vệ nó và định nghĩa lại thịnh vượng là xẻ thịt người bảo vệ mình. Tới Mỡ Mỏng, tôi không còn thấy một thằng trai ở tuổi suy nghĩ thẳng thớm với cả người xấu mà nó không biết mặt, mà thấy một nhạc sĩ trưởng thành và nhìn thế giới trong bối cảnh cậu đi qua mỗi ngày. Đây là một nhạc sĩ đã không bọc đường chiến tranh cô du kích nhỏ giương cao súng, không vây vo sự bất lương bằng ngôn ngữ vờ vịt.

Rồi thỉnh thoảng tôi nhớ đến một đoạn cậu ta hay đọc rap “Biết đâu khi một mai ta thành công và tên mình in trên giấy tiền ?!/ Là một điều thật khó với bao niềm tin, /nếu ai đành cho ta lấy liền” (Ngắt ngưng – Datmaniac). Ôi những đứa thanh niên làm hòa với đời sống, làm hòa với những quả đấm móc vào vòm phổi tuổi trẻ bằng sự chân thành hài hước mà nó có thể đem ra bông đùa.

Và cho mẹ

Nhân vật mẹ xuất hiện rất nhiều trong nhạc của Datmaniac. Nó làm tôi nhớ về mẹ của tôi, và tất cả những bà mẹ tôi từng gặp, chỉ muốn con cái mình lương thiện như lúc họ sinh ra nó trong đời. Nhưng mẹ trong nhạc Datmaniac không giống những bà mẹ đầy định kiến giới phải ngồi dưới mưa già đi như chuối chín cây đợi đứa con khốn kiếp trở về ca ngợi bà.

Nhân vật mẹ của Datmaniac xuất hiện trong từng tế bào tồn tại của thằng con lông bông giữa phố thị. Thằng con đó “ngồi nhìn mẹ ngủ”, nó lao ra đường lang thang. Nó gây hấn. Nó chạy giữa những con hẻm. Nó quăng sách vở sau những chán chường lớp học, nhưng đứa con đó vẫn “ước con đừng làm mẹ buồn quá nhiều,quá nhiều như thế”, hoặc nó biết “mẹ ở đây và vì thế món cơm mới ngon.. ..những món canh.. Mẹ ơi!” – Những buổi chuyện trò trên ký túc xá đại học ngày mưa to, đám bạn tôi kể chuyện ở nhà mẹ nấu cho ăn gì. Hóa ra bến đậu của tuổi thơ không phải “mẹ ngồi ướt dưới mưa che đàn con nằm ngủ” rên rỉ làm anh hùng, mà chỉ là chớp sáng của khoảnh khắc ta được sống bình thường nhất có thể, với người ăn cùng ta ngàn bữa cơm trong đời sống mà không phải chen lấn ngộp thở để tồn tại theo những kỳ vọng vĩ mô mà đô thị dán lên người.

Mùa dịch Covid đến, thỉnh thoảng tôi nghe lại bài “Ở lại đây với con” dưới một góc nhìn khác. Một năm qua, nhiều bạn bè của tôi không còn người thân.

“Trôi qua bao nhiêu buồn đau
Ta đi đi đi về đâu
Ngày cho ai ?
Thôi không cần đâu
Ta xin một giây bình yên thế thôi”

Tôi đã gửi bài hát “Ở lại đây với con” với đoạn mở đầu bên trên cho bạn mình ngày bạn chia tay với mẹ và nhận về hũ tro. Lúc đó tôi ước một giây bình yên – và tôi cố gọi về xem bình yên có nghĩa là gì. Khi ấy, tiếng Datmaniac tiếp tục rap, gọi về bình yên, từ cơm canh, từ lúc đi kiếm đồ buộc tóc, từ buổi đi cùng nhau đến trường, từ cơm nóng, canh thơm. À bình yên là vậy. Thứ bình yên có thật, không tô trát làm màu có lẽ chỉ có nhạc rap làm được, khi đời sống quả quyết tàn bạo dẫm lên thân thể mình.

Hôm nay tôi chạy vài km trên đường giữa thành phố lạ. Trên phố một người vô gia cư cầm viên gạch và chọi vào cửa kiếng xe một chiếc xe hơi đi ngang. Ông đi về phía tôi cùng viên gạch ấy. Tôi quay xe đạp, nhét headphone vào tai và chạy về hướng ngược lại:

“Dân chúng thì cứ la làng,
ta đàn cho lũ mèo chạy lang thang
Trong ngôi nhà tan hoang máu đang tan..
áo vắt đang lan sang qua cái lan can
Bất ngờ ta mất tất cả..và ta xấc bấc..
từng tấc đất, lất phất mà ta bứt rứt” (Hỗn loạn – Datmaniac
)

Thành phố rữa nát chậm chạp trên đường đi qua.

Khải Đơn

======

Nhạc đề cập trong bài:
Mỡ mỏng: https://youtu.be/OLEGPZ-a4SY

Ở lại đây với con: https://www.youtube.com/watch?v=ePm-mAWWAMQ

Mấy con mèo: https://www.youtube.com/watch?v=QFZEqDdzoPo

Hỗn loạn: https://www.youtube.com/watch?v=w7frrehF0LQ

=====

Nếu bạn thấy bài viết có ích, xin hãy góp một tách cafe của bạn cho Quỹ Học Bổng Bông Sen tại đây cùng mình: https://bongsen.give.asia/campaign/will-you-swap-your-coffee-that-costs-3-5-for-a-child-meal#/activitie

Advertisement

Comment

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

%d người thích bài này: